Triển Vọng Tự Do và Nhân Bản
Con
người có ý thức về mình, có tự do chọn lựa, luôn mưu tìm và bắt lấy những gì có
thể mang lại sự thỏa mãn thể chất hay tinh thần. Chính vì thế khoa học kỹ thuật
và nhân văn cùng cố gắng hoàn thành mục tiêu giúp cho nhân loại trên đường mưu
tìm hạnh phúc.
Ngày nay, khoa học đã đạt được những thành
quả vô cùng to lớn, mang lại vô số tiện nghi lớn nhỏ cho nhân loại từ trên
không trung cho đến dưới đáy đại dương, có loại chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay
mà sức phục vụ của nó hơn phép thần thông trong các truyện thần thoại ngày xưa.
Với chiếc điện thoại di động, trong không đầy một nháy mắt người ta có thể nói
chuyện với nhau hoặc xem hình ảnh từ nơi phồn hoa đô thị đầy ánh sáng hay từ
hang cùng ngõ hẽm tăm tối xa xôi nhất trên địa cầu. Thế mà dường như sự xẻ chia
hạnh phúc trong niềm đam mê phát minh khoa học và những thành quả phi thường ngần
ấy vẫn chưa đủ, chưa thấm vào đâu cả. Lẽ ra con người thật sự hưởng được an lạc
hạnh phúc nhờ những tiến bộ khoa học ấy nhưng thực tế mấy mươi năm gần đây có lẽ
đã đủ để chúng ta cảm thấy thất vọng! Cùng nhịp sống nhiễu nhương, thiếu an
bình khắp nơi trong hiện tại, hàng ngày tả xung hữu đột, vật lộn với cuộc sống,
tuyệt đại đa số chúng ta đã tự đánh lừa, quên đi những đe dọa bất an có thể đến
với chúng ta bất cứ lúc nào. Có khi nào mỗi người tự đặt gồng gánh riêng tư, nhỏ
lớn của mình xuống một khoảnh khắc, để nhìn chung trên thế giới loài người ngày
nay đang hạnh phúc thế nào.
Trước khi đến đó, chúng ta nhìn xem trước mắt
hàng triệu tài xế hay hành khách đang trên đường, hàng triệu bác sĩ đang chữa bệnh,
kỹ sư đang xây cất và không đếm hết người đang làm các nghề riêng, kể cả những
kẻ trộm cướp sống ngoài vòng pháp luật…, tất cả bằng cách này hay cách khác con
người đều hướng đến thoả mãn những mong muốn hay nhu cầu nào đó của từng người.
Cho dù công việc đang làm nhằm phục vụ cho tập thể xã hội hay quốc gia cũng
không loại trừ lý do vì sự sung sướng, thoả mãn hay hạnh phúc theo cảm nhận
riêng tư mà cá nhân đeo đuổi. Nhưng thật là nhiêu khê, trong quá trình mưu cầu
duy nhất này của chủng loại, loài người đã gây ra và để lại không biết bao
nhiêu xung đột, thống khổ triền miên cho tự thân và cho đồng loại.
Sự hướng về cái đủ đầy, sung mãn vật chất dĩ
nhiên phải trải qua quá trình cân đo đong đếm; trong tương quan giữa người với
người qua các công việc không tránh khỏi cạnh tranh và kết quả là có kẻ hơn người
thiệt. Sự cao thấp, hơn thua, giàu nghèo, sang hèn, sự khác biệt, sự nương tựa
nhau để sinh tồn cũng như thế giới thực vật, rừng cây có cây to, cây nhỏ có
loài thảo mộc núp dưới bóng râm. Đó là qui luật tự nhiên của trời đất và chính
là sự toàn vẹn cân bằng của cái vĩnh viễn bất toàn. Cũng chính từ đó mới có sự
vận hành hướng về sự thăng bằng, ý nghĩa sự sống mới tồn tại và nhân loại mới
có tiến bộ. Tất cả mọi loài động vật kể cả con người đang hoạt động, thực vật
cho tới hiện tượng thiên nhiên thay đổi liên tục cũng không ngoài qui luật bất
biến này. Quả lắc đồng hồ có đưa qua thì mới đưa lại và nhờ thế mà chiếc đồng hồ
không chết cứng. Những ai hay chủ thuyết nào mưu toan áp đặt sự san bằng để
không còn ai cạnh tranh, không còn hơn thiệt và hứa hẹn như thế con người sẽ đạt
được hạnh phúc, đều là lừa bịp một cách lố bịch bởi còn có kẻ hay phe nhóm nhân
danh này nọ làm chủ sự san bằng, tóm trọn quyền uy ngất ngưỡng trong tay.
Ở nước tự do tiên tiến, từ lâu người ta đã
nhận thức rằng công bằng xã hội (social justice) tức là cơ hội không dành riêng
cho bất kỳ ai; mọi người không phân biệt nguồn gốc, màu da, sự giàu nghèo… đều
có quyền bình đẳng, tự tìm kiếm và tự do chọn lựa cơ hội cho mình. Cùng nắm bắt
cơ hội giống nhau, cùng một công việc như nhau và mọi người được hoàn toàn tự
do thi triển khả năng trong khi đeo đuổi mục đích, nhưng lẽ thường không ai bảo
đảm được rằng thành quả mang lại sẽ bằng nhau bởi nó còn lệ thuộc nhiều yếu tố
như thời khắc, khả năng và sự vận dụng của cá nhân cùng sự may rủi… Sự hơn thua
ở thành quả tự thân đã là sự công bằng tự nhiên như quả táo thì lớn hơn quả nho.
Con người có đức Nhân, thay vì nhờ giáo dục, khuyến khích hoặc có chính sách
làm thăng tiến đức này để con người yêu thương mà chia xẻ, cá nhân và cộng đồng
cùng tiến thì ngược lại chủ thuyết cộng sản, chủ nghĩa xã hội, lại thúc đẩy bản
năng ganh tị, chia rẻ, thù ghét kẻ thành công, nghèo ghét giàu nhằm tước đoạt
và san bằng thành quả. Ở Hoa Kỳ chính phủ mở ngõ phục vụ xã hội và kích động
tình yêu đồng loại bằng chính sách cho tự do mở tổ chức từ thiện, khuyến khích
các nhà đầu tư thành công quyên góp và số tiền ủng hộ lại được bù bằng cách khấu
trừ thuế. Như thế tức là song song với công ích xã hội, nhân đạo cùng được khuyến
khích và duy trì. Trong khi đó ở các nước độc tài toàn trị, một phe nhóm hay đảng
phái tự khẳng định rằng chỉ có mình mới sáng suốt, nhân danh đại diện cho toàn
thể xã hội, xem định luật tự nhiên là bất công để rồi thay bằng luật bất công,
áp chế, phi nhân bản và lủng củng hơn, do trí óc nhỏ mọn của con người đẻ ra
qua một chủ thuyết. Người nhẹ dạ cả tin hoặc mê lầm vì bản năng sai khiến,
không thấy rằng đây chính là sự lừa bịp và bất công, là đầu mối, là nguyên nhân
tan vỡ nhân căn, sợ hãi bao trùm, ngăn trở tương giao, đạo đức suy đồi, con người
tha hoá, tệ nạn cửa quyền, hối lộ, tham nhũng từ đó phát sinh và nẫy nở thành nếp,
xã hội mục ruỗng mang đến bao nhiêu thảm họa, khốn đốn cho nhân loại. Và nếu đã
mê lầm tự nhốt mình hay bị nhốt vào trong chủ thuyết như thế thì than ôi, thật
là ách tắc bởi con người trước tiên phải mất một đoạn đời hay cả đời vất vả trở
về với trật tự tự nhiên rồi từ đó mới bắt đầu cơ hội đeo đuổi hạnh phúc một
cách bình thường ở những chuỗi ngày tàn úa héo hon không còn nhựa sống. Thông
thường trong bất kỳ sinh hoạt nào có liên quan đến vật chất đều có cân đo đong
đếm nhằm mang lại sự công bằng và đây cũng là cơ hội con người tự thực tập đong
đo, tu dưỡng phẩm chất của mình. Ngược lại cũng ở mắc xích này, sự dối gian,
tham lận, lọc lừa để lại những bất công, mâu thuẫn, xung đột, sân hận, khổ đau.
Có cạnh tranh thì ắt có tiến bộ nhưng cũng chính đấu trường này mánh khoé bất
công tranh đoạt đã để lại đầy thù oán, chấp tranh bởi kẻ thắng người thua chưa
thông đạo chính nhân, nhất là ở môi trường mà chủ nghĩa nói trên tạo ra. Nói
cho cùng, qui luật tự nhiên như bốn mùa xuân hạ rồi đến thu đông, có gió mưa,
có nắng hạn, có nóng bức, có tuyết rơi là lẽ thường; duy chỉ có con người rắc rối,
tạo rắc rối cho mình mà thôi. Trong khi mưu cầu vật chất là con đường quanh co
chật hẹp nhiều chông gai vướng mắc và ẩn tàng nhiều xung đột, chấp tranh, đau
khổ triền miên thì ngược lại trên đường hướng về tinh thần toàn chân, toàn thiện,
toàn mỹ, hạnh phúc thì lồng lộng, thênh thang không cần phương tiện cân đo đong
đếm, không có cạnh tranh và cũng chẳng có thiệt hơn; con đường chỉ mang lại an
lạc, thanh tâm cho cá nhân và nhờ đó mà xã hội cũng được an bình. Giá như con
người nhận chân được lẽ nhân vị tự nhiên trong khi vươn lên tìm kiếm đời sống ấm
no hạnh phúc và năng sửa mình sao cho tương giao nhân loại mỗi ngày một tốt đẹp
hơn, đời người trở nên xứng đáng, “đúng nghĩa” hơn thì an bình trên thế gian
này đâu phải là sự khó kiếm!
Chúng ta không khỏi động lòng khi trước mắt
chúng ta nhân loại đang xung đột, chấp tranh, bất an, thống khổ ngày một dữ dội
ở khắp nơi! Khoa học tiến bộ giúp đỡ nhân loại bao nhiêu thì cũng kéo theo xung
đột, chấp tranh, tàn phá bấy nhiêu. Bè phái tranh giành địa vị độc tôn, nhân
danh đủ kiểu. Người giết người bằng dao kiếm, bằng súng đạn tối tân, bằng chất
hoá học, bằng vi trùng học, hoặc không loại trừ những dụng cụ thô sơ và đặt biệt
nhất là bằng máu lạnh, bằng trái tim người máy. Ở đâu có chủ nghĩa độc tôn buộc
phải tôn sùng thì ở đó ắt có hàng vạn sinh linh đồ thán, oan khiên không dứt,
hàng triệu người đánh mất cuộc đời hoặc thất thểu kêu van đòi quyền được sống
như người. Ở đó ý nghĩa cuộc sống chỉ còn là sợ hãi, âu lo và vùng vẫy mong cầu
giải thoát. Sự sợ hãi khiến con người quen sống bằng nhiều mặt nạ đến mức không
còn thấy hổ thẹn là gì. Tương giao giữa con người ngăn ngại, rào chắn bằng nhiều
lớp vỏ bọc, tùy lúc đổi màu như da kỳ nhông và lòng người chai lạnh, tàn nhẫn,
tình thương khô cằn. Những kẻ tưởng rằng mình thông minh, nhưng thực chất kém
hiểu biết bản thân, không hiểu gì về con người, không tin sức mạnh tiềm ẩn đích
thực có giá trị của nhân bản và tự do - đầu nguồn của văn minh tinh thần và hạnh
phúc, để rồi nộp mình vào một chủ thuyết để được khống chế thật chặt chẽ với lối
lừa mị tinh tế, khéo khai thác bản năng thấp hèn của con người. Ở đó có kẻ nắm
quyền độc tôn, hoặc đảng độc tài toàn trị và người bị trị. Như chủ thuyết hoang
tưởng xoá bỏ giai cấp bằng bạo quyền, bất công, hoá ra rốt cuộc chỉ là lập lại
trật tự mới có ranh giới rạch ròi giữa hai giai cấp đảng thống trị và dân bị trị.
Sự đe dọa tước đoạt tư hữu và quyền tự do, cốt lõi của chủ thuyết chính là đầu
nguồn khiến cuộc sống trỗi dậy đầy dối gian, tham lận, tàn nhẫn, lọc lừa. Trong
lúc tranh giành địa vị, quyền uy, mưu tìm lợi lộc để giành lấy sự sống còn
trong nỗi lo sợ, con người không từ bất kỳ cơ hội và thủ đoạn gian manh nào miễn
là có lợi cho bản thân bất chấp hậu quả thế nào cho tha nhân và xã hội. Cái
toàn nguyên nhân bản đã bị dẫm nát; tình yêu, sự thật và lòng tin không thể nào
còn chỗ đứng. Và như thế cả hai giai cấp cùng đang hủy hoại hạnh phúc - cái cứu
cánh mà con người đeo đuổi trước khi có hy vọng với đến. Thật là viễn vông, buồn
cười khi nói rằng một xã hội như thế đang mưu cầu ấm no, an bình, hạnh phúc cho
con người! Cứ hỏi về Đức Nhân, xem có
bao nhiêu người, bao nhiêu thanh niên muốn nói đến và trả lời thế nào? Chỉ có mảy
may căn đức ấy mà chẳng còn trọn vẹn thì than chi con người không khỏi thoái
hoá, xã hội không khỏi băng hoại, thống khổ? Đã mất căn bản làm người, lương
tri không còn chỗ đứng thì trách chi con người bất nghĩa. Sao gọi là văn minh
được khi con người cư xử với nhau bất công, tàn bạo thay vì lễ trọng, khiêm
cung, từ ái. Sao gọi là tiến bộ, trí tri được khi con người không biết ở thế giới
văn minh người ta đang sống như thế nào và cũng không thấy, không biết chính
mình đang bước xuống từng bậc thang của giá trị nhân bản.
Sự pha trộn văn hoá một cách ồ ạt, hỗn độn,
vàng thau lẫn lộn đã khiến phong cách sống con người thay đổi. Ở xã hội chậm tiến
với thể chế độc tài toàn trị hay trung ương tập quyền, người bị trị càng gặp
khó khăn thật đáng thương hơn. Đối phó với hoàn cảnh mới đang bì bõm du nhập những
phần manh mún từ sinh hoạt của xã hội tự do ở các nước tiên tiến, họ lúng túng,
loay hoay tập thích nghi nhưng không dễ gì một sớm một chiều có thể thích nghi
một cách có chọn lựa đúng đắn bởi xưa nay họ đã trót bị huấn luyện chỉ biết uốn
mình sống sao cho vừa và phục vụ cho một khuôn mẫu xã hội ấy mà thôi. Ở xã hội
có nền văn minh nhân bản tự do, tuy phong cách sống có thay đổi đôi chỗ nhưng hầu
như không ảnh hưởng gì đến đời sống xứng đáng của con người bởi xưa nay người
ta đã quen với tư tưởng tự do phóng khoáng với đầy đủ nhân quyền. Giá trị ấy
không có gì đập vỡ được bởi nó không cứng nhắc như được đúc từ một khuôn mẫu nhất
định nào.
Sự tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay hầu
như không đo, đếm kịp. Thành quả khoa học gần như nuốt chửng đời sống tinh thần.
Ở những nước nghèo nàn, chậm tiến không làm nên thành quả khoa học thì con người
bỏ nhiều thời gian chạy đua học tập sử dụng như đang bị cuốn hút trong những
cơn lốc. Còn ở nước văn minh khoa học thì con người không ngừng phát kiến và tạo
những thành tích mới. Khắp thế giới, khoa học đang làm chủ bao trùm sự sống con
người. Giáo dục cũng theo đà này mà nghiêng hẳn về phía khoa học để giúp con
người đuổi kịp và đáp ứng nhu cầu mới. Con người thật quả đã và đang có nguy cơ
bị máy móc hoá. Tương giao của con người ngày càng khô cạn tình yêu và nhân
tính. Lương tri và lẽ phải thông thường không còn là thước đo nhân phẩm. Mục
tiêu của khoa học là nhằm hỗ trợ nhân loại có nhiều phương tiện trên đường mưu
cầu hạnh phúc chứ không phải sự tiến bộ khoa học là hạnh phúc. Có được an bình
hạnh phúc hay không vẫn là vấn đề chính ở con người. Hiện chúng ta đang sống trong thời kỳ mà giáo
dục nhân bản đã đi chậm hơn thật xa so với đà phát minh khoa học và những ảnh
hưởng của nó. Cũng nhằm trang bị cho con người có căn bản cần thiết để nhận biết
và mưu cầu hạnh phúc, giáo dục nhân bản hay nói rõ hơn là giáo dục con người sống
xứng đáng với giá trị làm người đúng nghĩa là quá trình tiệm tiến, thẩm thấu, tốn
nhiều thời gian và sự trải nghiệm trong khi đó cuộc sống đòi hỏi con người lúc
nào cũng phải chạy đua theo đà phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Sự
chênh lệch, khoảng cách giữa hai lối phụng sự cho hạnh phúc nhân loại ngày càng
lớn để lại những hệ quả tai hại khó lường. Một người, hay một bè đảng tàn ác, bất
nhân đang nắm trong tay thành quả khoa học như vũ khí tối tân hay thủ đắc những
công thức hoá học độc hại có thể giết người hàng loạt, hoặc thực hiện một lý
thuyết tà ác đầy mưu ma chước quỷ thì hậu quả sẽ thế nào? Sự nguy hại không ở
vũ khí, hay công thức hoá học hay mớ tà thuyết có sẵn trên đời mà là ở con người
bất nhân đang sử dụng những thứ ấy. Con người ấy không đâu xa lạ, không phải từ
hành tinh khác đến đây mà chính trong chúng ta, từ cộng đồng nhân loại, từ phạm
vi nhỏ như gia đình đến lớn hơn như xã hội, quốc gia. Rốt cuộc, phải chăng nhân
loại đã thiếu sót duy chỉ một điều vô cùng hệ trọng đó là hạt nhân làm người?
Tóm lại, thể chế chính trị cùng với mục tiêu
giáo dục sai lầm, xem thường nhân bản và phủ nhận tự do, thêm vào đó, sự chênh
lệch, khoảng cách ngày càng lớn giữa tiến bộ khoa học và giáo dục nhân văn là
những nguyên nhân dẫn đến con người đánh mất giá trị làm người, nhân tai hoành
hành, xã hội đổ nát đến mức cảnh báo: nhân loại đang đứng trên bờ vực thẳm và
dân tộc Việt nam đang ở trong hoàn cảnh đầy phiền trược, e không tránh khỏi mất
nước, nô lệ lâu dài!
Hơn bao giờ hết, một nền giáo dục nhân bản
và tự do chân chính là yêu cầu tối ư quan trọng và vô cùng bức thiết cho thế giới
ngày nay nói chung, đặc biệt là ở nơi mà giá trị làm người bị tàn phá, xã hội
băng hoại, mục ruỗng, con người tha hoá – “trái chín” của thể chế độc tài đảng
trị, của một ý hệ hay chủ thuyết hoang tưởng, hoặc của một nền giáo dục phi
nhân bản. Vực dậy những phần tốt đẹp còn sót lại nơi con người sau những đổ
nát, xây dựng lại tinh thần tự do, nhân bản và một nền giáo dục đúng đắn chẳng
những là việc làm quá muộn màng mà còn vô cùng khó khăn cách trở. Trước hết, phải xóa bỏ quan niệm sai lầm
về con người - đúng nghĩa ‘không phải là
công cụ sản xuất’, cũng ‘không phải
là công cụ để phục vụ cho bất kỳ chế độ nào’. Thứ hai, triệt để vứt bỏ mục tiêu giáo dục nô dịch hiện tại. Thứ ba, đặt lại nền móng giáo dục đúng đắn
tự do, tôn trọng nhân bản và cổ xuý lại nền đạo đức ‘ngũ thường’, mới mong tạo
lại giềng mối an bình văn minh cho xã hội. Người gốc Việt khắp nơi trên thế giới
đang sống đời tự do xứng đáng làm người; có cả một lực lượng đông đảo quí vị
thiện trí thức cùng có cái nhìn khách quan về hiện tình băng hoại xã hội; có
thiện tâm, mỹ ý; có tình yêu sâu sắc; có niềm đau và nỗi băn khoăn về sự tồn
vong của một dân tộc đã và đang trải qua lắm đau thương, mất mát. Tiếc thay tất
cả đều đau lòng và đành ngậm ngùi nhìn quê hương và dân tộc yêu dấu đang đứng
trước nguy cơ tàn lụi như ngọn đèn dầu trước gió mà không làm gì khác hơn được,
vì ở đó vẫn còn một chủ thuyết, một đảng cầm quyền duy nhất buộc người dân phải
tôn sùng và khư khư không bao giờ nhìn nhận sai lầm cũng như không hề quan tâm
đến tinh hoa của nhân loại - tự do, nhân bản và tinh thần CHÂN - THIỆN - MỸ.
Vĩnh
Tường
No comments