TỰ DO VÀ NHÂN BẢN
Thời nay, nhân
loại đã mất dần niềm tin ở chính mình và ngày càng dựa vào khả năng chính trị,
xã hội hầu mong có được phúc lợi công cộng, sự an bình, thịnh vượng hoặc hạnh
phúc nhiều hơn. Bất kỳ lúc nào và ở đâu, người có quyền thế hứa hẹn, người làm
chính trị hứa hẹn, xã hội hứa hẹn, tổ chức hứa hẹn, chế độ chính trị hứa hẹn. Tất
cả tranh nhau hứa hẹn và như thế thành ra “cuộc chiến của những hứa hẹn” tiếp
diễn liên tục cho đến khi những giá trị văn hoá và tinh thần dần hồi phải hy
sinh oan uổng trong những cuộc tranh giành ưu thế chính trị. Con người những tưởng
có được nhiều chỗ dựa nhưng đồng thời xã hội trở nên phức tạp hơn bởi lẽ sự
xung đột, ngăn cách và chấp tranh vốn có ngày càng gia tăng. Đây là sự thật, nhất
là khi các tư tưởng và hệ thống xã hội đặc biệt áp đặt lên đời sống con người,
chủ trương chà đạp hoặc bất kể nhân bản và sự tồn tại độc lập của cá nhân. Phải
chăng tất cả những chỗ dựa ấy đã mang lại hạnh phúc như người ta mong đợi? Thực
tế cho thấy, gần như chúng đã làm cho con người ngày càng điêu đứng, loay hoay
như những con mồi trong mạng nhện và hạnh phúc mà họ đeo đuổi ngày càng trở nên
xa vời.
Ở những nước thực thi chế độ trung ương tập
quyền, những nước độc tài, độc đảng chuyên chế, sự thống trị dù mang nhãn hiệu
gì, được nguỵ biện, mị danh kiểu gì đi nữa rốt cuộc cũng đem đến cho xã hội những
phân hoá nhiễu nhương, đầy xung đột và thống khổ. Trong môi trường nguỵ tạo, bất
tương xứng ấy con người trở nên băng hoại trong khi vật lộn với cuộc sống bất
bình thường trong một mô hình xã hội nghịch nhiên để được sống còn. Bản năng thấp
hèn sẵn có, lòng tham, trí óc trì độn, thù hận và những đam mê dục vọng có cơ hội
hoành hành, đẩy con người dần hồi trở xuống những bậc thang của chủng loại. Nỗi
sợ hãi vốn có được kẻ cầm quyền, đảng độc tài cầm quyền khai thác và tạo cơ hội
phát triển trên miền đất màu mỡ - một xã hội khuôn mẫu định sẵn - của nó khiến
con người tự tìm chỗ trú sau vách ngăn tị hiềm, ích kỷ, bất công và bất nhân.
Do đó con người ngày càng lặn hụp sâu hơn trong phiền trược do chính mình gieo
trồng và gặt hái. Trong kiểu xã hội này thật không hoàn chỉnh khi nói rằng giá
trị đạo đức suy đồi bởi vì những giá trị ấy đã bị phá nát, và ở đây không còn
gì cả thì lấy đâu mà đo lường suy với thịnh một cách khác quan chứ?
Lịch sử đã chứng minh, Liên Xô và các nước cộng
sản Đông Âu đều đồng loạt mục nát và rủ nhau sụp đổ sau một thời gian khá dài
xây dựng thành trì chế độ độc đảng chuyên quyền trên nền tảng giả trá, đàn áp,
bóc lột từ sự ngược đãi dân chúng. Một ý hệ rất lôi cuốn và đầy sức cám dỗ - nhất
là đối với giới trẻ, nghe như “Thiên đàng trên Trái đất”, nhưng căn bản dựa
trên sự phỉnh lừa và tàn bạo đối với nhân loại. Bí Thư đảng Cộng Sản Nam tư
Milovan Djilas đã nói: “20 tuổi mà không theo cộng sản là vô tình. 40 tuổi mà
không từ bỏ cộng sản là đần độn” (Secretary General MIlovan Djilas: “At 20, if
you are not a communist you are heartless. At 40, if you do not abandon
communism you are brainless”), Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail
Gorbacheve cũng bảo: “Tôi đã bỏ nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi
phải đau buồn mà nói rằng đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”
(Soviet Secretary General Mikhail Gorbachev: “I have devote half of my life for
communism. Today, I am sad to say that the communist party only spreads
propaganda and deceit.”) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng làm việc
trong Ủy Ban an Ninh Nhà Nước Cộng Sản Liên Xô (KGB)) cũng đã nói: “Kẻ nào tin
cộng sản là không có đầu óc. Kẻ nào theo cộng sản là không có tình yêu”
(President Vlademir Putin: “He who believes the communists has no brain. He who
follows the communists has no heart”); Tổng thống Nga Boris Yeltsin, từng là bí
thư thứ nhất đảng Cộng sản Nga đã từng nói: “Miễn bàn đến Chủ nghĩa Cộng sản.
Chủ nghĩa Cộng sản chỉ là một ý tưởng, chỉ là chiếc bánh trên không” (Let’s not
talk about Comunism. Comunism was just an idea, just a pie in the sky”) và ông
cũng nói: “Cộng sản không thể sửa chữa được. Chúng phải bị trừ tiệt tận gốc rễ”
(Communists are incurable, they must be eradicated”).
Ngày nay, hầu hết những dân tộc may mắn trên
khắp thế giới đã bừng tỉnh, đổ xô nhau đòi lại quyền căn bản làm người. Thế có
nghĩa là họ có ý hướng quay về với nhân căn. Giá trị làm người đã bị xem như một
thứ xa xí hoặc chẳng ra gì dưới chế độ chuyên quyền. Thể chế chính trị ấy đã
hoang phí một thời gian dài và cuộc đời người dân để thử nghiệm một hệ tư tưởng
- ấy chỉ là sự tập hợp những mảnh vụn từ con người toàn vẹn. Quyền căn bản làm
người chỉ được trân qúi và tôn trọng trong thể chế tự do dân chủ thật sự. Đây
là sự thật hiển nhiên! Hiển nhiên không một ai có thể đòi lại được nhân quyền
trong hệ thống chính trị chuyên quyền, độc tài toàn trị bởi một lẽ đơn giản là
sự sống còn của kiểu chế độ này nhờ vào sự khước từ, sự chà đạp nhân quyền; lừa
gạt, mị dân và không đếm xỉa gì đến chân giá trị và tính độc lập toàn vẹn của
con người. Cho nên xưa nay đây là “trận chiến một mất một còn”, một cuộc tranh
đấu để sinh tồn.
Đã lâu vì bị chối từ giá trị nhân bản và con
người toàn vẹn, con người bị đẩy đến trước bờ vực thẳm của khủng hoảng và thống
khổ. Để nhận chân lẽ thật - tinh thần tự do, con người phải phá vỡ bức tường vô
minh mà người ta đã từng bước xây nên bằng những mê tin, dối trá, ảo tưởng và
hy vọng hão huyền. Đây quả là một việc không nhỏ và cũng không dễ dàng đối với
người bị trị, bởi sự vô minh không thể tiêu tan khi vẫn còn ôm mớ kinh nghiệm từ
trong sự băng hoại, phân hoá và những hiểu biết mơ hồ hay méo mó về chân giá trị
làm người. Nhưng dù sao đây cũng là một bắt đầu mới đáng khích lệ cho họ.
Tạo hóa nặn ra loài người hơn hẳn tất cả các
loài sinh vật khác, và giá như loài người khiêm cung thì đây quả là suối nguồn
hoan hỉ rồi. Chỉ có con người mới tự chi phối bởi cái nguyên căn chân lý và tự
do. Đó không phải là những cái vỏ bên ngoài cho nên nó không có bắt đầu và cũng
không có kết thúc - không ăn nhập gì với thời gian cả. Không cần gì cả – tuyệt nhiên không gì cả cho
bất kỳ ai hay tổ chức nào, một kiểu hay thể chế chính trị nào định nghĩa, tái định
nghĩa, ban cho hay bóc đi.
Tự do không phải là kết thúc, không phải là
đích điểm để đeo đuổi mà là ở sự tức thì – ngay ở hiện tại. Nhờ nhận ra căn
nguyên tự do – tự do không phải thủ đắc từ kiến thức - tự do giúp con người thắng
được những khát vọng mông lung, chế hoá được dục vọng đê hèn hay vọng tưởng đảo
điên, gieo hạt giống an bình cho tha nhân và làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Can
chi con người lại nhốt mình trong hệ tư tưởng - mô hình chính trị từ một học
thuyết chằng chịt những mâu thuẫn, trói buộc đảo điên - mầm mống của chiến
tranh, chết chóc và đau khổ? Toàn bộ chủ thuyết đồ sộ ấy, giần sang lại chỉ còn
vỏn vẹn trói buộc con người quẩn quanh ở “sự sản xuất vật chất, thu tóm và chia
phân thế nào” trong khi con người và cuộc đời còn có giá trị thiêng liêng cao cả,
vượt hẳn những giá trị vật chất hữu hình.
Hạnh phúc của con người tuyệt nhiên không chỉ
dựa vào giá trị hữu hạn của vật chất. Con người có tâm hồn cũng như có trí
năng; rồi cũng chính con người dùng cái trí trời ban cho ấy, đào bới chi li những
rác rưởi của cuộc đời và xã hội để nặn ra những ý hệ thật bất hạnh và khốn khổ
cho nhân loại – như chủ nghĩa Marxism. Thật ra chẳng khác nào con người giăng bẫy
trói chính mình, cũng như đem hạt giống ân điển ấy gieo vào nơi hoang tàn đổ
nát. Dù sáng trí, khổ công con người nặn ra những ý hệ gọi là cao siêu, thật ra
đó chỉ là những góc nhìn, những khía cạnh, những quan điểm, những lý lẽ manh
mún, từng phần của cái “toàn thể” cuộc sống của con người hàng triệu triệu năm
chẳng có gì thay đổi. Những phần chi li ấy dù sao cũng chỉ là những ý tưởng, học
thuyết của một hay vài người khéo khơi dậy và khai thác những phần bản năng thấp
hèn của con người. Tại sao loài người phải phí bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu thế
hệ để thí nghiệm? Và rồi cuối cùng gặt hái được gì nếu không phải là sự xung đột,
thoái hóa, mục ruỗng, băng hoại, phiền trược và thống khổ cứ mãi vây quanh con
người không có ngày chấm dứt?
Lý thuyết càng hấp dẫn thì bánh vẽ - sự hư ảo
càng lớn. Lớn bao nhiêu cũng vẫn là thứ không dùng được. Từ khi con người lọt
lòng mẹ đã mang cảm giác bất an - con người luôn sợ hãi: sợ hiện tại, chạy trốn
hiện tại, sợ cả tương lai và cả sợ những gì chưa hề biết. Nhưng rốt ráo, cái
đáng sợ đầu tiên và cuối cùng của con người là gì nếu không phải là sự mất liên
lạc với tha nhân - xa rời sự nối kết tương quan nhân loại. Con người chỉ nhận
ra mình hiện hữu đúng như con người khi nào nhận thấy mối tương giao đích thực
nhân bản mà thôi. Tham vọng quyền uy, danh vọng, tư lợi và sự sợ hãi là mục
tiêu của chủ thuyết chính trị phi nhân và hoang tưởng được gieo trồng và khai
thác triệt để cho đến khi mỗi con người tự xây cho mình một ốc đảo và từ đó mắc
xích tương quan nhân bản bị ngăn trở, cắt đứt. Một khi giá trị nhân bản không
còn thì con người và xã hội tránh sao khỏi băng hoại, phân hoá, vô đạo, xung đột,
nhiễu nhương thống khổ.
Chỉ có tự do - ngay lúc bước lên lề, thoát
ly sự ràng buộc bởi những thứ ấy con người mới lập tức nhận ra đâu là điều
chân, đâu là lẽ nguỵ và cũng lập tức thấy bình yên từ bên trong tâm hồn. Ngay
khi tương quan nhân bản bị coi thường, con người đã lạc bước, tự nộp mình cho tổ
chức cầm quyền, chỉ biết chạy đua “vâng theo” và mong chờ được ban cho sự an
tâm nào đó. Sự bình yên, sung sướng giả tạm đến rồi đi, chập chờn mơ hồ như chiếc
bóng ma. Hãy hình dung hình vẽ một nắm cỏ treo trước đầu con ngựa trong lúc nó
đang kéo xe. Dù miếng ăn hấp dẫn và khoảng cách mất tự do ấy tuy gần nhưng con
ngựa không bao giờ có thể đuổi kịp bó cỏ bằng sức mạnh, tốc độ và cố gắng của
nó. Chân lý và tự do cũng thế. Nó là cái hiện tiền được tri giác tức khắc. Nó
không thể là tương lai cho nên không bao giờ được mang đến từ một học thuyết -
từ một sự cố gắng bên ngoài. Và do đó, bất cứ những hứa hẹn nào cho điều này chỉ
là sự mê hoặc và lừa phỉnh. Người ta thường dễ bị lừa bởi lòng tham thoả mãn
khát vọng của chính mình. Lòng tham và dục vọng, lòng ganh tỵ và thù ghét,
thiên kiến và mê lầm biến con người thành kẻ mù quáng, cuồng tín, bè phái, nô lệ
- nạn nhân của những chiêu bài chính trị. Dĩ nhiên sự tuyên truyền từ những học
thuyết phi nhân luôn luôn được nghiên cứu tỉ mỉ, nguỵ trang và chuẩn bị rất kỹ
lưỡng và chu đáo nhằm đạt mục tiêu cũng như thợ săn chuyên nghiệp bẫy những con
mồi mà họ đã thừa biết đường đi nước buớc của chúng.
Tương giao đích thực nhân bản chỉ có cơ hội
sống còn ở những xã hội mà giá trị làm người được quí trọng. Xã hội, dân tộc,
chủ quyền lãnh thổ, văn hoá, chế độ chính trị … tất cả đều do sự hiện hữu của
loài người; nói cách khác, hết thảy đều tuyệt đối gắn liền với sự tồn tại độc lập
của mỗi cá nhân. Vì lẽ thật cũng như chân giá trị nhân bản đều sừng sững ở ngay
điểm tức thì - nó chỉ đơn giản như một giọt nước ròng trong đời sống hàng ngày
khiến người ta thường không đếm xỉa đến. Trong khi đó, con người cứ mãi dấn
thân vào những học thuyết cho là cao siêu với vọng tưởng cho rằng nhờ đó mà có
hạnh phúc. Nhưng những học thuyết, chủ nghĩa nào đi ngược lại lẽ thật sẽ nhất định
đưa loài người xuống thấp hơn bậc thang giá trị chủng loại. Dù sao đi nữa, những
dân tộc kém may mắn đã hy sinh bao nhiêu thế hệ để thí nghiệm các học thuyết ấy
để lãnh kết quả thảm hại! Và sự thiệt hại to lớn này không bao giờ có thể bù đắp
được bởi ngay mỗi phút giây trôi qua, cuộc đời sẽ không bao giờ quay lại.
Không ai có thể trở về ngày xửa ngày xưa để
sống thanh thản hoà mình vào thiên nhiên được. Nhưng trên đường tìm về cội nguồn
nhân bản tức là khai mở lại tình yêu
nguyên thể, ý thức về mình cũng như quan hệ với tha nhân, nhận thấy giá trị của
tự do, sống với công lý và lẽ đạo làm người, người dân trong các nước áp đặt chủ
nghĩa Marxism có nên đứng lên, nhảy ra khỏi chiếc xe lôi lỗi thời và mục nát
đang khập khiễng chạy lòng vòng trong nghĩa địa của chủ nghĩa Mác (Marxism) để
chọn cho mình một mô hình xã hội và thể chế chính trị mang lại một xã hội an
bình, thịnh vượng và hạnh phúc, ở đó quyền làm người – cái quyền Trời cho, bất
khả xâm phạm được tôn quí? Vâng, thiết tưởng có thể họ rất mong được như thế.
Nhưng khốn thay! Tuyệt đại đa số người dân, người cầm quyền lớn nhỏ cũng chẳng
khác, cái vỏ bọc sợ hãi của mỗi người được củng cố ngày này qua ngày khác đã trở
nên dày cộm. Người người tự cô lập, mối tương quan nhân bản hoàn toàn bị ngăn
trở và con người đã thật sự đánh mất sự tồn tại độc lập cá nhân trong đời sống
khuất phục bạo quyền. “Gọi dạ bảo vâng” đã trở thành tập quán sâu dày khiến ý
chí mai một và niềm tự tin của họ cũng đã tàn rụi. Lẽ thật không còn nền tảng
và tương quan nhân bản không còn chỗ đứng trong hình thái xã hội này. Vì thế
người dân khó mà tập trung sức để cùng nhóm lên và giữ vững ngọn lửa cách mạng.
Đây chính là kiểu thành công thật sự của chế độc độc tài. Và bất kỳ ở đâu, ngay
cả ở nước tự do, khi xuất hiện sự tuyên truyền nghe như để giúp đỡ nhưng thực
chất nhà cầm quyền tóm thâu và mở rộng quyền lực đến tận địa phương và mọi
ngành để dễ bề thống trị người dân; khi nào con người cảm thấy kiểu sợ hãi, luồn
cúi, nịnh bợ nói trên thì họ nên hiểu rằng cộng sản đã đến quanh đây rồi.
Đảo mắt vòng quanh thế giới để xem ở đâu có
một nền chính trị hiện đại thích hợp và bền vững mà các dân tộc trên thế giới đều
ngưỡng mộ và hàng triệu người liều mạng để chen chân vào? Hoa Kỳ - ở đây một Hiến
Pháp rõ ràng, một nguyên tắc phân quyền hợp lý; một tiềm năng thật sự ở đây là
dân chủ và tự do. Phải nói đây là một tác phẩm tuyệt vời của nhân loại trong thời
hiện đại dựa trên qui luật sinh tồn tự nhiên, bắt nguồn từ sự quí trọng nhân quyền
và sự tồn tại độc lập của cá nhân.
Tuy nhiên, để giữ gìn thể chế chính trị, xã
hội thăng bằng và nền văn hoá bền vững tốt đẹp, người dân ở đây cần chứng tỏ
tinh thần cảnh giác cao độ đối với những chính sách khơi dậy hoặc khai thác dục
vọng thấp hèn làm suy đồi nhân căn và dần hồi tước đi tự do căn bản của con người;
nhất là trước khi ủng hộ những đề nghị chính sách mới vượt quá nguyên tắc đạo đức
làm người từ các đảng phái chính trị, đặc biệt là đối với những dự luật dành
quyền lợi cho phe nhóm mà không ai phải gánh chịu trách nhiệm gì.
Là dân Hoa Kỳ dù từ nguồn gốc nào, chúng ta
đừng bao giờ quên rằng tinh thần và sự tự do mà ta đang có như là một phúc báu
- như không khí chúng ta đang thở. Phúc càng lớn thì sự đòi hỏi tinh thần cảnh
giác, ý thức trách nhiệm ở chúng ta càng cao để giữ gìn. “Phàm làm việc gì cũng nên nghĩ đến hậu quả của nó” là câu châm ngôn
mà người Việt thường dùng. Thử nghĩ xem phải chăng chúng ta đang ở trong thời kỳ
an bình thịnh trị? Những giá trị nhân đạo cũng như văn minh tinh thần được phát
huy? Hay ngược lại, tất cả những giá trị căn bản ấy đang bị chúng ta làm hỏng
hay tàn phá dù chỉ bằng một lá phiếu? Vì chúng ta và tương lai nhiều đời con
cháu, những câu hỏi này có thể giúp chúng ta quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm
trực tiếp của chúng ta khi đối mặt với tất cả những vấn đề của cuộc sống hiện tại.
Óc bè phái thiên vị, cuồng tín khiến người
ta mù quáng, nhắm mắt cổ võ cho chiến thắng của “đảng ta” trong lúc điều mà con
người cần là sáng suốt, kiên trì gìn giữ những gì tốt đẹp có giá trị vĩnh cửu.
Trong xử thế tiếp vật, nguyên tắc nhân – nghĩa - lễ - trí – tín luôn luôn có
giá trị mang lại một xã hội an bình. Mong sao thế hệ trẻ gốc Việt nối gót cha
ông gìn giữ đạo làm người, hành xử hợp lẽ phải với tất cả bằng lương tâm trong
sáng; lễ trọng trong tương giao với tha nhân; trí tri tận tường sự thật những
gì xảy ra và hệ quả của nó bây giờ và trong tương lai. Đó là căn đức “ngũ thường” trong mối tương
quan nhân loại đã gắn liền với nền văn hóa hàng nghìn năm của người Việt. Phải
chăng chúng ta cần phát huy những đức ấy để chúng tiếp tục mọc rễ, đâm chồi và
phát triển cho xã hội này mỗi ngày một tốt hơn, hoặc cứ việc a dua theo đảng
phái nào mang lại thoả mãn bản năng thấp hèn và quyền lợi nhỏ nhen nhất thời hoặc
địa vị chính trị của chúng ta? Có nên chăng, chúng ta cứ dần hồi buông bỏ hay
bán rẻ từng phần quyền tự do mà chúng ta đang có?
Chắc chắn chúng ta sẽ hối tiếc vô cùng nếu
có ngày nào thức tỉnh và thấy ta đang ngồi trên chiếc xe cọc cạch dẫn ta về
nghĩa địa của chủ nghĩa Marx-Lenin, nơi mà chúng ta đã vứt tất cả và liều thân
trốn bỏ. Và sau cùng câu hỏi này dành cho chúng ta - những người yêu chuộng tự
do và nhân bản: Chúng ta chọn lựa bắt đầu một cuộc thay đổi khẩn thiết từ bên
trong để cải thiện chính mình ngay bây giờ ngõ hầu góp phần cải cách xã hội tốt
đẹp, an bình hơn, nơi mà chúng ta sống cả đời theo đuổi hạnh phúc hoặc ngược lại
chúng ta vô cảm tiếp tục tán dương những thay đổi đẩy chúng ta xa rời nhân đạo
và nguyên tắc làm người, mặc cho xã hội mỗi ngày một hỗn loạn, thống khổ hơn? Ví
dụ, chúng ta nghĩ gì về tự do phá thai hoặc em bé 15 tuổi có thể mua đồ ngừa
thai mà không cần báo cho cha mẹ biết, hoặc hợp pháp hoá ma túy, hoặc vì địa vị
chính trị của “đảng ta” mà bất chấp những hệ quả của một xã hội bất an…? Một xã
hội tự do mà con người thiếu quan tâm gìn giữ tinh thần chân - thiện - mỹ, hướng
đến việc hoàn thiện nhân bản ắt phải có luật lệ không đếm hết – nhưng không bao
giờ đủ để duy trì an bình xã hội, bởi chính sự tự do sẽ tự hủy hoại, nhất là
qua những mưu đồ chính trị. An bình thật sự chỉ có thể có từ lương tri trong
sáng và nhân bản trong mọi tương quan.
Không được may mắn như người bản xứ, người
công dân gốc Việt - từ một dân tộc đã từng trải qua lịch sử tranh đấu cho sự tồn
vong khá dài và đã nếm biết bao bài học đau thương mất mát. Lẽ thường chúng ta
phải tỏ ra hơn hẳn trong sự phán đoán, chọn lựa, đóng góp của mình; luôn luôn
nhìn kỹ những gì đang xảy ra trước mắt; nhìn toàn thể bức tranh so với nền tảng
tự do chân chính và giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại mà chúng ta muốn gìn
giữ. Và chúng ta cùng phóng tầm mắt về
viễn ảnh tương lai của xã hội, rồi tự hỏi chúng ta có thể giúp gì để ngăn ngừa
bất kỳ sự đảo nghịch thiên lý cũng như những mưu toan nào biến đổi xã hội thành
kiểu mẫu mà không ai trong chúng ta mong muốn.
Vĩnh Tường
No comments