Tin Mới

Tôi Học Làm Công Dân Mới

 

   Trước bầu cử thì người bên này, kẻ bên kia chọi nhau rất gắt; sau bầu cử kẻ thì ấm ức không đành chấp nhận bởi đã trót tự thoả mãn (“tự sướng”- nói theo từ mới ở VN) trước khi thất vọng, có người còn điên cuồng chửi bới vô cớ hoặc theo đoàn người xuống đường đập phá, đốt cờ, đốt xe cảnh sát… ; người thì mừng vui: tôi đã nói mà! Người đứng ngoài thì mĩm cười hồn nhiên như nụ hoa sắp nở. Tất cả đều là công dân Hoa Kỳ bất kể DC, CH hay Độc Lập . . . Chỉ sau kỳ bầu cử này người ta mới học được những điều đã có sẵn từ lâu nhưng ít ai buồn để ý cho đến khi đụng chuyện, nhất là về thể thức bầu cử: Thế nào là CỬ TRI ĐOÀN? Sự thật, thắng thua có phải là do Cử Tri Đoàn hay không trong khi phiếu Cử Tri Đoàn được quyết định dựa theo PHIẾU PHỔ THÔNG của RIÊNG từng tiểu bang một. Sự hiểu biết căn bản này hoàn toàn không khác nhau từ người có học vị bậc cao nhất cho đến người dân lao động bình thường nhất, miễn họ là công dân Hoa Kỳ tức là người chủ một lá phiếu.

   Tuy được cho thay đổi quốc tịch, được làm công dân nhưng chưa chắc tất cả đều hiểu hết quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong xã hội mới ở các trường hợp khác nhau. Để có một số hiểu biết căn bản thường thì người ta dựa vào báo chí và các phương tiện truyền thông khác chứ không phải đến sân đình hay trụ sở để nghe cán bộ giảng huấn, hay nghe loa phóng thanh của chính phủ. Báo chí cùng các đài truyền thanh, truyền hình đều là phương tiện để kiếm sống hay kinh doanh bằng những tin tức hàng ngày trong xã hội, qua khả năng vận dụng và truyền đạt nội dung nhằm thông tin hay thuyết phục quần chúng theo một chiều hướng nào đó, dĩ nhiên là làm thế nào chiếm đa số khán thính giả để có lợi thu về.  Chính vì mục tiêu ấy mà hoạt động tự do này có khi không tránh khỏi sự thiếu thiện chí, kém trung thực, tin tức bị bóp méo vo tròn, thêm bớt, suy diễn “tam sao thất bổn”, thậm chí còn nguy hại, ngu hóa những ai nhẹ dạ, cả tin, có khi thông minh hoá đần độn hoặc bị giật dây làm con cờ thí, làm bia đỡ đạn cho những mưu toan, thoả mãn khát vọng chính trị. Ở xứ tự do, cái gì cũng có, thượng vàng hạ cám, lẫn lộn vàng thau và chính vì có nhiều chọn lựa mà con người trở nên cứng rắn, linh hoạt vì phải trải qua nhiều thử thách để thích nghi, và xã hội do đó mà ngày càng đổi mới. Dĩ nhiên có cơ sở lớn nhỏ, nhưng không thể căn cứ vào đó mà cứ cho rằng hễ lớn, hay người có chức vị, bằng cấp cao là nhất định đáng tin cậy mà quên rằng mình mới thật là chủ của chính mình trong mọi suy nghĩ, chọn lựa và hành động. Thành trì của Liên Bang Sô Viết có tầm cỡ và kho sách của chủ nghĩa  Marxism – Leninism cũng đồ sộ đấy chứ!

   Ngày buộc phải đổi nghề để đi bán cốc, ổi hay ngược xuôi kiếm sống nuôi con ở vỉa hè Sài gòn sau biến cố 1975, khi chồng của qúi bà phải đi tù “cải tạo” đã qua từ lâu. Bây giờ qúi ông, qúi bà là cha mẹ của các cô cậu kỹ sư, bác sĩ, các chị làm móng tay hay các anh làm vườn, làm công nhân . . .  Ở các xứ có nền chính trị độc tài toàn trị kiểu này hay kiểu kia, người dân có khuôn khổ chỉ được suy nghĩ, nói năng, đi lại, cư trú và sống như thế nào. Ở đây thì khác hẳn, người ta đã dần hồi hội nhập vào xã hội tự do, không co ro nhịn nhục dưới quyền uy bè đảng; họ có quyền tự do tư tưởng, quyền ăn nói, quyền chọn lựa, quyền quyết định lối sống của mình và không sợ hãi quyền thế.  Chỉ có những ai chọn lựa tự đầu độc mình, tự đặt mình vào vị thế để nảy sinh óc thành kiến, cục bộ, bè phái hoặc nhút nhát muốn làm con nhộng, thích ở mãi trong cái kén mới chịu thiệt thòi, tự đổi cái chân thiện như bầu trời rộng mở của mình để lấy cái giả trá đóng khung ràng buộc chỉ huy mà không biết. Ngoài ra, khả năng nghe, nhìn và phán đoán của những ai được sống trong điều kiện nhân bản, tự mình vươn lên với tinh thần tự do, độc lập, tự chủ, tinh thần trách nhiệm sẽ ngày một tiến bộ mà chính họ không ngờ khi nhận ra sự khác biệt với đồng hương ở quê cũ. Họ đều là công dân mới của CỘNG HOÀ LIÊN BANG HOA KỲ hay gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States Of America). Lá phiếu  bầu cử TT của họ vừa qua đến nay vẫn còn nhiều gây nhiều tranh cãi, thắc mắc mơ hồ về giá trị của nó và những kẻ lợi dụng cơ hội này tuyên truyền khiến nhiều người hiểu lầm, chia rẽ có khi ngay cả trong gia đình. Hy vọng, sau khi tìm hiểu rõ vấn đề, người ta có thể cùng mạnh dạn vứt bỏ những thông tin và nhận định sai lạc.  Được tự do, con đường nào cũng đi được. Nơi tối tăm nhưng lại dễ đến do ngã chấp, lòng tham, sự thù ghét và sự si mê, còn đường sáng thênh thang mời gọi, nhưng thấy vậy mà khó đi, khó đến bởi có nhiều thử thách với chính mình. Nếu có địa ngục hay thiên đường chắc ai cũng biết nơi nào khó dễ đi đến. Hàng nghìn năm những tôn giáo như Thiên Chuá, Tin Lành, Phật giáo hay các nhà hiền triết như Lão, Khổng đã bao công phu giúp cho nhân loại nhưng chiến tranh và hoà bình cứ thay nhau giành chỗ bởi do ở một điểm duy nhất - ấy là con người.

   Đã có những bài báo có nội dung khẳng định rằng bà Clinton có hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu mà vẫn thua bởi vì Cử Tri Đoàn vẫn bầu cho nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump làm tổng thống thứ 45, và còn cho rằng chiến thắng của ông này không danh dự nhờ các thủ đoạn tồi tệ nhất cùng những lời hứa mị dân… Nhược điểm của cộng đồng người Mỹ gốc di dân hay tị nạn không phải vì thiểu số hay dân tộc kém thông minh mà ở chỗ tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính, ắt có nhiều người không đủ khả năng để theo dõi tin tức từ gốc và những nhận định nhiều khía cạnh và chiều hướng khác nhau của những vấn đề chính trị, xã hội có liên quan đến đời sống của mình. Những ai có cơ hội thủ đắc được khả năng ngoại ngữ, có trình độ hiểu biết hơn người và có lương tri trong sáng chắc sẽ thường cảm thấy mình thiếu nợ cộng đồng một sự đồng cảm và tình tự dân tộc và không khỏi băn khoăn cho sự tiến bộ về trình độ dân trí và ý thức dân chủ của cộng đồng.  Nhưng nhược điểm trên lại là điểm mạnh để khai thác vì mục tiêu riêng cho những ai có khả năng hơn nhưng lại bất nghĩa với đồng bào của họ. Để giúp cho cộng đồng có thêm chút ít hiểu biết, nhất là đối với lớp người trong hoàn cảnh nhập cuộc khi tuổi đời lỡ mất cơ hội học tập ngôn ngữ thứ hai, khi viết về tin trên thay vì thể hiện đức công bằng và thiện chí họ lại vu khống, suy diễn, định tội và hướng dẫn dư luận sai lầm. Rất có thể là họ đã không nghiên cứu thêm, hoặc họ đã không hiểu tường tận, hoặc họ đã không thoả mãn và cũng rất có thể họ cố tình đánh lận. Dù vì nguyên nhân nào, đây cũng là điều thật đáng tiếc! Họ đã không nói rõ là phiếu gì, ở đâu ra và thể thức bầu cử như thế nào; phiếu Cử Tri Đoàn là gì, tại sao lại có và lợi ích ra sao, họ dán nhãn, định tội người khác trong khi  không bằng chứng nào . . . Cái mà người viết thu được chắc chắn không ít người đinh ninh rằng hoá ra bầu cử ở Mỹ cũng chỉ là hình thức và bất công! Hoặc là đảng CH tồi tệ bất công, hệ thống bầu cử tầm bậy, CH giật phần thắng trên tay DC, hay ông tổng thống mới này thắng nhờ gian xảo, mị dân trong lúc sự thật hoàn toàn trái ngược! Ông ta đã thắng 16 ứng viên kỳ cựu của CH trong khi mọi người đều có cơ hội như nhau, thắng cuộc bầu cử chính thức (general election) một cách rất công bằng và minh bạch (fair and square). Rốt cuộc như thế có khác gì là tuyên truyền mâu thuẫn với điều mà họ thường chỉ trích xứ độc tài! Trước khi bỏ qua để cùng nhìn về tương lai phía trước, có lẽ người công dân mới cũng nên biết thêm vài chi tiết đáng ghi nhận:

   Thất cử sau 8 năm cầm quyền của TT thuộc một đảng ở HK là chuyện thường xảy ra. Nhưng bầu cử kỳ này DC chẳng những thua ghế tổng thống, mà còn mất đa số ở lưỡng viện quốc hội và thống đốc tiểu bang, mất cả ngàn ghế lớn nhỏ trong toàn liên bang, có thể nói là đại bại chưa từng thấy. Vì sao nên nỗi? Đây là một câu hỏi thật dư thừa vì không ai lại đổ thừa cho dân Mỹ ngu quá. Thực tế này, dù là phó thường dân cũng có thể hiểu là các lớp bọc phải đạo chính trị (political correctness) đã dày đến thái quá không còn chất dính nào giữ được, và dĩ nhiên khuyết điểm không phải ở cơ cấu tổ chức vì tổ chức đang rất đoàn kết. Phải chăng các lớp vỏ bọc nói trên đã tự bong ra và đã đến lúc nội bộ cần tự kiểm về tư chất, chính sách, đường lối dẫn dắt dân chúng và đất nước về đâu, và thành quả ra sao về kinh tế, quân sự, quốc phòng, ngoại giao, nội an, bảo hiểm y tế, những vấn đề thuộc văn hoá xã hội, kể cả những vấn đề nóng bỏng như di dân lậu, biên giới, khủng bố, phá thai, hợp pháp hoá ma túy, vân vân và vân vân …  Không riêng gì DC, tổ chức đảng phái nào cũng vậy, một khi tín nhiệm bị sa sút đến mức báo động thì không gì tốt hơn là nên tự kiểm để sửa đổi chính mình sao cho hợp với lòng dân đã yêu chuộng nền tự do tư bản hơn hai thế kỷ chứ không phải tìm cách dùng phải đạo chính trị ở trình độ cao hơn để thay đổi người dân.

  Sau khi bà Clinton, DC đã thua ba lần: lần một bầu cử chính thức; lần hai hè nhau đếm phiếu lại; lần ba xúi giục, mua chuộc, hăm dọa Cử Tri Đoàn đánh rớt TT mới đắc cử, là quay sang tin do Nga “hắc”xì hệ thống bầu cử - đã được khẳng định là không ảnh hưởng gì đến kết quả …, và dù chỉ còn không bao lăm ngày nữa phải dọn ra khỏi W.H. nhưng TT mình chọn giải pháp trả đũa, đùng một cái đuổi 35 (*1) nhà ngoại về nước trong vòng 72 tiếng đồng hồ và đóng cửa hai cơ sở của chính phủ Nga tại Marylan và New York. Dư luận xôn xao chờ xem Nga sẽ trả đòn nhưng nào ngờ Putin chẳng những không ăn miếng trả miếng mà còn chúc mừng tổng thống và mời con em những nhân viên ngoại giao Mỹ dự Giáng sinh ở điện Cẩm linh! Ai cũng biết Putin gốc là tình báo Nga, hắn rất cứng cựa và không đàng hoàng gì, nhưng liệu làm như thế trong, hoàn cảnh như thế và nhận sự đáp trả như thế đã để lại cho người ta ở khắp nơi một cái nhìn như thế nào? Độc giả hãy tự trả lời cho. Người xưa thường nói: Trước khi làm việc gì nên nghĩ đến hậu quả của nó. Không biết kỳ này đảng CH cũng như DC, nhất là các tổng thống hành xử có nghĩ thấu đáo đến điều này chăng? Và có lẽ tổng thống mới cũng nên cảm ơn vị tổng thống tiền nhiệm đã vô tình để lại đòn bẫy cho mình trong khi tái lập quan hệ hai nước đã thất bại, đổ vỡ, cơm không lành , canh chẳng ngọt.  Theo ngu ý của thường dân, giả sử, thay vì làm như thế, TT đúc kết mưu đồ gian manh của Nga để chứng tỏ khả năng, thành tích và thiện chí của mình, trao tay, đặt TT mới vào thế buộc phải tiếp tục làm việc và chịu trách nhiệm thì người và đảng kế nhiệm cũng như dân chúng sẽ kính nể biết dường nào!

   Quay lại với người công dân mới, ở đây, bầu cử thật sự là quyền lợi vừa là nghĩa vụ công dân, cho nên không bắt buộc. Không đi bầu là tự do từ bỏ quyền lợi của mình, không ai bắt phạt. Riêng một số người Việt từ miền nam tự do, VNCH, chắc không lạ gì về bầu cử tự do và có thể đã nghĩ rằng ở Hoa Kỳ cũng vậy. Điều này chỉ đúng có một phần, đó là cử tri tự do chọn lựa ứng viên để bầu và ứng viên nào được đa số phiếu sẽ đắc cử. Ở Hoa Kỳ có khác biệt căn bản mà các công dân mới cần biết: có phiếu phổ thông, phiếu Cử Tri Đoàn và thể thức bầu cử cũng như phê duyệt kết quả chung cuộc như sau:

1. Phiếu phổ thông (popular votes)

 mỗi cử tri một lá phiếu được cấp ở tiểu bang mình đang cư trú để bầu. Phiếu kín, cử tri hoàn toàn tự do chọn ứng viên và tự bỏ vào thùng sau khi đã nghe, xem chính sách, sách lược nhằm sửa chữa, xây dựng quốc gia, xã hội và xem các cuộc tranh cãi của các ứng viên chừng một năm rưởi nếu là bầu cử Tổng thống. Cử tri không bị bắt buộc phải bầu cho ứng viên của đảng mà mình đã ghi danh. Hôm nay cầm cờ con lừa, ngày mai cầm cờ con voi cũng không ai bắt tội cả. Ở Mỹ thỉnh thoảng người ta thấy cũng có cờ búa liềm trong các đám biểu tình, nhưng thật tình không biết khi đã thề đứng dưới cờ này mà thay đổi thì sẽ ra sao. Ở mỗi tiểu bang ứng viên nào có số phiếu lớn hơn thì kể là thắng phiếu phổ thông ở tiểu bang đó và được số phiếu Cử Tri Đoàn theo qui định dựa theo tỉ lệ dân số, dân biểu quốc hội và thượng nghị sĩ của tiểu bang (xem phần 5 dưới đây). Cũng ở mỗi tiểu bang, ứng cử viên thua phiếu phổ thông thì cũng mất luôn toàn bộ Cử Tri Đoàn. Chẳng hạn bà Clinton thắng phiếu phổ thông ở bang California 4.3 triệu, bà hốt trọn 55 Cử Tri Đoàn, ông Trump không được phiếu nào của Cử Tri Đoàn. Hầu hết các tiểu bang ứng viên nào thắng phiếu phổ thông toàn tiểu bang thì được hưởng trọn phiếu Cử Tri Đoàn ở tiểu bang đó. Ngoại trừ hai tiểu bang Main và Nebraska có đôi chút khác biệt: bất kỳ ứng viên nào, hễ thắng mỗi quận hạt thì được một phiếu Cử Tri Đoàn, chỉ một ứng viên có số phiếu cao nhất cả tiểu bang thì được thêm 2 phiếu nữa.

2. Cử Tri Đoàn là gì? (*2)

Cử Tri Đoàn (electoral votes) là những người đủ tiêu chuẩn đại diện cho cử tri ở từng tiểu bang theo một vài điều khoản của Hiến pháp (Điều II, Mục 1 Khoản 2) trừ Thượng nghị sĩ, dân biểu hay người giữ văn phòng Ủy thác và Lợi nhuận. Tu Chính Án thứ 14 còn qui định rằng viên chức tiểu bang đã từng có hành vi nổi dậy hoặc phiến loạn chống LIÊN BANG HOA KỲ hoặc trợ giúp và dung dưỡng kẻ thù của LIÊN BANG HOA KỲ thì không đủ tiêu chuẩn làm Đại cử tri.

3.Ai chọn Cử Tri Đoàn? Sự liên hệ giữa ứng viên TT và Cử Tri Đoàn như thế nào?

Trước hết, đảng phái chính trị có ứng viên TT mới cần chọn danh  sách Cử Tri Đoàn cho đảng mình ở từng tiểu bang trước ngày bầu cử chính thức. Và như thế thì mỗi ứng viên TT đều có danh sách Cử Tri Đoàn thống nhất đã chọn cho mình.  Số Cử Tri Đoàn của mỗi đảng đều bằng nhau ở mỗi tiểu bang. Thứ hai, vào ngày bầu cử, cử tri ở mỗi tiểu bang chỉ việc bầu ứng viên Tổng Thống mình tự do chọn; đó cũng chính là bầu cho số Cử Tri Đoàn đã được đảng chọn đi theo ứng viên TT. Như vậy có thể suy ra rằng số Cử Tri Đoàn chỉ để rút gọn số đếm và để thay mặt cho cử tri bầu củng cố lần chót, đúc kết và ký vào giấy chứng nhận lần chót – thay vì cả triệu cử tri ký vào tờ chứng nhận (Certificate) trước khi nộp kết quả lên Quốc hội để phê chuẩn. Rất hiếm khi “Đại Cử Tri bội tín” (faithless electors) bầu lại trong đợt củng cố cho người khác thay vì ứng viên chính thức của đảng (xem phần dưới)

4. Có điều lệ ràng buộc nào về ứng viên TT mà Cử Tri Đoàn có thể bầu không?

-          Không.

Không có điều khoản nào trong Hiến pháp hoặc Luật Liên Bang buộc Cử Tri Đoàn bầu theo đa số phiếu phố thông ở tiểu bang của họ. Tuy nhiên, một số tiểu bang đòi hỏi Cử Tri Đoàn bầu theo theo đa số phiếu phổ thông. Có hai loại cam kết: Đại Cử Tri phải theo luật tiểu bang và phải theo cam kết với đảng phái.

   Tối cao Pháp Viện HK đã quyết định rằng Hiến pháp không đòi hỏi Cử Tri Đoàn hoàn toàn được tự do hành động theo chọn lựa và vì thế, đảng chính trị có thể suy diễn cam kết của Cử Tri Đoàn để bầu cho ứng viên của đảng. Vài luật tiểu bang qui định cái gọi là “Đại Cử Tri bội tín” (faithless electors) có thể bị phạt tiền hoặc bị loại khi bỏ phiếu không có giá trị và sẽ bị thay thế bởi người cử tri đại diện khác. Tối cao Pháp viện không phán quyết một cách cụ thể về vấn đề cam kết và hình phạt cho việc không bầu theo cam kết có bị buộc thi hành theo Hiến pháp hay không. Trong lịch sử HK hầu hết Cử Tri Đoàn đều bầu theo đúng lời cam kết trung thành với ứng viên của đảng dựa theo kết quả phiếu phổ thông.

Cũng chính vì lý do trên mà, trong cuộc bầu cử này đã có một số người DC, một số tài tử tả khuynh đã đứng ra kêu gọi, xúi giục, Cử Tri Đoàn CH hãy “bội tín”; hứa chịu tiền phạt, thậm chí đe dọa sinh mạng của họ; hàng ngàn thư gửỉ qua bưu điện và hàng ngàn email bảo Cử Tri Đoàn CH bỏ phiếu đúc kết cho người khác nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Và kết quả đã rõ, ông Trump – CH chỉ giảm có 2, còn lại 304 phiếu. Bên bà Clinton - DC không ai xúi giục, nhưng Cử Tri Đoàn DC đã cho người khác 5 phiếu  (trong đó ông Colin Powel CH được 3 phiếu), còn lại 227 phiếu, làm cho tỉ số trở nên tệ hơn. (thua 77 thay vì 74)

5. Số Cử Tri Đoàn được tính như thế nào? Tại sao phải có thêm lần bầu cử theo Cử Tri Đoàn và cái lợi của nó như thế nào?

   Toàn liên bang có tổng số Cử Tri Đoàn là 538. Số Cử Tri Đoàn ở mỗi tiểu bang được tính dựa theo số thượng nghị sĩ và dân biểu Quốc hội như sau: 2 (thượng nghị sĩ) + số dân biểu quốc hội = số Cử Tri Đoàn. Có tất cả 435 dân biểu Quốc hội + 100 thượng nghị sĩ (của 50 tiểu bang) = 535 Cử Tri Đoàn, và thêm 3 Cử Tri Đoàn dành riêng cho District of Columbia theo Tu chính án số 23, thành ra tổng cộng có 538. Ứng viên nào giành được quá bán 270 phiếu sẽ đương nhiên đắc cử TT. Trong lịch sử bầu cử của HK có những lần ứng viên có nhiều phiếu phổ thông toàn liên bang hơn nhưng vẫn không đủ số phiếu Cử Tri Đoàn để đắc cử: 1824, (+32 năm sau >>)1876, (12 năm sau >>)1888, (112 năm sau >>) 2000, và (16 năm sau >>) 2016. Dĩ nhiên các vị (The Founding Fathers) sáng lập ra thể thức bầu cử theo Hiến pháp HK đã thừa biết trường hợp có thể sẽ xảy ra này. Đây hẳn không có gì lạ, đặc biệt hay đáng ngạc nhiên cả. Hoa Kỳ là một CỘNG HOÀ LIÊN BANG hay còn gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States of America, chữ State: quốc gia, bang) chứ không phải gồm có các tỉnh thành, quận huyện đặt dưới sự chi phối hoàn toàn của chính quyền trung ương về mọi mặt. Mỗi tiểu bang là một nước (state) nhỏ đều có cờ riêng, cơ cấu chính quyền riêng giống y như một nước, có luật lệ riêng, có đặc trưng văn hoá và tiềm năng, quyền lợi kinh tế cũng như hệ thống an sinh xã hội riêng . . . Một công dân dời chỗ ở sang tiểu bang khác thì sẽ sống theo luật lệ và mọi chính sách thuộc tiểu bang đó. Tiếng nói và quyền lợi của người dân ở mỗi tiểu bang đều phải được chính quyền liên bang quan tâm một cách bình đẳng. Cái lợi mà thể thức bầu cử theo Cử Tri Đoàn đạt tới là nhằm tránh tình trạng TT và phó TT chỉ dành cho mấy tiểu bang đông dân cư có lợi thế nhiều phiếu phổ thông hơn. Chẳng hạn năm nay, nếu cho rằng bà Hillary Clinon phải đắc cử vì bà thắng phiếu phổ thông thì rõ ràng bà là TT chủ yếu của California vì ở đây bà có hơn ông Trump đến 4.3 triệu phiếu. Nếu tính 49 tiểu bang ngoài California ra thì ông Trump thắng bà Clinton 1.4 triệu phiếu. Như vậy nếu tính theo phiếu phổ thông toàn LIÊN BANG - UNITED STATES OF AMERICA (chứ không phải Nước America đâu nhé) để quyết định ai thắng thì rõ ràng là sai lầm, lạc hậu và bất công đối với 3/5 công chúng cả liên bang. Chỉ trừ khi hủy bỏ tất cả cơ cấu chính quyền tiểu bang, bỏ hết luật lệ riêng của tiểu bang nghĩa là biến tiểu bang trở thành những tỉnh dưới quyền điều hành của chính phủ trung ương như một nhà nước thì sự dựa trên phiếu phổ thông mới vừa lòng những ai cứ nằng nặc đòi đổi luật sau khi phe mình thua cuộc. Nhưng cho dù thay đổi toàn bộ như thế chắc chắn sẽ gặp rắc rối rất lạc hậu khác; đó là trường hợp hai bên chỉ hơn kém nhau một vài phiếu, vài ba chục, mấy trăm hay một vài ngàn phiếu trong một nước có ba trăm triệu dân. Gian lận hay sơ sót chút ít cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả và chắc chắn không tránh khỏi rối loạn, đình đốn do phải kiểm phiếu lại trên mấy mươi tiểu bang và phải giải quyết tranh tụng. Đó là chưa kể đến nền cộng hoà sẽ dễ bị mắc kẹt trong trường hợp mà các nhà sáng lập ra hiến pháp đã nói là nạn “bè phái” (factions) hay “đa số chuyên chế”dưới đây. Đây là điều căn bản mà cử tri cần biết để an tâm rằng lá phiếu của mình không bị ai giật đi cả. Chính nhờ tôn trọng và gìn giữ Hiến pháp hơn hai trăm năm nay mà HK đã không lo loạn mà lo phát triển kinh tế, không ngừng cải thiện cuộc sống người dân, bảo vệ quốc gia và giữ vị trí hàng đầu trong việc lãnh đạo thế giới.

  (*2) Theo Hiến pháp, (20th Amendment) đến ngày thứ Hai sau ngày thứ Tư lần hai trong tháng 12 tức 19/12/2016  Cử Tri Đoàn ở từng tiểu bang phải bầu lại lần chót để củng cố và xác nhận, mỗi người hai lá phiếu riêng biệt, một cho TT, và một cho Phó TT. Bầu xong, kiểm phiếu tuyên bố và mỗi người đều phải ký vào tờ chứng nhận (Certificate of Ascertainment). Ứng viên có đa số phiếu Cử Tri Đoàn của các tiểu bang mình đã thắng sẽ được Quốc hội chứng thực là TT, Phó TT vào tháng Giêng năm tới.

(*2) Hiến pháp đặt thêm Cử Tri Đoàn thay vì chỉ cho bầu cử TT trực tiếp do các nhà sáng lập (The Founding Fathers) đã rất thực tế. James Madison lo lắng nạn “bè phái” (factions) tức là các nhóm công dân có lợi ích chung trong một số đề án có thể sẽ vi phạm các quyền của công dân khác hoặc có thể phương hại cho toàn thể quốc gia. Ông lo sợ điều mà saun này Alexis de Tocqueville gọi là “chính thể chuyên chế của đa số” (the tyranny of majority) tức là một nhóm có thể phát triển gồm hơn 50 phần trăm dân số, đến mức nó có khả năng hy sinh lợi  ích công cộng và các quyền của những công dân khác vì niềm đam mê quyền bính và lợi ích riêng. Để ngăn chặn “chính thể chuyên chế của đa số” (tyranny of majority), giải pháp của Madison là một nền cộng hoà tức là một chính phủ do kế hoạch đại diện. Theo Alexander Hamilton, Hiến pháp được thiết kế để bảo đảm văn phòng của Tổng thống sẽ không bao giờ rơi vào tay của bất kỳ ai không ở mức độ xuất sắc thiên phú với tiêu chuẩn cần thiết. Quan điểm của Cử Tri Đoàn là để bảo tồn "ý nghĩa dân chúng" (the sense of the people), đồng thời bảo đảm rằng tổng thống được chọn bởi những người có khả năng nhất trong việc phân tích những phẩm chất ưu tú thích nghi với chức vụ, và hành động trong hoàn cảnh thuận lợi cho sự cân nhắc, và sự kết hợp đúng đắn tất cả những lý do và nguyên nhân thích hợp chi phối sự lựa chọn của họ.

Trong thời hiện đại, Cử Tri Đoàn chủ yếu là một hình thức. Hầu hết các đại cử tri là thành viên trung thành của đảng đã được đảng chọn, và họ tuân thủ pháp luật hoặc cam kết với đảng bỏ phiếu phù hợp với phiếu phổ thông. Một lần nữa tưởng cũng nên nhắc lại trước khi chấm dứt phần này rằng mặc dù đại cử tri theo nguyên tắc, có thể thay đổi phiếu bầu của mình, nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Và như vậy có thể suy ra rằng số Cử Tri Đoàn chỉ để rút gọn số đếm và để thay mặt cho cử tri bầu củng cố lần chót, đúc kết và ký vào giấy chứng nhận lần chót – thay vì cả triệu cử tri - ký vào tờ chứng nhận (Certificate) trước khi nộp kết quả lên Quốc hội để phê chuẩn. Và như vậy, lá phiếu của mỗi người công dân không mất đi đâu cả mà chỉ vì đã chọn lầm người. Người viết không dùng quyền tự do ăn nói để thoả mãn cái tâm bất phục kết quả bằng cách mạ lị, vu khống, bôi bẩn hay tuyên truyền xuyên tạc khả năng và nhân cách của người thắng cuộc vì như thế tức là tự coi thường cả ba căn đức “nhân – nghĩa - lễ” của mình và còn làm khổ cho cây bút, lung lạc cái “trí” vì làm giảm uy của chữ “tín”.

Thay vì vậy, chi bằng nói đến các vấn đề trước, chính sách của TT mới sẽ ảnh hưởng đến đời sống của của mình: đúng sai, tốt, xấu, như thế nào. Và đây là những câu hỏi xin giới thiệu:

1. Có gì sai khi thay cái hàng rào không hiệu quả bằng bức tường chắc chắn  tức là đổi vật liệu làm cho nó kiên cố hơn để ngăn chặn nạn di dân lậu tràn qua biên giới hàng ngày trong khi đó chỉ có hai nhà hàng xóm ra vô thấy mặt, chào nhau hàng ngày mà cũng xây tường, làm giậu?

2. Có gì sai khi đàm phán với hàng xóm dựa theo lợi nhuận trong quan hệ giao thương để cùng chia xẻ chi phí xây tường?

3. Mấy đời TT, mấy chục năm qua, vấn nạn di dân lậu và biên giới không ai giải quyết được một cách dứt khoát, 8 năm qua ngày càng trở nên nặng hơn. Bức tường là giải pháp cụ thể chu đáo nhất, giúp cho cả hai bên hay chỉ vì an nguy của người Mỹ. Nước láng giềng có cơ hội dần hồi lập lại an ninh, đẩy lùi những tệ nạn vô luật pháp nằm dọc theo các thành phố biên giới do di dân lậu không rõ thành phần, lai lịch từ các nước đổ về, nằm chờ để vượt biên sang Mỹ, kèm theo tệ nạn ma túy tuồn vào Mỹ. Điều này hoá ra là nhân đạo, không phải sao? Có đúng, có mị dân không khi lập luận rằng làm như thế mất giá trị nước Mỹ - một nước nhờ di dân mà có? Ủa, còn đất nước đặt ra có luật lệ, thanh lọc, tiếp đoán vào cửa chính đàng hoàng để làm gì?

4. Có gì sai khi đòi thanh lọc thật kỹ di dân từ các nước có tiền sử khủng bố giết người Mỹ không nương tay, nhất là trong tình hình mới nhiều người dân vô tội chết oan, an ninh rất mong manh mà chính cơ quan an ninh HK đã xác nhận là chưa có cách thanh lọc? Có thật không, có mị dân không khi lập luận rằng làm như thế là kỳ thị quí bà con Hồi giáo? Có ai tình nguyện mở cửa nhà mình cho qúi anh em này vào ở mà không cần tra hỏi?

5. Dĩ nhiên ai cũng muốn được bảo hiểm rẻ tiền, hay được cho không. Nhưng bộ luật nào không phục vụ được cho đa số thì ắt không hoàn chỉnh. Nếu có điều kiện thì tại sao lại không thay đổi cho nó tốt hơn? Bộ luật gần 3000 trang; bây giờ đã rõ nó đang sụp đổ; quí vị có thể giỏi nói nhưng chưa đọc hết thì làm sao quí vị biết ảnh hưởng của nó ngày mai trên toàn xã hội sẽ thế nào? Bộ luật lớn như thế mà chỉ do một đảng thông qua, không có một phiếu nào của đối lập. Khi nắm hành pháp và đa số lưỡng viện QH, DC đã tống đại bộ luật Obamacare qua cổ họng của dân (jam unpopular laws down people's throat), bà Pelosi đã bảo: “Chúng ta phải thông qua dự luật để quí ông bà có thể tìm hiểu trong đó có gì” ("We Have to Pass the Bill So That You Can Find Out What Is In It"). Có gì sai khi thay bằng bộ luật tốt hơn cho toàn dân do cả hai đảng có thời gian tranh luận và đúc kết? Bây giờ bộ luật đã cho thấy nhiều khuyết điểm ảnh hưởng lâu dài đến xã hội mà chính TT Clinton cũng nói chỉ trích là “điều điên rồ nhất thế giới” ("the craziest thing in the world.") (*3)

6.      Bộ luật bảo hiểm y tế nhiều khuyết điểm đang trên đà ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống bảo hiểm y tế như giá cả tăng vọt, hảng bảo hiểm thua lỗ, ảnh hưởng luôn đến kinh tế, chất lượng phục vụ, và ngành học, quốc dân. . . và e rằng có thể dẫn đến kết quả nhà nước bao thầu, quốc hữu hoá thành viên đá đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Xem ra có phải bộ luật dựa nguyên tắc tái phân phối lợi tức, lấy của người giàu chia cho người nghèo hay không? Nguyên tắc này bắt nguồn cho chủ nghĩa nào? Quyền dân sự chỉ giới hạn một khối, chia phân cho bên trị và bên bị trị, hễ chính quyền trương nở đến mọi ngành, mọi địa phương thì nhất định quyền người dân sẽ ít đi, sự ham mê quyền bính, tham vọng và lạm quyền sẽ có đất phát triển, thối nát sẽ mọc mầm. Có phải do sự thiếu hiểu biết của TT hay vì lý tưởng mà ông ta đang đeo đuổi như ông đã nói trước lúc nhậm chức là sẽ thay đổi tận căn nước Mỹ hay không? (fundamentaly transform America) (*4). Làm chính sách tức vẽ lên tiền đồ, chỉ có đường đi và đích đến có khác nhau. Đường dài lý tưởng thật khó hoàn thành ở Mỹ vì không hợp với: quan niệm sống rất thực tế - sống cho hiện tại, trong đời này và thể chế chính trị tự do, công chức có nhiệm kỳ, dựa vào thành quả mà người dân quyết định phải thay đổi. Người Mỹ có khác, họ không quen hy sinh hiện tại cho một tương lai hứa hẹn mơ hồ. Chưa đến cứu cánh cho nên không biết sẽ tốt đến đâu. Dù sao thì con đường nay đã đứt đoạn, đất nước đã rẽ phải. Như thế là may hay rủi, chỉ có mỗi người tùy sở nguyện mà tưởng tượng.

(Qúi vị có thể xem bài của Vũ Linh có tinh tức chính xác để thấy rõ hơn:

      https://vietbao.com/p112a262648/2/thanh-qua-cua-tt-obama-phan-3-obamacare

7. Có gì sai khi tái đàm phán các thương ước lỗi thời, bất lợi cho người Mỹ?

8. Có gì sai khi chiến đấu chống khủng bố và tư tưởng của khủng bố của HG Cực Đoan thù ghét người Mỹ? (TT và bà Clinton không chịu gọi đúng tên “HG cực đoan). Gọi như thế có phải TT mới kỳ thị HG?

9. Có gì sai khi phải củng cố lại quốc phòng nhất là trong khi các nước thù nghịch tiếp tục gia tăng quốc phòng của họ?

10.Có gì sai khi tái thiết quân đội hùng mạnh để có khả năng dẫn đầu bảo vệ hoà bình và an ninh quốc gia?

11.Có gì sai khi lập lại trật tự, an bình xã hội trong lúc xã hội phân hoá, chia rẽ, bất an ngày càng nhiều sau nhiệm kỳ 8 năm qua của TT?

12. Có gì sai khi bảo trì nền văn hoá, đạo đức xã hội, giảm sự tha hoá, trụy lạc, ma túy tự do, phá thai tự do?

13.Có gì sai khi ưu tiên tái xây dựng mọi mặt yếu kém của đất nước và xã hội Mỹ?

14.Có gì sai khi tái lập bang giao với Nga, điều mà bà Clinton và TT Obama đã thất bại? Chọn chiến tranh hay chọn hoà thay chiến và khôn khéo, giữ thế?

15.Hoà với Nga, trị TC: Những cam kết với Trung cộng trong hoàn cảnh lịch sử xưa nay đã lỗi thời. Giả sử TT mới dùng Đài loan làm đòn bẫy trong lúc TC đang bao vây và quyết đòi chủ quyền. Trong thế chẳng đặng đừng, TC có thể đục lấy ĐL để biến thành chuyện đã rồi, kể như có quyền lấy lại cái của mình và như thế sẽ chiếm ưu thế cả vùng biển Đông. Mỹ sẽ phản ứng bảo vệ ĐL và hốt và giữ lấy Trường sa, Hoàng sa từ tay TC. Trung cộng thua, Đài loan trở thành quốc gia độc lập. Nhân đó Vn có cơ may trở mình. Hãy nghĩ xem có thể không? Không xảy ra như thế thì có thể tin rằng TT Trump sẽ là thay đổi cục diện ở biển Đông cũng qua đường lối kinh tế?

16.Gia tài để lại sau 8 năm của TT Obama có những khó khăn nhiều mặt mà bà Clinton không dựa được để thắng cử. Riêng 19.9 ngàn tỉ nợ chắc chắn sẽ bó chặt tay ông Trump trong mọi chính sách. Mong sao ông thành công để tất cả được nhờ. (Nợ chồng chất nhiều đời tổng thống đến cuối nhiệm kỳ của TT Bush khoảng 10 ngàn tỉ  ($10,024,724,896,912.49). Hiện nay cuối nhiệm kỳ của TT Barack Hussen Obama con số nợ hơn 19 ngàn tỉ ($19,391,704,027,667.12) >> tăng năm là  93.4%. >> 8 năm Obama trung bình mỗi năm thâm nợ đến con số vượt mức tưởng tượng là hơn một ngàn tỉ ($1,045,872,391,344.33))

   Thế đấy! Người công dân mới có lẽ hiểu biết căn bản riêng về bầu cử. Mong thay đổi Hiến pháp, bỏ Cử Tri Đoàn để thoả mãn lòng mong muốn thắng cử là mơ ước viễn vông. Trên con đường gian nan tìm tự do, người ta đã cùng ngồi chung, cùng sống chết trên một chiếc thuyền. Cũng thế, bây giờ đã đến lúc tất cả là công dân mới, tốt hơn hết là cùng bỏ qua khác biệt, nhận chân sự thật, vứt vào sọt rác không thương tiếc những lối nói phải đạo chính trị, mị dân chẳng hay ho gì và cùng đối mặt với thực tế, để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho cá nhân cũng chính là cho cộng đồng của mình.

Vĩnh Tường

Nguồn tham khảo:

 (*1) http://www.vanguardngr.com/2016/12/putin-says-russia-will-not-expel-us-diplomats/

(*1) https://www.nytimes.com/2016/12/30/world/europe/russia-diplomats-us-hacking.html?_r=0

(*1)http://www.independent.co.uk/news/world/europe/russia-putin-president-invite-35-us-diplomats-kremlin-christmas-barack-obama-sanction-russian-a7509301.html

 (* 2 )https://www.archives.gov/federal-register/electoral-college/about.html

(*2) http://www.factcheck.org/2008/02/the-reason-for-the-electoral-college/

(*3) https://www.youtube.com/watch?v=hV-05TLiiLU

(*3) https://www.washingtonpost.com/blogs/post-partisan/post/pelosi-defends-her-infamous-health-care-remark/2012/06/20/gJQAqch6qV_blog.html?utm_term=.fa51a9642988

(*3) http://dailysignal.com/2010/03/10/video-of-the-week-we-have-to-pass-the-bill-so-you-can-find-out-what-is-in-it/

(*3) http://www.washingtonexaminer.com/democrats-can-jam-obamacare-down-peoples-throats-but-cant-force-them-to-keep-it-down/article/2541214

(Obamacare's lesson is that you can jam unpopular laws down people's throat, but you can't force them to keep them down.”

(*3) http://www.cnn.com/2016/10/04/politics/bill-clinton-obamacare-craziest-thing/

(*4) http://www.politifact.com/truth-o-meter/article/2014/feb/06/what-barack-obama-has-said-about-fundamentally-tra/

(*4) http://www.breitbart.com/big-government/2015/11/16/obamas-fundamental-transformation-began-at-mizzou/

 

 

No comments