Tin Mới

TRẺ EM VÀ NHỮNG NHU CẦU THIẾT YẾU (phần II)


SỰ NUÔI DƯỠNG (trích trong GIÁO DỤC CON CÁI / Tg: Lee Duong)
   Sự nuôi dưỡng trẻ bắt đầu từ trước, trong khi mang thai, đến khi trẻ chào đời và suốt thời gian từ đó cho đến khi trưởng thành. Một điều cần nhớ rằng tình thương và sự ủng hộ con trẻ cũng có giá trị như những dưỡng chất trong những món ăn hàng ngày. Thiếu tình thương, trẻ em cũng bị ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể khiến nó trở nên kém ăn, mất ngủ, òi ọp. Mới có con nhất là lần đầu, cha mẹ chắc chắn sẽ rất vất vả ngoài dự tính vì vậy đừng nên ngại ngùng kêu gọi sự giúp đỡ của những người thân. Sức khoẻ của cha mẹ cũng là điều kiện ắt có để có thể chăm sóc bé một cách chu đáo được. Sau đây là những lời khuyên cho những cha mẹ mới trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con em.
   Thái độ và hành động trong đời trẻ luôn luôn thay đổi vì thế điều quan trọng là phụ huynh phải xác định mình mong đợi điều gì - chứ không phải áp đặt điều gì ở trẻ - theo từng lứa tuổi của nó để chuẩn bị cho những giai đoạn phát triển và sự chuyển tiếp của mỗi giai đoạn. Sự tương tác tuy có thay đổi một cách có khoa học và nghệ thuật theo yêu cầu từng thời gian tăng trưởng nhưng lúc nào tình thương cũng là yêu tố then chốt rất quan trọng giữa cha mẹ và con cái.
1.     Sự ngủ nghỉ của trẻ em: 
Học tập chăm sóc trẻ sơ sinh là một sự phấn khích và đồng thời là một thử thách đặc biệt. Hầu hết trẻ sơ sinh thường ngủ 16-18 tiếng đồng hồ trong cả ngày và đêm. Bộ tiêu hóa còn nhỏ nên cứ khoảng 3-4 tiếng chúng cần được cho bú. Chừng 4-6 tháng trẻ có thể ngủ 6-8 tiếng về đêm và hai giấc ban ngày, tổng cộng khoảng 10-14 tiếng tất cả. Đôi khi cần thời gian lâu hơn để trẻ quen với chu kỳ thường lệ. Bạn hãy kiên nhẫn, con bạn có thể cần bú và ngủ nhiều hơn.
·       Nơi thích hợp và an toàn 
Nên dặt trẻ ngủ nơi ít bị quấy nhiễu, nhưng bạn có thể nghe trẻ khóc. Điều này hơi thừa vì hiện nay có máy nghe, có cả máy có màng ảnh theo dõi trẻ ngủ, tuy vậy chúng ta cũng không thể quên những gia đình đáng thương trong hoàn cảnh khó khăn cần chúng ta nhắc nhở. Một số trẻ rất nhạy với tiếng động và ánh sáng, chúng có thể ít ngủ vì sợ. 
   Đặt trẻ trên bề mặt chắc chắn, trong phòng không quá nóng ấm, đặc biệt là không có khói thuốc lá, bên cạnh không có đồ chơi thả lỏng hoặc mền ra nhũn nhặn, sơ ý có thể gây khó thở, thế nằm phải thuận, dễ chịu. Cần phải thường xuyên kiểm tra lại thế nằm của trẻ. Nằm nghiêng và nằm sấp là hai thế rất dễ gây tai nạn ngạc thở.
·       Thời biểu: 
Tập thói quen cảm nhận giờ đi ngủ bằng những hoạt động gây cảm giác êm dịu trước khi cho ngủ như tắm, hát ru nhẹ nhàng không nhất thiết là phải theo bài bản, bạn có thể vừa tự đặt ra vừa hát ru êm dịu hoặc đọc sách, mở nhạc nhẹ… Để giúp bé về sau tự đi vào giấc ngủ khi thức dậy trong đêm, nên cố gắng đặt bé vào giường củi ngay lúc bé vừa ngủ. Để trẻ khóc chút đỉnh cũng tốt, đừng quá hoảng sợ. Bé cần ngủ sớm. Trường hợp bé ngủ trể không nhất thiết là bắt trẻ phải dậy trể. Điều này có thể làm cho trẻ bẳng tính, khó ngủ. Khi trẻ lớn hơn, bạn từ từ điều chỉnh giấc ngủ cho bé được chơi nhiều hơn ban ngày và ngủ nhiều hơn về đêm.
·       Dỗ dành:
Trong thời kỳ sơ sinh, trước khi mang trẻ về nhà, bạn nên tham khảo ý kiến, học cách quấn tả cho bé ở bác sĩ hoặc các cô y tá. Bế cho bé cảm thấy yên tâm. Khi bé ngủ hãy đặt vào chỗ của nó. Nên giảm dần thay vì tập thêm thói quen như rung, lắc, nhún nhịp, vỗ, vuốt sẽ khó cho bạn về sau mỗi khi dỗ bé ngủ. 
Âm thanh êm dịu trước kia bé thường nghe một cách tự nhiên trong bụng mẹ. Khi ra ngoài, những âm thanh êm nhẹ, có nhịp điệu tiếp tục tạo cảm giác êm dịu cho bé. Lời hát ru dịu dàng, hoặc tiếng nhạc êm nhẹ, làm cho bé được yên tâm, ngay cả lời nói nhỏ nhẹ êm ái cũng cần thiết và sẽ có kết quả tốt. Âm giọng êm dịu, nhịp nhàng tạo được cảm giác an toàn cho bé.
   Động tác đu đưa trong bào thai rất quen thuộc khi bé cùng đi lại với mẹ. Cha mẹ từ xa xưa chưa bao giờ biết đến kỹ thuật là gì nhưng cũng tạo cái nôi để phỏng theo sự đu đưa quen thuộc trong bụng mẹ trước khi trẻ làm quen với sự di chuyển mới lạ bên ngoài. Ngày nay có những chiếc nôi có nhạc rất thuận tiện cho việc dỗ trẻ. Nên đưa bé đi tản bộ bằng xe đẩy, để bé trên chiếc đu của trẻ em hay bồng bé lui tới.2
   Động tác bú, mút làm cho bé yên lặng. Trong khoản 4 tháng đầu, bạn có thể cho bé dùng núm vú giả để bé nín khóc khi bé cáu kỉnh. Không nên lạm dụng, trẻ có thể cắn trì, kéo lệch những răng non mới nhô lên hoặc nếu dụng cụ lớn quá, dùng lâu quá có thể ảnh hưởng đến hình dạng của môi bé.
2.     Cho trẻ ăn: một việc làm rất quan trọng. 
   Mới bắt đầu làm cha mẹ, rất nhiều điều phải học và nhờ cố vấn của các bác sĩ trẻ em về sữa, thức ăn, cách cho ăn, cho bú và thời biểu. Bạn không tránh khỏi nhiều lúc thật căng thẳng và lo lắng. Nuôi trẻ trong thời kỳ nhủ nhi và hài nhi là bước đầu công việc rất quan trọng cho đời người. Chiếc xe hỏng chúng ta có thể sửa chữa lúc nào cũng được vì chiếc xe hôm qua và ngày nay không thay đổi, nhưng con người thì khác. Tuổi đời theo thời gian, mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, có yêu cầu giáo dục khác nhau. Sai lầm trong việc nuôi dạy trẻ nhất định để lại hệ quả kéo dài đến các giai đoạn kế tiếp và có khi ảnh hưởng cả đời. Người ta đã lầm, thật là lầm nếu nghĩ rằng cho bé ăn, bé bú chỉ là cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ lớn lên và phát triển cơ thể. Nếu vậy thì có khác gì nuôi một con lợn chỉ cần nó chóng lớn và mập mạp. Con người thì khác, và đặc biệt là đối với trẻ em, món ăn tinh thần tuy không tốn kém nhưng cũng quan trọng không kém sữa bú và thức ăn. Cho bé bú, bé ăn là công việc có hiệu năng nối kết quan hệ tương tác giữa bạn và đứa bé trong những buổi đầu đời, gieo mầm yêu thương và tâm bình an nơi trẻ - một nhu cầu cần thiết để trẻ phát triển tinh thần, cảm xúc và kỹ năng xã hội cùng nhịp với thể chất cho nên đừng xem thường và bỏ lỡ cơ hội có một không hai này. Bạn cũng nên biết, mỗi đứa bé là một đơn vị hoàn toàn độc lập, chất dinh dưỡng, và thời biểu ăn – bú tùy theo đó mà thay đổi. Việc này, nếu thấy lúng túng thì nên bàn với các bác sĩ nhi đồng để có quyết định thích đáng. Tuy nhiên THÁI ĐỘ CỦA BẠN trong khi bạn trực tiếp làm công việc nuôi dạy hàng ngày là điều quan trọng mà bác sĩ không giúp gì được.
   Vì quá lo sợ mà một số bà mẹ mắc sai lầm rất lớn trong công việc này. Nhất là khi mới có đứa con đầu lòng, các bà mẹ thường mắc sai lầm là bắt ép con em bú hay ăn vì lo sợ bé thiếu dinh dưỡng. Các bà vì thiếu kiên nhẫn, nôn nóng lo sợ con gầy ốm vì ít bú, ít ăn nên thường bắt ép bé bú, bé ăn (forcefeeding) bằng cách đẩy, nhét bình sữa vào miệng có thể làm cho nó bị đau vài nơi trong miệng mà bà mẹ không thể biết hoặc làm cho nó có cảm giác bị ép buộc hoặc đối với trẻ lớn hơn thường bị la lối, bắt nạt, trẻ thường bắt gặp gương mặt, cặp mắt giận dữ, trừng trợn, nạt nộ, hăm dọa! Thậm chí trẻ bị mẹ phát vào mông, hay một tay thìa một tay roi, bắt ép bé ăn cho bằng được!...  Phản ứng như thế tức là bạn đã làm tổn thương trầm trọng đến tinh thần - đến cảm giác an toàn của đứa bé rồi đấy! Khi trẻ từ chối có nghĩa là cơ thể của nó bảo:  “Thứ này không hợp với con. Mẹ hãy vui lòng xem lại!” hoặc “Con đang cần mẹ quan tâm đến tình thương đối với con”; hoặc “Con đang thấy bất an”; “Con lo sợ…” Trẻ em rất nhạy cảm, nhạy hơn người lớn, hơn ta tưởng tượng. Trẻ chưa biết nói nhưng nhờ cảm quan tinh nhạy nó có thể nhận được tín hiệu bộc lộ trong ánh mắt, những biểu hiện trên nét mặt và kể cả phần lớn thái độ, hành vi phản ứng của ta.  Nếu làm cho bé lo sợ nó sẽ bắt đầu khó chịu, âm thầm đau khổ, bất an, kém ăn, ít ngủ, cứ mỗi lần thấy dụng cụ như chén muỗng hay ghế ngồi để ăn, thấy mặt người cho ăn… thì nó khóc la dãy dụa, bẳn tính, không chịu ăn, tìm cách lẫn tránh và mất đi cảm giác ngon và lành về miếng ăn. Bé càng làm như thế cha mẹ càng lo hoảng, càng bắt ép và hậu quả sẽ leo thang nghiêm trọng kéo dài hơn. Thử hỏi khi ta được mời vào bàn tiệc mà bị người khác sỉ nhục hay la mắng, ta có còn cảm giác ngon miệng và thích thú nữa không mặc dù chúng ta đã trưởng thành và có thể tự điều chỉnh được phản ứng của mình trong tương giao với tha nhân? Thêm vào đó, trong trường hợp trẻ lớn hơn, cha mẹ thường mắc thêm sai lầm kế tiếp là thường đưa thêm điều kiện thưởng, phạt hay lời hứa hảo để trao đổi. Món ăn dù nấu ngon bao nhiêu, miếng ăn sẽ không còn hương vị gì một khi nó cảm thấy đau khổ vì mất đi sự trìu mến yêu thương và mất đi cảm giác an toàn! Trẻ con bị đặt vào vị trí “lý sự” của người lớn trong khi trẻ không có chút lý lẽ nào, không biết suy luận và chọn lựa. Cái mà trẻ có chỉ là cảm giác thật tinh nhạy và tâm hồn trong trắng lúc nào cũng không ngừng chờ đón và đòi hỏi tình thương và cảm giác an toàn. Con người khi ra khỏi bào thai tiếp giáp với sự thay đổi hoàn toàn và đột ngột về môi trường, về nhiệt độ … đã mặc nhiên mang cảm giác bất an, sợ hãi và tiếng khóc chào đời đã nói lên điều đó. Cuối cùng, tuy khó khăn nhưng cha mẹ an tưởng rằng có thành công khi trẻ miễn cưỡng làm theo vì sợ. Thực ra đứa trẻ vâng lời chỉ vì cảm giác bất an không biết chuyện gì sẽ xảy ra, sợ ăn đòn, sợ thái độ giận dữ trên nét mặt của mẹ hoặc vì điều kiện trao đổi. Sự thành công như thế là đầu mối của bao nhiêu trục trặc tâm lý ở trẻ và bấy nhiêu khó khăn, vất vả đang đón chờ người lớn trong những ngày tháng kế tiếp. Ngày lại ngày qua lớn lên với những sai lầm này, đứa bé sẽ trở nên khó dạy, nhất là đối với những đứa có bản chất thông minh. Khi cha mẹ muốn nó làm gì cũng cần phải có cái roi, một khi “roi” đã lờn thì hình phạt sẽ leo thang nhiều kiểu cách và những khúc mắc tâm lý nơi trẻ cũng trở nên đa dạng và gia tăng theo cùng. Nhất định người lớn sẽ khó tránh khỏi những“trận chiến ý chí” (the battles of will) liên tục! Bản năng tự nhiên để chống lại nỗi sợ hãi bên trong, bù vào chỗ thiếu khiến đứa bé sẽ cố gắng xác định bản ngã tìm chỗ đứng bằng nhiều cách khó lường – cái “tôi trẻ con”(the babyself), sự hiện hữu và quyền thế của nó thường theo hướng tiêu cực. Thái độ và hành động của nó thường chọn cái sai, miễn là ngược lại với quyết định của người khác cho dù nó vẫn biết đâu là sai hay đúng chỉ vì để chứng minh là nó có quyền quyết định những gì thuộc bản thân nó! – “chân tay, đầu óc… này là của tôi mà!”. Nó không nói được không có nghĩa là nguyên lý quân bình tự nhiên không còn. Mãi đối đầu với những tình huống như thế dẫn đến sự phát triển thiên lệch ở nơi trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến kỹ năng xã hội khi trưởng thành. Đó là một thiệt thòi lớn lao và khó tránh cho tương lai của đứa trẻ. Sai lầm trong việc cho ăn, cho bú nói trên không phải là chuyện nhỏ như các bậc cha mẹ tưởng.  Không chừng cha mẹ phải chuẩn bị cho những ngày tháng khó khăn đếm không hết vì những lệch lạc, trục trặc tâm lý không dễ gì sửa chữa nơi đứa trẻ!
   Nên nhớ trong thời gian phát triển tâm dục khẩu hướng, cái mà bé cần không chỉ đơn thuần là dưỡng chất mà là sự kết hợp cả biểu hiện của tình thương mà ta gửi cho nó qua ánh mắt dịu hiền, giọng nói ngọt ngào, cử chỉ trìu mến, sự vuốt ve âu yếm. Đó là những tín hiệu gieo cảm xúc tốt đẹp và tâm bình an truyền cho trẻ. Đừng buộc trẻ phải vâng lời vì sợ. Đừng tưởng rằng nó còn bé không biết gì ráo. Đừng nên tạo cảm giác sợ để nó phải ăn! Làm mất thú vị của bữa ăn trẻ sẽ có cảm giác bữa ăn là một cực hình đối với nó, là lúc mà nó phải đối phó với những gì ngược lại với nhu cầu được thương yêu! Nó không nói được và sự chống chế, không vâng lời chỉ là thói quen tự nhiên để đòi đền bù sự thiếu sót những gì thuộc về bên trong mà chính nó cũng không hề biết. Lâu dần, trục trặc này khiến cho sự ngon miệng, thèm ăn giảm đi để cho những đòi hỏi không tên kia thay thế. Bé không bú hay khó ăn là do nguyên nhân khác về thể chất hay đã có trục trặc tâm lý chứ không phải là một sai lầm thì tại sao lại xử phạt! Người nuôi dưỡng, bạn là người phải bị phạt mới đúng chứ! 
·       Sơ sinh đến 4 tháng:
Bạn nên lập kế hoạch từ đầu sao cho phù hợp với hoàn cảnh, công ăn việc làm của bạn và sức khỏe của đứa bé. Thông thường các bà mẹ Việt nam cho con bú sữa mẹ khoảng một năm. Ngày nay khoa học cũng đã nghiên cứu và chứng minh rằng sữa mẹ tốt nhất và được khuyến khích sử dụng. Dĩ nhiên, tuỳ hoàn cảnh, có người chỉ cho bú các loại sữa được bào chế sẵn cho trẻ em hoặc phối hợp cả hai loại sữa với nhau. Cho bú bằng sữa mẹ không chỉ ảnh hưởng tốt về thể chất mà là sự nối kết tình thương qua xúc giác - sự chạm nhau bằng da thịt cùng lúc với luồng sữa ấm ngọt ngào đến tận bên trong cơ thể.
   Dần hồi bạn và bé sẽ làm quen được với qui trình cho bú nhiều, ít và thời gian theo sự phát triển của bé. Rồi em bé sẽ có thể thông tin cho bạn biết khi đã no cũng như lúc còn đói và bạn nên tùy theo những tín hiệu ấy hơn là một mực khăng khăng theo sách vở. Bé cũng cần được ợ sau khi bú hoặc giữa cữ và phun ra là chuyện thường. 
·       Khoảng 4- 6 tháng:
Thường trong độ tuổi này, trẻ bắt đầu mọc răng, hay nhểu nước miếng, nhiều lúc nóng sốt khó chịu. Thuốc cho những triệu  chứng này thường chỉ là phụ. Bạn có thể nhận thấy trẻ còn đói sau khi cho bú. Tùy tình trạng sức khỏe dù sao cũng nên nhờ bác sĩ cho ý kiến về trị liệu và thức ăn cùng cách bắt đầu tập cho trẻ ăn.  Thường dùng một muỗng bột gạo trộn với 4-5 muỗng sữa mẹ hoặc sữa bào chế cho trẻ em cho trẻ nếm thử một chút, đừng đút cả muỗng vào miệng bé. Không nên cho bé uống sữa thường cho đến khi bé lên đủ một tuổi. Khi chúng điều chỉnh được vị giác, từ từ cho ăn, trung bình chừng 4-5 muỗng trong mỗi lần cho ăn.
·       Khoảng 6-8 tháng: 
Khi bé đã ăn được khoảng 6 tháng trở lên, có thể bắt đầu tập cho ăn thức ăn có trái cây và các loại thực vật, mỗi lần một thứ. Nếu bạn tự làm thức ăn cho bé thì phải hoàn toàn nguyên chất không nên pha trộn với những hợp chất khác. Trộn một muỗng trái cây hoặc rau với bột ngũ cốc cho trẻ em, sau đó từ từ tăng dần đến nửa ly (chén nhỏ) cho 8 tháng tuổi. Nếu dùng trái cây hoặc rau chế sẵn trong lọ, thì nên múc ra ngoài dùng riêng, không nên múc trực tiếp từ trong lọ cho bé ăn vì như thế phần còn lại dễ bị nhiễm độc; lọ đã mở ra chỉ dùng được trong ngày. Bạn cũng có thể tập cho bé uống nước nho trắng, nước táo dịu bằng muỗng trẻ em. Để tránh trẻ bị dị ứng, không nên cho trẻ dùng nước trái cây chua như cam, quít…, sữa bò, đậu phụng, hạt trái cây, trứng.
·       Khoảng 8-12 tháng:  
Khi bé gần đến sinh nhật lần thứ nhất, bạn có thể bắt đầu nghiền chút ít thức ăn của bạn cho bé, hoặc mua thức ăn đã được xay trộn sẵn. Bạn cũng có thể cho thử thịt, cereal khô hoặc bánh qui nhưng phải kiểm tra chắc chắn là những thứ ấy phải nhỏ và mềm để phòng bé bị nghẹn. Nếu chưa ăn thì bé có thể cùng ngồi ăn cùng lúc với gia đình. Cho trẻ tự dùng tay để ăn. Bạn cũng có thể cho trẻ thử phó mát và sữa chua đã tiệt trùng (pasteurized cheese and yogurt). Lúc này vẫn còn phải tránh dùng những thứ có thể gây dị ứng nói trên. 
·       Từ 12 tháng trở lên:
Từ sau buổi sinh nhật lần thứ nhất, bạn có thể tập cho bé ăn tất cả những thức ăn của bạn. Ban đầu hơi khó nhưng rồi vị giác của bé sẽ quen, bạn đừng bỏ khi tập cho bé ăn những món mới kể cả các loại trái cây và trứng. Riêng, đậu phụng các loại hạt khác, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ nhi đồng. Bạn cũng có thể chuyển dần cho bé dùng sữa thường cho đến khoảng 2 tuổi thì chuyển sang sữa có ít mỡ. Trong thời gian dùng thức ăn mới bạn sẽ phát hiện những thức ăn nào khiến cho bé bị dị ứng
3.     Bữa ăn gia đình: Nhu cầu dinh dưỡng và tâm lý 
Dinh dưỡng và món ăn tinh thần - tình thương, sự âu yếm vuốt ve, ủng hộ của cha mẹ, cả hai đều quan trọng cho đứa trẻ. Bữa ăn gia đình là cơ hội tốt cho trẻ dự phần các loại thức ăn khác nhau để cơ thể bé được khoẻ mạnh và cân bằng các chất. Đây cũng là dịp tốt để xây dựng mối tương giao giữa cha mẹ và con cái qua việc cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn và vui vẻ trò chuyện. Điều quan trọng là làm sao cho bữa ăn được diễn ra trong không khí ấm cúng, êm đềm. Muốn thế, có một số điểm cần lưu ý: 
·       Kết hợp bữa ăn và sự họp mặt gia đình:

Mỗi gia đình là đơn vị độc lập, bữa ăn gia đình hàng ngày có thể không thích hợp với mọi người vì điều kiện sinh hoạt ở xứ công nghiệp rất khác biệt với lúc chúng ta còn ở Việt nam. Con lớn làm xong những hoạt động riêng khi về đến nhà thì các em nhỏ chuẩn bị hoặc đã đi ngủ. Yêu cầu của cuộc sống hàng ngày tạo ra những nếp sống và tập tục khác biệt. Ở Việt nam, hầu như lúc nào cũng là buổi họp mặt cả gia đình, chỉ trừ trường hợp đặc biệt mới có người thiếu vắng. Ở thành phố thì xảy ra thường xuyên hơn do việc làm ăn buôn bán hoặc nhiều ngành nghề khác nhau người ta không hoàn toàn làm chủ được giờ giấc. Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, bữa ăn gia đình không nhất thiết là bữa ăn chính hàng ngày, chẳng hạn bữa ăn nửa buổi vào ngày Chủ nhật hoặc chiều thứ Sáu ở tiệm ăn hoặc ở nhà. Tựu trung, họp mặt gia đình trong bữa ăn là điều rất quí, chẳng những gia tăng sự nối kết, làm ấm lại tình cảm gia đình và còn có tác dụng giáo dục nữa.  

   Nên cố gắng tạo bữa ăn gia đình trở thành thông lệ. Có như thế con trẻ có dịp lặp đi lặp lại đến mức đủ số lần để trở thành tập quán gắn liền với gia đình. Đây là cơ hội tốt khiến trẻ vui vẻ tình nguyện tham gia vào bữa ăn chung quanh cha mẹ như dọn bàn, dọn chén bát, chuẩn bị thức ăn.
·       Xây dựng và giữ gìn bầu không khí vui vẻ:
Gia đình ít khi được ngồi lại với nhau. Mọi người nên quí thời gian hiếm có này. Bữa ăn cần phải được vui vẻ. Nên ít nói chuyện. Thói quen cầu nguyện trước bữa ăn cũng tốt. Nên tránh việc lên lớp hoặc bàn cãi. Bữa ăn trở thành bãi chiến trường hay nơi đấu khẩu là điều tuyệt đối nên tránh. Nên kiềm chế việc trách mắng con trẻ về những kết quả ở trường hoặc sự góp tay hời hợt trong việc lo cho bữa ăn. Đừng bắt buộc trẻ rửa bát đĩa của riêng bé, thay vì vậy, nên khuyến khích trẻ chia xẻ những phần việc lặt vặt để mọi người được vui và trẻ cũng cảm nhận được sự hài hòa vui vẻ trong bữa ăn gia đình. Một số trẻ em thường hay ăn chậm chạp, cha mẹ cần phải kiên nhẫn, không nên hối thúc, lặp lại nhiều lần. Dù sao thì bữa ăn họp mặt cũng sẽ chóng qua thôi.
·       Không chọn món ăn cho trẻ kén ăn: 
Đứa trẻ có khi tự nhiên không chịu há miệng để ăn món thường ngày. Trẻ ở mọi lứa tuổi đều có thể là trẻ kén ăn. Có khi phải tốn nhiều ngày thử qua cùng một món ăn trẻ mới làm quen được. Không cần bắt buộc trẻ phải ăn, nhất là khi trẻ khỏe mạnh và ăn được nhiều thứ khác nhau như trái cây, cereal, sữa… Nếu cha mẹ thấy lo ngại thì hãy bàn bạc với bác sĩ nhi khoa và nhớ đừng lừa phỉnh hay đút lót trẻ bằng những món tráng miệng hay thức ăn khác mà trẻ thích, đừng hứa sẽ thưởng hoặc trao đổi điều kiện và nhất là đừng bao giờ dùng roi vọt để ép trẻ ăn (forcefeeding). Tưởng cũng nên nhắc lại việc cho trẻ ăn.   Trẻ phải ăn vì sợ trong lúc tâm lý và cơ thể không muốn nhận thức ăn chắc chắn sẽ gây nhiều xáo trộn, gây bệnh hay chứng tật lâu dài khó chữa. Lẽ thường người ta ăn vì đói, vì thích ăn, thèm ăn, vui mà ăn, ngon mà ăn chứ không ai ăn vì sợ hay ăn vì lợi ích, ngoại trừ trường hợp phải ăn theo lời dặn của bác sĩ để có thêm dưỡng chất nào đó, giúp cho bệnh mau lành. Trẻ em bị ức chế, đau khổ, hoang mang, lo sợ, mất cảm giác an toàn, thiếu tình thương sẽ làm cho chứng chán ăn ngày càng trầm trọng và kéo theo nhiều biến chứng tâm sinh lý khó chữa hơn.
·       Giới hạn sự chọn lựa:
Trẻ còn nhỏ nên bắt đầu cho nhiều loại thức ăn khác nhau. Trong bữa ăn nên cho vài loại có chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Tưởng cũng nên nhắc lại, mỗi đứa trẻ là một đơn vị độc lập trong sự phát triển cho nên không lấy gì làm lạ khi đứa này thích cái này trong lúc đứa kia không hề quan tâm tới. Sự phát triển vị giác cũng vậy bé cần có thời gian để tiếp nhận những món khác nhau. Có những thứ ta thấy ngon nhưng trẻ không thích là chuyện thường. Đừng cho rằng trẻ ngu khờ. Đến lúc cần, cha mẹ cân nhắc giới hạn một số món để cho trẻ tự chọn những gì nó thích cũng là điều tốt nhưng trẻ có thể trở nên cáu kỉnh nếu bạn không đặt ra giới hạn. Việc giới hạn sự chọn lựa không làm mất đi vai trò quan trọng của cha mẹ mà còn giúp cho trẻ có cơ hội phát triển tinh thần độc lập. Thay vì như thế, nên cho trẻ chọn lấy vài thức ăn có ích kèm theo thức ăn đã chọn.
·       Vấn đề đồ ăn ngọt:
Trẻ con nào cũng có tính hiếu động, tò mò và háu ăn. Càng đắp bờ, ngăn cấm trẻ càng muốn thử vượt qua vì sự thúc đẩy của nhu cầu tăng trưởng và phát triển. Ngăn cấm ăn đồ ngọt một cách nghiêm khắc sẽ làm cho trẻ em muốn ăn nhiều hơn. Cần phải khéo léo hơn khi áp dụng qui lệ này. Đồ ăn tráng miệng không nhất thiết phải thành thông lệ sau mỗi bữa ăn. Một ít cookie cho bữa ăn đệm, vài viên kẹo trong hộp  đồ ăn trưa hay kem sau bữa ăn chiều cũng đủ và nên cho trẻ đánh răng, thông kẽ răng. Nên giữ mức độ chừng một lần ăn ngọt trong mỗi ngày là được. Ngoài ra, theo các bác sĩ trẻ em và nha sĩ, thỉnh thoảng trong những ngày đặc biệt như sinh nhật hay lễ hội hóa trang cha mẹ không nên quá lo sợ mà nghiêm cấm trẻ ăn ngọt.
 ·       Đừng quá câu nệ:
Không nên quá gò bó phải nấu những món căn bản, thông thường và ăn lại những đồ còn dư. Có lúc cũng nên gọi đặt hoặc đi ra ngoài ăn cùng với con trẻ và nên để cho trẻ tự chọn thức ăn một cách thật thoải mái. Dù chúng có bỏ đi một vài món trong thực đơn hàng ngày cũng không nên quá quan ngại.
   Việc chăm sóc trẻ ăn uống không chỉ là để chúng phát triển thể chất mà còn là cơ hội để cha mẹ mở lối cho trẻ phát triển tinh thần, tình yêu, xúc cảm lành mạnh, nhận thức và kỹ năng xã hội nữa.

No comments