Tin Mới

Vài Thiếu Sót Thường Gặp Khi Làm Cha Mẹ



   Cha mẹ và con cái là quan hệ quyết định sự tồn tại của nhân loại mà nơi bắt đầu là gia đình. Nhưng tiếc thay vì quá quen thuộc như cơm ăn, áo mặc hàng ngày nên phần đông, người ta quên để ý đến giá trị của sự nối kết thiêng liêng này. Quan trọng hơn nữa đâu là điểm đầu nguồn duy trì cuộc sống an bình trong nhân loại lâu dài? Trọng trách này thuộc về đâu? Chính trị? Đoàn thể xã hội? Luật pháp? Kinh tế, tài chánh? Khoa học kỹ thuật…? Hàng khối chủ thuyết, hàng tấn bom đạn, hàng tỉ tấn lương thực, hàng vạn máy in tiền làm việc không ngừng để đáp ứng đầy đủ cho đòi hỏi của con người cũng không sao giải quyết hết những vấn đề của xã hội hiện nay nếu quên đi nguồn gốc của mọi xung đột, chấp tranh, thống khổ. An bình hạnh phúc chỉ có thể bắt đầu và gìn giữ nơi con người trong tương quan nhân loại và chính giáo dục nhân đạo, giáo dục nhân bản mới là nền tảng. Đạo làm người phải kể có trước tất cả. Cha mẹ quả như một thiên chức. Nhưng khi làm cha mẹ, ít ai nhận ra rằng vai trò của mình quan trọng đến thế. Người ta thường nhận chức “cha” chức “mẹ” một cách thản nhiên, được chăng hay chớ, như đã có nghề tự đâu đó rồi. Để rồi trong quá trình làm cha mẹ người ta nhập nhằng đầy rẫy những sai lầm, có thể nhận thấy qua:

1.      Nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục:

Như chúng ta đã nói qua ở phần trước, chỉ trừ ở những nước quá nghèo nàn và chậm tiến, còn những nước khác không có sinh hoạt nào rộng lớn và đông đảo như trong ngành giáo dục. Hiển nhiên giáo dục mãi mãi là đầu nguồn cho sự tồn tại và phát triển một cách tích cực và lành mạnh của xã hội loài người. Con người đã tốn kém và hy sinh biết bao công sức và thời gian từ một phạm vi khởi đầu rất nhỏ như người mẹ bắt đầu giáo dục cho đứa trẻ khi còn trong bào thai bằng sự nghĩ tưởng, bằng ước mơ những điều tốt đẹp cho nhân loại, bằng niềm vui, giữ gìn thái độ thăng bằng trong đối nhân xử thế, bằng tình yêu vạn loại hàng ngày trong gia đình đến ngoài xã hội, hay phong cảnh thiên nhiên. Tiếp đến giáo dục con cái khi chúng có mặt trên thế gian này cho đến giáo dục chuyên ngành ở cấp bậc cao nhất. Rốt ráo mục đích duy nhất là giúp cho con người mưu tìm hạnh phúc. Cuộc sống ấy không thể nào đến được khi con người không hiểu biết điểm phát xuất. Đó là tương quan nhân loại và người chủ đầu tiên là chính mình. Yêu thương sẽ giúp lòng người thảnh thơi an lạc, hạnh phúc. Con người có tấm lòng cao cả, có nhân cách hoàn thiện thì gia đình yên vui, hạnh phúc, xã hội bớt rối loạn. Giáo dục là công trình to lớn, trường kỳ và phức tạp từ bao nhiêu thế hệ đã mang lại kết quả có tầm cỡ không tưởng về vật chất, khoa học kỹ thuật và cũng chính giáo dục đã đóng góp không ít trong việc mang lại những hệ quả chứa nhiều phiền não, bất an, đau khổ trong đời do những sai lầm của nó. Giáo dục chân chính phải hướng đến “Chân, Thiện, Mỹ” giúp con người hướng tới hoàn chỉnh nhân cách và khả năng thích ứng với cuộc sống. Việc làm này tất nhiên bắt nguồn từ gia đình, sau đó là sự kết hợp cần thiết của học đường và xã hội trong suốt quá trình xây dựng con người cho đến khi tự cá nhân con cái có đủ khả năng tiếp tục tự giáo dục. Và việc tự giáo dục cũng là một khía cạnh nhân đạo tức là sẽ không bao giờ dừng cho đến khi không còn quan hệ với tha nhân. Tầm quan trọng của giáo dục cho phép ta nói rằng làm cha mẹ quả là một Thiên Chức. Để hoàn thành, thiên chức ấy đòi hỏi cha mẹ nhiều hy sinh, kiên nhẫn và đầy thử thách trước mắt chứ không đơn giản như ta tưởng chỉ đơn thuần“cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Xem nhẹ giáo dục là sai lầm khá phổ biến của các bậc cha mẹ.

2.      Sự đầu tư kinh tế và giáo dục:

Không kể hết những gia đình coi trọng đầu tư kinh tế hơn hẳn giáo dục. Đầu tư kinh tế hấp dẫn hơn là giáo dục. Người ta có thể thấy được kết quả nhanh chóng sau những đòi hỏi cụ thể được đáp ứng và kết quả là cá nhân và gia đình được hưởng thụ thành quả trông thấy, có thể dễ dàng cân đo đong đếm được. Còn giáo dục ôi thôi, đòi hỏi nhiều tâm huyết, kiên nhẫn, khổ công từng ngày, quá nhiều yêu cầu và chi tiết không rõ ràng, đáp ứng là bằng tấm lòng chứ không dùng dụng cụ nào đo đếm được và đặc biệt là kết quả của nó đằng đẳng, đằng đẳng xa vời. Chẳng những thế, kết quả lại vô định không có gì chắc chắn vì đối tượng của nó là con người. Không ai bảo đảm được rằng con người mà ta đã bỏ bao nhiêu tâm huyết nuôi dạy sau này sẽ trở nên người như ta hằng mơ ước. Ngày qua ngày cha mẹ lo làm việc để có thu nhập cho những nhu cầu chi phí hàng ngày và đồng thời mưu cầu cho cuộc sống được mỗi ngày một khá hơn, thật khó mà có thời gian chăm sóc, giáo dục con cái. Khi vượt qua khó khăn, đời sống trở nên thong thả hơn lại vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh để có thu nhập nhiều hơn, thế rồi cứ tiếp tục bị cuốn hút vào những cơ hội đầu tư kinh tế mong đến một ngày sẽ an hưởng do tiền của mang lại. Hầu như họ không còn thời gian để gần gũi, giáo dục con cái và chính họ cũng không có đủ thời gian để biết hiện tại và ý nghĩa cuộc sống là gì. Rồi đến một ngày, có dịp nào đó họ nhận ra thời gian trôi nhanh quá - mười mấy năm, hai mươi năm như mới hôm qua. Quay lại họ hối tiếc khi thấy đàn con ngoài nên trong hỏng hay cả trong ngoài đều hư hoặc là ngoài tốt trong hư cùng với những thành tựu kinh tế đáng kể hoặc cũng có thể là “đông thành tây bại” chẳng ra gì! Cái mất to lớn nhất và vĩnh viễn là cơ hội, thời gian. Một giây qua, một ngày qua, một tháng qua, nhiều năm đã đi qua…Có phép nào giúp họ quay ngược thời gian để dạy những gì cha mẹ chưa dạy cho con cái vào đúng từng ngày tuổi lớn dần của chúng? Cuộc đời của con cái bắt đầu từ những thành quả giáo dục tiệm tiến này. Dù có tiền bạc dồi dào đến bao nhiêu cũng đành chấp nhận cục diện ấy vì không ai có quyền phép gì nhồi nhét tình yêu, tư cách, phẩm chất, chí khí… của con người trong một sớm một chiều được.

   Nếu cha mẹ muốn cho con cái mình có được căn bản giáo dục để thành người có đức độ và tài năng thì không thể đợi đến khi có tiền mà phải bắt đầu quan tâm giáo dục từ lúc trẻ còn trong bụng mẹ hay ít nhất là lúc trẻ mới ra đời. Thật vậy, giáo dục là đầu tư dài hạn và kết quả đạt được là do quá trình thẩm thấu những gì mà chức năng giáo dục đã làm từng giờ, từng ngày, như những giọt sương thấm dần vào lòng đất. Từ lúc lọt lòng mẹ đến lớn, trẻ hấp thụ âm thanh, lời nói, cái nhìn, cả mùi vị, và cảm giác qua thái độ, hành động… tất cả những hình thái sinh hoạt của những người trong gia đình. Rồi sau đó là trường lớp, bài vở, và sự đóng góp của môi trường xã hội. Thiên chức của cha mẹ gồm có trách nhiệm và sự hy sinh thật to lớn về thời gian và công sức, trí tuệ và tình thương trong giáo dục chứ không phải chỉ có tiền của cho con. Khoa học kỹ thuật tuy phát triển đến mức phi tưởng tượng nhưng nó vẫn không thể nào thay chúng ta làm công việc này được. Chẳng những thế, ngày nay, khoa học kỹ thuật tuy mang lại vô số phương tiện nhưng cũng mang lại rất nhiều khó khăn trong giáo dục con cái. Làm cha mẹ ngày nay khó hơn ngày xưa về nhiều mặt. Cha mẹ có thời gian ít hơn, môi trường phức tạp hơn, ảnh hưởng xấu từ nhiều phía xô bồ, tấp nập, nhanh chóng hơn vì vậy cha mẹ ngày nay rất vất vả từ khi bắt đầu giáo dục hay sửa chữa những hư hỏng tinh thần từ mọi phía hoặc do chính cha mẹ làm ra trên con cái.

   Người Việt có mấy ai không biết “Sinh con chẳng dạy chẳng răn thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng”. Chúng ta hẳn ai cũng đồng ý, nhưng răn dạy như thế nào lại là một đề tài không nhỏ, không đơn giản chút nào. Ở phạm vi này không đủ cho chúng ta bàn đến. Thôi thì chúng ta sẽ cùng tiếp tục bàn đến trong cuốn: GIÁO DỤC CON CÁI – Cha Mẹ là Một Thiên Chức. (cùng một tác giả (Lee Duong) sẽ trích đăng vào kỳ tới)

Vĩnh Tưng

No comments