Trước Khi Kết Hôn
Tiếp theo bài Về Giá Trị Gia Đình, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu những gì Trước Khi Kết Hôn
TRƯỚC KHI
KẾT HÔN:
Khi kết hôn, ai cũng mong có được một gia đình hạnh
phúc lâu dài. Nhưng tỉ lệ những cặp hôn nhân hiểu biết hoặc quan tâm đến những
điều kiện thiết yếu để hướng đến thành tựu mong muốn ấy có lẽ còn thấp lắm. Đa
số các bạn đều hoàn toàn theo tiếng gọi của tình yêu hoặc có sự can dự của
những tính toán hơn thiệt theo một góc độ nào đó, số còn lại rất ít người theo
sự quyết định của gia đình cha mẹ hai bên. Cho dù do đâu, trước khi quyết định
kết hôn cả hai người nhất định đã có thời gian cân nhắc cẩn thận. Tưởng cũng
nên nhắc lại đây là một quyết định vô
cùng quan trọng, là một bước ngoặt trong cuộc đời vì kết cuộc này sẽ trực tiếp chi
phối hầu như toàn diện sự nghiệp tương lai của cá nhân, của cả gia đình và
ngoài ra có thể ảnh hưởng đến cả những người thương chung quanh nữa.
Người
Việt thường hỏi thăm:“Cháu (em…) có gia đình
chưa?” chứ không hỏi: “…cưới vợ
(chồng) chưa?”(Are you married?) như người Anh, Mỹ. Qua câu này chúng ta
cũng có thể thấy người Việt có nét văn hoá đặc thù dân tộc Á Đông về hôn nhân
và gia đình. Giá trị gia đình được coi trọng trước hôn nhân là một tập quán của
người Việt. Chính vì vậy mà người Việt thường đắn đo rất kỹ trước khi đồng ý gả
cưới, kết hôn cho con. Kết hôn không phải chỉ là việc kết thúc một cuộc tình đã
chín muồi của hai người nhưng là sự ra đời, sự bắt đầu một gia đình - một tập
hợp người như một đơn vị căn bản của xã hội, có quan hệ hôn nhân, liên hệ huyết
thống sống chung gắn bó, lo lắng chăm sóc giúp đỡ nhau; thường là vợ chồng, cha
mẹ, con cái cháu chắt. Theo các tự điển tiếng Anh, tiêu biểu như tự điển The
New Lexicon Webster’s Dictionary, Marriage có nghĩa là: Mẫu quan hệ mà một người nam và một người nữ kết hợp một cách hợp pháp
trên cơ sở miên viễn… (Marriage: the institution under which a man and a woman
become legally united on a permanent basic / the act of entering this
institution/ the wedding ceremony/ the entering into married state as a
religious rite/ an intimate linking together.).Từ khái niệm ngôn ngữ này
chúng ta có thể suy nghĩ về độ bền của những cặp hôn nhân người Việt so với các
dân tộc bản xứ.
Ngày nay bỡi có sự pha trộn giữa các nền văn
hoá khác nhau, kết hôn không nhất định là
bắt đầu lập một gia đình đúng nghĩa của nó và ngược lại, có nhiều khi kiến tạo một gia đình không cần
qua thủ tục kết hôn nào. Sự cưới hỏi trước công chúng không còn giá trị
tuyệt đối là tuyên bố bước đầu của một gia đình mới như ngày xưa ở Á đông. Vì thế số người coi trọng việc “tạo
lập” một gia đình trở nên có giới hạn
hơn. Nói đến “tạo lập” tức là nói
đến yêu cầu kiến thức và phương pháp hay kỹ thuật. Lập một gia đình cũng vậy. Không
biết vật liệu và kỹ thuật xây cất mà làm thợ xây, không biết khám bệnh mà làm
thầy ra toa thuốc cho bệnh nhân hoặc không biết tính toán mà bỏ vốn ra làm
thương gia, chắc chắn ai cũng biết hậu quả sẽ ra sao. Trong tiếng Anh có thành
ngữ nhắc nhở “Cưới nhau vội, hối hận lúc thảnh thơi”(Marry in haste, and repent at leisure). Dù sao thì kết hôn vẫn là bước đầu xây dựng
nền tảng gia đình hay nói đúng hơn là chuẩn bị xây dựng cuộc đời cho từng
người ở hiện tại và những người sẽ ra đời trong tương lai. Gia đình
quan trọng và hệ lụy đến cuộc đời nhiều người như thế mà người xây dựng lại thiếu
kiến thức về nó thì rõ ràng là tự lấy cuộc đời mình trong kiếp này đi làm cuộc thí
nghiệm phiêu lưu mà không cần biết kết quả, bỡi vì kinh nghiệm thu được có lẽ
chỉ dùng ở kiếp sau mơ hồ nào đó. Sai lầm này có thể sửa được không? Các bạn đã
thấy câu trả lời. Sự thật hiển nhiên là chúng ta đã biết thời gian trong đời
người không thể quay ngược dù chỉ là một phần tỉ tỉ giây. Kết hôn là chấp nhận một chuyến du hành độc nhất trên con đường mòn
muôn thuở và một chiều như lên con thuyền xuôi theo dòng nước mà hành trang là những
thiên chức chan chứa tình yêu, tinh thần trách nhiệm thiêng liêng và cao cả.
Có được gia đình hạnh phúc hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cả ngoài và
trong tầm tay của mỗi người. Chúng ta nói đến nguyên tắc cấu trúc từ khởi đầu
đến hình thành, nguyên tắc phát triển và bảo tồn thành tựu có quan hệ đến con
người, đời người trong đó có sự can dự trực tiếp của cá nhân về tâm sinh lý,
vật lý và những quan hệ có mang tính xã hội. Người ta có thể tin rằng mọi thứ
đã được an bài, tin rằng con người có số mệnh, tin rằng tùy nhân quả luân hồi,
hoặc nhờ phúc ông bà tổ tiên… Chúng ta có thể tán đồng nhưng không thể loại bỏ sự can dự của khả năng và
thái độ của con người trong cuộc. Những thất tình lục dục, những tham sân si,
những tấm lòng độ lượng hay hẹp hòi, những bác ái vị tha, những từ bi hỷ xả hay
những thù hằn ganh tị, mưu mô hiểm ác, những tri kiến hoặc mê lầm của con người
là những ẩn số tác động làm tăng thêm hệ lụy hoặc thay đổi đời người. An lạc
hạnh phúc hay đau khổ, nguyên nhân và hậu quả cứ nối tiếp không ngừng trên nhiều
bình diện khác nhau mà gia đình là nơi có nhiều ảnh hưởng tương tác quan trọng
bậc nhất. Tuy vậy, phần đông có lẽ vì vấn đề quá ư quen thuộc đến độ người ta
thường tưởng rằng mình đã hiểu hết. Cứ tìm hiểu, đặt một số câu hỏi đơn giản
cho các bạn trẻ về những điều kiện thiết yếu, những yếu tố then chốt nào để
thiết lập một gia đình hy vọng có thể mang đến hạnh phúc, ta sẽ nhận được những
câu trả lời lòng vòng. Có bạn cho rằng chỉ cần có tình yêu hoặc có bạn cho rằng
căn bản là tiền tài, vật chất đầy đủ và cũng có bạn nói thêm về danh vọng hay địa
vị … Rất ít người nói đến sự hiểu biết những nguyên tắc căn bản trong quan hệ
tương liên giữa những thành viên trong gia đình. Những kiến thức như thế sẽ có
lợi ích thiết thực cho việc lập gia đình và gìn giữ sự hài hoà, êm ấm cho nhiều
thế hệ.
X X
X
Ngày xưa, hình
thái xã hội và quan niệm về cuộc sống rất khác xa bây giờ. Con người sống yên
trong một tổ chức xã hội có nề nếp, tập tục, khuôn phép, tiêu chuẩn căn bản về đạo
đức. Hơn nữa phương tiện thông tin trao đổi, liên lạc hầu như không có cho nên
người ta không có gì để đòi hỏi ngoài những tập tục đã được coi là chuẩn mực
của gia đình và xã hội. Nói đúng hơn là không có gì khác hơn để so sánh, chọn
lựa hay đua đòi cho nên họ sống yên vui trong xã hội đương thời mà không cảm
thấy có gì là không tốt. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có trường hợp bất thường về
trong quan hệ nam nữ tự do ‘vượt rào’ làm kinh động mọi người; nhưng với con số
không đáng kể không tạo nên ảnh hưởng thay đổi quan niệm sống đương thời.
Thời nay, trước
khi lập gia đình, nam nữ gặp nhau, yêu
đương là chuyện thường tình dù bất kỳ trong trường hợp
nào. Tình yêu nam nữ là yếu tố đầu tiên
không nên thiếu hay không thể thiếu. Tuy vậy, tình yêu trong việc lập gia
đình nhất là ở thời nay không hẳn là tất cả; nó cũng không phải là yếu tố duy
nhất quyết định sự thành bại, thăng trầm, hạnh phúc hay bất hạnh của cái mà ta
quyết tâm xây dựng, đó là “gia đình”. Mặc cho những định nghĩa
khác nhau về tình yêu, ở đây chúng ta chỉ xét về mặt nguyên tắc mà thôi. Tất
nhiên có người cho rằng việc lập gia đình duy chỉ cần có tình yêu:“Một túp lều tranh hai trái tim vàng.” là
đủ; hay “Yêu em mấy núi cũng trèo, mấy
sông cũng lội, vạn đèo anh cũng qua”... Chúc mừng! Có tình yêu chân thật là
có được sức mạnh kỳ diệu giúp bạn dễ dàng vượt qua những thử thách bước đầu
trong hôn nhân và dễ đạt được thành tựu tốt đẹp trên nhiều mặt trong sự nghiệp.
Nhưng chỉ với bao nhiêu ấy có đủ không so với những yêu cầu trong quá trình “Lập
Gia Đình” và sau đó là gìn giữ và phát triển?
Ông bà ta xưa
kia, kết hôn không phải là việc riêng của hai người mà là của ông bà, cha mẹ,
họ hàng, làng xã… Hầu hết trước khi kết hôn người ta phải qua những thủ tục
rườm rà, khắc khe trong vòng lễ giáo, tục truyền: phải có mai mối, phải “môn
đăng hộ đối” và cha mẹ hai bên đồng thuận, thậm chí đôi trai gái không hề biết
mặt nhau cho đến đêm động phòng. Chúng ta là thế hệ con cháu của họ. Họ cũng có
những thành tựu, có sự nghiệp tinh thần, vật chất hay ít nhất cũng đang có
chúng ta. Vậy tình yêu - trước hôn nhân - giữ vị trí nào trong hôn nhân và gia
đình? Tình yêu lúc bấy giờ có phải là tất cả không? Có ai dám khẳng định là họ
không có hạnh phúc hoặc có ai dám bảo rằng họ đau khổ suốt đời vì không có tình
yêu lúc ban đầu. Vậy những điều kiện nào khiến họ vẫn có những gia đình bình
thường hạnh phúc, tỉ lệ hôn nhân bền lâu cao hơn trong thời đại chúng ta đang
sống để ta có những cô dì chú bác, anh chị em…, những thân nhân vui sống quanh
ta hôm nay? Có nhiều người khiến chúng ta phải kính nể, khâm phục về tình yêu,
sự chung thủy, tình nghiã keo sơn gắn bó, những tấm lòng hy sinh cao cả cho
chồng, cho vợ, cho đàn con qua những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Chúng ta
không hề khuyên mọi người trở về thời kỳ xa xưa mà chỉ cùng nhau tìm hiểu xem
những gì có thể học hỏi được ở những thế hệ ấy chăng?
Hôm nay chúng
ta lần lượt tìm hiểu Tình Yêu và Sự Cân Xứng Cần Thiết Trong Hôn Nhân
A. TÌNH YÊU TRONG HÔN NHÂN:
Nếu cho rằng ngày xưa tình yêu nam nữ không có vị trí
nào trong hôn nhân thì không hẳn đúng. Lúc bấy giờ sự hiểu biết về tâm sinh lý
của nhân loại còn rất hạn hẹp, đơn sơ và chưa có hệ thống. Tuy trai gái cũng có
lần yêu nhau tha thiết nhưng thường là yêu trộm nhớ thầm chứ không bộc lộ. Vì quan
niệm về phẩm hạnh, danh dự gia đình, giòng tộc thời ấy không cho phép nam nữ
gặp nhau cho nên rất ít khi yêu nhau mà được lấy nhau thành vợ chồng. Người ta đã
tin rằng sự gần gũi, chung đụng trao đổi cho nhau về mặt sinh lý sau rồi sẽ nảy
sinh tình yêu. Từ đó vợ chồng như “ván đã
đóng thuyền” và chung sống trong vòng gia giáo, gia qui, trong tầm mắt và
sự đánh giá qua tiêu chuẩn đạo đức của xã hội đương thời. Vậy vấn đề có tình
yêu hay không đã được giải đáp. Chúng ta cũng dễ nhận định rằng vấn đề ở đây là
sự quan hệ thứ tự giữa cảm giác và tình cảm. Cảm giác có liên lạc với cơ thể
còn tình cảm lại khác nhưng cả hai không có ranh giới rõ rệt. Những cặp hôn
nhân được đặt để xưa kia trước hết có cảm giác chung đụng, thỏa mãn dục tính rồi
tình cảm mới nẩy sinh. Đây là ân ái mà hai người trao nhau lần đầu
tiên trong đời. Để có ngày thành thân của họ, cha mẹ, giòng họ hai bên, ông
mai, bà mối,…mọi người chung quanh đã bỏ công tạo dựng và chúc mừng. Hai người trân
quí tình vợ chồng như một món quà của tất cả đã tặng và tin rằng có sự góp phần
của của ông tơ bà nguyệt nữa. Sự biết ơn mọi người đã trói chặt họ với nhau. Vì
vậy sau khi kết hôn, họ bắt đầu sống với nhau bằng tình yêu thương, bằng danh
dự và tình thần trách nhiệm của người đã trưởng thành. Họ nối kết với nhau bằng
ân
ái mà họ đã nhận của nhau và hứa hẹn luôn vun bồi để trả ơn, làm đẹp
lòng mọi ân nhân xa gần. Họ sung sướng và hãnh diện, tự hào khi làm được việc
đó. Một cách trả ơn cha mẹ là vợ chồng luôn luôn hoà thuận, sinh con đẻ cái,
dạy dỗ chúng nên người. Đây chẳng những là hoàn thiện một thiên chức làm vợ,
chồng, cha mẹ mà còn là thiên chức nối truyền giòng họ. Sự hòa thuận có được
nhờ ở việc biết nhường nhịn nhau, khiêm tốn, tự trọng, kính trên nhường dưới. “Thuận vợ thuận chồng tác bể đông cũng cạn” là
đạo lý căn bản trong gia đình. Sự hòa thuận giữa đôi lứa sẽ đem nguồn vui và
khích lệ to lớn cho cả gia đình, khiến mọi người yên tâm, vui vẻ, có thêm ý chí
vươn lên để thành công trên những mặt khác. Người ta luôn luôn coi trọng sự nhường
nhịn “một nhịn chín lành” để có hoà
thuận:“Gia hòa vạn sự hưng”. Riêng về
chữ “ân” trong ân ái vừa nói, chữ
“ân” gốc Hán [恩] gồm
chữ đại (gốc chữ nhân) nằm trong chữ “vi” (cái to lớn, người lớn, nhưng nhốt
kín bên trong) dưới là chữ tâm ngụ ý nhận ơn ai tức cưu mang điều to lớn, nặng
nề cần khắc cốt ghi tâm. Kẻ thọ ân lúc nào cũng phải chịu thiệt thòi, phải chịu
nhún nhường, phải cam tâm tình nguyện hy sinh phần lớn tự do của mình và luôn
canh cánh món nợ trong lòng. Cho nên người chịu ân trả không bao giờ hết chứ
không phải như bây giờ chỉ cần nói “cảm ơn” - “thank you” là có thể vơi đi
được. Với cái nhìn của thời đại ấy, tình yêu hầu như đồng nghĩa với tình vợ
chồng và vợ chồng là kết quả của chữ “tình”
ngay sau đêm động phòng trao nhau “ân ái”. Ngày nay thì khác, hầu hết các
bạn có tình yêu trước rồi mới quyết định kết hôn. Phải trải qua thời gian chung
sống, sự cư xử, trao đổi cho nhau hai người mới có ân tình với nhau. Xem ra
chữ “ân” ngày nay không đủ sức ràng
buộc con người như ngày xưa. Đây có thể là một trong những điều cho thấy hôn
nhân ngày nay lỏng lẻo hơn ngày xưa. Lứa đôi ngày nay không cần có sự khổ công
tìm kiếm, chọn lựa và đóng góp, tạo dựng nào của cha mẹ hay bà con cả họ hàng;
có chăng chỉ là hình thức hưởng ứng một niềm vui đã được hai người chọn sẵn.
Hai người không có sự ràng buộc nào, sự giám sát nào của gia đình hay xã hội. Tất
cả đều là chuyện của hai người. Đến đây, chúng ta tìm được câu trả lời: Tình
yêu thời xưa hay ngày nay là một
trong những điều kiện trong hôn nhân, chỉ khác nhau ở quan niệm của mỗi thời
đại và thứ tự đến trước hay đến sau khi kết hôn mà thôi.
(Trích Lập Gia
Đình /Tg. Lee Duong/ XB. 2015)
(Còn tiếp…)
No comments