Tin Mới

VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC XƯA VÀ NAY

Thông thường xưa nay, cha mẹ nào cũng mong con mình được trưởng thành trở nên người có tài có đức.  Chúng ta đã đem lại những sinh mệnh trên thế gian này và cùng thực hiện chung một ước mơ và ước mơ này chỉ có trong nhân loại. Hãy nhìn xem người người đang lái xe trên đường không đếm hết, những công nhân, kẻ đang sửa máy; người lau chùi nhà tắm, rửa cầu tiêu; người làm vườn đang cắt cỏ; người kỹ sư đang vẽ họa đồ hay ông bác sĩ đang chữa bệnh… không phải tất cả đều đang đeo đuổi hạnh phúc đó sao? Ngay cả việc tôi đang nói chuyện với các bạn ở đây, các bạn vì cố ý hay tình cờ đang đọc cũng không ngoài mục đích ấy.  Thế mà chúng ta có thể dễ dàng quên đi điều kiện tiên quyết, một điều mà ngoài sinh mệnh ra không có gì quan trọng hơn. Đó chính là giáo dục, nếu không thì còn gì khác hơn. Nhưng giáo dục có mục đích và chiều hướng sai lầm thì còn tệ hại hơn là không có giáo dục vì hệ quả sai lầm do giáo dục mang lại là tàn phá, là xung đột, chấp tranh thống khổ, sợ hãi, bất an cho con người qua nhiều thế hệ không dễ gì sửa đổi được. Chỉ vài phút nhìn cuộc sống đầy chấp tranh, xung đột, bất nhân, thống khổ triền miên về tinh thần và thể chất của con người ở những tập thể xã hội trong một số nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có chế độ chính trị độc tài ta sẽ không khỏi thương tâm, ngậm ngùi. Cuộc sống có ý nghĩa khi con người biết rằng mình đang mưu cầu hạnh phúc. Và giáo dục là chuẩn bị điều kiện để con người theo đuổi hạnh phúc cho cá nhân và cùng lúc tôn trọng sự mưu cầu hạnh phúc của người khác vì ý nghiã cuộc sống chỉ tồn tại khi con người còn có tương giao.  Xưa vậy, nay cũng vậy, điều kiện đơn giản nhưng không thể thiếu ấy là: Học làm người trước đã - tức là học cách xây dựng và gìn giữ mối tương giao nhân loại hướng thượng, vuợt trên xa tất cả bản năng sinh tồn của các loài sinh vật khác. Hình thức có thể thay đổi theo thời gian nhưng mục tiêu ấy không hề khác nhau bao giờ. Mối tương giao ấy chỉ tốt đẹp, có hy vọng mang lại an lạc khi con người còn có lòng nhân ái, có lương tri, coi trọng chân - thiện - mỹ. Mặt khác không ngừng nâng cao trí tuệ và khả năng thể chất để hướng đến con người toàn diện cũng là điều kiện không thể thiếu.

Làm cha mẹ trước hết không phải là một quyền lợi mà là nhận một thiên chức. Nuôi dạy con em không phải là chỉ để chúng thành công mà trước hết và quan trọng hơn cả là phải “thành nhân”. Đây quả là một trách nhiệm thiêng liêng lớn nhất và thiết thực nhất trong đời người.

  Nhiều người mượn câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con; Trời sinh tính” để an ủi, bênh vực cho những thiếu sót của mình trong giáo dục đã khiến cho con cái hư hỏng hoặc để minh họa cho sự may mắn, khi gặp trường hợp ít quan tâm giáo dục mà đứa trẻ trở nên người tốt nhờ gặp hoàn cảnh, môi trường thuận lợi nào đó. Nhưng điều đó chỉ có thể nói có phần chứ không thể khẳng định là hoàn toàn đúng. Tuy mỗi người bẩm sinh đã có cá tính do di truyền của tổ tiên hoặc có sự liên hệ đến chức năng sinh lý mà ngày nay các nhà nghiên cứu cho rằng có ảnh hưởng đến thần kinh, sinh lý, đến tính tình và trí thông minh… của con người, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định khống chế sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Khoa Tử Vi cũng khẳng định cuộc đời của mỗi người tùy thuộc phần lớn vào năm, tháng, ngày, giờ và phương vị họ sinh ra…Công việc nghiên cứu ấy không phải là của chúng ta. Về phương diện giáo dục chúng ta không dễ dàng cho phép mình chỉ chấp nhận hoặc đầu hàng tính bẩm sinh. Tác dụng của giáo dục là chuẩn bị cho cuộc đời bằng cách tạo môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ, hướng dẫn, xây dựng, cải thiện nhằm hướng con người đến chỗ tốt đẹp, hoàn thiện, độc lập, có điều kiện tốt hơn trên đường theo đuổi hạnh phúc. Tuy nhiên giáo dục mới chỉ là điều kiện ắt có chứ chưa có thể gọi là đủ để đạt được mục tiêu ấy.  Mục đích sai lầm và phương pháp cứng nhắc và có tính áp đặt, cưỡng bách, có thể biến đổi con người trở thành nạn nhân hoặc trở nên tàn ác bất nhân, không những gây đau khổ cho cá nhân mà còn tạo bất an cho hàng vạn người khác. Và như thế giáo dục không còn căn nghĩa của nó mà đã trở thành nguồn gốc của sự tàn phá, hủy diệt. Trước mắt chúng ta, trên tất cả các nước, giáo dục là sinh hoạt to lớn, đông đảo nhất và tốn kém hàng đầu. Giáo dục không phải chỉ giới hạn ảnh hưởng ở phạm vi quan hệ giữa cha mẹ và con cái hay thầy trò mà còn bao gồm ảnh hưởng tương tác giữa con người với môi trường và hoàn cảnh vào trí não và sự thích ứng của cá nhân nữa.

    Ảnh hưởng bỡi hoàn cảnh xã hội: Hai đứa trẻ bẩm sinh cùng có thần kinh nhạy bén, mẫn tiệp, thông minh. Một đứa được nền giáo dục có mục đích, có chủ trương, có đường lối đúc nặn thành con người theo một khuôn mẫu nhất định để làm công cụ cho  một chủ nghĩa nào đó – con người được mang nhãn tên là “con người xã hội này, hay xã hội nọ…”. Để đến đó đứa trẻ và gia đình sống duới một chế độ lừa bịp, hà khắc, áp bức, bóc lột, bất công, đe dọa triền miên khiến con người lúc nào cũng phải lo sợ, co ro nhịn nhục, giả điếc, giả khờ, suy nghĩ cũng được dạy một chiều,. Còn đứa kia thì được may mắn, sống ở một nơi mà con người là căn bản, quyền làm người được tôn trọng, tự do phát triển tất cả những khả năng thiên phú của mình với sự giúp đỡ của mọi người chung quanh và của xã hội. Nếu đứa trẻ trong địa ngục trần gian kia còn sống sót đến tuổi trưởng thành đem so sánh với con người này ta sẽ thấy sự khác nhau thế nào? Và đến lúc mà hai con người ấy lớn lên thì xã hội mà họ sống sẽ khác nhau như thế nào?

   Ảnh hưởng bỡi hoàn cảnh thiên nhiên: Hai đứa trẻ bẩm sinh cùng là trẻ yếu nhược. Một em sinh trưởng ở miền quê ruộng đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay, có sông nước hiền hòa, thiên nhiên ưu đãi chắc chắn sẽ thích an thân thủ phận hơn là phải phấn đấu bon chen với đời hoặc ít ra tính tình cũng rộng rãi chân chất. Còn em kia sinh trưởng ở sa mạc nóng bức, giá buốt, bão cát thất thường hay ở nơi đất đai chật hẹp, thời tiết khắc nghiệt khiến con người phải vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn, chắc chắn sẽ được hun đúc ý chí mạnh hơn để được sinh tồn.

   Điều kiện sức khỏe: Ngay cả hai anh chị em song sinh, một đứa thì khoẻ mạnh còn đứa kia thì ốm yếu, mang bịnh khó trị triền miên trong người chắc chắn sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến sự khác nhau về tính tình. Sự chăm sóc và dạy dỗ phải khác nhau rất nhiều. Sự bồi dưỡng cơ thể qua các loại thức ăn và qua dược tính của một số thuốc cũng thay đổi không ít tính tình của con người. Người bạc nhược, chán đời có thể trở nên siêng năng hoặc người gay gắt gỏng có thể trở nên ôn hòa hơn.

   Nói đến giáo dục người ta thường chỉ nghĩ đến vấn đề đức dục. Đây cũng là một thiếu sót. Triết lý giáo dục phải là nhân bản tức phải xem con người là đối tượng chủ yếu. Giáo dục con cái là giúp chúng hoàn thiện quá trình phát triển tâm sinh lý một cách toàn diện; mong chúng trưởng thành con người độc lập, tự chủ, có tinh thần nhân bản trong mọi tương quan nhân loại và vạn hữu đồng thời thích nghi và có tinh thần cũng như khả năng cải thiện môi trường mà con người ấy sống chứ không phải chỉ để đạt lý tưởng của chúng ta và cũng không phải mãi mãi chuẩn bị sống.  Hoặc quá quắt hơn nữa là mưu ý đào tạo con người theo một mẫu định sẵn thành phương tiện nhằm thỏa mãn yêu cầu của một ý hệ, một chủ nghĩa, một chế độ chính trị, hay rập khuôn công cụ của một kiểu mẫu xã hội dựa vào một học thuyết cho rằng chỉ có như thế mới tuyệt hảo thì quả là phi lý và bất nhân. Ngay ở khi khởi lên mưu ý này đã là phi lý và bất nhân rồi. Phi lý và bất nhân bỡi vì ngay trước khi được giáo dục bản thân con người đã vượt trên hàng thú vật, có ý thức về mình, là một chỉnh thể tự do và độc lập, có linh hồn và thể xác chứ không phải là một vật thể cho nên không thể nặn đúc, đẽo gọt, hay chế tác theo một kiểu mẫu - mẫu người xã hội này hay xã hội kia ngoại trừ trường hợp người ta muốn biến con người thành tập thể biết làm nô lệ để được sống còn dưới chế độ áp bức, bất công. Khoa tâm lý giáo dục góp phần trọng yếu cho cho quá trình giáo dục đích thực, đúng nghĩa nhằm đặt nền tảng hạnh phúc của đời người của cá nhân từ đó có ích cho nhân quần. Giáo dục chiếm phần quan trọng, lớn lao nhất trong sự hình thành tư cách, phẩm chất của con người nhưng giáo dục thời nay ngày càng ít chú trọng đến đức dục. Đây là vấn đề lớn lao mà chúng ta, người làm cha mẹ phải đặc biệt quan tâm để bù vào chỗ thiếu sót đó. 

   Qua câu chuyện của Mạnh Tử, nhà hiền triết được người đời tôn lên bậc Á Thánh, ta biết một người mẹ xưa đã coi trọng giáo dục đức dục và những điều kiện phụ thuộc của thiên chức này thật đúng mức.

 “Mạnh Tử tên là Mạnh Kha, tự là Tủ Dư, dòng dõi Công Tộc Mạnh Tôn ở nước Lỗ.
     Lúc lên ba, mạnh Kha đã mồ côi cha, nhà nghèo, ở bên một nghĩa địa. Hàng ngày thấy người ta đào chôn xác chết rồi lăn khóc thảm thiết, ở nhà cậu bé cũng bắt chước làm theo. Mẹ của Mạnh Kha, Chương Thị (Mạnh Mẫu) thấy vậy bảo rằng: - Chỗ này không phải là chỗ cho con ta ở được.
    Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Ngày ngày thấy cảnh buôn bán, trao đổi tiền nong, vật dụng, lời qua tiếng lại, lọc lừa, thêm bớt, đảo điên, Mạnh tử về nhà cùng trẻ khác bày trò buôn bán như thế. Thấy con tập thói ranh ma, điên đảo, Mạnh mẫu không yên lòng, bà lại bảo: - Đây cũng không phải là chỗ cho con ta ở.
    Một lần nữa Mạnh mẫu dọn nhà đến ở cạnh trường học. Cậu bé thấy trẻ nhỏ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, tập đọc, tập viết. Về nhà cậu bé Mạnh Kha cũng bắt chước học tập lễ phép, và tập cắp sách vở.  Bấy giờ Mạnh mẫu vui lòng nói: Chỗ này mới là chỗ ở của con ta.
    Đến một hôm, thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, cậu bé Kha về hỏi mẹ: - Người ta giết heo để làm gì? Bà nói đùa: - Để cho con ăn thịt đấy.
   Nói xong bà lại hối tiếc là mình đã lỡ lời. Sợ rằng lời nói dối chẳng khác nào dạy con trẻ nói dối nên bà đi mua thịt heo đem về làm cho con ăn thật.
    Một hôm khác, Mạnh Kha bỗng bỏ học, về nhà chơi. Trong lúc đang dệt vải, trông thấy thế, Mạnh mẫu gọi con lại rồi dùng dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung và nói rằng: - Con đang đi học mà bỏ lớp cũng như mẹ đang dệt tấm vải mà cắt đứt bỏ đi. Từ đó Mạnh Kha chuyên tâm học tập, tiến bộ và hay tập việc tế lễ.
   Về sau, Mạnh Kha trở thành người thầy gọi là Mạnh Tử. Ông đã để lại gương đóng góp vào giáo dục con người có giá trị phi thời gian. Sách Mạnh Tử là một trong Tứ Thư nổi tiếng của Nho giáo.

   Nền giáo dục ở trường học trong chế độ Cộng Hòa ở miền Nam Việt nam trước 1975 tuy còn non trẻ, chưa phải là toàn hảo vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ còn quá nhiều khó khăn, bó buộc nhưng kết quả thật đáng cho chúng ta mừng. Những khó khăn chúng ta có thể nhìn sự thật mà kể. Thứ nhất là trong lúc giáo dục ra sức gìn giữ đạo ngũ thường (đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), phát huy tinh thần nhân bản, mở mang dân trí, phổ cập quyền hạn, nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm của người công dân đang chập chững bước vào xã hội hoàn toàn mới dưới chế độ tự do dân chủ thì trong xã hội người dân bị rỉ tai thúc đẩy đấu tranh giai cấp, chia rẽ, phân hoá xã hội vì mục tiêu chính trị của miền bắc. Thứ hai là thiếu ngân sách, cơ sở vật chất và nhân lực. Thứ ba là miền nam còn phải đối đầu với anh ninh xã hội không bảo đảm vì bom đạn miền bắc, ngày đêm phá đường, giật cầu, gieo rắc tai ương, sợ hãi khắp nơi. Dù vậy, giáo dục miền Nam vẫn phát triển nhanh chóng và đều đặn nhờ triết lý giáo dục và mục tiêu đúng đắn. Triết lý giáo dục căn bản, thứ nhất là nhân bản - lấy con người làm gốc, cuộc đời và hạnh phúc của con người ngay trong đời này làm căn bản, con người chính là cứu cánh chứ không phải là phương tiện hay công cụ phục vụ cho bất kỳ mục tiêu gì, của bất cứ ai, bất cứ đảng phái hay tổ chức nào; thứ hai là dân tộc - bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, giá trị gia đình;  thứ ba là khai phóng – không phải bế quan toả cảng, đóng cửa tự khen, một sân khấu một vở tuồng mà ngược lại, mở rộng, sẵn sàng tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật mới trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, tự do, giá trị văn hoá nhân loại nhằm hiện đại hoá quốc gia, xã hội làm cho xã hội tiếp cận với văn minh thế giới. Đáp ứng nhu cầu xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, giáo dục đeo đuổi các mục tiêu cụ thể, thứ nhất là phát triển toàn diện mỗi cá nhân - một chỉnh thể độc lập phải được coi trọng và tạo điều kiện để phát triển khí chất và khả năng riêng cả tinh thần và thể chất qua thông tin và dữ kiện khách quan trung thực, không bị bóp méo vo tròn phục vụ cho chủ trương hay định hướng nào; thứ hai là phát triển tinh thần quốc gia - hiểu biết một cách trung thực khách quan về hoàn cảnh xã hội, con người, cuộc sống, lịch sử, tài nguyên, sự tồn vong của đất nước, phát triển tình yêu quê hương đất nước, bảo tồn giá trị tinh thần và phát triển tinh hoa văn hoá dân tộc, xây dựng niềm tự tin, tinh thần tự lực, tự lập; thứ ba là phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học – ngay trong tổ chức học khóa, nhóm làm việc độc lập, ý thức về quyền hạn, trách nhiệm và kỷ luật, ý thức sự tương tác giữa cá nhân và tập thể xã hội, phát triển năng khiếu, tính tò mò, óc quan sát, phán đoán độc lập, tương tác giữa cá nhân và tập thể, phát huy tinh thần khoa học và khả năng tiếp nhận giá trị văn hoá của nhân loại. Nhờ triết lý giáo dục và hướng đi như thế mà dân miền nam Nam từ người nông phu cho đến các tầng lớp khác tiến bộ trên mọi bình diện trong một thời gian ngắn kỷ lục. Một nền giáo dục phi chính trị, tôn trọng tự do, nhân bản giúp con người được cỡi mở tiếp thu được những cái hay, cái đẹp khắp nơi trên thế giới. Và trong giáo dục ở gia đình cũng như ở học đường không hề bao giờ học tập đề cao, tán tụng, tôn sùng cá nhân lãnh tụ hay bất kỳ chủ nghĩa, đảng phái nào. Ngay ở đó đã có tự do và bình đẳng rồi và tự do có thật trong cuộc sống hàng ngày như cơm ăn, áo mặc không cần và không ai khua chuông, gõ trống rao giảng, đề cao hay tuyên truyền. Học sinh không hề bị nhồi sọ mà chỉ được tự do lĩnh hội cái túi khôn của nhân loại từng ngày.

    Ngược về quá khứ, giáo dục dân gian có tính cách hạn hẹp trong gia đình chung qui coi trọng luân lý, đạo đức mà thiếu hẳn khoa học, nhưng vì hiểu biết về con người còn quá kém cỏi nên phương pháp giáo dục mắc phải nhiều sai lầm, thậm chí còn đàn áp sự phát triển tự nhiên của con em. Phương pháp chủ yếu là truyền thụ. Người trẻ chỉ tiếp thu những lời giáo huấn một cách thụ động như những chiếc máy thu hình, thu tiếng mà không được cơ hội để phát huy những sáng kiến của mình. Hơn nữa, nền giáo dục khắc kỷ quá nghiêm ngặt đưa con người vào khuôn khổ lễ giáo ngay từ lúc còn bé quả thật đã rèn cho con người sớm có đức tự chủ, chế thắng được nhưng đồng thời đã làm giảm đi sự phát triển sáng kiến, tài năng thiên phú của con người.

   Ngày xưa khi lên năm bảy tuổi, chúng ta đã phải vào khuôn phép, đi đứng đàng hoàng ngay ngắn nhất là khi có người lớn, không được chạy nhảy, la hét đùa giỡn, nhiều khi phải đứng quanh đấy cả giờ để hầu trà hay nghe chuyện đạo lý, ngán lắm mà không được tỏ vẻ khó chịu cho đến khi được phép mới đi chơi. Lớn lên chút nữa, thì phải biết “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Đi đứng, nằm ngồi đều phải tề chỉnh, đúng nơi, đúng lúc, thái độ phải tỏ ra người có khuôn phép… Có cả nghìn thứ không được. Còn nói năng: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. ‘Thưa’ như thế nào là vấn đề lớn, phải chọn lựa lời nói đúng lúc, đúng chỗ và phải đuợc phép mới được mở lời và phải khép nép, khiêm tốn, thưa gửi sao cho hợp với thân phận nhỏ nhoi của mình. Rõ ràng, giáo dục ngày xưa quá chú trọng đến khuôn mẫu đức dục của một thời đại để con người khi trưởng thành có tinh thần khiêm tốn, tự chủ, coi trọng trật tự lớp lang hầu giữ gìn sự an bình trong xã hội. Chúng ta không phủ nhận những ưu điểm của nền giáo dục ấy đồng thời cũng không thể kéo dài những khuyết điểm nặng nề của nó. Những mầm non vừa lên khỏi mặt đất đã bị đè bỡi tảng đá. Rồi chúng cũng tìm cách ngoi lên dưới ánh mặt trời nhưng chắc chắn chúng không được bình thường như những cây được mọc tự do.

   Có lẽ chúng ta cũng nên biết qua chữ “giáo” trong từ giáo dục mà chúng ta đã và đang dùng là từ gốc Hán. Chữ giáo theo căn ngữ gồm chữ lão ở trên chữ tử, bên phải thêm chữ phộc []; các chữ này có nghĩa là người già, lớn tuổi theo thứ tự ở trên truyền lại hiểu biết của mình cho trẻ con. Lão trên tử (thứ tự người già ở trên trẻ con) còn là tượng căn bản hiếu đạo, chữ phộc nghĩa là đánh khẻ ở một bên. Trong thời này, hình phạt, đánh đập được coi là phương tiện cố hữu trong giáo dục. Quyền phép này của cha mẹ hay thầy dạy được cho là phải và đã kéo dài thật khá lâu từ thời phong kiến cho đến thời chế độ Cộng hòa mới chấm dứt. Dù mới chỉ có chừng mực, nhưng cánh cửa đã được mở cho giáo dục buớc vào một kỷ nguyên mới mở đường cho đất nước, dân tộc vươn mình, sẵn sàng đuổi kịp các nước tiên tiến. Trong trường học, do khoa Sư phạm đã cập nhật hóa những hiểu biết về khoa tâm lý giáo dục từ Tây phương từ đó các thầy cô giáo không được dùng roi vọt hay các hình thức phạt coi thường nhân phẩm, lăng nhục và gây hại đến cơ thể của trẻ em. Tuy vậy, vì nhu cầu của nền giáo dục mới chưa được đáp ứng đầy đủ, chẳng hạn thầy ít, trò quá đông. Thầy cô giáo khó có thể áp dụng triệt để việc giúp cho từng cá nhân học sinh phát triển toàn diện được. Hơn nữa một số các thầy cô vì khả năng sư phạm yếu kém hoặc thiếu kiên nhẫn đã không ngại áp đặt hình phạt nhục thể để có kết quả nhanh và yên chí rằng mình đã thành công. Có thể nói lạm dụng hình phạt là chứng tỏ sự bất tài, yếu kém và thiếu trách nhiệm của nhà giáo. Kết quả này mang tính giả tạm và dĩ nhiên nó kéo theo những hệ quả tai hại lâu dài và khó lường cho tâm sinh lý của trẻ em. Phần cha mẹ thì khỏi phải nói, cho đến ngày nay quyền được sai lầm kiểu này vẫn còn rải rác khắp nơi:“Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. - thương yêu con cái thì nên đánh đập, dạy dỗ; nuông chiều, ngọt ngào với con cái đồng nghĩa với ghét con, làm cho chúng hư hỏng! Bài này hầu như cha mẹ Việt nam nào cũng thuộc lòng. Lối giáo dục ngày xa xưa người ta hầu hết chú trọng đến hình phạt làm đau đớn thể xác, làm nhục để tránh điều xấu và ý thức điều tốt. Khó trách sự sai lầm này khi người dạy chưa có kiến thức về tâm lý nhi đồng. Họ xem trẻ con là người lớn thu hình lại hoặc có khi đồng hóa giáo dục với huấn luyện và cứ thế mà áp đặt phương pháp phổ biến này mà không cần biết là hậu quả ra sao miễn là ngay lúc ấy trẻ con vì sợ đau đớn, xấu hổ mà nghe theo, làm theo. Người dạy dỗ cứ tưởng nghiêm khắc sẽ thành công! “Măng không uốn, để khi thành tre làm sao uốn được”. Và “lăng nhục” là cách “uốn” của giáo dục ngày xưa. Ngày nay, chúng ta không phản đối quan điểm giáo dục: không thể đợi chờ thời gian, nhưng ta phải hiểu vấn đề ở chỗ  UỐN như thế nào mới là việc tối ư quan trọng. Điều này không phải ai cũng biết và nếu biết thì cũng chưa chắc đã làm đúng, ngay cả dùng từ “UỐN” cũng không hoàn toàn đúng. Vấn đề này thuộc phạm vi kiến thức về tâm lý giáo dục, tình yêu và sự hy sinh lâu dài cho con trẻ.

    Nhờ hiểu biết tâm sinh lý của con người mà giáo dục ngày nay có chiều hướng thay đổi thật đáng kể. Trẻ em cần phát triển tự nhiên trong môi trường thuận lợi, thích hợp với sự giúp đỡ của người giáo dưỡng. Chúng cần cơ hội được tự do vui đùa, tự do thích ứng với hoàn cảnh. Những ưu điểm sẽ nẩy mầm và cùng lúc chúng ta cũng thấy được những nhược điểm của chúng. Từ đó chúng ta - những người có trách nhiệm - linh hoạt hướng dẫn giúp chúng phát triển tối đa mặt tích cực và bổ sung, sửa chữa những khiếm khuyết. Nhưng chưa chắc ai cũng làm được việc này một cách đúng đắn, trọn vẹn. Trên thực tế chúng ta đếm không hết sai lầm một cách rất tự nhiên. Ví dụ khen những cử chỉ xấc xược, vô lễ của trẻ được xem là khôn lanh. Sợ con em thua sút bạn bè, trẻ mới lên sáu, bảy đã được cha mẹ dạy cho các chiêu lẹ tay, lanh mắt, già miệng để vượt trội. Trẻ vu oan, bôi bẩn, giành công, đổ lỗi cho bạn khác rồi được cha mẹ khen là thông minh, lanh lợi. Một em giật lấy đồ chơi của bạn nhỏ mà không cần xin phép, khi bị đòi trả lại thì hăm dọa bạn coi chừng bị đánh, cha mẹ lại khen là “lớn lên không ai ăn hiếp được!” Cha, mẹ bảo đứa con cưng của mình “Cứ đứng đó “tè” đi, không có cảnh sát đâu mà sợ!” Thế có phải là dạy nó chỉ làm đúng khi có người nhìn đến! Và còn vô số kể những sai lầm đáng tiếc khác… Như vậy chẳng khác nào cha mẹ tự hào là đã chuẩn bị tương lai đen tối hay nói khác hơn có thể là mở sẵn cửa nhà khám cho con mình!..

   Giáo dục ngày nay coi trọng sự phát triển trí dục, chạy đua để đạt thành quả vật chất quá mức vượt xa sự bồi duỡng lương năng. Chính vì thế con người khi trưởng thành không cảm thụ cái tinh túy của đạo làm người, không quan tâm thấu hiểu chính mình và lẫn tránh sự thật kém thiện mỹ bên trong của chính mình. Xã hội cũng từ đó nhận được những thành viên bất đắc dĩ đã mang tai họa cho bao nhiêu người bất kể họ là bác sĩ, kỹ sư hay công nhân, vân vân… Đó là căn bệnh phổ biến của xã hội ngày nay. Càng ngày người ta chỉ chú trọng đến trí dục, khoa bảng nghiêng về huấn nghệ, con người được khuyến khích cố gắng thích nghi với mô hình xã hội hơn là giáo dục đích thực để hoàn thiện. Trí dục khoa bảng thắng đức nhân khiến con người ngày càng có khuynh hướng tranh đoạt quyền uy, danh vọng và lợi lộc – nguồn gốc của sự bất an. Trong khi đó con người trước hết bao giờ cũng cần phải hiểu chính mình một cách trọn vẹn, trung thực và có tình người, có nhân cách tốt, sống tử tế, có người có ta … thì tương giao nhân loại mới từ đó mà trở nên tốt đẹp hơn. Chiều hướng giáo dục ngày càng nghiêng lệch rập theo đà phát triển kỹ thuật của xã hội và đạo làm người đã bị thụt lùi trước nhu cầu mỗi ngày một cấp bách của cuộc sống văn minh khoa học kỹ thuật và vật chất.

   Xưa, người ta dùng lễ trong tương giao nhân loại, trong đối nhân xử thế để có được trật tự an bình. Chữ lễ thường dùng không chỉ hạn hẹp theo nghĩa lễ phép – một khuôn mẫu biểu lộ, một kiểu cách cư xử, chẳng hạn trẻ phải khoanh tay cúi đầu, “gọi dạ bảo vâng”, “đi thưa về trình” vân vân.  Chữ lễ của thánh nhân bao hàm cách xử thế tiếp vật không bị cái ‘ái ngã’ làm ngăn cách, trở ngại hay xung đột trong tương giao mà trong phạm vi này chúng ta không sao bàn hết được. Ngũ thường:“Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” là cái đức căn bản mà gia đình nào cũng cố dạy cho con mình. Xã hội thời nay thì khác, vì những tiến bộ khoa học quá nhanh, con người cần gấp rút tích trử khối lượng kiến thức khổng lồ để bắt kịp, tìm kiếm và thụ hưởng những thành quả ấy, đặc biệt là về vật chất. Giáo dục nhân đạo thì ngược lại chỉ có thể tiệm tiến, mất nhiều công phu và thời gian, không thể đốt giai đoạn cho nên không thể đuổi kịp những đòi hỏi nói trên của cuộc sống. Sự chênh lệch này đã để lại những hệ quả ngày càng mất quân bình và bất an trong xã hội. Ngay trên con đuờng đua chen và lùng sục kiếm tìm hạnh phúc, sự tranh giành, sự thắng thua, sự thành bại khiến con người không ngừng tạo không biết bao nhiêu khổ đau, phiền não cho chính mình và cho kẻ khác; gieo rắc bao nhiêu rối ren, chấp tranh, thống khổ cho xã hội. Cái chân ròng ròng hạnh phúc hiện tiền tức thì - cái ta “đang là” bị trùm lại, bị từ chối để chạy đi tìm sự thỏa mãn bên ngoài – cái ta “phải là”cho nên hạnh phúc ngày càng trở nên xa vời. Cái căn nguyên là lòng bi mẫn, cái đức nhân để tạo an bình cho cá nhân và xã hội không còn được coi trọng hoặc có khi không còn nguyên trạng nữa nên không trách gì xã hội ngày nay đã dùng quá nhiều luật pháp để ngăn ngừa và sửa trị. Nhưng giá trị của luật pháp có chăng chỉ là mang lại sự bình yên giả tạm chứ không tạo được căn nguyên an lạc cho con người. Sự tiến bộ về mặt này đã kéo theo tệ hại cho mặt khác. Sự mất quân bình càng lớn con người càng cảm thấy bất an trong cuộc sống.

   Nhìn giáo dục xưa và nay ta thấy rõ cả hai đều mắc phải sai lầm căn bản, đó là: “Thái quá như bất cập”. Ngày nay, nhất là các bạn trẻ không đủ kiên nhẫn, có thể không đủ thời gian để tiếp nhận những tinh hoa văn hóa tích tụ hàng nghìn năm của dân tộc mình. Thật là lãng phí! lãng phí! Cái chân lý vượt ngoài thời gian và không gian cho nên không thể bảo là lỗi thời, hay không phù hợp! Quí bậc cha mẹ chưa có dịp tìm hiểu nhiều về tâm lý giáo dục có lẽ nên lấy chân - thiện - mỹ làm căn bản, coi trẻ là một con người toàn vẹn và độc lập. Con cái cần nhận thấy cha mẹ chúng là người gương mẫu, coi trọng lẽ phải, có đức khiêm cung, tự chủ, có nét đẹp trong tâm hồn trong mọi mối tương quan. Đừng để cho trẻ có cơ hội thâm nhập những điều trái lẽ thường nhất là từ phía cha mẹ; từng giờ từng ngày quan tâm đến sự thẩm thấu, sự thay đổi và phát triển của con cái. Đừng nên để quá muộn vì giáo dục phải liên tục, tiệm tiến và song hành với quá trình tăng trưởng và phát triển của con em. Để biết ta phải kịp thời làm gì hầu giúp con em mình tránh hoặc sửa chữa những trục trặc tâm lý, giúp chúng phát triển toàn diện, cha mẹ cần tình yêu uyên nguyên không còn ngăn cách. Từ tình yêu này cha mẹ chắc chắn nghe thấu, hiểu thấu từng bước phát triển của con em mình. 

Lee Duong (Trích GIÁO DỤC )

No comments