Tin Mới

Trẻ Em Và Những Nhu Cầu Thiết Yếu


(Trích trong Giáo Dục Con Cái/Tg. Lee Duong)
Gia đình là cái nôi êm ấm để trẻ phát triển đầy đủ và bình thường về cả thể chất cũng như tinh thần từ trong bụng mẹ, khi chào đời cho đến trưởng thành. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để trẻ phát triển toàn diện, gia đình cần đáp ứng những nhu cầu thiết yếu: Tình thương, sự nuôi dưỡng và giáo dục. Tình yêu thương, sự âu yếm trước hết là của cha mẹ, hoặc người thay vai cha mẹ có tình thương tha thiết và chân thật đối trẻ em. Đứa bé cần được nuôi dưỡng trong môi trường yên ấm, bầu không khí an vui, hoà thuận, được chăm sóc đúng cách. Trẻ phải được an tâm trong vòng tay bảo bọc, của cha mẹ song song với sự giáo dục mang tính nhân bản và nhất quán của cha mẹ cùng những thành viên có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp chung quanh trẻ trong gia đình, nhà trường và môi trường xã hội.

Phần Một: TÌNH THƯƠNG:

Nói đến tình thương là nói đến điều kỳ diệu vĩnh hằng, sống động chỉ có nơi con người; là yếu tố đầu tiên và cũng là sau cùng quyết định hạnh phúc của đời người. Trong tình thương uyên nguyên không có hình tướng, tuyệt nhiên không có chọn lựa, không phân biệt, kỳ thị. Tình thương ấy giúp ta hoà mình, trực cảm sâu xa những xung đột, khổ đau và chính nó mới có khả năng như thôi thúc ta mang niềm vui đến cho người. Trong giáo dục, làm cha mẹ không ít người thường gặp khó khăn xung đột bỡi cái “tôi cha mẹ”“cái tôi trẻ con”. Đòi hỏi đầu tiên của giáo dục sự là nối kết tương giao, là hiểu chính mình và hiểu tâm sinh lý của đứa bé, nhưng thật ra hầu hết chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản ấy bỡi cái “tôi cha mẹ” thường nhiều phen bít lấp cơ hội và hướng dẫn ta sai lầm và rồi ta cứ tưởng rằng ta thương yêu, lo lắng cho nó nhưng thực chất ta đã đem cái lý tưởng nó ‘sẽ là’- ‘phải là’ của riêng mình áp đặt lên đứa trẻ và ta đã bỏ quên cái nó ‘đang là’, và chính ta đã gây xung đột nội tâm, trục trặc tâm lý, trở ngại cho sự phát triển của nó không ít. Và như thế có phải chúng ta thật sự thương yêu con em mình không?

   Thật đơn giản! có mấy ai không biết là trẻ em cần được thương yêu. Ai cũng biết trẻ phát triển từ cái nôi gia đình, nhưng nếu chung quanh cái nôi có đầy những vấn đề phiền toái: yêu, ghét, giận hờn, cải vã tranh tụng ồn ào… thì đứa trẻ sẽ ra sao? Cái những tưởng là tình thương đã đong đầy tính vị kỷ - cái “ái ngã” thường tuôn ra qua nhiều ngõ ngách không tôn trọng một tiết độ nào. Khi vui thì tưng bừng hớn hở, cha mẹ lấy trẻ con ra đùa giỡn quá trớn, vô độ thất thường. Khi buồn bực do đâu không biết, đứa trẻ cũng bị quát tháo, trợn trừng, thậm chí còn bị đòn oan, hoặc bị ném bừa xuống như của nợ! Khi trẻ lớn lên thì trách cứ nó là đứa tính khí bất thường! Thế nghĩa là thế nào? Tình thương uyên nguyên toàn vẹn ở đây không phải là cái trái nghĩa với ghét bỏ; tình thương ấy không hề có bắt đầu và kết thúc; nó không thuộc hình tướng nên không có chọn lựa lấy, bỏ; nó luôn luôn hiện tiền với sự sống mà  không có lý do gì cả; tình thương ấy không phải tìm cầu mới có và cũng không phải là cái có thể hay cần phải luyện tập. Cái cần phải học tập là sự thể hiện trong quá trình nuôi duỡng và giáo dục để không làm thiên lệch hay giảm đi vai trò vô cùng quan trọng và tích cực của nó trong quá trình phát triển của trẻ em. Thật vậy, ta có cảm giác gì khi ta khi nhìn hai đứa trẻ con của những người khác, một đứa thì rách rưới hay trần truồng, dơ bẩn, mũi dãi lòng thòng còn đứa kia duyên dáng, kháu khỉnh, hồng hào, ngoan ngoãn, ăn mặc tươm tất, sạch đẹp? Phải chăng lòng ta vẫn thương yêu chúng bằng cái nguyên thể toàn vẹn của tình thương? – hay trong cả hai trường hợp ta đều động lòng thương - ta cảm thấy tội nghiệp cho đứa thứ nhất vì cái bề ngoài của nó thua kém con của mình và có thể ta mong giúp gì được cho nó; trong lúc ấy ta cũng cảm thấy đứa thứ hai thật dễ thương, ta muốn ôm nó vào lòng và tặng nó những nụ hôn cho thoả lòng? Trong cả hai trường hợp có khi nào ta nhận ra là ta đã thương yêu mình qua đứa bé. Ta thấy thương hại đứa thứ nhất vì nó thảm hại, tổn thương hình ảnh đã chấp trước trong ta và ta cũng thấy thương yêu những gì hợp với lý tưởng, cái hình ảnh đẹp mà trong ta đã chấp trước.  Và như vậy, không khác gì hơn là ta thương cái bóng của chính mình qua đứa bé trong các điều kiện ấy. Hoặc trong trường hợp khác, người ta có thể thương được một đứa trẻ nghịch ngợm, không vâng lời hay xấc xược, vô lễ không? Thường thì người ta ghét hay ít nhất cũng khó mà thương được đứa trẻ ấy, có phải không? Đứa trẻ đã chạm đến lòng tự ái - cái “ái ngã” của chúng ta; đứa trẻ đã không tự tiêu trừ bản ngã của nó để làm thoả mãn cái “ngã”- cái đòi hỏi, mong muốn của ta; đứa trẻ không lọt vào mẫu mực hình ảnh mà ta chấp trước, cho nên ta không chấp nhận.  Như vậy ta chỉ có tình thương cho những gì thuộc về mình mà thôi! Khi mà ta còn cảm giác sự tách biệt giữa ta và đối tượng - đứa bé thì ta còn cái thương yêu “tại vì”, tức có một lý do, một điều kiện đặt trước; ta chỉ yêu thương những gì đáp ứng đúng với lòng ta mong đợi. Và đó hiển nhiên không phải là tình thương ta nói trong giáo dục. Tình thương ta nói ở đây là cái tuyệt đối uyên nguyên toàn vẹn,  không có sự can dự của những gì ta chọn lựa hay của lý trí mang lại; nó tuyệt nhiên không do ý thức bổn phận nào và cũng không mảy may dính dấp đến thời gian. Nó thôi thúc chúng ta trước tiên phải hiểu khí chất của mỗi đứa trẻ cá biệt, mức độ phát triển riêng của nó và trước khi ta muốn dạy trẻ điều gì ta phải hiểu tận bên trong của chính mình rằng ta đang yêu thương như thế nào, những lời ta đang muốn nói, và cách ta đang dạy có thật sự sẽ có ích gì cho trẻ - mà ta đã hiểu hay vì ta, vì nỗi lo sợ của ta, vì yêu cầu của ta, vì lý tưởng của ta! Người mẹ vui được tin có con và tiếp tục mang và dưỡng con bao nhiêu tháng cho đến ngày con mình ra đời. Cha mẹ không hề bắt đầu hay thông qua ý thức bổn phận nào mà cứ hết lòng trong việc chăm sóc dạy dỗ con cái. Con ốm, cha mẹ đau lòng và lo lắng hơn nỗi đau của con. Trong giáo dục cũng thế, cha mẹ nào cũng hằng mơ một ngày con lớn lên thành người tốt. Và nhất là cha mẹ không vì một mong cầu hay vụ lợi nào cho mình mai kia cả. Kết quả do giáo dục mang lại thật mong manh, phải nói là đằng đẳng xa vời. Thế mà từng ngày, từng giờ, nếu không phải nhờ tình thương toàn vẹn thì điều gì đã giúp cho cha mẹ có nghị lực phi thường để hoàn thành thiên chức của mình?

   Về việc chăm sóc, ta hãy nhìn một cây ăn quả, đến lúc cần thêm phân để ra hoa kết trái mà người làm vườn cứ việc bón phân có thành phần Nitrogen (N) và Phosphorus (P) thì làm sao có được quả trong khi đó loại mà nó cần là Potassium (K), và nếu cứ tiếp tục thì sẽ có ngày chỉ quét lá, bắt sâu và tỉa cành mà thôi! Cái bù loong với con tán, dù nó làm bằng thép tốt nhưng ta cứ vặn sái thì chắc chắn gai sẽ tuôn nếu không thì bù loong cũng gãy. Đồ vật còn không thể làm càn được huống chi là làm một việc vô cùng hệ trọng có ảnh hưởng cả đời, đó là giáo dục một con người. Thế mà cho đến bây giờ vấn đề làm cha mẹ không mấy ai quan tâm một cách đặc biệt! Hầu hết có mấy ai kinh qua trường lớp hay chương trình làm cha mẹ và mấy ai có được một số hiểu biết căn bản về đứa trẻ. Như thế không phải chúng ta đã và đang làm một việc mò mẫm hay liều lĩnh đối với tương lai của một con người đó sao? Một đứa trẻ làm điều sai quấy ta vẫn yêu thương như thường nhưng ta giúp nó sửa chữa vì hành vi không thích hợp. Chúng ta không chấp nhận hay từ chối  hành vi sai trái chứ không phải là từ chối đứa trẻ mà ta yêu thương. Nhưng cũng không ít cha mẹ đã lặp đi lặp lại hành vi đánh mắng con em trong trường hợp này là “đồ tồi” (bad boy) hay bằng những từ ngữ tương tự, làm cho đứa trẻ khó nuốt nổi hoặc không còn cơ hội ngoi lên; kết quả là nó an lập với giá trị ấy và không còn mong sửa chữa. Còn vô số những sai lầm mà chúng ta không sao kể hết ở phạm vi này. Làm cha mẹ, chúng ta sẽ không tránh khỏi cảm giác tội lỗi khi không làm tròn trách nhiệm của mình để cho con cái hư hỏng. Thật đáng thương cho những phụ huynh cố tình dạy dỗ con em nhưng khốn nổi là đã làm hỏng con mình bằng sự thiếu hiểu biết! Không hiếm khi chúng ta nghe: ‘Gia đình ông bà ấy dạy con rất nghiêm khắc, đánh phạt con cái liên miên, thế mà cậu ấy hư vẫn hư! Thật là “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính!” Có đúng không? Trời sinh tính hay cha mẹ đã làm hỏng một đứa con thông minh? Theo lẽ thường, ngọc quí phải có người biết mài cũng như thép tốt phải cần thợ rèn giỏi thì ngọc mới ra ngọc, kiếm mới ra kiếm quí. Vậy phải làm thế nào để ta có thái độ không hối tiếc rằng ta đã làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình. Cái khó khăn “Làm cha mẹ”là một quá trình vừa học hỏi vừa thực hành. Có thể nói khác hơn, làm cha mẹ là một nghề cả đời. Nghề gì cũng có thể thay đổi, nghỉ hưu nhưng làm cha mẹ thì tuyệt đối không bao giờ được.

   Ngày nay xã hội có hàng trăm, hàng nghìn sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ đến phát chóng mặt. Sự lĩnh hội thẩm thấu cái chân, cái thiện, cái mỹ từ phía gia đình ít hơn và không đủ sức ngăn cản sự xâm nhập xô bồ khối lượng những tà mị, xấu ác, độc hại pha trộn từ những hang cùng ngõ hẽm khắp nơi trong xã hội trên toàn thế giới. Điều đặc biệt khó khăn cho chúng ta nhất là sự thay đổi và ảnh hưởng của nó nhanh như điện, nhanh hơn trí tưởng tượng của ta. Chính vì thế mà không phải như ngày xưa, trong tình thế hiện tại, con em rất cần ở chúng ta kiến thức làm cha mẹ.  Nói cách khác, trong thời đại có quá nhiều yêu cầu đặc biệt, mới lạ và bức thiết này, chúng ta phải thật gấp như trong cuộc chạy đua nước rút, tìm hiểu về tâm sinh lý trẻ em, về giáo dục và áp dụng linh hoạt những hiểu biết ấy sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của chúng. Túi khôn của người Việt thừa sức giúp chúng ta quan sát, so sánh, định giá, chọn lựa để ủng hộ con em mình khi tiếp nhận tinh hoa văn hoá của nhân loại từ khắp thế giới trên đất nước tự do này. Một ví dụ đơn giản, truyền thuyết về ông già Noel (Santa Claus) là một trong những điểm son điển tích văn hoá đã và đang sống mãi trong lòng trẻ em hiện nay ở Hoa Kỳ vì có vai trò rất tích cực trong việc giáo dục. Biểu tượng thánh thiện của tình yêu thương trẻ thơ đã vượt thời gian, không gian không chỉ hạn hẹp trong phạm vi của một tôn giáo. Bất kể là lịch sử của vị thánh này có bao nhiêu sự thật, và đối với bất kỳ con em thuộc tôn giáo nào, đây mãi mãi vẫn là một đóng góp to lớn trong việc giáo dục con em về tình thương yêu vô vị kỷ, sự tự tin, niềm hy vọng, ước mơ hồn nhiên chân thiện của tuổi thơ và tinh thần lạc quan yêu đời. Điều cốt lõi nên hiểu đây là cơ hội khơi dạy cho trẻ ngoan hiền, hiếu thảo, khơi dậy đức từ bi, bác ái, biết chia vui xẻ buồn với đồng loại chứ không nhất thiết phải theo những nghi thức, tập tục một cách máy móc và đặc biệt nếu muốn biến nó thành dịp để khoa trương của người lớn thì cũng đừng quên đi cái ích lợi thực tiễn của nó chính là giáo dục trẻ em. Lễ hội Halloween cũng thế, qua đó chúng ta sẽ thấy trẻ em có thể nhân đó phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo không riêng gì những hình ảnh đẹp mà kể cả những gì xấu xí. Chúng ta nên chú ý đến  khía cạnh nhân bản mà hướng cho trẻ dung thông sự khác biệt trong cuộc sống, tình yêu thương bao la kể cả đối với những người đã khuất tiêu biểu như Jack – O’Lantern (Stingy Jack) trong nguồn gốc của ngày lễ hội này. Cũng trong dịp này các trường học thường tổ chức dắt các em đi tham quan các nông trại bí ngô (pumkin path). Các em có dịp mở rộng tầm hiểu biết và yêu thương những con người bình dị, việc làm cũng như thành quả và những đóng góp của họ. Các em có dịp cảm nhận cuộc sống thanh thản bình yên trong thời đại thực dụng. Các em sẽ thích thú khi được nhìn tận mắt, tự chọn và tự tay hái những quả bí ngô hoặc khi được xem những gia súc cùng vài loại thú vật đang nuôi ở đó và tham gia vài trò chơi ở vùng quê. Có điều cần nhớ là không nên nệ cổ, xem trọng nghi thức, hay truyền thống, cứng nhắc mà tùy vào sáng kiến mới miễn sao đạt được mục tiêu giáo dục nhi đồng.  Riêng dân tộc Việt nam có tập tục liên hệ đến nhi đồng là Tết Trung Thu. Mặc cho truyền thuyết phát xuất từ đâu và sự thật như thế nào, tác dụng giáo dục của nó vượt khỏi những giới hạn ấy. Ngày này mang đến niềm vui cho con em và biểu đạt phần nào sự quan tâm của cha mẹ khi chuẩn bị cho con em đón nhận niềm vui. Dĩ nhiên mỗi người chúng ta đều có cách tận dụng cơ hội giáo dục trẻ em và có sự định giá riêng về mức độ hiệu quả của những ngày này.

   Thu tập những kiến thức làm cha  mẹ là điều kiện then chốt dọn đường cho sự tăng trưởng và phát triển đều đặn và tốt đẹp của con em. Thật vậy, trong giáo dục, bất kỳ sự thiếu sót, sai lầm nào của cha mẹ cũng đều là sự thiệt thòi to lớn và lâu dài cho con em. Dù cha mẹ thương yêu con mình đến đâu cũng không gánh giúp được hậu quả những sai lầm ấy. Trẻ phải cõng những hệ quả sai lầm trong giáo dục không phải một giờ, một ngày hay một tháng, một năm mà là cả đời của chúng!   thứ mà cha mẹ cần có để làm khởi điểm cho tất cả kiến thức về giáo dục con em không đâu xa lạ ngoài cái mà con người đang có trọn vẹn, tự nhiên và tức thì đó là tình thương. Tình thương trọn vẹn không có tại vì, không có cho nên, không tính toán, không có cấp độ so sánh, không nhiều cũng không ít, không có hôm qua cũng không phải ở ngày mai và tuyệt nhiên không phải hứa hẹn, tìm cầu hay tập luyện mới có mà là cái tức thì, hiện tiền, toàn hảo và vĩnh viễn trong mỗi chúng ta. Một phút nào đó khi không còn thấy vách ngăn giữa cái “tôi cha mẹ” và cái “tôi trẻ em” ta sẽ thấy tình thương yêu ấy thật sự hiển lộ, giúp ta sáng suốt và biết sẽ phải làm gì để giúp đứa trẻ.


Gương mẫu trong mọi trường hợp: hiểu chính mình; tìm hiểu và cảm thông đứa trẻ; cổ võ đúng lúc; ủng hộ đúng cách; tín thác và tin tưởng trẻ; không áp đặt lý tưởng của mình lên đứa trẻ; công nhận thành quả đúng lúc, đúng mức; khuyến khích và nâng cao mặt tích cực đồng thời tiết giảm tối đa chỉ trích, chê bai những thiếu sót; tuyệt đối tránh châm biếm, mỉa mai, trêu chọc hay trêu đùa quá trớn làm cho trẻ tổn thương; không xử sự theo phản ứng nhất thời; không đàn áp, bắt nạt, thô lỗ; bạo quyền, đánh mắng, làm nhục và đừng để trẻ chứng kiến những tình huống tiêu cực, tồi tệ trong các tương quan của người lớn; mặt khác, cần tỏ ra tôn trọng nhân phẩm của con em như tôn trọng một con người trọn vẹn. Đức kiên nhẫn, tinh thần hy sinh và tinh thần trách nhiệm… là những gì cha mẹ cần có nếu muốn bảo rằng mình đang giáo dục con em với tình thương trọn vẹn.

(Xin xem tiếp phần Hai)

Lee Duong

No comments