Cuộc Đời Cho Mượn
Chúng tôi từ Châu đốc, núi Sam đến Hà nội
băm sáu phố phường trong thời gian cho phép chỉ vỏn vẹn ba tuần kể cả thời gian
trên máy bay khứ hồi. Ở trạm nào chúng tôi cũng phải gói ghém thật gọn và vội
vã tiếp tục lên đường. Không giống như nhiều anh chị em về Việt nam để thưởng
ngoạn danh lam thắng cảnh hay tung tiền mua vui. Đối với chúng tôi đây thật sự
là một chuyến đi thăm. Chúng tôi về thăm nước non mình xưa có rừng vàng, biển bạc,
ruộng đồng thẳng cánh cò bay; thăm đường sá, phố phường; thăm trường cháu con
ta đang học xem người ta đang dạy chúng những gì; thăm người công nhân phố thị
bon chen và thăm anh em nhà nông chân lấm tay bùn đang đếm tháng năm đói nghèo
chồng chất. Thời gian tuy ngắn, rất ngắn
nhưng chúng tôi cũng có chút thu hoạch hy vọng có thể giúp gì cho những ai chưa
từng về thăm Việt nam.
Núi Sam sát biên giới Campuchia. Chiều hôm ấy,
trời mưa phùn u ám, tuy có phần kém đi sức thu hút nhưng cuối cùng chúng tôi
cũng lần bước lên đến đỉnh núi. Hai bên là những khóm cây tầm vông thẳng như
đũa cùng những bụi bờ tái sinh khá rậm rạp nhưng vẫn còn dấu tích rừng nguyên
sinh đã bị khai thác từ lâu. Dọc theo con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi Sam bên phải
lăng thoại Ngọc Hầu, du khách không khỏi bị bao vây bỡi những cò mồi xem bói,
thợ chụp ảnh, người bán vé số, các gánh hàng rong, người tàn tật ăn xin và cả
những em nhỏ thiếu niên nữa. Lời kêu nài, mời mọc dai dẳng thật khó làm ngơ.
Nào hàng trang sức rẻ tiền, mũ nón, lượt cài, chuỗi hạt, vé số, nhang xin xăm
Bà Lớn, xin lộc Phật giải nạn cầu may! Lời van nài cứ nhét vào tai cùng với
hàng dúi vào tận túi hay đưa lên sát trước mặt. Lời kể lể, rên than của người
ăn xin khắp nơi động đến cả cây cỏ vô tình như còn râm rỉ bên tai. Nào là “…để
kiếm chén cơm!” “… từ sáng đến giờ chưa ai mở hàng!... Giúp giùm!...Tội nghiệp
con mà, chú ơi!...” “Xăm Bà linh lắm! Mua nhang!...” Thời gian để thưởng thức
cái đẹp của núi rừng nhiệt đới yên tĩnh trong sương mù cũng bị quấy động, phải
dành cho việc bố thí người tàn tật và từ chối những lời mời - phải nói là lời
nài nỉ thật dai. Thoát khỏi vòng vây trên đường để rồi cuối cùng lên đến đỉnh
núi ngay ở bệ Bà Chúa Xứ, không đành lòng khi thấy mấy chú chim có vẻ xơ xác
trong chiếc lồng son của một người gạ bán để khách phóng sanh, làm phước, chúng
tôi lại mua mỗi người một lồng. Trả tiền xong, chúng tôi hớn hở mở cửa lồng.
Lòng tôi thấy lâng lâng hớn hở với hình ảnh đàn chim sẽ mừng lắm khi được phóng
thích và chúng sẽ tung cánh tự do bay đúng “như loài của nó”. Nhưng tôi lại tức
thì hụt hẫng vì một nỗi buồn chua xót đột nhiên dâng lên trong lòng! Chim không
còn bay được nữa! Tôi phải bắt nâng ra từng con và bỏ lên cành cây nhỏ gần đó
và chúng tôi phất tay, luôn miệng bảo chúng: “Bay đi! Bay đi!”. Nhưng không,
chúng đứng còn không vững! Một thoáng sau tôi mới hiểu vì sao! Tôi nhìn mấy chiếc
lồng chim còn lại và nhìn anh bán chim kỹ hơn trước. Lòng tôi thấy lay động
thương yêu không riêng gì đến bầy chim mà cho cả những con người. Tôi quay lưng
nhìn xa xa về phía cánh đồng mênh mông trong mưa phùn và chỉ nhận ra một cách lờ
mờ về ranh giới Việt nam Campuchia trong biển nước.
Từ Châu đốc tiếp tục đi ra Hà nội. Chúng tôi
không ngớt trằm trồ về những đổi mới trước mắt cùng chuyện lạ bên tai.
Sài gòn, ai thay
tên, ai gọi mặc ai, cái tên Sài gòn đã dính chết trong lòng tôi. Trên các giấy
tờ hay vé maý bay bây giờ ghi tên khác nhưng khi đọc thì mắt và miệng tôi có
thói quen không đồng bộ vẫn cứ đọc là Sài gòn. Sài gòn bây giờ đã cho tôi thêm
những hình ảnh khó quên. Những “nùi” dây điện như cả nghìn sợi chỉ rối cuộn
nhau thành chùm lòng thòng khi cao trên mái nhà, khi rất thấp vừa tầm tay với ở
khắp nơi trong thành phố. Kỹ sư và thợ điện Việt nam ngày nay thật là tài tình!
Tài không tưởng tượng nổi! Thảo nào ở nơi “đỉnh cao trí tuệ” có khác! Chắc họ
phát minh được máy rà xác định dòng điện nào, về đâu chứ làm sao con người có
thể mắc nối và sửa chữa khi cần. Hơn nữa tôi nghe nói ở xứ sở có nền văn minh
xã hội xã hội chủ nghĩa người ta không thèm xài điện thấp 110 volt yếu xìu đâu;người
ta xài điện cao thế 220 volt không hà! Mạnh lắm! Theo chỗ tôi biết ở xóm nhỏ
xíu gần nhà bà con chúng tôi đã có ít nhất hai người bị nướng trong nhắy mắt mà
không cần tí lửa nào và một người sém chết ở đó! Tiếng còi hụ cấp cứu cách
chúng tôi vài chiếc xe ở phía sau làm chúng tôi phải ngắt ngang câu chuyện văn
minh về điện. Bác tài của chúng tôi tỉnh bơ, từ từ nhả ga, nhấp thắng như thường
lệ. Trước, sau, hai bên xe lớn, xe nhỏ, nhiều nhất là xe gắn máy dày đặc, chen
nhau san sát như nêm. Còi cấp cứu vẫn liên tục hụ te-tò-te nhưng dường như
không ai buồn để ý! Nghe một hồi tôi cảm thấy quen tai, lòng thấy hơi chai đi,
không còn nôn nao mấy và tưởng chừng như đang nghe mấy chiếc xe đồ chơi của mấy
đứa cháu. Tiếng còi báo lệnh của nó không át nổi ngàn tiếng còi lớn nhỏ đang
hét đinh tai cùng hoà với bim-bim, bo-bo hay bíp-bíp, te-te nghe như tiếng ếch
nhái, ễnh ương trỗi nhạc bên ruộng đồng, hay bờ ao khóm chuối ở ngọai thành về
đêm. Chúng tôi ngoái cổ lại xem, cùng thở ra, lắc đầu và cùng cười thông cảm:
Thiệt là hết cách! Bác tài thêm vào “bó
tay!”; mình cứ chạy “vô tư” công an cũng chịu thua mà! Từ ấy chúng tôi học thêm
được các từ mới ngồ ngộ trong xã hội, xã hội chủ nghĩa. Chưa bao giờ thấy việc
cấp bách như thế mà người ta phải đầu hàng vì hết đường chọn lựa. Thật tội cho
những ai đang cần chiếc ambulance mà không biết lựa lúc! Lúc này người ta đang bận
rộn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa mà! Chúng tôi
cùng công nhận, đồng bào mình ở đây lái xe giỏi hơn tài xế ở các nước một bực rất
xa đấy. Ở nước ngoài người ta chạy xe nhiều nhất cũng chỉ có hai chiều nhưng ở
đây người ta chạy đến bốn năm chiều; họ
luồn lách ngang dọc rất tài tình. Thật đáng phục! Lại còn đèn hiệu thì đóng
ngay bên đầu xe chứ không phải bên kia ngã tư. Mỗi lần chờ đèn xanh tài xế phải
ngoái cổ lại xem. Nói đến giao
thông,
chúng tôi lấy làm lạ khi thấy những tấm bản xanh hình chữ nhật ghi tên thành phố
ở dưới và bảng nào cũng có một vạch đỏ gạch chéo qua hình các hình cao ốc lớn
nhỏ màu trắng. Bác tài cho biết đó là dấu hiệu “xóa sổ!”. Anh giải thích chúng
tôi mới hiểu; thì ra đây cũng là một sản phẩm nữa của “đỉnh cao trí tuệ”. Ngay
các ranh giới thành phố hay địa phương đều có một tấm bảng. Ví dụ, thay vì ghi
là chào mừng quan khách đến thành phố “Cao!” thì chỉ cần ghi tên thành phố “Đỉnh”
ở ngay đó cùng với dấu gạch xóa để cho khách
biết:
A! thì ra vừa rồi mình đã đi qua thành phố “Đỉnh” mà cho đến bây giờ, khi qua rồi
mình mới biết tên! Thông minh! Thật không hổ danh xưng là người “Đỉnh cao trí
tuệ” chỉ xã hội ấy mới có! Lần sau chị tôi về thăm chị bảo là không hiểu sao
người ta đã xóa cả dấu gạch và tên địa phương. Hình như họ đang sửa lại cái “đỉnh
cao” gì đó!
Xe chạy chậm hơn người đi bộ; nhờ thế
chúng tôi có dịp quan sát toàn cảnh. Riêng tôi, người hay nhìn chung toàn khung
cảnh. Tôi nhận ra một điều khá thú vị, tôi im lặng một lúc lâu làm mọi người
trong xe ngạc nhiên. Trước mắt, tôi đang ngắm một bức tranh tả thực cảnh sinh
hoạt trong đó kẻ đi bộ, người chạy xe gắn máy đông nghẹt và người người đều
mang khẩu trang, có người bịt cả mặt chỉ còn hai lổ mắt đen – khiến tôi liên tưởng
con người đang sống trong thời kỳ phải bịt miệng. Phải, người ta có thể cho rằng
đây là chuyện thường chỉ vì mục đích vệ sinh, tránh bụi, đề phòng dịch bệnh lây
nhiễm và dừng suy nghĩ ngay ở đó. Còn đầu óc tôi lại không chịu dừng. Đúng vậy,
tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng sự đồng tình của một lượng người cả xã hội như thế
không phải là một hiện tượng dị thường khiến người ta phải giật mình sao? Tôi
nhớ không rõ trước hay sau đợt Linh Mục Ng.Văn Lý bị bịt miệng trước toà, cả thế
giới đều biết thì đến dịch cúm gia cầm và rồi mọi người đều đua nhau tự bịt miệng.
Lúc bấy giờ luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn văn Đài cũng gây được chú ý, chấn
động dư luận là những người có tên trên trường đấu tranh cho lẽ phải, công bằng,
tự do, dân chủ. Sự kiện đấu tranh hư thực thế nào thì tôi không dám quả quyết.
Nhưng tôi chỉ thoáng nghĩ đến hiện tượng nổi bật và sự đồng âm với từ ngữ nào
đó có ý nghĩa khác. Tôi thường hay đùa với bạn bè rằng: “Văn Lý” mà bị bịt miệng
cũng như cái văn vẻ, tốt đẹp của lẽ phải, công lý đã bị bóp nghẹt. Có Văn Đài đồng
nghĩa với có diễn đàn cao rộng phổ biến cái vẻ đẹp tinh thần trong trời đất,
trong nhân gian. Công nhân (Lê Thị Công Nhân) là người cầm búa trên lá cờ đảng
Cộng sản, là thành phần chủ lực mà rục rịch hun khói thì ắt bên trong nền tảng
đang ắt có vấn đề.
Ra ngoài thành, dọc theo Quốc lộ 1 quán xá mọc lên san sát. Quái
lạ nhất là quán võng: ‘Cà Phê Võng’; thay vì bàn ghế, trong quán chỉ
thấy những trụ và võng giăng đu đưa chằng chịt. Quán thuộc loại này nhiều đến độ
những ai nhạy cảm sẽ cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến một hiện tượng, có thể nói
là một điềm quái dị chưa từng thấy trong nhân gian! Khi tạm dừng, nghỉ chân mà
người người muốn nằm đu đưa trên những chiếc võng ấy quả
thật là không bình thường, không phải là thong dong, an bình nhàn hạ
mà là hiện tượng suy yếu, bạc
nhược, hoặc là một điềm báo có điều không ổn! Tôi có cảm giác về sự sống của một loài cây khi nhìn cành
lá hoa quả và cả sâu rầy trên đó. Và tôi có cảm giác về tinh thần hay thể xác của
con người bạc nhược đang đòng đưa đến mức kỳ quái lạ thường. Chịu khó trầm tư một
lúc có lẽ ai cũng sẽ thâm cảm cái tuyệt diệu của lẽ đạo bất biến qua những hiện
tượng nổi lên đến mức bất bình thường như những điềm báo này và không khỏi buồn,
lo cho tương lai của quê hương, cho một dân tộc. Bất kỳ những gì xảy ra trước mắt đều có lý do của nó. Thấy khói thì ta biết ngay là có lửa đâu đó chưa kể đến do
đâu và cái gì đang cháy; nước nổi bọt, sình lên hay có mùi xú uế chắc chắn là
nước không bình thường cũng như dân gian không phải đã nói hễ có “chuồn chuồn
bay thì bão” đó sao!
Phố cổ Hội an, lần đầu tiên qua đây, phố cổ
Hội an thật sự đã khiến lòng tôi thấy nhẹ nhàng như vừa trút bớt những nỗi buồn
canh cánh cứ chất chồng nặng trĩu do những gì chúng tôi đã thấy trong những
ngày đường đã qua. Phố cổ Hội an vẫn còn giữ được nét đặc trưng lịch lãm mấy
trăm năm của nó bên dòng sông Thu bồn phẳng lặng hiền hoà. Nhà phố rất thấp,
mái kiến trúc theo kiểu nhật thời xưa lợp ngói âm dương, rất nhiều nhà trên mái
đã phủ rêu xanh nhiều lớp. Sinh hoạt ở đây rất thong thả chậm chạp không tấp nập,
hối hả như ở các thành phố tân thời. Ai đã đi qua chùa cầu để lòng buông thả
nhìn theo dòng suối chảy ra sông Thu Bồn phía trước chắc chắn sẽ không khỏi thầm
cảm phục sự kiến tạo của người xưa. Nhất là bên kia cầu cả một làng hội hoạ gây
cho người ta cái cảm giác thư thả nhẹ nhàng và lòng mang máng thân quen từ thuở
nào. Có lẽ do lối kiến trúc của dãy phố, không cầu kỳ, cao rộng, uy nghi với những
đường nét sắc bén, tương phản, tách biệt mà ngược lại nhà phố ở đây vừa thấp vừa
gọn gàng, ấm cúng gợi lên cảm giác rất hài hoà, thân mật. Từ ngoài hiên đến bên
trong toàn là tranh, có cả giá và tranh các hoạ sĩ đang vẽ. Không phải là từ nội
dung tranh vẽ mà là cảnh phố cổ Hội An đã mang lại cho tôi cảm giác êm đềm khó
kiếm trong suốt những ngày đi thăm từ nam ra bắc.
Qua khỏi cầu Hiền Lương chúng tôi không khỏi
ngạc nhiên; trước mắt chúng tôi làng mạc vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, không có chút
dấu tích hoang tàn của chiến tranh nhưng là cảnh thôn quê của một thời kỳ xa xưa
nào đó khác với hình ảnh quê nhà lúc tôi còn bé trước đây hơn năm mươi năm.
Trong tôi thoáng hiện một cảm giác như mình đi lạc vào xứ nào xa lạ trong chuyện
phim. Có điều đặc biệt khiến tôi nhận ra một bước nhảy vọt không cần trải qua
quá trình phát triển tiệm tiến tự nhiên của xã hội. Đó là hình ảnh một cậu bé
đang chăn mấy con trâu bên lề đường. Cậu ta mặc quần đùi, đầu đội nón cối, đi
chân không và đang nói chuyện với ai đó bằng cellular phone. Mây đen kéo đến thật
nhanh, trời tối sầm như đang đe doạ mưa bão lớn. Bác tài không chịu dừng cho
tôi chụp tấm hình kỷ niệm “thiếu nhi bên kia cầu Hiền Lương”
Mưa bay không dứt. Vài xóm nhà tranh chen lẫn
trong lùm bụi cùng với con đường nhô lên giữa cánh đồng mênh mông như biển nước
đục. Cùng vài chiếc xe khác, anh em người tài xế dừng xe, tạm nghỉ trước sân một
quán ăn lẻ loi bên đường. Chiếc xe van của chúng tôi đang núp dưới tàng cây trứng
cá. Gió giật từng cơn. Mấy cành cây liên tục dập trên mui xe như thầm bảo chúng
tôi nên tiếp tục đi qua khỏi nơi này. Giá mà gió mạnh hơn ập tới thì chắc chắn
người ngựa chúng tôi đều bị quẳng xuống nước không còn biết bám víu vào đâu. Trời
sắp tối, mấy chiếc xuồng ba lá đáng thương dập dềnh đó đây trong mưa gió mịt mù
trông không rõ người chèo. Đột nhiên có
người đang dầm mưa gõ cửa, làm chúng tôi giật mình. Tôi dán mắt vào kính mới nhận
ra là một thiếu phụ răng hô, mặt hơi hốc hác đang trùm chiếc áo mưa của bộ đội.
Vừa nói cô vừa chỉ vào quán. Nhích cửa kính xuống một chút chúng tôi mới nghe
được cô nói giọng địa phương có lẽ là Quảng Bình. Cô tả các món ăn và không ngừng
mời gọi. Nghe giọng chưa quen, tiếng được tiếng mất; chúng tôi chỉ hiểu phần
nào ý của cô. Bên trong quán, bàn ghế ươn ướt, nền đất nhèm nhẹp nước mưa và
bùn đất do giày dép mang vào. Đó đây mấy chiếc đèn manchon quá cũ không đủ soi
rõ các món ăn trên những dãy bàn dài. Khách chen chúc nhau, kẻ ngồi người đứng,
có người ngồi xổm trên ghế. Tiếng nói chuyện, tiếng kêu gọi thức ăn bằng nhiều
âm giọng của nhiều miền khác nhau thật náo nhiệt. Khói và hơi nước nhà bếp ngay
bên bàn ăn cuộn lên nghi ngút như người ta đang tắm hơi. Mùi dầu mỡ, cá, thịt
có sống có chín, mùi lẩu mắm xen lẫn mùi mắm nêm trong môi trường ẩm ướt cùng
lúc bốc lên. Anh em chú tài xế, chủ xe gọi thức ăn và ở đó dùng xong bữa. Chúng
tôi chi tiền xong, vội xin phép cáo lui vì vừa ăn trên xe, bụng chưa thấy đói.
Đóng cửa xe bịt bùng, chúng tôi mở nồi cơm nguội và hộp cá khô chiên giòn mặn
mà, chén một bữa ngon lành trong cái lạnh mùa mưa. Mọi thứ chị tôi đã chuẩn bị
sẵn trước khi về Việt nam gồm nhiều hộp cá khô chiên giòn và những thứ dùng một
lần như tô, dĩa muỗng, nĩa nhựa, giấy lau… Chất đề kháng trong cơ thể lâu nay
không dùng e đã quá hạn, mất hiệu lực và sợ dịch bệnh làm trở ngại chuyến đi
nên trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi không dám dùng cao lương mỹ vị của xã
hội bên kia. Đến bây giờ, khi ngồi lại nói chuyện về Việt nam chúng tôi lại
mang chuyện “du lịch cá khô” ra đùa với người chị nuôi thật đáng quí.
Chúng tôi tiếp tục hành trình ra thăm Hà Nội
36 phố phường – nơi có tên trong lịch sử, vịnh Hạ Long, Chùa Hương cùng một số
nơi khác. Khi gần đến chùa Hương vào thời điểm đó, hai bên đường ngỗn ngang những
gạch ngói, cành cây khô, gỗ đá người ta dùng để chắn không cho xe chạy qua lúa
thóc đang phơi. Chúng tôi đi nhằm ngày thường trong tuần và không có lễ hội nên
không phải chen chân. Trước khi vào chùa, người ta phải đi bằng đò dọc sông Yến
vĩ có người gọi là Suối Yến. Ba người chúng tôi trên chiếc xuồng nhỏ do một tay
chèo. Lúc này trên sông chỉ có vài chuyến đò chở du khách. Hai bên đò là mấy
chiếc xuồng của các cô chụp ảnh đuổi theo tranh nhau mời gọi, nài nỉ cho đến
hơn nửa quãng đường. Chúng tôi nhờ anh chèo chậm lại, có dịp thả tâm hồn chìm
sâu trong cảm giác êm đềm thanh thản trên dòng suối. Mặt nước phẳng lặng trong
xanh, một ít hoa súng đỏ thẩm vẫn còn lại sau mùa thu chen lẫn trong đàn vịt trắng
đang thả mình bên hàng cây mọc thẳng từ dưới nước. Có đoạn hai bên bờ sông là
ruộng đồng ngát xanh chạy thẳng đến chân dãy núi chập chùng. Anh chèo đò hỏi
thăm chuyến du lịch làm tôi quay lại với thực tế. Anh mặc áo bộ đội đã bạc màu
và quần tây, trên đầu cũng là chiếc nón cối đã bong vải - chiếc nón mà mấy ngày
qua chúng tôi thấy quen mắt ở khắp nơi. Tôi dè dặt bắt chuyện hỏi thăm đời sống
của anh cũng như dân quanh vùng. Anh chẳng ngại kể cho tôi nghe hoàn cảnh sinh
hoạt của gia đình riêng. Câu chuyện thật hư không rõ nhưng làm cho chúng tôi cảm
động, khiến chúng tôi móc bóp cho anh một số tiền sau chuyến chèo hai chiều
hoàn tất.
Chúng tôi hỏi về Hà nội và Vịnh Hạ long nơi
mà chúng tôi vừa đi qua, anh bảo là anh chưa bao giờ biết. Từ nhỏ đến lớn dù có
ước mơ nhưng chưa bao giờ anh ra khỏi tỉnh. Những gì anh biết được chỉ từ loa
phóng thanh tin tức hàng ngày ở làng và những buổi họp nhân dân do cán bộ đảng
tổ chức. Ti vi là cái gì chứ? Lâu lắm mới có một đôi dịp xem ké qua cửa sổ của
nhà người giàu có, hầu hết là bà con cán bộ. Anh có hai đứa con, một trai, một
gái chúng cùng anh làm nghề “đánh bắt”. Hỏi ra mới rõ là mò cua, bắt ếch, bắt
cá ban ngày và cả ban đêm. Anh khoe là vừa rồi sắm được một “máy phát điện” để
thắp đèn đi soi mà cha con anh đã chắt mót dành dụm cả năm trời. Thì ra “máy
phát điện” của anh chỉ là cái bình acquy, anh kể nó là tài sản nuôi sống gia
đình. Anh bảo hai đứa con anh làm nghề đã thành thạo lắm rồi. Chúng tôi đinh
ninh là chúng đã lớn nhưng sự thật thì ngược lại. Anh tiếp tục nói rất tự
nhiên:
- Một đứa mười
tuổi, đứa kia vừa lên tám. Chúng học đến
lớp hai cả đấy! Học hành thêm làm gì khi chi phí học hành cao hơn cả miếng ăn chỉ
để sống. Mẹ của chúng phải tuân theo kế hoạch tránh thai theo “tư vấn” của cán
bộ. Cán bộ y tế đã làm việc đặt vòng. Cái vòng ác nghiệt ấy chẳng bao lâu sau
đã giết mẹ sắp nhỏ chết tức tưởi vì những biến chứng của nó.
Chuyện trò qua lại khiến tôi thấy dạn hơn.
Tôi xin được chia buồn cùng anh và xin trao đổi:
- Thật ra cái chết
của chị không phải do ở chiếc vòng. Chiếc vòng chỉ là một phát minh khoa học vô
tri, vô giác. Lợi hại là do con người. Cái chết ấy là bằng chứng không phải một
mà là của hai chiếc vòng: một chiếc của bạo quyền và một chiếc của sự dốt nát,
thiếu hiểu biết về việc sử dụng cùng với sự nghèo khổ, thiếu tiền bạc và thuốc
men.
Anh im lặng một lúc làm tôi hơi lo, e là
mình lỡ lời. Nhưng rồi anh thở ra và cũng cho là phải: “Giá mà tôi khả năng và
được quyền không làm theo thì…!”
Để trả
lời câu hỏi thăm của, anh về phía chúng tôi, tôi cũng không ngại cho anh biết tất
cả sự thật về đời sống tự do và giá trị con người ở nơi nước người mà bây giờ
thuộc của cả chúng tôi.
- Ở đó có nhiều
đảng nhưng con người không thuộc về đảng nào cả. Từ khi chúng tôi đến đó tay
không cũng như anh; ở đó quyền tự do căn bản của con người và nhân phẩm rất được
coi trọng; chúng tôi ở nhờ nước người mà bây giờ hơn nửa vòng trái đất chúng
tôi có thể về thăm đất nước này và còn có thể giúp anh chút tiền để giúp anh và
các cháu bé vuợt qua một ngày khốn khó. Vừa nói xong, tôi vội mở bóp cho anh một
số tiền gấp đôi phần tiền công chèo của anh sau khi chia cho bản quản lý.
Lần đầu tiên trên đường ra Hà Nội, qua thành
phố Vinh hay Hải Phòng, tôi cảm thấy như mình đang lạc khi sang nước khác khi
thấy hai bên đường đầy bảng quảng cáo thịt chó, thịt mèo, phở chó, phở mèo; lẩu,
bún chó, cơm thịt chó, thịt mèo. Tôi lấy đó làm đề tài bắt chuyện với một tài xế
taxi trong khi chúng tôi đi dạo cho biết 36 phố phường. Phố cổ bây giờ đã hoàn
toàn thay đổi, các hàng chỉ còn cái tên còn hàng hoá thì không còn rặc như xưa:
hàng chiếu, hàng bông, hàng bạc, hàng mắm, hàng giày … Nghe nói giọng nam và nhận
ra chúng tôi là người từ nước ngoài anh tài xế bắt chuyện hỏi thăm đời sống và
luật lệ nước ngoài. Một lần nữa tôi có dịp nói sự thật thao thao về giá trị
nhân phẩm, quyền con người và sự tự do trong chế độ dân chủ ở nước người mà bây
giờ là của chúng tôi. Tôi bảo, là người dân thường, tôi không biết và không đá
động gì đến chính trị chính ơi gì cả. Đó là thực tế đời sống của chúng tôi ở
đó. Anh hỏi tiếp:
- Ngoài các danh lam thắng cảnh, bà con mình về
đây đã đi thăm lăng bác chưa?
Có lẽ vì quen sống với sự thật nên tôi buộc
miệng trả lời trước khi suy nghĩ rằng câu trả lời rất có thể làm cho anh thấy đắng.
Hoặc cũng có thể tôi cố ý tránh tiếng gọi ấy đã thành quen vì thực ra không phải
là của tôi.
- Dạ…, tôi có một
người bác là anh của cha tôi - theo cách gọi của người miền Nam – nhưng ông ấy
còn sống nhăn cho nên không có lăng tẩm gì cả.
Tưởng tôi không hiểu ý nên anh lặp lại:
- “Bác Hồ ấy
cơ!”. Đột ngột làm tôi thấy hơi lúng túng. Tôi phải tiếp:
- “Ờ… ờ… chúng
tôi đã là người nước ngoài những gì không thuộc về mình làm sao chúng tôi dám
nhận dù chỉ là tiếng gọi, không khéo anh lại chê rằng chúng tôi thấy người sang
bắt quàng làm họ. Tôi nghĩ là mình không nên gọi ông ta bằng cái thứ bậc có tính
cách gia đình như các anh.
Sau khi vu vơ đánh trống lãng vài câu nữa rồi
chúng tôi vội vã xuống xe trả tiền, cho thêm - miễn thối, chúc anh một ngày tốt
đẹp và đổi xe đi hướng khác.
Rồi một hôm, trên xe taxi lẻ, chúng tôi gặp
người khách trẻ chừng ba mươi tuổi, cô ta có dáng người làm việc văn phòng. Sau
khi bác tài hỏi địa chỉ đến, chúng tôi mới biết cô là cô giáo. Chúng tôi và anh
tài xế bắt chuyện hỏi thăm qua lại đời sống nghề giáo và việc dạy học mới biết
cô đi xa là vì sau khi ra trường gia đình không có đủ khoản 30 triệu đồng nên mới
phải đi xa và dạy cấp một trong lúc cô tốt nghiệp dạy cấp ba! Tôi cải lại:
- Bộ cô nói
chơi? Từ khi loài người bắt đầu biết dạy và học đến nay không phải ngành giáo
là mẫu mực nhất trong các ngành sao? Ngày xưa khi xã hội chưa mấy văn minh, người
ta đã coi trọng giáo dục đến mức xem thầy dạy học ở vị trí sau ông vua rồi mới
đến cha – Quân-Sư-Phụ. Lẽ nào bây giờ lại khác?
Cô không ngại kể hết các thứ tôi chưa từng
nghĩ tới. Kể cả việc thầy cô mất phẩm hạnh đối xử bất nhân với học sinh là chuyện
thường tình… Cái cội nguồn gốc rễ thăng hoa con người đã bị sâu đục, mục ruỗng
thì “còn gì nữa đâu! Còn gì nữa đâu mà mong gì hơn! Tôi bất giác thở dài! Nhưng
ngạc nhiên gì chứ? Buồn làm gì chứ?! Bỏ đi! Không phải đây là lý do mà chúng ta
liều thân bỏ tất cả để ra đi sao?
Chúng tôi không quên vào thăm gia đình chị bạn
ở miền Nam đã lâu không liên lạc. Chị mừng
rối rít; thời gian gặp nhau như không đủ
vào đâu để chúng tôi tâm sự. Nhưng khá đủ để chúng tôi đúc kết một chuyến về
thăm. Chị than thở việc làm ăn của gia đình chị cũng như hầu hết những người
làm ăn chân chính dường như có chu kỳ - năm trồi năm sụt thất thường. Người ta
thường đổ tội cho con buôn hoặc những năm sau này cứ trút tội lên kinh tế hoàn
cầu suy sụp! Phần chị thì có lúc sém bị mất nhà và không còn gạo để ăn. Chị bỏ
vốn và thế chấp sổ đỏ (quyền sử dụng nhà) để đầu tư vào việc làm ăn. Khi giá đường
ào ào lên cao, ngân hàng nhà nước mở cửa cho vay dễ dàng. Gia đình chị bỏ công
làm mía. Được một năm bội thu gia đình mừng rỡ. Đến năm sau tiếp tục trồng mía
khi thu hoạch thì giá đường hạ nhưng phải năn nỉ bán đổ bán tháo để trả nợ ngân
hàng không thì mất nhà. Năm sau gốc mía còn, lẽ ra được ăn nhưng giá đường hạ đến
mức không đủ trả công và các chi phí cho ra thành phẩm. Người ta đốt mía bỏ vì
mía quá rẻ, cho không ai lấy. Đến lượt tiêu hay cà phê cũng thế! Chị than là
mãi không gặp thời. Tôi không biết an ủi làm sao nhưng đã cho chị mấy câu hỏi.
Thứ nhất, ngân hàng thuộc về ai, ai quyết định thời hạn? Thứ hai, giá cả thu
mua hàng xuất cảng như đường, cà phê, tiêu, cá, mắm vân vân…ai quyết định? Nếu
do con buôn thì sau khi mua của chị họ đem đi đâu? Thứ ba, kế hoạch phát triển
kinh tế ngắn hạn, dài hạn do ai làm ra? Thứ tư, hợp đồng với nước ngoài do ai?
Chị có thể nói là do ông Xoài hay bà Ổi, ngành này hay ngành kia nhưng tất cả đều
sai. Nếu tôi cho chị vay tiền, tôi quyết định giá hàng của chị, mua hay không
tùy tôi, thời gian tôi cho người của tôi gõ cửa lấy tiền do tôi quyết định thì
chị sẽ thế nào? Chỉ có tôi hợp đồng với nước ngoài và chỉ có tôi biết. Không phải
chị chết chắc rồi sao? Chị và kế hoạch của chị chỉ là con cá đang bơi trong chậu
đang chờ tôi đem lên thớt mà thôi. Khi có gì chị cho là oan thì chị cứ việc đi
kiện. Kiện ông Xoài, bà Ổi trực tiếp ở địa phương làm thiệt hại cho chị. Đơn của
chị lên cho cùng là cũng vào tay tôi. Nên nhớ ông Xoài bà Ổi là người của tôi.
Nếu chúng làm sai thì tôi xử lý nội bộ nghiêm minh lắm. Chúng tôi chịu trách
nhiệm chung hoặc tôi sửa lại luật lệ cho nó trở nên hợp pháp thôi. Đặt luật lệ
và thi hành cũng do tôi nốt. Tôi thừa biết người ta thường cứ nhìn gần nên
không thấy xa, tham trâu bò mà quên đám ruộng cho nên tôi lấy ruộng và cho họ
trâu bò. Họ chỉ còn cách đi cày cho tôi để kiếm cơm mà thôi. Thế đấy, cuộc đời
có một, không hai có được bao nhiêu cái 5 năm, 10 năm mà họ vẫn cho tôi mượn để
thí nghiệm bỡi vì tất cả đều thuộc về tôi. Hễ sai thì tôi sửa lại có gì đâu
naò!
Nghe radio trên xe, có người bảo rằng kế hoạch
xuất khẩu lao động cần phải được nâng lên thành chính sách và khẩn trương thực
thi có kế hoạch… nghe như một lô từ ngữ lặp đi lặp lại như cơm bữa như bài thuộc
lòng của học sinh tiểu học (cấp một). Nghe đến đây làm tôi sực nhớ lại một kỷ
niệm làm tôi se lòng, khó quên. Lúc đang học lớp năm, tôi có chị bạn lớn hơn
tôi chừng ba tuổi. Chị là con nuôi của gia đình kế bên – nói là con nuôi chứ kỳ
thực vì con gia đình nghèo khó, đông con, chị được cha mẹ gửi vào ở giữ ba đứa
bé - đứa bồng, đứa dắt, đứa chạy chơi lung tung. Tuy gặp gia đình tử tế không đến
nổi đối xử tệ với chị nhưng chị phải làm việc quá sức. Người chị gầy gò trông rất
thảm, chị thường than với tôi chị rất mệt. Vì thường xuyên giúp chị tự học chữ,
tập đọc nên tôi được gia đình chị xem như con. Họ thường tâm sự họ rất buồn vì
phải để chị ấy đi ở kiếm sống và bớt phần ăn của gia đình. Ngày nay nghe người
ta đưa con dân còn sức khỏe ra nước ngoài làm lao động, làm mướn. Những người
ra đi phải chăng là hạng chuyên gia, bác sĩ, kỷ sư đi bán chữ, hái tiền ở nước
người hay chỉ là những người kiếm sống bằng sức lực lao động tay chân. Nếu vậy
thì không thể trách người ta có thể nghĩ là vì nghèo khó phải đi ở cho nước người,
làm cu-li để kiếm sống, hy vọng nuôi gia đình qua khỏi cảnh đói nghèo và tăng
thu nhập cho nhà nước! Thế nghĩa là thế nào? Ngày xưa gia đình lỡ gặp cảnh
nghèo đói, bần cùng, bất đắc dĩ phải cho con đi ở đợ. Chỉ một đứa thôi cũng quá
đủ cho cả xóm làng, dòng họ đau buồn, tủi hổ! Ngày nay, dân mình đi “......” tập
thể – xin quí vị điền vào từ thích hợp để tôi khỏi bị người ta cho rằng tôi quá
lời. Một dãi non sông từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau, rừng vàng, biển bạc, đất
phì nhiêu, ruộng đồng cò bay thẳng cánh giờ ở đâu? Khi chúng ta mất miền nam,
chúng ta đã để lại nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên từ rừng thiêng đến tận đáy
biển; để lại nguyên cơ sở vật chất, tiền vàng. Toàn bộ di sản cha ông trong tay
nhà nước mới, kể cả lực lượng bao triệu người dân lành, bà con miền nam của
chúng ta có tinh thần tự do, có trình độ văn hoá và có giáo dục. Hơn nửa thế kỷ
qua bao triệu người dân lành, bao triệu thanh niên đã chết khi chưa trọn cuộc đời
và hơn 80 triệu đồng bào bắc-nam - một lực lượng lao động có thể xẻ núi lấp
sông, nhất hô bá ứng, khom lưng cúi đầu, gọi dạ bảo vâng không một lời dám cãi
vì một ngày mai tươi sáng, một ngày hứa hẹn thiên đàng trên trái đất! Di sản trong tay khổng lồ thế đó, lực lượng
lao động trong tay lớn thế đó mà đến nay đất nước, xã hội, con người ra thế đó!
Đồng bào ruột thịt của chúng ta ra thế đó! Trái nghịch làm sao! Người Việt hải
ngoại chỉ có hơn triệu người ra đi tay trắng, túi không tiền, nhà không có ở,
tiếng người không thông thạo, muôn vàn khó khăn. Thế mà nay có thể nuôi cả nước
hơn tám chục triệu dân, hàng năm gửi về hàng tỉ bạc! Người có lòng hãy thử hỏi
tại sao? Mắt ở đâu mà không nhìn sự thật! Trí ở đâu mà không suy nghĩ cho cùng!
Đây là sự thật giữa ban ngày tự nó nói lên chứ không phải là thế lực thù địch
nào cả! Lịch sử một dân tộc kiên cường,
một dân tộc thông minh, hiếu học và anh hùng ở đâu? Đồng bào mình, hàng triệu
người chưa chắc đã thuộc hết địa danh trong nước; đất đai Việt nam đâu đến nổi
thiếu? Thống nhất! hơn ba mươi mấy năm rồi mà nay dân mình còn tiếp tục cho mượn
cuộc đời để thực thi chính sách này hay thí nghiệm kế hoạch 5 năm, 10 năm kia!
Lại nữa, nay còn có cơ quan mới – cái gọi là là “ban tư vấn phụ nữ”! Người ta
đã nâng lên thành tổ chức cho chị em phụ nữ làm vợ - nói đúng hơn là bán… nuôi
miệng, nuôi gia đình, nô lệ tình dục cho đàn ông nước ngoài! Chị em phụ nữ phải
khỏa thân để cho đàn ông nước ngoài tuyển chọn! Trời ơi! Thế mà người ta vô cảm,
thản nhiên như đang làm đại lý bán khoai sắn, khoai lang! Lòng ai chai đá không
đau khi thấy nhân phẩm của chị em, con em phụ nữ Việt nam của mình đã sa sút đến
ngần ấy! Thế là hết! Biết nói gì đây! “Quốc quốc” ơi! Hỏi có đau lòng chăng hởi con “quốc quốc”!
Kết thúc chuyến về thăm, lòng tôi càng cảm thấy
xót xa khi những hình ảnh không đáng phải có của dân mình cứ hiện lên bắt tôi
phải so sánh với cuộc sống của dân ở nuớc người. Tôi không giúp gì được và tôi cũng
như hàng triệu người khác, không có quyền lực hay thế lực nào để gọi là “thù địch
hay chống phá” mà chỉ có trái tim biết yêu thương và khắc khoải đợi chờ - đợi
chờ một ngày mới cho dân mình có cuộc sống thật sự xứng đáng. Tôi chỉ biết cầu
nguyện! Cầu nguyện cho lòng người kể cả những kẻ nắm quyền cai trị biết yêu
thương để trí họ trở nên sáng suốt để nhận ra rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa
đích thực khi con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống vì cuộc
đời chỉ có một chứ không có bản sao. Xin cầu nguyện cho họ sáng suốt để nhận ra
vì cớ gì trong lúc nhân loại đang có quyền sống đời của mình thì dân Việt lại cứ
tiếp tục phải cho mượn đời người để thí nghiệm một học thuyết xem con người là
công cụ của một chế độ xã hội, chỉ sản xuất và được chia phần vật chất? Cho
vay, cho mượn vật chất theo lẽ thường phải có thời hạn huống chi là đời người. Và
hãy cùng tôi cầu nguyện cho con người biết đạo lý này mà tự hỏi chừng nào mới đến
ngày đáo hạn để dân mình được lấy lại cả vốn lẫn lời, xây dựng lại cuộc sống ấm
no hạnh phúc và chợt tỉnh mà tự hỏi ngày ấy sẽ đến như thế nào?
Vĩnh Tường
(Bài được đăng trên giadinhlaigiang.org June 5 2014)
No comments