Trước Khi Kết Hôn (tiếp theo )
(Trích trong LẬP GIA ĐÌNH/ Tác giả Lee Duong)
A.
SỰ CÂN XỨNG CẦN THIẾT TRONG HÔN NHÂN:
1. Vấn đề “Môn đăng, Hộ đối”
có người còn gọi là “Môn đương hộ đối”
Ngày xưa, trong hôn nhân, sự cân
xứng mà người ta coi trọng là “Môn đăng hộ đối”có khi gọi là “Môn
đương hộ đối”, chứ không hẳn vì hạnh phúc của lứa đôi. “Môn đăng hộ
đối” là thế nào và do đâu mà có định lệ này đã làm cho bao nhiêu cuộc tình phải
tan vỡ, cả đời khóc hận, nam nữ cập kê phải lo sợ, nhiều khi bị buộc chia lìa?
Thông thường trong thời buổi
ấy, con cái lập gia đình ở độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới:16, 18 đến 20. Những
ai để quá tuổi 20 trở lên - thường gọi là ở tuổi “hăm” thì cha mẹ thường hay lo sợ con mình ‘ế vợ, ế
chồng’. Chúng ta ai cũng biết ở tuổi này sinh lý cơ thể con người phát triển
sung mãn, trái lại vốn kiến thức về nhân sinh, gia đình, xã hội hầu như chưa có
được bao nhiêu. Để bù đắp lại sự mất cân đối này, cha mẹ nhờ mai mối giúp đỡ xe
duyên chồng vợ và tiếp tục dạy dỗ cho đôi vợ chồng son biết cách ăn ở, chung
sống với gia đình, dòng họ và làng xóm. Nếu cha mẹ không còn thì nhờ chú, bác,
anh chị (Quyền huynh thế phụ) giúp đỡ tìm kiếm cô dâu. Về phía con gái thì chờ
đợi người “coi mắt”. Cả hai đàng khi
kén dâu, chọn rể cũng đều so đo, cân nhắc sao cho tương xứng về các mặt: danh
giá, địa vị xã hội, tài chánh… ; nói chung được ông bà, cha mẹ, họ hàng, làng
xóm xem là cùng một gia cấp, tương xứng địa vị xã hội, tài sản, học thức… và
thứ đến mới là nam nữ tương đối xứng đôi. Việc dựng vợ gả chồng đều do người ta
xếp đặt, tác thành dựa vào những thứ bên ngoài chứ không phải vì tình yêu và
hạnh phúc của đôi trai gái.
Một câu chuyện nhỏ tôi được nghe nhiều người kể lại có thể giúp các bạn
trẻ hiểu thêm xưa kia trai gái lấy nhau như thế nào:
“…Xưa có một nhà bá hộ có tiếng
tăm có người con trai đã đến tuổi kén vợ. Gia đình khổ công tìm được một ông
mai nổi tiếng về khoa ăn nói để giao việc. Biết việc khó khăn hơn bình thường,
ông mai vẫn tự tin nhận lời. Bên làng kia có một gia đình thuộc hàng phú hộ, có
đứa con gái cũng đang kén chồng. Họ cũng nhờ một bà mai nổi tiếng ở thật xa.
Hai bên trao đổi: “Cậu Tư nhà tôi sáng sủa, khôn ngoan, con nhà gia giáo trong
gia đình bá hộ…mọi thứ đều mẫu mực; duy chỉ có một điều dở là cậu đi đây đi đó,
giao du không bằng người ta; cậu không mấy thích đi xa; cậu thật là bất tiện.
Nếu bên nhà gái có thương thì xin miễn chấp.” Đến lượt bà mai: “Tôi nghĩ không
sao cả; không đi hay ít đi đây đi đó càng tốt; hơn nữa gia đình khá giả đâu cần
phải bôn ba rày đây mai đó chứ. Còn cô Hai nhà chúng tôi con nhà phú hộ, tuổi
tác thật xứng đôi với trai nhà anh; cô nhà tôi biết may vá thêu thùa, đảm đang,
chắc chắn sẽ là vợ hiền, dâu thảo; cô tôi không phải là tuyệt mỹ giai nhân
nhưng cũng có dáng dấp thục nữ; duy có điều miệng lưỡi không được như người ta,
nói năng không bằng cho nên ít nói. Nếu đàng trai không chê thì phúc cho cô tôi
biết mấy”. Ông mai ưng ý khoa trương: - Lời tục thường nói “Đàng ông miệng rộng
thời sang. Đàn bà miệng rộng tang hoang cửa nhà”. Cô ấy ít nói thì quả là tốt
cho cậu nhà tôi rồi!. Hai bên thật ưng ý với nhau và ai cũng hí hửng, hãnh diện
với chủ rằng mình thắng cuộc. Hôn lễ được cử hành thật long trọng. Đến lúc rước
dâu người ta mới thấy chú rể là người bị cụt giò! và đến sáng sau đêm động
phòng cha mẹ chồng mới biết cô dâu bị sứt môi!... Thì ra “đi đây đi đó
không như người ta và miệng lưỡi không bằng người ta” là thế! Và bây giờ thì
cười huề: “Nồi nào thì vung nấy”!
Trong thời buổi ấy, cô dâu
không những chỉ lo việc “nâng khăn sửa
trắp” cho chồng mà còn phục vụ gia đình phía chồng - một bổn phận chẳng
khác thi hành điều lệ của một bản giao kèo - không thể từ chối. Địa vị của
người chồng gần như chỉ là một thành viên trong gia đình mà thôi. Trong xã hội
phong kiến, sự phân chia giai cấp tự nhiên thật rõ ràng và được chấp nhận như
một lý lẽ đương nhiên; danh giá gia đình, giòng họ được dựa trên tiêu chuẩn
quyền uy và tiền của; “mặt mũi” được coi quan trọng bậc nhất. Nhân phẩm bị đồng
hoá với tiền tài và địa vị xã hội. Nếu rủi ro duyên phận trục trặc, lỡ làng
người ta xem là điều sỉ nhục hoặc sự mất mát to lớn cho cả giòng họ hơn là sự
bất hạnh của lứa đôi. Nam cũng như nữ rất khó có cơ hội làm lại cuộc đời. Mỗi
giai cấp có lối sinh hoạt rất khác nhau, quan niệm về nhân phẩm khác nhau.
Nhiều gia đình có dâu, rể khác biệt giai cấp quá xa đã gặp không ít trở ngại
trong lề lối sinh hoạt hàng ngày. Cái may có
chồng giàu sang thường trở thành nổi bất hạnh, cay đắng, tuổi hờn cho nhiều
cô dâu xuất thân từ nhà khó. Cho nên càng ít khác biệt giữa cô dâu và nhà chồng
càng ít trở ngại, càng dễ dàng cho cả đôi bên; cha mẹ chồng, anh chị chồng và
cả người chồng đỡ công “dạy” cô dâu
sao cho việc “nhập gia tùy tục” được
suông sẻ; và như thế người ta tin rằng đôi uyên ương càng có cơ hội tìm được
hạnh phúc hơn. Hạnh phúc cá nhân không phải là vấn đề đáng quan tâm. Cuộc sống
của hai người như trên mặt hồ gió lặng sóng yên là yêu cầu gắn liền với sự niềm
vui của cả gia đình nhà chồng. Vì thế tuy đã kết hôn nhưng hai người vẫn phải
sống dưới sự giám sát, nhắc nhở của gia đình cha mẹ chồng cho đến khi họ đủ khả
năng và được phép ra riêng.
Rất có thể bắt đầu từ mục đích đạt được sự tương xứng nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho cuộc sống hài hoà trong sinh hoạt của cô dâu trong gia đình
nhà chồng và những mối quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt móc nối giữa sui gia,
thông gia và đàn con cháu chung đụng sau này mà “môn đăng hộ đối” trở thành định lệ khẩu ước trong hôn nhân. Và
phải chăng “Môn đăng hộ đối” xuất
hiện như một hiện tượng xã hội, sau khi có quá nhiều thảm trạng trong các cuộc
hôn nhân không đạt tiêu chuẩn cân xứng về những thứ bề ngoài nói trên. Phải
chăng do quan niệm từ những người có học thức, gia đình quyền qúi thời phong
kiến đặt ra để bạo vệ lằn ranh giai cấp của mình? Hay đó chỉ là thành ngữ rút
ra từ một nguyên tắc quân bình, có giá trị bất biến của một sự kiện vật chất
nào đó thường xảy ra rồi do kinh nghiệm tự nhiên, quen dùng trong quan hệ dân
gian mà thành?
Bất kỳ điều gì xảy ra cũng
đều có lý do bắt đầu của nó. Ở đây cũng vậy, theo chữ Hán, môn là cửa cổng có
hai cánh (門) và cửa vào nhà có một cánh gọi là hộ (戶). Ngày nay khó mà truy tìm nguồn gốc của nhóm từ “Môn đăng hộ đối” hay “Môn đương hộ đối”
để có được câu trả lời thoả đáng cho tất cả những thắc mắc. Người ta có những
lối giải thích khác nhau như sau:
·
“Môn đăng” là
cổng có đèn (đăng); “Hộ đối” là hai bên cửa vào nhà có câu đối. Ngày xưa các
nhà giàu, có thanh thế thường có nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường; trước
nhà có nhà ngõ được treo lồng đèn đỏ quanh năm, suốt tháng để trưng bày sự giàu
có cũng như để chiêu tài và cửa nhà có liễn đối để tỏ gia đình có ăn học. Người
ta thường mong gả con gái vào những nhà gia thế vững vàng như thế để được ấm
thân. Ấy là nhà có“Môn đăng hộ đối”.
Có người cho rằng sở dĩ có “môn đăng hộ
đối” là do nhà gái khi gả con, muốn tìm gia đình giàu có, có gia thế, địa
vị xã hội để xứng đáng với nhan sắc và tài khéo của con gái mình cũng như “chim qúi phải được ở lồng son”
·
Có người bảo rằng
ở những gia đình quyền qúi, cao sang, giàu có hay ít ra cũng thuộc hàng khá
giả, hai bên gia đình thường đòi hỏi phải tương xứng nhau về các mặt trên để
sui gia, thông gia, dòng họ cùng rỡ ràng mặt mũi khi tổ chức cưới hỏi - một sự
kiện quan trọng, gây nhiều chú ý, dư luận trong làng xã thời ấy. Còn riêng
những gia đình cùng nghèo khó với nhau thì “môn
đăng hộ đối” hầu như không phải là vấn đề của họ.
·
Hoặc “Môn đương
hộ đối” (門當戶對)
là lối kiến trúc cổ của cổng nhà ngõ và cửa vào nhà ở. Chủ yếu là phải đúng
cách, cân xứng hài hoà, phù hợp với nhau, môn
và hộ phải đồng bộ với nhau, không thể lệch lạc, tách rời, mất tương xứng
về cả cấu trúc và ý nghĩa. Cổng kiểu này thì cửa nhà phải theo kiểu nọ mới phù
hợp. Từ đó thành ngữ “Môn đương hộ đối”
xuất hiện và dần hồi được xã hội hoá gắn liền với hôn nhân với ý nghĩa là trong
hôn nhân giữa hai nhà trai, gái cũng phải tương xứng như kiến trúc của hai bô
phận này thì mới đúng cách và bền đẹp.
Cũng như mọi thành ngữ khác, “môn đăng hộ đối” hay “môn đương hộ đối” được dùng quen thuộc
trong hoàn cảnh, trường hợp đặc biệt khớp với ý nghĩa của nó để gợi óc liên
tưởng cho người nghe hay nhấn mạnh sự quan trọng của sự kiện và mỗi khi nói
không ai cần phải truy nguyên xuất xứ. Thông thường, qua nhiều năm tháng các
thành ngữ được bám rễ trong xã hội và thành ngữ nào có ảnh hưởng mang lại lợi
ích cụ thể và có cơ hội lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó trở thành tập quán hay
định lệ. Đến mức ấy, vì quá quen thuộc với bất kỳ điều gì đang dùng, người ta
có khuynh hướng quên đi nguồn gốc, sự hình thành và giá trị đích thực hay ước
định của nó. Chẳng những thế, qua nhiều thế hệ, người ta dần hồi có quan niệm
thiên lệch, cực đoan một khi nó trở thành phương tiện mang lại ích lợi riêng
tư. Không có mốc thời gian rõ rệt, không biết từ lúc nào người ta quên hẳn ý
nghĩa và lý do ban đầu, và thành ngữ“môn
đăng hộ đối” biến thành điều kiện thiết yếu và tiên quyết trong việc cưới
gả chỉ nhằm giữ gìn mặt mũi cho gia đình, họ hàng, bất chấp mục tiêu tối hậu là
hạnh phúc riêng của đôi bạn nam nữ. Từ đó, cũng chính vì bốn chữ này mà bao
nhiêu cuộc đời của thanh niên nam, nữ đã phải đau khổ, cười đau, khóc hận chấp
nhận sống chung chồng vợ như không phải là của mình, hoặc phải chịu đắng cay
chia lìa những mối tình nồng thắm.
Giữa hai gia đình thường có
những chướng ngại tâm lý cho đến ngày nay đó đây vẫn còn, có thể nói là những
căn bệnh khó có thuốc chữa. Đó là óc kỳ thị:
·
Kỳ thị địa phương
·
Kỳ thị tộc họ
·
Kỳ thị tôn giáo
·
Kỳ thị giai cấp,
địa vị xã hội.
·
Kỳ thị giàu nghèo
·
…
Người ta thường thấy thái độ
khinh miệt, từ chối làm thân trước khi các bạn kết hôn hay sự đè bẹp đối phương
để tranh đoạt thế thượng phong, quyền làm chủ cô dâu hay chú rể bằng cách phô
trương cái “hơn” của họ bằng hình thức này hay hình thức khác; nào là cao sang
hơn, tài cán hơn, địa vị cao hơn, giàu có hơn, tiền của nhiều hơn… Người ta
thái quá đến mức ngay trong thời phong kiến mà danh nhân Văn Trung tử đã bảo: “Trong việc sui gia là cưới vợ gã chồng mà
cứ luận của tiền thì ra thói quân mọi rợ chẳng biết lễ nghĩa gì hết.” (Minh Tâm Bửu Giám-Trương Vĩnh Ký: “Hôn nhân
di luận tài di lỗ chi đạo dã”)
Mãi cho đến ngày nay, do bám
víu những thứ giả tạm bên ngoài, rải rác có những gia đình chưa chịu gỡ cái
bướu phong kiến này trên lưng, tiếp tục làm khổ con cháu họ và cho cả chính họ.
Còn tuyệt đại đa số ở những gia đình khác, những quan niệm phân biệt, kỳ thị,
lạc hậu, bất công đã dần hồi bị đào thải bỡi những hiểu biết tốt hơn về con
người. Đó là nhân bản, là bình đẳng, là sự tôn trọng tự do cá nhân. Hạnh phúc
của con người do chính bản thân người đó và chỉ cho cá nhân con người đó mà
thôi, ngoại trừ trường hợp chính họ tự nguyện hy sinh phần nào hạnh phúc của
mình vì một lý do nào khác. Cho nên thay vì “môn đăng hộ đối” của thời phong
kiến đã bị biến dạng do hiểu biết lệch lạc, thiển cân đã làm khổ cho bao nhiêu
người, chúng ta có thể hiểu những điều kiện để có thể mưu cầu gia đình hạnh
phúc ngày nay là sự cân xứng cần thiết trong hôn nhân. Chính sự khác biệt quá xa
trong lề thói sinh hoạt làm khổ cho hai người. Nếu đã kết hôn thì cần có sự cố
gắng thay đổi để cùng chung nhịp bước trên đường đời. Ngoài ra, từ xưa cho đến
nay người ta vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ việc xem tuổi sinh của đôi lứa để hầu
tìm sự cân bằng tương đối qua khoa tử vi và tìm cách tránh những khác biệt
không hóa giải được từ thiên chất của mỗi cá nhân. Đây là một trong những đặc
trưng văn hóa dân tộc không thể bàn hết ở phạm vi này. Bây giờ thực tế trước
mắt, sự cân xứng mà chúng ta cần có là những gì và làm thế nào để có được ?
2. Sức khỏe:
Bước đầu, trước hết phải nói đến sức khỏe. Sức khỏe tương xứng là một
trong những yếu tố then chốt trong hạnh phúc lứa đôi. Trong đời sống ái ân, nếu
sức khỏe của hai người “quá” chênh lệch thì không tránh khỏi sự thất vọng, vì
sinh lý cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong hôn nhân. Thời gian
sống chung lâu dài sức khoẻ một bên òi ọp sẽ có thể ảnh hưởng đến tình cảm vợ
chồng nếu không khéo kiềm chế và bồi dưỡng cho cân bằng. Phần này có liên quan
đến nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu qua đời sống tình dục mà các bạn cần phải
tìm đọc và nghiên cứu ở những sách khác. Ngày xưa con người sống nép mình trong
chữ lễ, biết nhường nhau, cảm thông nhau, biết hy sinh cho nhau, kiềm chế dục
tình vì sức khỏe của nhau; đây cũng là đức rất cao quí và cần thiết trong
nguyên tắc sống chung. Ngoài ra, sự cam chịu mọi thứ bất hạnh là một đặc điểm
của người phụ nữ Á đông khi đã có chồng. Dư âm “tam tòng” của Nho giáo (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử
tòng tử) vẫn còn đan chen trong tìm thức dân tộc bây giờ. Ngày nay, người
Việt đã bắt đầu và ngày càng trở nên quen dần với những hôn nhân dị chủng. Vấn
đề sức khỏe khác nhau giữa các dân tộc trở nên quan trọng hơn xưa và rất có thể
khiến đôi lứa thường gặp khó khăn đáng quan tâm hơn.
Mặt khác, sự mất thăng bằng
quá đáng về sức khỏe chắc chắn sẽ kéo theo khó khăn lâu dài trong sinh hoạt
kinh tế. Một người phải gồng gánh quá nhiều việc để bù vào chỗ thiếu của người
kia. Sự phân bố mất thăng bằng trong nhiều lãnh vực có thể bào mòn dần tình yêu
mỗi ngày một ít. Ngày xưa, người ta thường cố giấu những tật bệnh đang mắc
phải, ngày nay thì nên khác. Đã là bạn đời, vì mục đích xây dựng hạnh phúc lâu
dài, cả hai nên cùng đi khám, chữa những bệnh đã và đang mắc phải hoặc bồi
dưỡng và giữ gìn sức khỏe qua sự tiết chế chẳng những vì đời sống ái ân lành
mạnh mà còn vì tương lai cho cả đàn con nữa. Và đây là một trong những lẽ mà
người xưa đã thái quá trong câu: “Nuôi
heo chọn nái, cưới gái chọn dòng!”
3. Trình độ hiểu biết và nếp sống văn hóa:
Sự cân bằng trong trình độ văn hóa ngày xưa không mấy cần thiết vì vai
trò của người vợ chỉ cần tam tòng, tứ đức là đủ. Ở nhà theo cha, khi lấy chồng
thì theo chồng, rủi ro goá bụa thì theo con. Đàn bà con gái nên có đức “công”
tức phải biết thủ công như may vá thêu thùa, chăm sóc nhà cửa ngăn nắp gọn
gàng, nuôi dạy con cái; phải có đức“dung” tức phải biết sửa soạn và giữ gìn
nhan sắc và đặc biệt là không nên lả lơi
sử dụng nhan sắc như một lợi khí để không trở nên hư hỏng, gây hại cho người;
nên có đức “ngôn” tức phải biết ăn nói khôn khéo, mực thước, cẩn trọng, nhu mì,
lễ phép; phải tỏ ra có “hạnh”, phải giữ
gìn tiết hạnh, đoan trang, hành vi trung trinh, tôn trọng chồng. (Tại
gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công, dung, ngôn, hạnh).
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có công trong giáo dục thời thực dân Pháp cũng đã
nhắc quan niệm đạo làm người trong thời phong kiến:
“Trai thời trung hiếu làm đầu.
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.
Quan niệm chữ “trung” theo kiểu phong kiến, ngày nay không còn tồn tại
bỡi chế độ chính trị hoàn toàn thay đổi đặc biệt là ở xã hội tự do dân chủ.
Người ta không thể đồng ý, tuân theo những sai lầm của người lãnh đạo, không có
nạn sùng bái cá nhân và phe nhóm một cách mù quáng. Nhưng ở Việt nam hiện nay
chế độ chuyên quyền độc đảng thì khác, “trung
với đảng” còn hơn là nhắm mắt tuân theo lệnh vua ngày xưa. Chữ hiếu ngày
nay có thay đổi vì quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thay đổi. Riêng phụ nữ lấy
tiết hạnh để làm nền tảng tu thân, tề
gia thì giá trị ấy đến ngày nay vẫn còn đóng góp rất lớn cho hạnh phúc lứa đôi
và giữ gìn danh giá của chính mình. Thời ấy tất cả việc ngoài đều do đàn ông
gánh vác. Sự sinh tồn của cả gia đình đều nhờ vào đó. Ca dao Việt nam có câu:
“Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh. Lên Đoài, Đoài
yên”.
cho ta thấy chí khí người làm trai trong tiềm thức dân Việt là gánh vác
trọng trách xã hội đi Đông về Tây đem tài đức của mình mang lại an bình cho xã
hội.(Đoài tức quẻ đoài (☱) trong kinh Dịch ở hướng Tây). Còn phái nữ chỉ giữ phận nâng khăn sửa trắp cho
chồng là lẽ thường. Dân gian cũng thường
bảo “Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn
tìm chồng giữa chốn ba quân”.
Ngày nay thì hoàn toàn khác
hẳn, nam nữ đều bình đẳng, trách nhiệm
và quyền hạn đều như nhau, cả hai cùng
nhau trao đổi, xẻ chia. Trình độ hiểu biết “quá” chênh lệch sẽ khiến cho hai
bên đều có khó khăn riêng, đòi hỏi sự cảm thông sâu sắc. Sự kém tế nhị trong cư
xử có thể làm cho những mầm mống mặc cảm âm thầm phát triển, lắm khi đến kết
cuộc chia rẽ. Trường hợp sự khác biệt không bao nhiêu và nếu có thể nâng cao
thì cũng nên lắm. Thông thường thì người chồng có trình độ kiến thức cao hơn vợ
có nhiều cơ hội xây dựng hạnh phúc hơn là ngược lại. Trình độ hiểu biết ít
chênh lệch sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm sự tâm đầu ý hợp. Trước khi đặt
tình cảm của mình, người ta rất dè dặt đo lường một cách khách quan lúc mối
quan hệ chưa đến mức tình cảm che mờ lý trí. Điều này thật tế nhị, phải thật
tinh tế, thận trọng trước khi bị sa vào lưới tình. Bạn cần phân biệt đối tượng
có hợp với bạn không rồi mới tiến đến giai đoạn kế tiếp. Chớ nên đùa với tình
yêu! Tình yêu thường dễ có đường vào nhưng không dễ có đường ra. Bạn là người
xuất thân từ gia đình bình thường về kinh tế, là người khiêm tốn tự trọng, ôn
hoà, biết yêu thương anh chị em và kính yêu cha mẹ gặp một đối tượng có sắc đẹp
quyến rũ, thông minh… nhưng lại bất kính với cha mẹ - nóng tính, nông nổi, hồ
đồ, bất chấp quan hệ gia đình và bạn bè…thì chắc chắn bạn sẽ gặp phiền dài dài.
Cũng vậy, nếu bạn là người rất say mê nghệ thuật, ngày đêm chỉ thích sân khấu
mà kết hôn với một bạn có tính tình chân chất, có đầu óc rất thực tế và không
thích sân khấu thì chắc chắn hai bạn sẽ phải khó khăn lắm trong việc tìm kiếm
sự hoà hợp. Trong tâm tư điều mà bạn hằng mơ ước, bạn có thể đặt một số tiêu
chuẩn tương đối cho đối tượng nhất là về mặt đạo đức, tính tình. Biết đâu một
ngày nào, nhân duyên đầy đủ bạn sẽ gặp được ý trung nhân nhờ những thiện ước cũng như có gieo và chăm bón
thì mới có gặt. Tục ngữ Việt nam có câu: “Cái
nết đánh chết cái đẹp”. Dĩ nhiên nếu được cả hai tiêu chuẩn thì càng tốt,
tuy nhiên bạn cũng cần nhớ lẽ tự nhiên của tạo hóa là cái gì cũng có cái giá
của nó cả.
4. Tiền tài và danh vọng.
Có bạn luôn ước mơ được kết thân với những đối tượng có học vị cao, con
nhà giàu, gia đình danh giá…, rồi chờ đợi, lựa lọc tìm kiếm, vây bủa, giăng
bẫy, hoặc bằng mưu mẹo nào đó có thể bạn cũng đạt được kết quả. Lâu đài – mái
ấm người ta xây dựng để sống suốt đời và lưu truyền cho nhiều thế hệ nối tiếp
lẽ ra phải được xây bằng tình yêu chân thật nhưng ở đây bạn bắt đầu bằng sự dối
lừa, hết sức giả tạm. Tham vọng thường mang đến kết quả nhất thời và những ảo
tưởng nhưng cuộc đời không dừng lại ở đó. Tâm lý người đeo mang lừa dối thường
bất an như chòng chành trên sóng gió liên miên của cuộc đời. Đó là hệ quả tất
nhiên theo qui luật quân bình - hễ nghiêng thì đổ. Sự lừa lọc, trí trá không
bao giờ mất đi mà trái lại mãi vãng lai đeo theo người chủ của nó chờ đến khi
gặp cảnh ngộ bất an thì nó mới lên mặt. Nó như một bóng ma cứ mãi quanh quẩn,
rập rình trong sinh hoạt hàng ngày. Người ta không thể có thể hạnh phúc với cái
tâm bất an suốt đời được. Cuộc đời vốn dĩ không bằng phẳng và khi có phong ba,
thất bại, sổ gãy thì sự chia lìa lập tức xảy ra ngay ở cái gút nào đã nối kết
không bền vững. Hôn nhân rơi vào cái bẫy tham lận tiền tài hay danh vọng sẽ kết
thúc bằng tiền tài, danh vọng. Hôn nhân tạo ra bằng sự ham mê hay trao đổi
quyền lực cũng có thể sẽ kết thúc bằng những thứ ấy. Cuộc sống lứa đôi và gia
đình thuộc loại nối kết chủ yếu bằng tình
yêu, nghĩa cử và sự hy sinh cao cả của những thiên chức. Những thứ vô giá,
phi thường này không thể dùng phương tiện giả tạm, ngụy tạo bên ngoài để trói
buộc. Nền tảng này có thể nào mang lại hạnh phúc được chăng? Phiền não do sự
dối lừa chắc chắn sẽ âm ỉ nằm chờ cơ hội nổi dậy đòi lại công bằng nơi chủ của
nó.
Như chúng ta đã biết, xưa kia
trong thời đại phong kiến, nền kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào nông nghiệp với
những dụng cụ thô sơ và dùng sức người là chính. Chế độ gia tộc là nền tảng xã
hội. Gia đình cần sức lao động chân tay để sản xuất và bảo vệ của cải, tài sản.
Luật lệ xã hội chưa có khả năng mang an bình cho nên con trai, đàn ông trong
gia đình cũng như quốc gia, xã hội là rường cột. Từ sự phân công tự nhiên này
mà đàn ông được coi trọng hơn đàn bà, con gái. Người con gái có chồng không
phải chỉ để cho đời sống lứa đôi mà trước hết là làm dâu, tức là theo mẹ chồng
để nội trợ, quán xuyến việc nhà. Thời ấy người ta cho rằng:
“Con gái là con người ta.
Con dâu mới thật mẹ cha mua về”.
Nhà chồng phải trải qua bao
nhiêu lễ tục và của cải để rước cô dâu về nhà. Phần nào đó khiến người ta xem
cô dâu như của cải. Cuộc sống lứa đôi ngày xưa bị trói buộc bỡi cả ân, cả tình
và cả gánh phong tục, tập quán sao cho vừa lòng cả họ hàng, làng xóm. Cha mẹ
thường mong gả con cho nhà trai có sự nghiệp vật chất để con gái được sung
sướng, ấm thân không phải vất vả sớm chiều. Ngày nay mơ ước này không còn là
trọng yếu nữa, nhất là ở Hoa Kỳ, hoặc các nước tự do khác, tự do cá nhân đã
thành nếp sống tự nhiên. Đồng ý rằng vật chất đầy đủ lúc đầu giúp cho việc sống
chung sớm ổn định, nhưng hiển nhiên đó không phải là điều kiện thiết yếu. Sự nghiệp
dù nhỏ hay lớn do chính bàn tay và khối óc của mình làm ra bằng con đường chính
đáng mới thật sự giúp cho mình luôn luôn được tự do ngẩng cao đầu và an hưởng.
Những ai lấy tài chánh làm tiêu chuẩn và nhắm vào tài sản, địa vị của người
khác thì chắc chắn ngay ở đó đã thiếu chân tình. Những cuộc tình bắt đầu bằng
sự trao đổi như thế ắt không chịu nổi những sóng gió, thăng trầm - thường tính
của cuộc đời. Mưu vọng làm người ta không thấy trong niềm vui không hề có giá
trị vật chất. Cảm giác sảng khoái, hạnh phúc của người ăn khoai không khác cảm
giác ấy của người ăn thịt.
Gia đình hạnh phúc với đúng
nghĩa của nó là nơi nối kết cũng như tồn tại bằng cấu trúc có tính khoa học
nhân văn; bằng tình nghĩa tức là bằng
tình yêu, sự công bằng và lẽ phải thông thường. Khởi lập gia đình
nên lấy đó làm nền tảng. Trong hôn nhân ngày nay, tài sản, địa vị là vấn đề
“nếu có cũng được” vì sự phân biệt giai cấp không còn là vấn đề nan giải nữa.
Đời sống công nghiệp hóa đã thật sự đẩy lùi tư tưởng phong kiến lạc hậu. Nhưng
xem ra một số không ít người Việt vẫn còn chưa quẳng gánh tư tưởng này được và
vẫn còn mơ hồ về lằn ranh giữa nhân phẩm và địa vị hay tiền tài. Thực ra nhân
phẩm không dính gì đến những thứ đó. Không thể nói anh có bằng cấp cao hơn thì
nhân phẩm của anh cao quí hơn người khác ít học hơn. Địa vị chỉ là sự phân công
phục vụ cho nhân quần, xã hội và được bù đắp bằng công sức bỏ ra. Tài sản là
kết quả do công sức, trí tuệ con người và nhờ vận mệnh cá nhân mà có được, giữ
được. Người có tài năng chưa chắc đã làm ra nhiều tiền của và ngược lại người
ít ăn học chưa hẳn sẽ là người nghèo khó. Con người thường điên đảo về sự giàu
nghèo mà không thấy hạnh phúc ở sự biết đủ. Người có học vị cao, có bằng cấp
tiến sĩ, bác sĩ, kỷ sư… chính là để chứng minh kiến thức chuyên môn, khả năng
hiểu biết để được nhận việc làm thích hơp chứ không có bằng cấp nào chứng nhận
là người có phẩm chất cao quí, tốt đẹp. Nhiều người trong số ấy có tư cách
không tốt bằng tư cách của một anh thợ, một người bồi bếp, một nông dân hay một
phu quét đường… Không ai lấy gì đoan chắc họ có “đạo làm Người” thậm chí nhiều khi còn tệ hại, nguy hiểm hơn nếu họ
thủ đắc tài năng mà thiếu đức độ. Chế độc dược và nghĩ ra mưu sâu kế hiểm hại
người vô tội hàng loạt đều là người có học và tài giỏi. Xưa, mẫu người lý tưởng
là có tài và đức song toàn, nhưng nếu trong hoàn cảnh nào phải chọn một thì
phải xem đức trọng hơn tài: “Đức thắng
tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân”. Tài ít mà đức độ cao là người
tốt; tài cao mà thiếu đức độ coi chừng là kẻ hạ tiện. Học để có bằng cần một
khoảng thời gian nhất định nhưng học làm người không biết đến bao giờ mới hoàn
thiện và không thể chứng minh bằng giấy tờ, học vị được mà phải chờ xem qua
những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời.
Người đời thường lầm lẫn trong khi nhận chân đâu là nhân phẩm. Có nhiều
tiền của và có học vị cao chưa chắc mang lại hạnh phúc cho chính cá nhân và cho
người khác. Hai thứ này không liên quan gì đến nhân phẩm và tình yêu. Vì nỗi
lo, sợ khổ, sợ nghèo sợ vất vả hay vì tham danh vọng, người ta muốn lấy người
giàu có hay có địa vị mà quên đi rằng không ai bảo đảm đó là bến đỗ vững chắc
của của tình yêu. Người ta sợ rằng khi tách rời địa vị xã hội và tài vị ra thì
họ không còn là gì cả; họ sẽ mất chỗ dựa; họ không còn đứng vững; họ không còn
gì hơn kẻ khác; người khác sẽ coi thường họ; họ sẽ bị xếp hạng bình thường; họ
sẽ không còn được kính trọng, yêu thương,… Như vậy, người ấy là chỗ đứng trong
xã hội; là túi tiền, là chiếc xe đẹp; là cái nhà lầu cao, vân vân… hay họ là
chính họ, là một con người có đầy đủ nhân cách, tự do tự tại dù có hay không có
những thứ vỏ bọc tạm bợ bên ngoài ấy bất kỳ ở đâu hay vào thời điểm nào? Nếu là
bạn thì bạn có đủ can đảm gỡ cái nhãn ấy ra không? Và nếu được thì chắc chắn
bạn sẽ thấy mình thật là mình, tự do tự tại, là người có tinh thần tự chủ, có
sức sống, có tự tin, có bản lãnh và có nghị lực; những giao lưu với người sẽ
trở nên có ý nghĩa tốt đẹp vững chắc hơn nhờ sức mạnh vĩnh cửu của chân tâm.
Tình yêu và hôn nhân của bạn nếu thoát ly - không bị trói buộc bỡi tiền tài và
danh vọng - hay mặc cả bằng những thứ đó thì mới thật sự là một bước đầu vững
chắc có nhiều triển vọng tiến đến một gia đình có nhiều hạnh phúc. Đến đây tôi
lại nhớ đến một mẫu chuyện có thật:
“Ngồi chờ đến lượt chụp hình cả gia đình
ở một tiệm hình cỡ trung bình ở Little Saigon, chúng tôi được xem những tấm
hình gia đình của những vị khách khác nhiều cỡ và kiểu khác nhau do nhân viên ở
phòng chờ mở ra giới thiệu. Hôm ấy trong phòng chờ có một ông khách trạc 60
tuổi, khuôn mặt hơi xương và thô, trán trượt, tóc chải khá mượt và gọn gàng,
chiếc áo vét mở nút để lộ sợi dây chuyền vàng khá nặng. Thỉnh thoảng ông đưa
cánh tay lên lúc lắc vài cái rồi gác lên thành ghế sofa hình như vì tay áo của
ông hơi dài; dù không để ý người ta vẫn thấy bàn tay hơi nhăn nhưng khá đầy đặn
của ông có đến vài chiếc nhẫn vàng y, vàng tây có gắn hột xoàn. Sau khi cô thư
ký hết việc, chúng tôi hỏi giá cả của những cỡ hình và khuôn. Nhà tôi và mấy
đứa con đang vui vẻ chuyện trò, bàn và chọn cỡ sao cho vừa khoảng vách trống
nhỏ ở phòng gia đình thì bị cắt ngang bỡi câu hỏi của ông khách. Hình như ông
cố nói to cho cô thư ký nghe. Tuy không làm ồn nhưng chúng tôi cũng trả lại sự
yên lặng cho phòng chờ. Đến lượt ông khách và cô thư ký:
- Bác chịu khó ngồi chơi chờ tụi cháu
một lát, hình gia đình của bác đang bỏ khuôn ở đàng sau.
- Cô nhớ cho, khuôn hình của tôi phải là
cỡ này mới hợp với nhà của tôi nhá! Vừa nói ông vừa dang tay ra ni.
- Bác có biết chính xác cỡ mấy mấy
không?
- Thôi chết! tôi có đo đâu mà biết, nhà
của tôi to rộng lắm, nhà mới do Greystone cất ấy mà, không biết cô có quen
không? Nhà có đến cả 5 phòng, đã nói phòng nào phòng nấy rộng ơi là rộng mà
vách thiệt là cao. Tiệm cô có thường phóng lớn hình như thế không? Tôi không thấy
hình mẫu nào ở đây lớn đến như thế cả. Hình cô làm không biết khi gắn lên có vừa không nữa! Ôi
thôi! mấy thằng nhỏ nhà tôi cứ đòi mua nhà lớn. Bây giờ mua cái gì cũng phải
lớn, thật là tốn kém….
Nhà tôi và các con đưa mắt nhìn nhau rồi lại nghe tiếp cô tiếp viên hơi
khó chịu. Cô giải thích:
- Dạ cháu không biết có vừa hay không
vừa, con của bác đã đặt hình và khuôn 30 x 40. Nếu bây giờ bác muốn thay đổi
thì bác phải chờ ít nhất là cả tuần nữa mới xong và bác phải trả tiền cho cả
hình cũ và mới, nhưng cháu cần biết cỡ nào bằng con số chính xác do chính bác
ghi ra đó.
- Tiền bạc không nhằm gì chỉ sợ e cỡ
hình không xứng với vách nhà thôi. À, mà đứa nào đặt vậy hả cô ?
-
Để cháu xem lại. Đây rồi! anh…, vào ngày…
- À, đúng rồi, tôi cũng đoán như thế,
trong mấy anh em chúng nó chỉ có cái thằng ấy là chu đáo nhất, mà là nghèo nhất
nhà, còn những đứa kia thì khác hẳn. Như trong hình cô cũng thấy đó, em nó đưá
nào cũng thông minh lanh lợi. Hai thằng em một đứa là bác sĩ, đứa kia thì nha
sĩ. Khỏi nói cũng biết con gái gấm ghé theo tùm lum, không biết đâu mà chọn.
Còn con em thật là xinh gái, năm nay học ở năm thứ ba trường …. Tôi cứ phải
canh mấy cậu linh tinh hay gặp gỡ tán tỉnh nó. Ôi thiệt là mệt ! Duy chỉ có
thằng Hai, cái thằng đặt khuôn hình với cô ấy, vợ chồng chúng nó chậm chạp làm
sao ấy!... Tiệm cô cố gắng làm hình đẹp, mai mốt đây chúng ra trường, chúng mua
nhà cô sẽ có thêm nhiều khách đấy…
Thỉnh thoảng ông ta nhìn qua phía chúng tôi một chút rồi tiếp tục nói
với cô thư ký. Cô ta nhìn về phía chúng tôi như có vẻ cầu cứu. Đáp lại, tôi vội
lên tiếng nhờ cô xem giúp đã đến lượt chúng tôi chụp hình chưa. Cô ta chạy vô,
chạy ra như bận việc gì khác. Khi chúng tôi chụp hình xong thì ông khách đã đi
về. Tôi nói đùa với cô thư ký:
- Chắc cô sẽ có nhiều hình bự để làm,
nếu thiếu người giúp thì đừng quên mướn chúng tôi nhé!
- Cảm ơn chú đã cứu bồ!
Chúng tôi cùng cười.
X X
X
Tuần rồi, thật là bất ngờ, tôi ngồi ở phòng đợi của một Medical Clinic
để chờ một người thân đang làm Colonoscopy. Bên cạnh tôi, một bà cụ cũng đang
ngồi chờ ai đó, với gương mặt có vẻ ưu tư, lo lắng. Bà nhích lại gần như muốn
nói chuyện với tôi. Tôi gợi chuyện cho cụ bà vui qua thời gian:
- Bác đang chờ ai vậy.
- Nhà tôi đang làm SCAN trong đó. Bà
cũng hỏi lại tôi và chúng tôi bắt chuyện với nhau được một vài câu thì ông cụ
đi ra từ phòng khám. Ông ngồi nghỉ bên chiếc ghế giáp mặt với tôi ở góc phòng. Tôi
gật đầu chào ông và tiếp tục câu chuyện dang dỡ với cụ bà. Tôi có dịp nhìn ông
rõ hơn, tôi cố nhớ xem hình như tôi đã gặp ông ở đâu rồi. Thì ra trí nhớ của
tôi không tệ. Ông chính là người mà chúng tôi gặp ở tiệm chụp hình 12 năm về
trước. Tôi không nhắc tới và cũng không mong ông nhận ra tôi. Cụ bà giới thiệu
tôi với ông là tôi cũng đang chờ người thân trong đó. Ông ta quay sang và tôi
bắt chuyện:
-
Hai bác đang chờ xe đến đón ? Bác bị bệnh gì mà phải đi SCAN?
- Vâng, khoảng chừng một tiếng nữa thằng
Hai nhà tôi mới đến rước. Thằng bác sĩ, con tôi bảo tôi phải vui vẻ, dãn xả…sẽ
hết bệnh. Tôi thấy người khó ở, thường hay mệt mỏi khác thường nên tôi không
tin ở nó nhất là khi vợ nó không vui khi thấy tôi hay lui tới quấy rầy. Ôi!
Thời thế thay đổi rồi chú ơi! Ông thở ra rồi nói tiếp:
- Tôi nhất định đòi đi SCAN cho rõ và
kết quả hôm nay là tôi không có bệnh gì cả.
- Chúc mừng bác, tuổi già mà sức khỏe
tốt như vậy thì còn gì bằng! Nhưng bác cỏ vẻ không được vui? Chiều chiều hai cụ
dắt tay đi dạo phố, hưởng những ngày vui còn lại của cuộc đời thì thú vị biết
bao!
-
Không chú ạ! Không giấu gì chú, thời buổi gì mà kỳ cục quá đi. Tưởng rằng mấy
đứa con có ăn học sẽ hiếu thảo với cha mẹ, không ngờ đến cuối đời mới biết là
mình không thể mong gì được ở chúng. Làm cha mẹ đã chẳng được gì mà mình còn
ngày đêm rầu rỉ, biếng ăn kém ngủ vì chúng. Ba đứa con có nhiều hy vọng nhất
lại là ba đứa thất bại nhất.
- Việc làm ăn, thành bại, đắc thất là
chuyện thường, có gì mà bác phiền muộn quá vậy ?
Ông lắc đầu,
thở ra rồi tiếp:
- Một đứa bác sĩ thì đem vốn bỏ vô cái
xì-tốc gì đó còn lại cứ vay tiền tiếp tục mua hai ba căn nhà lớn có đến hơn hai
triệu “đô”. Đứa kia cũng vậy có một trạm xăng, rối cứ tiếp tục vay tiền mua
thêm trạm nữa, người ta trả mấy triệu không bán. Còn đứa con gái, hai vợ chồng
chúng nó cứ tiếp tục mua căn chung cư gần hai triệu “đô”, tới tháng chỉ thu
tiền mướn, người ta trả đến gấp rưỡi, nó cãi thằng chồng không chịu bán. Chú
biết không. Mới đây trong vòng có mấy tháng, cái gì cũng xuống giá, chúng cứ bàn
ra, bàn vô rồi lại thôi không bán, đến nay ba người chúng nó mất sạch sành
sanh, ngân hàng niêm phong cả rồi! Chú bảo làm sao tôi không buồn khổ được chứ
?
- Vậy cái còn lại quan trọng hơn có bị
mất không ?
- Chú nói là cái gì chứ ?
- Những thứ vật chất làm ra có thể mất,
có thể làm lại. Còn gia đình, con cái của các cô cậu ấy ra sao ?
- Ôi thôi! Có thể điều này làm cho tôi
chết sớm hơn không chừng. Ông thở dài và nói tiếp - Tan nát cả rồi chứ
còn gì! Tôi can không nổi chú ạ. Gia đình chúng nó thật khó có ngày yên. Chúng
nay đòi chết, mai đòi bỏ đi. Ngày ly dị, chia con của chúng nó không còn bao xa
nữa. Tội nghiệp cho mấy đứa cháu của tôi!
Ông ngừng ở đây. Nước mắt ông rươm rướm. Không
thấy ông nhắc đến người con trưởng, tôi gợi ý để ông bớt xúc động, và ông trả
lời:
- Chỉ còn được mỗi thằng ấy, gia đình nó
không khá giả gì. Vợ chồng nó đi làm vườn, chúng rất hòa thuận, hiếu thảo và
mấy cháu lại ngoan nữa. Trước kia tôi cứ la nó hoài, bảo nó làm phụ với các em
để được khá hơn về danh giá và tiền bạc nhưng vợ chồng nó nhất mực không chịu,
chúng sống tách biệt, chúng muốn được tự do hơn. Hóa ra là nó đúng, nó có hạnh
phúc hơn những đứa kia.
- Cũng may còn được một thằng. Ông đừng
buồn nữa! Ông bị bịnh thì tôi không biết phải làm sao! Bà cụ xoa lưng ông và
chen vào, an ủi.
Tôi chợt nhớ ra vẻ mặt rạng rỡ trong cái ngày xưa ấy không còn sót lại
chút nào trên khuôn mặt già trước tuổi nặng vẻ sầu bi của ông. Tôi tiếp lời bà
cụ:
- Bác có lo cũng chẳng ích gì. Mọi thứ
đã muộn cả rồi bác à. Hãy quẳng đi mà nhìn về phía trước xem bác còn bao nhiêu
năm nữa để vui sống, và hãy tận hưởng những niềm vui riêng đích thực của đời
người…
Tôi chưa biết nói gì thêm thì xe thằng Hai, con trưởng của ông bà đã
tới. Tôi bắt tay chào ông bà cụ. Thật
đáng thương!”.
Tôi thấy thấm thía với lẽ
sống: Có tiền bạc có thể mua được nhà đẹp
nhưng không thể mua được một mái ấm gia đình, nơi đã hun đúc những thành
viên cùng sống chung hàng ngày. Từng ngày lần lượt trôi qua, từ sự tương tác
trong các mặt sinh hoạt thuộc tình cảm, tâm sinh lý, y tế, giáo dục, kinh tế
hoặc có cả chính trị, xã hội mà mỗi người hoàn thành nhân cách. Trong môi
trường ấy, những đứa con từ lúc sinh ra đến trưởng thành chịu ảnh hưởng hầu hết
- nếu không muốn nói là tất cả - từ những gì xảy ra từng ngày trong cuộc sống
của những người thân chung quanh. Con em hiếm khi thoát khỏi ích kỷ, tham lận,
kém phẩm hạnh ngay cả đối với người thân hay chính cha mẹ chúng nếu tấm gương
gia đình đã thành nếp như thế. Đã có những cha mẹ đau khổ than phiền về những đứa
con xử tệ với mình trong khi không biết đây là thành quả của bao năm chính mình
đã rèn luyện cho chúng.
5. Tôn giáo:
Một số tôn giáo lớn tồn tại và phát triển lâu đời ở Việt nam là Khổng
giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo, Tin lành. Sự khác
biệt tôn giáo trong hôn nhân là điều thật tế nhị, thường là trở ngại khá lớn
cho nhiều cặp nam nữ ở một số nước trong đó có Việt nam. Riêng Khổng giáo
nguyên là một học thuyết đạo đức, chính trị có hệ tư tưởng có giá trị lâu đời
từ thời phong kiến ở Trung hoa và lan dần sang các nước lân cận ở đông nam Á.
Khổng giáo ở Việt nam không có tổ chức tín đồ thành hệ thống, cũng không có qui
cũ, luật lệ, giáo điều mà chỉ còn là một hệ tư tưởng giáo dục chủ yếu về quan
hệ nhân sinh. Ý thức về nhân đạo đã bám rễ trong đời sống xã hội và gia đình
Việt nam. Một số quan niệm và phong cách giao tế xã hội thời phong kiến đã lần
lượt bị đào thải; những giá trị đạo đức phi thời gian và không gian vẫn còn in
đậm nét trong tiềm thức của cả dân tộc. Là người gốc Việt không theo tôn
giáo nào thường được gọi là người lương
hay người ta thường tự nhận là theo đạo Khổng hay đạo thờ phụng tổ tiên, ông
bà, cha mẹ nhưng ảnh hưởng tư tưởng không chỉ có Khổng giáo mà còn cả Phật và
Lão nữa. Trước đây, người Việt nam dù không theo tôn giáo nào cũng đều có chung
và rất coi trọng một căn bản đạo lý làm người mà mỗi gia đình đều lấy đó làm
nền tảng, đó là ngũ thường: Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí – Tín. Từ sau 1975, mấy mươi năm trở lại đây thực
trạng có khác đi, giềng mối đạo đức căn bản làm người được dân tộc vun bồi, gìn
giữ hàng nghìn năm đã bị phá tán để tức thì và ráo riết thay bằng đạo đức chính
trị, xã hội chủ nghĩa, học thuyết của các ông ở phương trời xa lạ: Ông Karl
Marx, ông Lenin! Chữ TÍN bị cộng sản đạp đổ trước tiên, bằng chứng là tất cả
các mối quan hệ trong nhân gian đều phải chỉnh lại: không ai dám tin ai – cha
mẹ, con cái, anh em, bạn bè… đều có vách ngăn, mỗi người một ốc đảo. Người ta,
ai cũng thủ thân vì “tai vách mạch rừng”. Sợ rước hoạ nếu lỡ những suy nghĩ của
mình cho dù có ý tốt nhưng khác với chế độ đương thời lọt ra ngoài. Rồi lần
lượt cả bốn chữ còn lại cũng nghiêng ngã ra đi. Kể từ ấy, con người hoang mang
mất lối bỡi sự áp đặt một kiểu mẫu xã hội mới mà trong đó con người đã bị tái
định nghĩa. Trong mục này, chúng ta không có thời gian đi sâu vào ảnh hưởng của
các tôn giáo trong tiềm thức dân tộc Việt hay khía cạnh chính trị trong đời
sống hôn nhân. Trong thực tế, chúng ta chỉ ghi nhận được một điều là riêng
người lương thường dễ kết hôn với
những người theo các tôn giáo khác vì họ không có những ràng buộc nào đáng kể.
Ngày nay, nhất là ở Hoa Kỳ, vẫn thấy những gia đình sum họp vui vẻ hạnh phúc mà
những thành viên là tín đồ của các tôn giáo khác nhau như Thiên Chúa, Tin lành,
Phật, Cao Đài. Chắc chắn họ có những khó khăn trong lề lối sinh hoạt nhưng có
lẽ đạo lý căn bản làm người và tình yêu đã giúp họ vượt lên trên những trở ngại
ấy. Dĩ nhiên những cặp hôn nhân cùng tôn giáo sẽ được thuận lợi hơn về mặt tinh
thần, về phong cách và thời biểu sinh hoạt thường ngày. Chúng ta không có ý đưa
ra một luận cứ nào để đánh giá hay khuyến khích tạo những hiểu lầm mà chỉ mong
sao tất cả chúng ta, tất cả các bạn được hạnh phúc trong bất kỳ tình huống nào.
Tinh thần nhân bản sẽ giúp các bạn vượt qua những khó khăn trở ngại trong
tất cả các mối tương quan nhân loại, trí tri sáng suốt và tránh xa những tín
điều xa lạ đối với nhân bản nói chung hay người Việt nói riêng. Người Mỹ gốc
Việt, tuyệt đại đa số chúng ta có nỗi buồn xa quê hương nhưng nhờ may mắn được
ở xứ tự do nên còn giữ được căn bản ngũ đức trong khi giáo dục con cái trong
gia đình và học thêm được phong cách sống tự do, nhân bản. Mong sao từng người,
từng gia đình chúng ta gìn giữ được bản sắc dân tộc, đừng xa rời “Chân,
Thiện, Mỹ” và hy vọng không bị lầm lạc trên đường mưu tìm hạnh phúc lứa
đôi dù đối tượng là người Việt, người khác chủng tộc, hay khác tôn giáo - những
tôn giáo quen thuộc xưa nay ở Việt nam.
6. Chủng tộc và giá trị của những quan hệ thân tộc:
Về chủng tộc, nếu còn ở Việt nam thì chúng ta khỏi phải nói đến vấn đề
này. Chỉ có ở Hoa Kỳ một quốc gia đa chủng, đa văn hóa và một số nước tự do
khác, chúng ta mới gặp vấn đề lớn và phức tạp, đó là sự hợp chủng trong tình
yêu, hôn nhân và gia đình. Vẫn biết rằng ở đây và thời này, nhân quyền và nhất
là tự do cá nhân rất được tôn trọng không có nghĩa là không còn mối quan hệ nào
quan trọng quanh ta cả. Dù ai cố chối bỏ nhưng mối quan hệ bà con, dây mơ rễ má
không bao giờ mất đi. Một số không ít các bạn trẻ đã lầm về điều này và cứ biểu
lộ hành vi theo lối Âu Mỹ một cách quá đà, lắm lúc làm cho những thân nhân cảm
thấy sượng sùng, khó chịu. Mặt khác, phong cách và lối sống mới tuy thoải mái
nhưng không phải là hoàn mỹ. Những thân nhân Việt nam không phải ai cũng hoàn
toàn dễ dàng có cái nhìn như các bạn. Họ có thể là những người rất chân tình
nhưng họ khó gần gũi hòa đồng với các bạn theo lối sống mới. Và như vậy thì
không khí gia đình dòng họ kém vui và bạn sẽ mất đi những người bạn, người thân
tử tế. Nếu các bạn khéo léo trong quan hệ thì bạn không thiệt thòi gì cả mà
trái lại bạn sẽ có nhiều người thương yêu, ủng hộ, giúp đỡ, bạn có thêm nhiều
tai mắt coi chừng mọi thứ cho bạn. Thật ra những giá trị quan hệ thân tộc trong
gia đình của người Việt chúng ta ở Hoa kỳ không phải bị giảm sút hoặc mất đi
như những bậc trưởng bối thường than phiền. Giá trị ấy xưa nay không hề suy
giảm hay mất đi. Có chăng chỉ là sự thay đổi trong cách thể hiện ở xã hội khác
nhau mà thôi. Đó vẫn là một bảo tàng trước mắt cho những ai chịu khó suy gẫm về
giá trị của nó. Đã là một bảo tàng thì ắt cần có người biết mở, biết đóng một
cách thật linh hoạt thận trọng. Thật đáng tiếc cho những bạn nào yêu chuộng tự
do cá nhân một cách cực đoan, vội vàng chối bỏ quan hệ thân tộc và cũng thật đáng
buồn cho những bậc trưởng bối cố thủ giá trị thuần chủng và có thành kiến với
sự hợp chủng đến độ phải đập tan hạnh phúc của con cái, làm cho con cái phải
chia lìa mới thoả mãn và đồng thời cũng làm cho chính mình đau lòng không ít.
Đổ lỗi cho bên nào cũng đều không phải cả vì đây là một vấn đề mới trong hoàn
cảnh chẳng đặng đừng ở trên mảnh đất mà bản mệnh của nó đã rõ là Hợp
Chủng Quốc. Điều này có thể đã nhắc nhớ phần nào cho tất cả chúng ta;
chúng ta đừng mong gì từ chối một thực tại miên viễn trong đời sống. Chấp nhận
như thế nào cho đôi bên được trọn vẹn quả là một vấn đề cần có thời gian bàn
đến. Hầu hết người lớn, cha mẹ chúng ta ai cũng muốn có được cô dâu hay chú rể
cùng là người gốc Việt. Điều này không quá đáng chút nào! Mặc dù cặp vợ chồng mới
có thể ra riêng tức thì nhưng trong quan hệ thân tình sẽ được dễ dàng hòa nhập
hơn về cả ngôn ngữ lẫn phong cách sinh hoạt. Sự cảm thông càng sâu sắc càng dễ
mang lại hạnh phúc chung hưởng cho cả đại gia đình, chưa kể đến những niềm vui
mang đến trong tương lai từ những đứa cháu cùng tiếng nói và màu da. Ước mơ này
thật đáng khích lệ nhưng vấn đề là làm sao có được kết quả ấy trong môi trường
xã hội này?
·
Nói chuyện
với qúi bậc cha mẹ
Ngoại trừ trường hợp chúng ta có lý thuyết nào khác hơn là “Muốn ăn quả thì phải trồng cây”, bằng
không, vấn đề còn lại là trồng như
thế nào, bao lâu, dễ hay khó và bắt đầu từ chỗ nào? Đây là mối ưu tư cho tất cả những cha mẹ cùng
là người gốc Việt, là việc lớn, là một sự đầu tư dài hạn, không phải dễ cũng
không thể nói là không thực hiện được và phải bắt nguồn từ gia đình. Trình tự
căn bản là giáo dục nên có những đòi hỏi tương đối phức tạp và mang tính quyết
định. Đề tài giáo dục con cái không thể gói gọn ở phạm vi này. Cuốn Giáo Dục Con Cái –Một thiên Chức (cùng một tác giả) sẽ
trả lời đủ hơn cho các bạn.
Trong mục này, chúng ta có thể
cùng nói chuyện về những nguyên tắc căn bản xây dựng:
**
Cha mẹ cần có một số kiến thức căn bản về tâm lý giáo dục để thay đổi tận cội rễ của
lối giáo dục cưỡng bức, áp đặt, một chiều, đánh đập, chửi mắng, coi thường nhân
phẩm hoặc làm làm nhục con trẻ vì kết quả hoàn toàn trái ngược với mục tiêu tốt
đẹp mà cha mẹ ao ước hướng tới. Nhất là khi đường lối giáo dục ở học đường và
sinh hoạt ngoài xã hội có nhiều chỗ khác biệt với phong tục, tập quán ở gia
đình người Việt chúng ta. Thường xuyên chịu lắng nghe và thông tri cỡi mở với
con cái là điều nên làm.
**
Cha mẹ cần kiên nhẫn, chịu khó hy sinh nhiều thời gian trải ra đều đặn để quan tâm, chia xẻ khó khăn vui buồn
với con cái. Hãy là người bạn tốt nhất, đáng kính và đáng yêu nhất của chúng để
có đuợc nhiều cơ hội gần gũi giúp chúng thoải mái hướng về phía chúng ta.
**
Lấy phương thức tiệm tiến làm căn bản để hướng dẫn duy trì giá trị nhân bản. Không dùng nhiều lời có tính
huấn thị mà bằng hành động thực tiễn, cộng hưởng những niềm vui do tính đặc thù
của dân tộc mang lại. Chẳng hạn thường cùng trẻ đi nhà thờ, đi chùa… sinh hoạt
cộng đồng, làm bạn và nối kết quan hệ với người gốc Việt, tạo tương tác ảnh
hưởng qua lại nhất là khi họ cũng có con trẻ. Việc này nếu đợi đến lớn chúng đã có nhiều bạn trai, gái
mới làm thì quá muộn. Đây là môi trường có nhiều cơ hội tốt, nếu không đủ thì
việc tìm kiếm môi trường cho chúng sinh hoạt với nhau thường xuyên từ lúc còn
nhỏ là điều tối cần thiết. Ở những gia đình sống biệt lập với người thân, với
cộng đồng hoặc bạn bè đồng chủng thì sự hợp chủng trong hôn nhân có lẽ trở
thành chuyện khó tránh – nếu cha mẹ có ý muốn tránh.
**
Cha mẹ nên vui vẻ đồng cảm với con trẻ về lối sống mới, coi trọng tự do cá nhân, tinh thần nhân bản, tôn
trọng nhân phẩm của chúng và khéo léo, tế nhị lọc bỏ một cách tự nhiên những gì
“quá đáng” có thể phương hại đến mục tiêu ta đang hướng tới đồng thời nhẹ nhàng
nâng cao giá trị đạo đức trong phong cách sống của dân tộc. Cha mẹ phải biểu lộ
tinh thần tự trọng, cũng như coi trọng nhân phẩm của con cái bất kể là chúng có
thành đạt hay không. Về phía cha mẹ, không ai tránh khỏi sai lầm. “To Error is
Human”. Điều quan trọng cho cha mẹ là can đảm xin lỗi khi mình sai lầm dù là đối
với con cái mình. Đừng lo sợ rằng làm như thế sẽ mất đi uy quyền của cha mẹ. Sự
thật kết quả hoàn toàn trái ngược. Đây chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong việc
giáo dục con cái có tinh thần tự trọng, ý thức tự giác. Từng ngày, mỗi ngày một
ít, tạo không khí cỡi mở, đồng cảm với con em và hướng dẫn chúng chứ không đợi
đến lúc quan hệ đổ vỡ, khó khăn rồi mới đem bài giảng đạo đức dài lê thê ra bắt
nó khoanh tay ngồi đó mà nghe giảng. Không cần phải tốn nhiều lời, cha mẹ luôn
luôn “sống” như gương tốt chứ không chỉ có làm tấm gương tốt thì con em tự
nhiên sẽ noi theo.
** Quan niệm lệch lạc:
Trong những gia đình mà cha mẹ quan tâm đến kinh tế nhiều hơn giáo dục,
việc giáo dục thường được giao khoán cho nhà trường. Cha mẹ có nhiều thời gian
hưởng thụ lạc thú đời sống riêng tư hay có điều kiện đeo đuổi mộng tưởng về
kinh tế tài chánh hơn là thời gian cho con cái. Rồi thời gian trôi qua như chớp
mắt, khi dừng lại cha mẹ chợt nhận ra con cái mình đã lớn cả. Kết quả là gia
đình được giàu có - hoặc cũng có thể chẳng được đến đâu nhưng mất đi một thứ mà
không bao giờ tìm lại được – đó là thời gian - thời gian gần gũi, giáo dục
con
cái đồng thời cũng được những người con hư hỏng. Điều đáng tiếc thường
xảy ra cho cá nhân, gia đình và xã hội là những người con hư hỏng này lấy của
tiền mà cha mẹ bỏ cả một đoạn đời hay cả đời vất vả, chắt chiu kia đem đổ đi
trong một thời gian ngắn hay chỉ trong một ngày. Dạy công thức toán học có thể
có giới hạn thời gian nhưng giáo dục một con người là quá trình tiệm tiến theo
sát và phù hợp yêu cầu phát triển từng ngày của con cái. Cho nên thời gian đã
qua giáo dục không thể nào làm bù lại được. Cha mẹ có nhiều tiền có thể quay
lại chạy nước rút rước thầy giỏi dạy con làm người tốt hay dạy chúng sống gần
gũi gia đình. Nhưng chỉ có phép mầu may ra mới thay đổi được. Muộn rồi! Chưa
thấy thánh nhân nào làm được việc này. Cuộc đời là con đường một chiều; lúc bấy
giờ đã muộn và tiền bạc không có khả năng thay đổi được quá khứ mà chỉ lo bù
vào những chỗ do sự thờ ơ, thiếu sót làm ra. Cũng có hoàn cảnh tương tự như
trên nhưng con trẻ được thành người hữu ích là điều may hiếm có.
Cha mẹ còn có những sai lầm
đáng tiếc như cấm cố không cho trẻ có quan hệ hay yêu người khác chủng tộc hoặc
nếu đã yêu nhau rồi thì cấm không được lấy. Điều này gây tổn thương cho con cái
và gia đình cha mẹ không ít. Muộn rồi quí vị ạ! Sự độc lập của con cái đã đến
hồi có trái chín và dường như giải pháp còn lại này là thích hợp nhất “chẳng được ăn lăn lấy vốn”. Nhưng “lăn” thế nào cho phải lại là một vấn đề
nữa? Phản ứng của cha mẹ vì cảm giác mất mác hay vì muốn lôi kéo con cái theo
yêu cầu của mình là việc làm phản tác dụng. Càng tấn công, càng gây áp lực cho
con trẻ lúc này là giúp cho chúng có thêm lý do chắc chắn để xa lánh cha mẹ bỡi
trẻ cần có nơi thương yêu và tỏ bày tâm sự đau khổ. Mặt khác coi khinh hay tấn
công đối tượng của con cái chẳng khác nào bảo nó hãy xúc tiến nhanh hơn, gần
gũi người ấy hơn để an ủi và bảo vệ hoặc hãy đứng ra bênh vực vì bây giờ người
ấy vì mình mà bỗng nhiên trở thành nạn nhân của sự bất công từ phía cha mẹ. Kết
quả là sự rạng nức, đổ bể, ngăn cách giữa cha mẹ và con cái khó lòng hàn gắn
được. Nếu những lời thương yêu khuyên nhủ, suy xét hợp lý không có kết quả thì
hãy cùng nhau xây dựng một nếp sống mới, hoàn toàn mới, hài lòng với những gì
đang có, mở rộng lòng thương yêu, vui với niềm vui của con cái và lấy đó làm
bước đầu để bỏ công xây dựng cho những thế hệ hợp chủng với những tập tục đa
văn hóa. Có như vậy thì con cái mới còn quay quần bên cha mẹ kính yêu bằng
không thì chắc chắn chúng sẽ bỏ cha mẹ mà chọn người tình và dĩ nhiên cha mẹ
mất cả “chì lẫn chài”. Đó là chưa kể
đến những ép uổng quá đáng sẽ có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ đáng tiếc hơn.
Một khi các bậc cha mẹ đã làm
hết trách nhiệm chăm lo cho con cái với tất cả tấm lòng, với tất cả tình thương
yêu đúng nghĩa và vô điều kiện của mình từ khi bắt đầu có thiên chức mà kết quả
không như ước nguyện thì không nên lấy gì làm phiền cả vì quả thật mình đã làm
hết sức rồi. Kết quả sau cùng thuộc về những gì ngoài tầm hiểu biết và sức lực
của mình. Một khi vì con trẻ mà thuận theo thì hãy dứt khoát vui vẻ tiến về
phía trước, không nên có thái độ phân biệt đối xử. Ngược lại, nếu đã tắc trách
trong thiên chức ấy thì sự ăn năn phải thuộc về ai ? Cha mẹ đòi hỏi con cái
phải trọn đạo làm con trong lúc mình lại không rõ đạo làm cha mẹ thì quả là
điều nghịch lý. Làm cha mẹ không phải là nhận một quyền lợi mà thật ra là nhận
một thiên chức. Mang sự sống đến với thế gian là mặc nhiên nhận lấy trọng trách
suốt đời làm cha mẹ.
Một số ít các bậc cha mẹ tin
rằng con cái hoàn toàn là “của họ”, do họ sinh ra và có công nuôi dạy đến khôn
lớn và do đó mà cha mẹ có quyền tối thượng quyết định mọi thứ, hay nhiều thứ
thuộc về con cái. Quan niệm này không khác mấy so với quan hệ giữa vua tôi và
cha mẹ với con cái trong thời phong kiến xa xưa: Vua bảo bề tôi chết, bề tôi
phải chết, bề tôi không chết ấy là không trung thành. Cha bảo con chết mà con
không chết là con không tròn đạo hiếu (“Quân xử thần tử thần bất tử, bất trung. Phụ
xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”). Đạo
lý này đã quá lỗi thời và đã tự đào thải cả hàng thế kỷ rồi. Để vuột ra khỏi
cái vòng lẩn quẩn ấy, người ta có thể tự hỏi: Nếu con cái hoàn toàn là “của”
của cha mẹ thì tại sao cha mẹ không biết gì cả về đứa con ấy? Đứa con sẽ sinh
ra là trai hay gái? Muốn có con trai hay gái đều dễ cả vì là của mình nhưng
đàng này cha mẹ không hề biết một mảy may. Vóc dáng thế nào? Tính tình ra sao?
Nó thông minh hay đần độn? Nó sẽ giống ai? Vận mệnh nó sẽ thế nào? Cuộc đời nó
sẽ ra sao?.. Phàm cái gì ta làm ra ta đều rõ biết, còn đây là một con người, có
vô số những điều mà bậc cha mẹ trong chúng ta không một ai thấu hiểu nổi. Có
thể nói cha mẹ là cơ duyên để cho một sinh mệnh nào đó được sinh ra và ký thác.
Nhờ nó ta có niềm vui cũng ở nơi đó ta có phiền muộn. Thiên chức của cha mẹ là
đem sự sống đến cho thế gian và chăm sóc sự sống chỉ cho chính thực thể ấy với
tất cả lòng yêu thương mà không có điều kiện nào cả - nghĩa là không vì trông
đợi một sự hồi báo nào. Hầu hết người Mỹ khác với chúng ta ở chỗ họ đã có tập
quán nuôi dạy con cái đến 18 tuổi là xong việc ‘you are, or you can be on your own’ và họ không có cảm giác tội
lỗi là để con tự quyết định cuộc sống riêng tư. Mọi thứ từ đây thuộc về con
cái. Con cái người Mỹ đã được giáo dục óc tháo vác, tự lập từ nhỏ cho nên khi trưởng thành dù là
mới 18 tuổi, thanh niên rất dạn dĩ bước vào đời và sẵn sàng đón nhận thử thách.
Cha mẹ không hề chỉ huy hay đòi hỏi gì ngoại trừ trường hợp con cái có yêu cầu
giúp đỡ, hướng dẫn hay tham khảo ý kiến.
Phần con cái cũng thế, sự có
nhau trong một gia đình giữa con cái và cha mẹ là sự sắp xếp ngoài khả năng
hiểu biết của con người. Ơn của cha mẹ cho các bạn không lấy gì đền trả nổi và
cha mẹ cũng chẳng đòi. Hiếu thảo với cha mẹ thế nào để một ngày kia khi cha mẹ
không còn nữa, các bạn không bị những mặc cảm tội lỗi từng ngày muộn màng ray
rứt. Mai này khi có con cái làm sao để chúng có ấn tượng tốt về các bạn và
không có những đoạn phim bất hiếu nào để sao chép, tái bản cho các bạn thưởng
thức ở tuổi xế chiều. Bây giờ nếu có những bất đồng trong quan điểm về hôn
nhân, phía cha mẹ không nên lầm lẫn về vị trí của mình trong thời đại ngày nay;
hãy đặt tình yêu và hạnh phúc của con cái lên yếu tố quyết định. Vợ chồng là
của họ. Họ sống đời với nhau chứ không phải sống với chúng ta. Cha mẹ chỉ đóng
góp trao đổi kinh nghiệm trong đời sống với con cái khi chúng cần. Cha mẹ nào
cũng thương yêu con cái chỉ có điều là quan niệm vai trò khác nhau, một số đã
lỗi thời chưa bỏ kịp, hoặc lầm lẫn về thiên chức của mình. Là con cái có lẽ các
bạn hãy bình tĩnh, yên lặng nghe cha mẹ giải thích, góp ý; các bạn nên hiểu tâm
tư tình cảm, sự khổ tâm, nỗi lòng lo lắng của cha mẹ và những ước mơ gói gắm
cho con trong từng tháng ngày nuôi dạy. Đặt mình vào vị trí ấy các bạn sẽ tìm ra
một giải pháp thích hợp và êm thấm nhất cho hôn nhân của mình – cho bước đầu
của một việc lớn có một không hai khi thành lập một gia đình.
. . . . .
(Còn tiếp)
(Trích LẬP GIA ĐÌNH/ Tác giả Lee Duong XB 2015 tại Hoa Kỳ)
(Quí Bạn cần mua trực tiếp-sẽ được giảm giá $3.00, xin ghé trang nhà www.vietnamesoutlook.com)
No comments