Tin Mới

VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC CON EM NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT

Để hội nhập với cuộc sống trên quê hương mới, chúng ta đã phải nhanh chóng hy sinh những truyền thống, phong tục tập quán của mình để tiếp nhận những thay đổi. Những cái mới, những giá trị xã hội, những đặc trưng văn hóa của người Âu-Mỹ nhiều khi đánh đổ hẳn hay làm đảo ngược những thành kiến lâu đời của dân tộc. Điều này đã làm cho rất nhiều cha mẹ thất vọng và hoài nghi thậm chí không thể chấp nhận nổi những thay đổi phong cách tương giao giữa cha mẹ và con cái, con cái với tha nhân. Phản ứng có thể là chấp nhận thầm lặng đau khổ, bỏ mặc, buông xuôi hoặc nệ cổ, cưỡng bức con em tuân thủ và gìn giữ những khuôn phép được cho là có giá trị truyền thống…

Những phản ứng nhất thời hoặc bằng phương thức có chủ tâm nhưng không thích hợp đã làm cho cả hai bên - cha mẹ và con cái phân cực và hệ quả là cùng leo thang chấp tranh, xung đột, thất bại và đau khổ. Trước khi đi sâu hơn về những khó khăn trong việc giáo dục con em chúng ta trong thời đại này mà gần nhất là ở nơi ta đang sống có lẽ chúng ta nên biết vài khác biệt về đặc trưng văn hoá của chúng ta và của người bản xứ.

Người Mỹ rất hiếu khách và tôn trọng nhân bản có thể nói là nhất thế giới; họ rất sẵn lòng hướng dẫn, giúp đỡ bất kỳ ai khi cần và sự đáp lại chỉ là lời cảm ơn thông thường. Đây là thói quen nổi bật trong trong tương giao của người Mỹ - khác với quan niệm bám rễ trong tương quan của số đông người Việt: làm ơn để “tích phước”, giúp đỡ người vì nghĩ đến ngày mai sẽ được phúc đáp lại! Trong giáo dục điều này có hẹp hòi, gò bó không, mỗi người chúng ta tự thẩm định lấy. Ngay cả đối với thú vật người Mỹ cũng tỏ ra rất nhân đạo; họ rất coi trọng bình đẳng và tự do cá nhân; họ có lối sống coi trọng thời gian và kế hoạch; họ có tác phong công nghiệp; họ coi trọng “giấy trắng mực đen”; họ có tập quán dựa vào luật pháp - họ rất tin tưởng ở luật pháp và hiếm khi thấy họ bỏ thời gian mong chờ sự phân giải bằng lẽ phải thông thường, bằng lương tâm. Họ đã có trình độ dân trí, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao; là công dân thuần thành trong xã hội có nền văn minh dân chủ pháp trị vững vàng nhất thế giới.

Trong khi đó người Việt chúng ta đã được hun đúc nhiều đời bằng nền văn minh lễ trị; nay chúng ta lại đổi đời cùng sống chung, chập chững trong xã hội mới – xã hội có nền dân chủ pháp trị. Người Việt trên dưới 90 % dân số sống bằng nông nghiệp trong thời gian khá dài. Bên ruộng đồng, làng mạc, bên núi rừng, sông biển thiên nhiên, chúng ta sống gắn bó với nhau bằng tình làng nghĩa xóm đầy tính dân tộc. Trước đây chúng ta sống với nhau thường rất đơn thuần trong suốt chiều dài lịch sử bằng lương tri, bằng tình người, tình đồng bào và luật pháp đối với người Việt thường được xem là thứ yếu. Chính vì vậy mà hầu hết chúng ta ít nhiều còn thói quen thường mong chờ ở tha nhân tình cảm thông nhân loại và sự phán xét của lương tâm; khổ nỗi lương tâm không có điều khoản, số mục và mức độ thưởng phạt thì lấy đâu mà luận! Ở một nơi mà “Thì giờ là tiền bạc” (Time is money) chúng ta sẽ trở nên hụt hẫng, ngỡ ngàng. Về quyền lợi thực dụng thì chúng ta có thể không kịp người nhưng sự khác biệt này không hẳn là điều tệ hại mà ngược lại đây mới thật sự là văn minh – đó là văn minh tinh thần đáng cho chúng ta tự hào. Ít nhiều, đây chính là chút dư âm của nền văn hóa bốn nghìn năm, là đặc trưng của dân tộc Việt. Người ta thường bảo giáo dục con em giữ gìn văn hoá dân tộc nhưng giữ cái gì và giữ như thế nào quả là một câu hỏi lớn vì con em chúng ta đang sống và lớn lên ở đây.

 

Vì nhu cầu trật tự, an bình xã hội người ta không ngừng đặt ra hàng khối luật lệ trong khi hàng ngày sống chung với nhau chỉ bằng lẽ phải thông thường (common sense). Do đó sự đóng góp nhiều nhất vào căn nguyên an bình thuộc về những ai còn lương tri mẫn nhuệ, lương năng cao.

Thật vậy, thông thường không phải ai cũng hiểu hết, nhớ hết luật lệ. Luật pháp nghiêm minh dựa trên nền tảng công lí và sự bình đẳng, ý thức quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm của người dân là những điều căn bản và thiết thực để có được trật tự xã hội. Nhưng luật lệ có hay đến mấy cũng không bao giờ đáp ứng được hết nhu cầu mang lại an lạc cho cá nhân vì dù sao nó cũng vẫn từ bên ngoài, là biện pháp thuộc xã hội nhằm sửa trị, lập lại và duy trì trật tự. Trong khi đó nguồn gốc của sự xáo trộn bất an là do ở chính con người – đó là lương tri bị bít lấp.

Con người sống chung với nhau qua ý thức về lẽ phải thông thường, căn bản lương tri chứ không ai hiểu biết luật lệ trước để dựa theo đó mà xử thế tiếp vật. Bất kỳ ở đâu, vào thời điểm nào, sự thiếu mất căn bản này đã tạo nên sự dựa hẳn vào luật pháp. Trong cuộc đua tìm hạnh phúc, con người đã tự làm khó cho mình bởi nơi đâu có lòng tham lam lợi lộc, danh vọng và quyền uy; có đố kỵ, căm thù; có trí trá, gian manh, si mê lầm lạc ở chốn thị phi thì ở đó có mâu thuẫn, xung đột, chấp tranh, va chạm, sợ hãi, dằn vặt, thống khổ. Hạnh phúc không phải chỉ bị những chướng ngại do chính con người tự đặt trên mặt đường ngay từ bước đầu mà còn tự tàn phá bên trong của chính mình. Con người vẫn không ngừng chế thắng lẫn nhau bằng những khe hở của luật pháp. Khi có trở ngại, bất hòa trong tương giao, hơn thiệt một tí cũng kéo nhau ra toà! Cái tuyệt diệu nhất vẫn thường hằng ở chỗ đơn giản quen thuộc và bình thường nhất; đó chính là lương tri – là lẽ phải thông thường. Thế nhưng, cuộc sống quay cuồng bởi nhu cầu vật chất và những nỗi sợ hãi không rời đã khiến cho lương tri con người và luật pháp thường đặt lên bàn cân chọn lựa đóng, mở. Nếu bằng luật pháp mà giành được phần thắng về mình thì con người ngày nay rất sẵn sàng đóng cửa lương tri! Sự va chạm, mâu thuẫn, xung đột, chấp tranh thường xuyên trong đời sống đã khiến con người dựa hẳn vào cái đúng giả tạm từ bên bên ngoài và hầu như việc xử thế tiếp vật trong đời sống hàng ngày cũng phó thác cả cho sức mạnh của luật pháp. Thật vậy, sự quán chiếu soi rọi lời nói và hành vi nhất cử nhất động trong xử thế tiếp vật của mình hầu như chỉ còn là việc làm của các thiền giả, các nhà tu!

Ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khoa học kỹ thuật phát triển tột đỉnh phi thường gần như có thể nuốt chửng thời gian và cả ý nghĩa cuộc sống của con người. Con người đang có nguy cơ bị máy móc hoá ngày càng cách ngăn và tình yêu thương có thể ngày càng trở nên chai lì, khô cạn. Những ai còn giữ được căn bản đạo lý làm người – đức nhân mà Khổng Tử bảo là cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái - thì không mấy khi phải đối đầu với những rắc rối phiền nhiễu khó hoà giải trong tương giao, hoặc ít ra cũng góp phần tạo cho xã hội tốt đẹp hơn. Cốt lõi đơn giản nhưng tuyệt vời của đức nhân [Nhân: () theo từ nguyên gồm chữ nhân () là người và nhị () nghĩa là hai] Đây là căn đức và cũng là nguyên lý hễ đầy quá thì tràn, hễ nghiêng quá thì đổ. Quân bình là nghệ thuật tuyệt diệu của nhân sinh mà trong suốt quá trình trưởng thành của con người, giáo dục tương giao nhân bản không nên thờ ơ, xa rời.

Giáo dục bây giờ rất khác xưa, và đã thật sự trở thành mối băn khoăn không nhỏ cho những ai để tâm đến đời sống tinh thần của con em mình.

Cái khó khăn lớn nhất trong việc giáo dục con em chúng ta không còn ở chỗ thiếu phương tiện vật chất, cơm áo, gạo tiền, sách vở mà nghiêng hẳn về mặt tinh thần, nhất là đối với người Mỹ gốc Việt. Thứ nhất là sự mất quân bình giữa tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật và giáo dục nhân văn. Giáo dục căn bản làm người tức là giáo dục “nhân đạo” có tính tiệm tiến, cần có thời gian để thẩm thấu nhưng trong điều kiện hiện tại thật khó hoàn thiện. Và dù ta “ngốn ngấu” cho bằng được thì vẫn không sao đuổi kịp để lập lại quân bình với sự phát triển khoa học, đặc biệt là ở lãnh vực thông tin. Con người phát minh khoa học kỹ thuật nhanh đến mức vượt quá sức tưởng tượng; những thành tựu này đem lại rất nhiều phương tiện lợi ích cho đời sống nhưng dĩ nhiên nó cũng mang theo những bất lợi không nhỏ chút nào. Đây là nguyên lý bất biến – theo sau ánh sáng chói thì có bóng tối cũng dày. Nếu không khéo kịp thời chỉnh đốn lại chính con người thì những tiến bộ này sẽ làm chủ và con người buộc phải quay cuồng như chiếc máy học hỏi để bắt kịp đà phát minh phương tiện kỹ thuật thay vì sống hạnh phúc với ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Chính phủ không ngừng cải tiến ngành giáo dục nhưng hầu hết chỉ chú trọng đến ngân sách, hướng nghiệp, chuyên môn và luật lệ để giữ gìn trật tự, ngăn ngừa những hành vi thô bạo còn về giáo dục con người thì vẫn đặc biệt tin tưởng ở nền giáo dục nhân bản tốt đẹp cố hữu đã thành nếp tương giao trong đời sống thường nhật chan hòa trong quan hệ gia đình và trường học. Tuy nhiên, nếu không coi trọng và đối diện với những đổi thay, xáo trộn, mất thăng bằng hiện ngày càng lớn do sự tương tác, pha trộn xô bồ những phong tục tập quán và dị biệt tôn giáo của nhiều dân tộc trên khắp thế giới và do nhu cầu cuộc sống vật chất thúc bách buộc phải đuổi kịp phát minh khoa học thì chắc chắn một ngày mai không xa sẽ có nhiều vấn đề khó khăn chồng chất cần đặc biệt quan tâm. Thứ hai là những giá trị truyền thống, tập quán giáo dục đơn sơ thuộc dân tộc không còn mấy phù hợp và không đủ sức thuyết phục để ứng phó với tình hình và môi trường giáo dục con em hiện nay, nhất là khi cha mẹ phải đối đầu tiếp nhận và thanh lọc khối lượng thông tin hỗn độn, khổng lồ từ những nơi phồn hoa đô hội đến các hang cùng ngõ hẽm đói rách bần cùng, từ nơi văn minh khoa học tột đỉnh và cả ở nơi con người còn cuộc sống bán khai hay sống đời nô lệ dưới các chế độ chính trị phi nhân. Thứ ba là cha mẹ chẳng những thiếu vốn kiến thức về tâm lý giáo dục con em mà còn không có thời gian để nghiên cứu, học hỏi cho nên một số không tránh khỏi băn khoăn, lúng túng về phương hướng giáo dục con em sao cho phù hợp đôi bên, gia đình Việt nam và cuộc sống mới bên ngoài; số còn lại không nhỏ vẫn quay về với lối cổ truyền – “yêu cho roi cho vọt,…”, nuôi dạy con em theo thói quen như ông bà cha mẹ ta đã từng làm trong khi con em chúng ta đang sống trong môi trường mà tương giao giữa con người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những phong cách sống xa lạ và đa dạng. Khó khăn này đã mang lại không ít thất bại đắng cay, chia lìa, đổ vỡ quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến con em phải rơi vào ngõ cụt không lối thoát hoặc buông mình theo bè nhóm xa rời cuộc sống bình thường, bất chấp tương lai đen tối. Giá trị gia đình nhiều khi bị lật tung vì đối đầu với khó khăn khác biệt văn hoá giữa các thế hệ Việt-Mỹ bằng phản ứng không thích hợp. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều căn bản vẫn là chúng ta cần làm gì để con em chúng ta cảm thụ được đức nhân, có tư cách tốt, phẩm chất quý để chúng trưởng thành với tâm hồn trong sáng, vững chãi với nhân sinh quan nhân bản, vượt qua những bản năng thấp hèn. Được vậy thì mặc cho những băng hoại nhiễu nhương của nhân loại trong thời hiện đại, chúng ta không còn lo ngại con em chúng ta bị lôi kéo trở nên tha hoá, hư hỏng.

Đến đây, chúng ta có thể kể sơ những con số đáng ngại về sự bạo hành bằng súng đạn ở học đường. Theo tài liệu thống kê cho thấy con số này tăng dần trong những thập niên qua. Thập niên 1960 17 vụ, thập niên 1970 23 vụ, thập niên 1980 30 vụ, thập niên 1990 40 vụ, thập niên 2000 48 vụ và thập niên 2010 mới chỉ trong vòng 3 năm, từ 2010 đến tháng 3 2014 đã lên đến con số kỷ lục 96 vụ.

(Theo:

http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_school_shootings_in_the_United_States)

Chính trị có thể đổ lỗi cho súng đạn nhưng thực chất của vấn đề không phải chỉ là ở đó. Vũ khí không biết nói, không có suy nghĩ và không thể quyết định được điều gì nếu không có những con người tha hoá. Một điều vô cùng quan trọng mà ít ai để ý, đó là trong đạo trị nước, ở đâu và thời nào mà “nhân đạo” - đạo làm người được coi trọng như từ xưa trong thời phong kiến và nay trong các nước có chế độ tự do dân chủ, tư cách, tác phong, thái độ xử thế cũng như mỗi lời nói của người lãnh đạo trước quốc dân có tầm ảnh hưởng góp phần rất lớn mang lại an bình hoặc ngược lại rất dễ dàng kích động phân rẽ, chấp tranh mang đến khổ đau tràn lan sâu rộng và lâu dài cho xã hội. Riêng ở nước có chế độ độc tài, độc đảng toàn trị thì khía cạnh nhân đạo, và vấn đề này không cần bàn đến vì vị trí của “con người” trong đời này và ý nghĩa cuộc sống đã phải nhường chỗ cho chủ nghĩa lý tưởng thiên đàng trên trái đất một ngày không bao giờ tới.

Những giá trị nhân bản, lẽ phải và tình yêu, sự nối kết, quan hệ tương giao tốt đẹp của nhân loại không dễ gì một sớm một chiều có thể xây dựng được. Trong khi kích hoạt, nâng lên và giữ gìn thật khó khăn, tốn nhiều tâm huyết và thời gian thì tiếc thay những giá trị ấy lại dễ dàng bị đổ đi trong phút chốc, không nuối tiếc vì những chấp tranh và mưu toan chính trị! Quyền hành, lợi lộc, danh vọng làm cho con người ngày càng chia rẽ, cách ngăn, xung đột, chấp tranh và thống khổ. Cái tâm bi mẫn không còn nhạy bén, lòng trắc ẩn chai lì, khô cạn và tình yêu chỉ còn lại như sỏi đá khô cằn trên dòng suối lấp mất đầu nguồn. Tương giao nhân loại ngày càng trở nên khô cằn, máy móc vận hành bởi hấp lực của quyền uy, danh vọng và lợi lộc. Đây quả là điều đáng ngại vô cùng!

Trong khi có nơi người ta dùng cả trẻ em vì mục tiêu lý tưởng, chính trị nào đó. Một lần - không bao giờ có nữa – chúng sẵn sàng tự nguyện cảm tử, vứt đi sinh mạng, thịt xương văng từng mảnh, máu me vung vãi khắp nơi để giết được nhiều người khác không cùng chí hướng và trẻ ấy được vinh danh “anh hùng”, được ghi vào sử sách của họ thì ngược lại ở đây phải chăng chúng ta nên dạy con em chúng ta rằng tự hủy hoại thân xác dù một giọt máu cũng là bất hiếu; là bội ân với cha mẹ, tổ tiên và trời đất; là điều tồi tệ; là hèn nhát; dạy cho chúng không vì bất kỳ lý do gì hay chủ thuyết nào mà tự hủy hoại. Quí trọng thân tâm là bước đầu ý thức về mình và hạnh phúc.

   Chúng ta không khỏi đau lòng trước những sự kiện ấy và không khỏi lo cho tương lai của con em mình. Thời gian quan tâm đến con cái chúng ta vẫn còn thiếu. Điều mà chúng ta cần là mở lối cho con cái chúng ta nẩy mầm chân-thiện-mỹ và tình thương cũng như tiêm cho chúng chất miễn nhiễm vĩnh viễn tinh hoa của nhân loại.

   Thật vậy trong tình thương uyên nguyên tuyệt không có hình tướng để phân biệt, kỳ thị. Chính tình thương ấy giúp ta nhạy bén nhận biết tức thì, thấu cảm những xung đột khổ đau của người và chỉ có chính nó mới có khả năng thúc đẩy ta mang niềm vui đến cho họ. Nó là thứ không phải tìm cầu, không phải luyện tập, không có tại vì, không có cho nên và hoàn toàn không có mốc điểm thời gian. Tình thương uyên nguyên ấy luôn hiện tiền cùng sự sống. Một khi có bất kỳ lý do, duyên cớ hay tiêu điểm gì chen vào, tình thương ấy tức thì không còn nữa.

Con em của chúng ta không thể bị lý tưởng tương lai của chúng ta uốn nắn vào một khuôn khổ nhất định để buộc nó “sẽ là” trong lúc con người “hiện là” của chúng là một chỉnh thể độc lập và toàn vẹn. Con em chúng ta cần được sự giáo dục đích thực nhân bản, nuôi dưỡng tình yêu thương này, khuyến khích sự hiểu biết về cá nhân của chúng, giúp chúng biết những gì mà chúng cần lĩnh hội và tạo môi trường cho chúng tự do phát triển một cách đầy đủ như con người đúng nghĩa độc lập và toàn vẹn. Nếu được như thế, chúng ta sẽ nhẹ gánh vì con em chúng ta đã tự truyền thừa được tình yêu thương và lương tri đi trước luật pháp; chắc chắn chúng sẽ dễ dàng tìm thấy thanh tâm an lạc cho cá nhân và trưởng thành những nhân tố căn bản cho sự an bình trong nhân loại cho dù bất kỳ ở đâu, trong thời gian, môi trường và hoàn cảnh nào.

Một khi đã là cha mẹ ‘người ta’ rồi, chắc chắn bạn có những cảm giác mới mà các bạn chưa bao giờ tưởng tượng được. Bạn không kể hết sự cảm kích khi bạn có trong lòng bàn tay một sinh mạng mà bạn đã đem đến cho thế giới này. Tình yêu thương của cha mẹ muốn trao ra cũng như trách nhiệm mà bạn muốn tình nguyện gánh lấy không thể nào tả hết. Bạn có nhận ra vì sao bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc không? Có khi nào bạn để ý đến điều này không? Hạnh phúc ấy không đâu khác hơn là do tình thương yêu tự nhiên trao ra không bờ bến, và một tấm lòng hoan hỉ muốn được nhận những trách nhiệm làm sao cho đứa bé tí hon này lớn lên thành người tốt cho chính nó. Chỉ có thế thôi. Và quà của bạn là bạn sung sướng khi thấy bé lớn khôn từng ngày; bạn vui và quên đi ưu phiền với tiếng cười nói và những cử chỉ hồn nhiên của trẻ thơ. Bạn phải vất vả chăm sóc con cái khi chúng không được khỏe; bạn xót xa buồn phiền cưu mang dù con mình lỡ hư hỏng.

Có khi nào bạn nghĩ rằng ta nuôi bé vì mong mai kia khi lớn lên nó sẽ đáp đền công ơn của ta hay không? Nếu có thì quả là một chuyện bất thường: bạn không còn thực hiện thiên chức cha mẹ của bé nữa mà là một người ‘đầu tư’ và chắc chắn đứa bé ấy sẽ trải qua những tháng ngày gồng gánh đắng cay mà bạn sẽ tròng vào cổ để nó trở thành công cụ của mình; bạn nhồi nhét nó vào một mô hình có sẵn mà bạn nghĩ rằng chỉ có khuôn mẫu ấy mới tốt, mới có lợi cho bạn hay cho dù bạn nghĩ rằng có lợi cả cho nó. Như thế là bạn đã quên hẳn rằng nó là một con người toàn vẹn và độc lập. Nuôi dạy con chỉ vì muốn mai kia chúng mang lại cho ta danh vọng, lợi lộc hay của tiền quả là một sự tàn nhẫn, vô tình và ích kỷ hơn mọi sự ích kỷ thông thường.

Tình thương mà bạn trọn vẹn trao cho và tinh thần trách nhiệm mà bạn gánh lấy cho những con người ấy từ tấm bé đến trưởng thành, chính là nuôi dưỡng và giáo dục chúng theo đúng tinh thần của thiên chức ấy. Nếu bạn là nhà giáo dục, nhà tâm lý… và nếu thấy rằng mình có thừa trình độ giáo dục con cái thì đó quả là phúc báu cho bạn, cho con em và chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại không nhỏ. Mong rằng xã hội ngày càng có nhiều người đặc biệt quan tâm đến giáo dục như bạn.

Vĩnh Tường

No comments