Về Gía Trị Gia Đình (cập nhật)
Xã Hội, Con Người và Giá Trị Gia Đình.
Nếu ta gạt bỏ quan niệm về định số - cái mà
con người không lấy gì chứng minh được và thường bị lạm dụng, thì còn lại điều
gì đã từng tạo sự khác nhau trong cuộc sống chung của những cặp hôn nhân và gia
đình nếu không phải là kết quả của những hiểu biết cần thiết về con người và sự
tương tác với xã hội cũng như những giá trị đích thực và hệ quả của sự ảnh
hưởng lẫn nhau. Là nghệ sĩ, là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ; là giang hồ lãng tử;
là công nhân hàng ngày làm chủ những kiềm búa, đục chàng; là nông dân chỉ biết
cày sâu cuốc bẫm hay là bác sĩ, kỹ sư…, dù là gì đi nữa, để có một đời sống
bình yên hạnh phúc dưới mái ấm gia đình cần có những nguyên tắc chung cần tuân
thủ. Mỗi giới tuy có niềm vui, nổi khổ và những yêu cầu riêng trong cuộc sống
nhưng đã là nguyên tắc thì không khác nhau. Đời người chỉ có một trong những
con đường sau đây để đi, không mới lạ gì cả, đường nào cũng là đường mòn của
nhân loại từ nghìn xưa và là đường một chiều: một là đi tu, hai là sống độc thân suốt kiếp, ba là lập gia đình - căn
nhà của thế tục, nơi nhân giống, truyền chủng, có cha, có mẹ có con cái; là cái
nôi của xã hội loài người. Mỗi bước đi đều đốt thời gian không bao giờ tìm
lại được. Những ai xem thường hay không hiểu rõ những yêu cầu của mỗi con đường
mình chọn thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những đau khổ không đáng phải có. Mỗi người có một cuộc đời và chỉ có một mà
thôi, nếu đã hỏng thì mất, không thể có cái khác, không thể tái tạo. Hôm
nay ta sống cho hôm nay, ta không thể sống lại ngày hôm qua và ta cũng không
thể mượn cái tốt của ngày kia để sống cho hôm nay. Chuẩn bị kiến thức, đức độ
thuộc về con người, về những tương quan nhân loại và gần hơn là những gì liên
quan đến cá nhân, hôn nhân và gia đình là nhằm giảm bớt sai lầm. Càng ít sai
lầm thì ta càng có nhiều thời gian để hưởng thụ cuộc sống vì thời gian trong
đời người không thể gia hạn được. Người xưa đã sớm biết, để có được một xã hội
có trật tự lớp lang khả dĩ mang lại an bình hạnh phúc cho muôn người thì phải
bắt đầu từ nguồn gốc - từ bên trong đơn vị nhỏ nhất tức là từng con người trước
khi nói đến việc đặt ra luật pháp. Con người phải được giáo dục đúng đắn và tự
giáo dục lấy.
Qua nguyên tắc “Tu - Tề - Trị - Bình”, (Tu
thân, Tề gia, Trị quốc – Bình thiên hạ), quả thật người xưa đã đặc biệt qúi
trọng thời gian “sống” hữu ích. Ngày
nay, trong thời đại văn minh khoa học, có người thường tự mãn rằng học nhiều
hiểu rộng nên xem thường hoặc vội mỉa mai cái học làm người thời xưa! Xin hỏi
có gì sai trong quá trình chuẩn bị cho con người bước vào cuộc đời tự làm chủ
chính mình? “Tu thân” tức là phải
trải qua quá trình hoàn thiện chính mình - rèn luyện cách xử thế, tinh thần tự
chủ, ý thức trách nhiệm, nhân vị, quyền hạn, nhiệm vụ…trong đó có cả sự nối kết
giữa tình yêu, hôn nhân, gia đình và thiên chức làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ,
làm con cái. Ở đây chúng ta chỉ nói đến trình tự, nguyên tắc lập thân chứ không
đề cập đến nội dung hay phương pháp vì quan niệm làm vợ chồng, cha mẹ, con cái
ở mỗi thời đại, mỗi nơi có thay đổi, khác nhau. Bước tu thân được hoàn chỉnh
thì mới đến “Tề gia” tức là tạo lập,
xây dựng, tổ chức có nề nếp, an hòa, trật tự trong tình yêu thương và duy trì
giá trị gia đình như gìn giữ giềng mối một đơn vị xã hội thu nhỏ rồi mới nói
đến “Trị quốc - Bình thiên hạ” tức là
làm lãnh đạo hoặc đóng góp, phục vụ xã hội, phục vụ quần chúng, góp phần làm
cho quốc gia, xã hội được an bình thịnh vượng. Chưa nên thân thì khó mà xây
dựng được gia đình êm ấm. Một người không nên thân, từ trong một gia đình rối
ren, hỗn độn không có nề nếp thì làm thế nào lãnh đạo, hay tham gia phục vụ xã
hội mang lại hạnh phúc cho mọi người. Việc làm ấy không khác nào đặt cổ xe
trước đầu con ngựa. Vậy riêng ở điểm này cái học ngày xưa có lý không? Phải chăng người xưa quan tâm chuẩn bị của
cho cuộc sống như thế là sai lầm?
Trong thời hiện đại, dĩ
nhiên việc “tu thân, tề gia, trị quốc
bình thiên hạ” có nội dung và phương hướng rất khác biệt thời phong kiến
bỡi con người ngày càng nhận chân ra giá trị căn bản của cá nhân và cuộc sống, nhất
là ở xã hội tự do, quyền tự do cá nhân được bảo đảm đến mức có thể nói là lý
tưởng. Lắm người có cái nhìn khác nhau về cuộc đời. Chúng ta có thể có quan
niệm khác nhau về gia đình. Chẳng hạn đa số vẫn coi giá trị gia đình là căn bản
và tìm hạnh phúc với nhau dưới một mái nhà còn người khác thì chỉ thích sống
độc thân hoặc có vợ chồng nhưng triệt sản, không muốn vướng bận với con cái;
hoặc chỉ thích sống phóng túng, buông thả, hoặc chỉ sống ở thế đâu lưng, hoặc
có thể nói nôm na là “đậu gạo nấu chung” mà thôi. Có người không phải có quan
niệm khác thường nhưng đáng tiếc là rơi vào hoàn cảnh trục trặc sinh lý nên
không có con và lấy làm thoả mãn khi ban tình thương cho các con nuôi. Và đặc
biệt, mới đây còn có thêm quan niệm về sự sống chung của những người đồng tính.
Nhưng dù quan niệm thế nào thì chúng ta cũng không thể tách rời khỏi nhân quần,
xã hội tức là tuyệt nhiên không tránh khỏi tương giao. Tương quan nhân loại là
nơi có nhiều rối rắm, vui buồn phức tạp và nhiều thử thách, lắm khi làm cho chúng
ta mệt mỏi nhưng cũng là miền đất mang lại cho ta niềm hạnh phúc và cũng ở đó
ta nhận thức rằng chúng ta đang còn sống, đang có mặt trên thế gian này. Chúng
ta không có lý do từ chối việc dọn đường để bước lên sân khấu cuộc đời mà ở đó tùy mô hình xã hội, thể chế chính trị
và thời đại mà đời người và giá trị gia đình sẽ chịu ảnh hưởng thế nào.
Giáo dục thời chế độ Cộng Hoà có nội dung
dựa trên nền tảng triết lý giáo dục: Nhân
bản, dân tộc và khai phóng – xem con người là tiêu điểm. Hạnh phúc của con
người được coi là chủ yếu, là kim chỉ nam cho tất cả những gì có liên quan đến
giáo dục - cả nội dung và hình thức cũng như thể chế chính trị và mọi chính
sách bảo tồn và phát triển dân sinh. Nền giáo dục ấy nhằm giúp con người tự do
phát triển toàn diện, có thể thích nghi và cải thiện môi trường sinh sống mọi
mặt kể cả phong cách tương giao, xử thế tiếp vật chứ không phải theo bất kỳ chủ
thuyết nào. Trong mọi tương quan nhân loại, giáo dục vẫn xem trọng ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm nền tảng.
Những giá trị đạo đức phi thời gian và không gian, những tinh hoa văn hoá nghìn
đời của tiến nhân được đặc biệt coi trọng, gìn giữ và không ngừng vun bồi. Mục
tiêu nhân bản khẳng định rõ ràng rằng con người sinh ra, lớn lên và mưu cầu
hạnh phúc cho chính bản thân họ. Đó là mục tiêu giáo dục và là nền tảng của các
mô hình xã hội, thể chế chính trị tự do. Ở miền Nam Việt nam, 1975 trở về
trước, con người được tự do trong xã hội vừa dứt bỏ chế độ quân chủ, hệ tư
tưởng phong kiến lâu đời và chập chửng bước vào xã hội tự do dân chủ pháp trị.
Đặc trưng văn hoá gia đình dân tộc Việt nhờ đó mà tồn tại khá bền trong mỗi
chúng ta. Chúng ta đã lấy đó làm vốn liếng mang theo trong khi sống đời tự do
khắp nơi trên thế giới. Ngày nay trong khi sống chung với nhiều dân tộc khác
nhau ở Hoa Kỳ cũng như những quốc gia tự do khác, nếu để tâm suy xét, so sánh
với những dân tộc khác chúng ta sẽ thấy rõ tính năng của những đặc trưng này.
Bất kỳ ở đâu và thời kỳ nào, một khi con
người đúng nghĩa nhân bản thiêng liêng bị tái định nghĩa để phục vụ cho mưu đồ
chính trị thì tất nhiên con người, lề thói, phong cách và ý nghĩa cuộc sống
cũng thay đổi trắng đen và sự chuẩn bị cho cuộc đời cũng phải vậy cho vừa với
xã hội theo khuôn mẫu một chủ nghĩa định trước. Cho dù là tinh hoa chiết xuất
từ cuộc sống của nhân loại qua hàng nghìn năm cũng phải hy sinh vì sự sống còn
nhất thời trước sự đe dọa. Gia đình và
giá trị đích thực của nó dĩ nhiên cũng theo đó mà thay đổi. Chẳng hạn, chủ
thuyết cộng sản định nghĩa con người là
công cụ sản xuất, là con người của tập thể. Con người nhất định phải theo một mẫu:“con
người xã hội chủ nghĩa” - một mô hình con người do chủ thuyết ấy qui định
(precast mould). Và như thế con người
được huấn luyện sao cho đến khi trưởng thành đầu óc của họ chỉ hoạt động giới
hạn trong khuôn mẫu như một bộ phận máy móc trong guồng máy của một – và chỉ
một loại hình xã hội dưới chế độ chính trị theo chủ thuyết cộng sản mà thôi. Do
đó thiên tính linh hoạt, tư tưởng, sáng kiến và sự tự do phát triển tiềm năng
cá nhân sẽ không còn chỗ đứng. Sinh ra và lớn lên trong mô hình xã hội như thế
con người sẽ thiệt thòi vô cùng bỡi cuộc đời chỉ có một mà thôi. Bao nhiêu
người trên thế giới đã bị mê hoặc bỡi những lý lẽ ngụy tạo hấp dẫn của một học
thuyết đồ sộ với những luận cứ phiến diện, phức tạp và bệnh hoạn bỡi nó chỉ
tính giá trị con người như một công cụ trong qui trình lao động sản xuất và
phân chia sản phẩm trong xã hội dưới độc quyền thu gom và phân phát của một tập
thể đảng duy nhất, tương quan giữa
con người chủ yếu là qua trung gian vật chất. Học thuyết Marxism không hề nói đến đạo làm người cũng như giá
trị tinh thần thiêng liêng, hạnh phúc đích thực của con người trọn vẹn - cá
nhân và dĩ nhiên theo đó giá trị gia đình cũng vậy. Những kẻ tự giao nộp cuộc
đời cho học thuyết ấy nắm được quyền, quay sang nhồi sọ, giám sát và đóng khuôn
cuộc sống của bao nhiêu đồng loại. Họ tự cho mình cái quyền làm Thượng đế, mượn
cuộc đời duy nhất – có một không hai của hàng triệu người, tiếp tục lấy bao
nhiêu thế hệ để thực hành chủ thuyết cộng sản chẳng khác nào làm cuộc thí
nghiệm bằng những đời người và không một ai biết bao giờ mới đến xã hội lý
tưởng. Hàng triệu người phải hy sinh
xương máu bằng đủ mọi cách thảm thương nhưng phải cam chịu cho đến mãn đời vì
cái tương lai sáng lạng ở phía trước!
Thử nghĩ xem biết bay và tự do bay trên bầu trời muôn thuở thênh thang thì mới
gọi là loài chim cũng như biết lội và tự do lội trên sông, biển mênh mông thì
mới gọi là loài cá. Cũng là con người nhưng ở các xã hội đa nguyên có nếp sống
tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ, tự do hành động, tự do ăn nói, tự do đi lại, tự
do hội họp, tự do báo chí … trong khi đeo đuổi hạnh phúc thì ngược lại, ở các
xã hội cộng sản chỉ có một đảng thay trời, trọn quyền quyết định con người phải
sống như thế nào. Mẫu người cần có trong xã hội ấy là phải nghe theo, làm theo
lệnh đảng. Người ta phải nghe sự lặp đi
lặp lại hàng trăm lần, nghìn lần, vạn lần chủ nghĩa tuyệt hảo, bách chiến, bách
thắng cho đến phải tin theo – không tin theo thì liền có biện pháp trấn áp. Con
người quấn quanh bỡi hàng trăm thứ sợ, phải khúm núm tôn sùng lãnh tụ như thánh
sống; tôn sùng đảng như kính trời; tuyệt đối trung thành với một đảng có tổ
chức chặt chẽ, có vũ khí sắc bén và có quyền sinh sát trong tay. Có lẽ không ai
bảo rằng những điều này không có thật? Ở đó việc“tu thân”, được một đảng “trồng người”, uốn nắn từ mẫu giáo đến
đại học như đã nói trên, sao cho khi trưởng thành đầu óc chỉ biết hoạt động
giới hạn phục vụ cho một và chỉ một chế độ xã hội chủ nghĩa mà thôi. Bài vở ở
học đường và các nghị trình của của chế độ đã minh định quá rõ ràng. Để sống
còn và trở thành con người mẫu ấy, người ta phải học phong cách nói theo, làm
theo bất chấp lương tri, lẽ phải, một chiều suy nghĩ, một chiều vâng lời - cứ
ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng; cứ theo lệnh ban ra mà thi hành, có bàn bạc thảo
luận thì câu hỏi cũng chỉ là làm sao để thi hành cho được chính sách đã ban ra
bất chấp mọi tai hại có thể giáng cho con người và cuộc sống. Như thế thì sự
thật, sự tiến bộ, cái nhìn khách quan, nhìn xa trông rộng khắp thế giới còn
đâu? Đó không phải là sự thiệt thòi to lớn của con người thì phải gọi là gì! Và
con người có mặt trên thế gian này chỉ để làm như thế thôi sao?
“Trồng
dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu”. Tục ngữ đơn sơ mộc mạc nhưng nói
lên định luật nhân quả dám thách thức với bất cứ học thuyết xã hội nào. Những
gì từ chân phương đạo làm người, từ lẽ phải tự nhiên, từ công lý, từ lương tri,
từ tình yêu chân chính không lừa gạt, mị dân, không mưu đồ bất chính mới mong
đem lại an bình hạnh phúc cho nhân loại. Cái chân đạo lý làm người không bao giờ
cần tô vẽ và cũng không có gì phải sửa sai hay đổi mới. Trái lại, bất kỳ ở đâu
và thời nào cũng vậy, nếu con người bị huấn luyện trở thành ngoan ngoãn đáng
thương với lớp vỏ đạo đức kiểu mẫu chính trị xã hội giả trá áp đặt bên ngoài thì
phải luôn luôn nạo sửa, tân trang, tô vẽ bằng phương tiện. Bắt đầu bằng phương tiện mị dân, lừa bịp, tàn
bạo, bất nhân chỉ đưa con người và xã hội đến hủy diệt, bại vong chứ không thể
đưa đến bất kỳ cứu cánh nào thánh thiện, hạnh phúc được. Cái mà cung tên, súng
đạn, giáo mác, cạm bẫy, âm mưu, tuyên truyền lừa bịp, tước đoạt ở đâu và ở thời
nào cũng vậy tất sẽ mang đến không gì khác hơn là sự chết chóc, sự tàn phá khổ
đau. Giả sử xã hội khuôn mẫu ấy mưu toan huấn luyện con người thành một “mẫu” thành
công để chế độ chính trị cai trị thì dĩ nhiên những con người ấy không làm sao
thích nghi với bất kỳ môi trường nào khác. Đây nếu không gọi là một vấn nạn của
xã hội thì còn gọi là gì? Con người vẫn là một sinh vật linh động và khi có cơ
hội thì lập tức trở về bản tính tự nhiên như chiếc lò xo đàn hồi sau khi chịu
nén cho vừa một vật thể nào đó. Nhưng khổ nỗi khi đàn hồi thì hoang mang mất định
hướng vì xưa nay tương giao nhân bản, đạo lý làm người - miền đất thiêng liêng
đã bị bỏ hoang phế - con người đã không được giáo dục, vun bồi và thực hành. Và
như thế xã hội ấy không thể nào uyển chuyển linh động, cỡi mở để tiến bộ được bỡi
hễ xã hội biến chuyển thì mở ra những khó khăn lúng túng, lo sợ cho con người vì
họ đã trót rèn luyện chấp dính với mớ tư tưởng đặc sệt thành kiến, cứng nhắc. Họ
sẽ khổ sở loay hoay bòn mót những gì có thể dùng, hoặc phải lúng túng tháo gỡ
những trói buộc lạc hậu trong tư tưởng để tập thích nghi. Nhưng không dễ gì có
thể thích nghi đúng đắng, có hiệu quả bỡi họ đã bị cưỡng bức rèn luyện chỉ nhìn
một chiều, tin một theo một chiều, hầu như tê liệt óc phán đoán và tinh thần tự
chủ, lúc nào cũng chờ chỉ huy. Hệ quả đoan chắc, mỗi khi xã hội nhúc nhích thì
con người lại rơi vào vòng lẩn quẩn, đời sống xã hội tất sẽ mất ổn định trầm trọng,
nảy sinh vô số trở ngại, biến động tiêu cực từ mọi phía, nhân nhân quả quả trùng
trùng không sao đo lường, phòng bị và sửa chữa được. Không cần chờ kết quả kiểm
nghiệm, kết quả mong muốn theo định nghĩa mới về con người dĩ nhiên không thể
nào với đến được vì lẽ đơn giản con người không phải là cục đất sét để nắn tượng
mà là một sinh vật siêu đẳng có ý thức, linh động và bản chất tự do. Điều đáng
buồn và đau lòng nhất là người ta đã bị lấy
mất một cuộc đời với ý nghĩa cao đẹp duy nhất “trời ban” mà không sao tìm lại
được trong một xã hội định khuôn, không thích hợp với con người đúng nghĩa.
Chúng ta không phung phí thời gian quí báu
bàn đến những thứ không mang lại ích lợi gì – cái chủ nghĩa mà hàng triệu triệu
người Liên Bang Xô Viết và khối cộng sản Đông Âu đã bỏ mạng vì nó và kẻ còn sống thì hoang phí cuộc đời để xây dựng,
hoá ra là thứ độc hại - người ta đã vứt vào xọt rác hơn hai mươi năm, không ai
buồn ngoái cổ nhìn lại. Bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn những ai chủ
xướng chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm về những hệ quả đối với đất nước và
dân tộc của họ. Hãy để cho sự thật tự nó
nói lên tất cả. Chúng ta miễn bàn tốt xấu, lợi hại - không cần uốn cong, vo
tròn, bóp méo hay xuyên tạc. Hãy thật khách quan, nhìn kỹ vào phong cách sống
và mọi tương giao giữa con người trong loại hình xã hội định khuôn ấy ở bất kỳ
ngành nào sẽ thấy loại trái chín mà các xã hội ấy thu gặt. Đó là xã hội băng hoại,
đứng trước nguy cơ tự diệt vong với tệ nạn dẫy đầy: tham nhũng, hối lộ, móc ngoặt,
tham ô, mánh mung, dối trá, gian manh, đạo đức không còn, tình thương khô cạn,
vô cảm bất nhân… và theo đó có thể nhìn xuyên suốt những gì xảy đến cho đời sống
gia đình.
Đảng phái, phe nhóm, lãnh tụ, chủ thuyết, … bao
giờ và ở đâu cũng là sản phẩm của con người. Những tưởng đó là những công cụ sẽ
giúp cho đời sống xã hội tốt hơn chứ không phải để tôn thờ. Một khi những thứ ấy
không phục vụ được gì cho xã hội chẳng những chúng sẽ trở thành gánh nặng làm
tiêu hao tài nguyên, vật lực, gây trở ngại cho việc phát triển xã hội, đất nước
mà còn là những sợi dây vô hình trói buộc chính con người vì mục tiêu thâu tóm quyền lực
và trục lợi của tổ chức đảng phái. Như thế hoá ra con người cong lưng phục vụ
cho mớ sản phẩm vô dụng, ăn hại của chính mình. Ở đâu và thời đại nào có chủ
thuyết bắt buộc phải tôn thờ thì ở đó hàng triệu sanh linh đồ thán, hàng triệu
người đánh mất cuộc đời hoặc thất thểu kêu van, xã hội nơi nơi băng hoại, con
người tha hoá, thác loạn; gia đình tan tác, ý nghĩa và giá trị cuộc sống suy biến.
Quả thật lẽ đạo bất biến tuy đơn giản nhưng không một chủ thuyết đồ sộ nào có
thể đánh ngã:“Trên mà không chính thì dưới
có chính cũng thành ngụy, người lành cũng biến thành kẻ gian tà. (Kỳ vô
chính, chính phục vi kỳ, thiện phục vi yêu. – Lão Tử). Rộng lớn hơn, hễ thuận
theo nguyên lý vận hành tự nhiên của vũ trụ thì tồn tại, bằng làm những gì trái
với qui luật bất biến thì dù có khéo dùng phương tiện hay mưu ma chước quỷ đến
cuối cùng cũng sẽ tự diệt vong vì chính cái gốc mưu ý bất thiện, mầm bất thiện,
mầm mống hủy diệt (Thuận thiên giả tồn; nghịch thiên giả vong) chứ không phải từ
bên ngoài như những lý lẽ bào chữa vu vơ hay ngụy ngôn chạy chối trách nhiệm của
những kẻ cầm quyền.
Cuộc sống của từng cá nhân và gia đình đều
chịu ảnh hưởng bỡi xã hội nhưng bị tàn phá nặng nề nhất là khi nào và ở đâu xã
hội có khuôn mẫu áp đặt theo một chủ thuyết cứng nhắc, bao trùm bằng bạo lực,
khủng bố dập vùi, từ chối, triệt tiêu nhân bản vì mục tiêu của chế độ chính trị
chuyên quyền. Trái lại, nền giáo dục nhân bản, tự do giúp con người phát triển
toàn diện đến khi trưởng thành để có khả năng tổ chức, khả năng chuyên môn, khả
năng thích ứng, hội nhập vào thế giới… Và chỉ có nền giáo dục chân chính nhân
bản - tuyệt đối không phải là sự rèn luyện một công cụ chính trị - mới giúp cho
cá nhân cũng như gia đình tìm hạnh phúc qua đức xử thế tiếp vật và tình yêu của
con người mà thôi. Những tinh hoa của nhân loại - được gạn lọc qua quá trình
phát triển của xã hội từ một chân trời hàng nghìn năm ở Đông Á xưa kia về thái
độ xử thế tiếp vật của người xưa vẫn là những đóng góp tích cực vì chân giá trị
của nó. Chúng ta cũng đừng lầm những giá trị này với sự nệ cổ, cố chấp, khăng
khăng trói buộc vào những tập tục, truyền thống cứng nhắc, máy móc vô nghĩa.
Đức xử thế tiếp vật ấy được huân trưởng, vun bồi ngay ở đầu nguồn “Gia
đình”- nơi bắt đầu cuộc sống của
con người ví như nguồn nước trong từ đó tải đi khắp nơi để nuôi cho cây cối mùa
màng được tươi tốt, trái đất xanh tươi.
Nền kinh tế thay đổi từ nền tảng canh nông
sang công nghiệp hoá cũng đã làm thay đổi quan điểm từ gia đình mở rộng, tư
tưởng gia tộc gồm bà con dòng họ - sang gia đình hạt nhân căn bản. Nhất là ở
Hoa kỳ, mới đây vào khoảng cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 thuật ngữ “giá trị
gia đình” thường được đem ra tranh luận sôi nổi trên chính trường vì người ta
đã nhận thấy sự suy giảm từ sau Đệ nhị Thế chiến. Và khi người ta nói đến giá trị gia đình, dù không có tiêu chuẩn
rõ ràng và ý nghĩa của nó có thay đổi, nó vẫn được liên kết chặt chẽ với quan
điểm của những người có khuynh hướng bảo
thủ xã hội và tôn giáo. (Nhân đây xin ghi
chú từ nguyên “bảo thủ”. Bảo thủ là từ gốc Hán, theo Hán Việt Tự Điển Trích
Dẫn: BẢO: Giữ 保 (Bộ 9 人 nhân [7, 9]
U+4FDD) / THỦ: Tiết tháo, đức hạnh 守 (Bộ 40
宀 miên [3, 6] U+5B88).
BẢO
THỦ tức là giữ gìn tiết tháo, đức hạnh; duy trì những gì tốt đẹp đã kinh qua
đời sống, tương quan xã hội mà tồn tại; khi gặp việc phải thay đổi thì dè dặt,
thu nạp những cái mới nhưng vẫn giữ nguyên tắc là không làm mất đi những tinh
hoa đã thủ đắc và không làm hại đến tương lai lâu dài.
Ở đây, với cái nhìn khách quan, không đưa ra
nhận định phê phán nào mà chỉ lặp lại hiện trạng xã hội về những gì liên quan
đến đời sống và gia trị gia đình để mỗi chúng ta có nhận định riêng: Cấu trúc
gia đình truyền thống ngày nay có nhiều thay đổi có khả năng làm lung lay giá
trị của nó. Chính giới và truyền thông ở Hoa Kỳ có nhiều quan điểm khác nhau.
Các cuộc tranh luận về những vấn đề
thuộc xã hội trong các đợt bầu cử ngày càng làm nổi rõ hai khunh hướng khác nhau về Tự do cá nhân và Giá trị gia đình. Một bên vận động ủng hộ kết hôn truyền thống và
chống tình dục ngoài hôn nhân; ủng hộ vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia
đình; không ủng hộ hôn nhân đồng tính, chống hợp pháp hoá phá thai cố ý; ủng hộ
giáo dục đức tự chủ, tiết chế (như tránh uống rượu, chè chén say sưa, hoang dâm
chơi bời…); chống hợp pháp hoá ma túy; chống khiêu dâm; chống đa thê… Một bên
thì ngược lại, ủng hộ hôn nhân đồng tính, ủng hộ phá thai, hợp pháp hoá ma
túy…
Cái mạnh của người gốc Việt từ sự coi trọng quá
trình trưởng thành toàn vẹn và độc lập của cá nhân và giá trị gia đình, xem gia
đình là một khối thống nhất căn bản trong đó các thành viên sống gắn bó với
nhau về mọi mặt. Người gốc Việt đặc biệt coi trọng đạo đức và cân nhắc kỹ lưỡng
những gì có thể làm suy đồi, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của cá nhân và
cả gia đình, dòng họ. Dù ở đâu người Việt vẫn mang theo tiềm thức một dân tộc
đã chịu ảnh hưởng sâu dày của tam giáo - Khổng, Lão, Phật và cả Thiên Chúa
giáo. Với bản sắc lâu đời ấy, người gốc Việt ở các nước tự do chắc sẽ dè dặt với
những trào lưu mới cũng như đã từng từ chối sống trong kiểu mẫu xã hội và thể
chế chính trị áp đặt, sai lầm ngay từ định nghĩa con người, xem thường nhân bản
và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Tin rằng chúng ta đều có chung
kinh nghiệm và nhận thức về ảnh hưởng tương tác tất yếu giữa xã hội, con người
và gia đình. Cho dù xã hội ngày nay có nhiều thay đổi nhưng tin rằng không bao
giờ và không ai có thể phủ nhận “giá trị
gia đình” – gia đình thuần túy hay gia đình hạt nhân – tức gia đình có cha,
có mẹ và có con cái bỡi lẽ đơn giản đó là cốt lõi quyết định sự tiếp tục tồn
tại của nhân loại. Bên cạnh duy trì “giá
trị gia đình” qua sự nối kết, gắn bó bền vững của các thành viên còn có giá
trị của nền giáo dục đúng đắn nhân bản, hôn nhân trọn vẹn và một số điều kiện
khác thuộc an sinh mà chỉ có các xã hội tự do mới thật sự quan tâm và có khả
năng mang lại an bình, hạnh phúc cho nhân loại bỡi từ một định nghĩa đúng đắn
về con người./.
Vĩnh
Tường
No comments