Ngày Ấy Qua Rồi
Lần đầu tiên sang Hoa Kỳ, ngồi bên cửa kính
máy bay, vợ chồng Tùng có dịp nhìn xuống thành phố Los Angeles. Phi cơ đảo vài
vòng xuống thấp, chập chùng cao ốc hiện ra mỗi lúc một rõ dần như những chiếc hộp vuông vắn sắp trong những ô rất ngăn nắp. Xe
chạy nhiều hàng ngược xuôi như những đàn kiến bò nối đuôi nhau rất đều đặn và
có trật tự. Đặc biệt là có chỗ hiện ra những vòng cua ngoạn mục hai ba tầng chồng
chéo đổi chiều quanh một giao điểm. Xuống thấp hơn, những bãi đậu xe rộng thênh
thang với hàng ngàn xe hơi đủ màu sắc đậu san sát ngay ngắn như ai đã sắp xếp
xe nhựa đồ chơi trẻ con. Tùng vô cùng thán phục trước cảnh đẹp đầy kỳ công chưa
bao giờ có trong trí tưởng tượng. Ra khỏi phi trường quả là điều đáng lo lắng
cho những ai mới đến lần đầu hay lần hai mà không có người đến rước hay người hướng
dẫn từ bên trong. Trên đường về đến nhà bà con, người thân hỏi chuyện về Việt
nam không ngớt. Không thiếu những câu nói mỉa để chọc cười đến bây giờ Tùng vẫn
còn những kỷ niệm khó quên.
-
Có làm thủ tục "đầu tiên" khi trình hộ chiếu để qua cửa hải quan không?
-
Không hiểu sao họ lắc đầu và trả lại. Chắc họ không thích mùi tiền của thế giới
bên kia.
-
Việt nam còn siêu siêu cường quốc?
-
Còn chứ, chắc trong đầu những người có công làm cái việc “giải phóng”.
-
Phải chuẩn bị giấy tờ đầy đủ để khi về đến nơi đi trình công an khu vực đấy nha.
-
Thật hả? Ở đây cũng có cái cửa quyền ấy à?
- Sao lại không? Người Việt trong nước Việt còn có huống hồ người Việt đến xứ Mỹ.
- Sao lại không? Người Việt trong nước Việt còn có huống hồ người Việt đến xứ Mỹ.
- À này, nhìn kỹ xem có ai "giãy chết" không nha. Anh đã thật sự lọt vào nước tự do tư bản
rồi đó.
…
Những ngày đầu đi dạo cảnh thanh bình, nhìn sự
sạch đẹp và rất ngăn nắp của đường sá, nhà cửa cầu cống và gặp người bản xứ,
Tùng có cảm giác như đang đi lạc trong tranh; nhất là ra đường gặp ai cũng vậy,
hễ thấy mặt nhau là người ta chào nhau thật vui vẻ. Khi cần gì cứ việc hỏi, người
ta sẽ rất niềm nở hướng dẫn, giải thích.
Một tháng sau Tùng bắt đầu đối diện với thực
tế cuộc sống. Tùng phải quyết định đi làm để nuôi gia đình hoặc vào trường tu học
để tiếp tục nghề giáo đã bị đứt đoạn từ khi cộng sản chiếm lấy miền Nam. Sau
khi cân nhắc, quyết định đoạn đời này để dành cho con cái, Tùng bắt đầu tìm
cách hội nhập vào xã hội mới.
Tùng dò mục cần người làm quanh vùng trên
báo; so sánh tiền lương và giá sinh hoạt cùng nhu cầu hàng ngày của gia đình và
đặc biệt là tìm hiểu cơ hội hợp với khả năng, sở trường của chính mình. Một hôm
theo người thân đi mua đồ sửa hệ thống tưới sân cỏ, Tùng có dịp vào Home Base nơi
bán vật liệu xây dựng như Home Depot. Thói quen đọc sách khiến Tùng mua ngay
vài cuốn thuộc ngành tạo phong cảnh (Landscape Design and Creation). Người thân thường
khuyên để dành tiền mua máy vắt sổ, máy may để nhận đồ may, cắt chỉ. Các anh chị
thường cười nhạo: Có chút tiền Welfair không
để dành lại đi mua những thứ không cần thiết! Nhưng Tùng cứ đọc, càng đọc càng thích thú với những kiến thức mới về khoa nghệ thuật tạo
phong cảnh, một ngành tô điểm cho cuộc sống tinh thần và không kém phần ích lợi
cho thể chất mà ở Việt nam chưa từng có, trong mơ cũng chưa hề có và không biết
đến bao giờ mới có. Đời sống nhân loại sẽ an bình và đẹp đẽ biết bao nếu con người
chịu sống với định luật quân bình định vị cũng như: “Mọi cây trồng đều cỏ vẻ đẹp
riêng và mỗi phần trong phong cảnh đều có lý do để hiện bày một cách hài hoà với
ích dụng riêng khi được đặt ở vị trí đặc biệt của chính nó.”(every plant has its own beauty and every landscape element has its own
reason to be appeared harmoniously with its function at its own particular location). Đây là một ngành
thuộc hai lãnh vực cả khoa học và nghệ thuật, có vẻ khiếm tốn nhưng lại ẩn tàng
triết lý nhân sinh và đóng góp không nhỏ cho sự sống. Không mơ hồ, quả thật
phong cảnh là một phần mềm không thể thiếu, làm êm dịu xuyên suốt mối tương liên
giữa trời đất và con người. Nghĩ thế nào khi ta sống ở một nơi thật giàu có, đầy
tiện nghi khoa học vật chất mà chung quanh không thấy bóng một cộng cỏ, cành cây
hay hoa lá hoặc chỉ có những thứ bằng nhựa do bàn tay tài tình, máy móc của con người mô phỏng. Con người với tài phát
minh khoa học có thể tự cao tự đại đến mức xem thường cả tạo hóa nhưng chắc chắn
không thể lấy gì thay thế cho vai trò của phong cảnh đối với con người. Ở góc này,
có thừa cơ hội để tự do sáng tạo, vận dụng tinh thần và thao tác thuộc thể chất,
rất thích hợp với năng khiếu vẽ, tính toán và cả làm việc chân tay. Lý thuyết đã
tương đối thông suốt, Tùng chỉ còn tìm cơ hội thực hành. Để bắt đầu Tùng quyết
định chuẩn bị làm vườn (gardener) công việc dễ kiếm nhất, dễ học nhất, tự làm
chủ để tha hồ vừa học vừa làm; những yếu kém của nó dễ tha thứ vì không làm hư
hại đáng kể. Công việc làm vườn là giai đoạn tìm hiểu thực tế. Điều quan trọng hơn
là phải có mục tiêu. Tùng sẽ nhân cơ hội ấy được tận mắt nhìn sân vườn đã có sẵn
càng nhiều càng tốt để so sánh rút tỉa kinh nghiệm so với sách đã đọc và tận dụng
cơ hội tiếp xúc với chủ nhà để học thêm về thói quen, tập tục của dân bản xứ. Tất
cả mọi khía cạnh dưới mắt của Tùng đều có giá trị đặc biệt để học hiểu và rút
kinh nghiệm càng nhanh càng tốt bằng phương pháp ghi chép chi tiết mỗi động
tác, mỗi sáng kiến, mỗi việc, mỗi ngày. Tùng tự vẽ tờ rơi (flyer) đi in và rải
trước mỗi cửa nhà. Những ngày đi bộ vừa có ích như tập thể dục và nhân cơ hội ấy
từng bước Tùng quán tưởng công án thiền. Tùng vừa đi vừa thưởng thức cái đẹp của
phong cảnh nhân tạo ở từng nhà. Có nhiều sân vườn đẹp như những bức tranh phong cảnh thật
nên thơ, hữu tình khiến Tùng phải dừng lại nhiều lần để thưởng thức như muốn thả
hồn lạc bước vào trong những sân cỏ xanh rờn bằng phẳng hoặc có vài nơi mô lên uốn lượn bằng những đường cong, nét chải thật mềm mại tự nhiên như cảnh đồi non thu nhỏ; rất nhiều loại bông
hoa, cây cảnh hài hòa bên cạnh những tiện nghi được sắp xếp thật khéo léo để phục
vụ cho người nghỉ ngơi thong thả, hoà mình với thiên nhiên. Quả thật vào đó người
ta sẽ có được những phút giây lấy lại thăng bằng, thanh thảnxua đi những
ưu phiền, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày . Ngõ trước vườn sau, đường sá,
nhà cửa thật sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp. Tùng thầm thán phục và tự hỏi không biết
có còn nơi nào trên địa cầu này hơn thế không. Để thật sự bước vào nghề, Tùng cần
một chiếc xe và một số dụng cụ. May mắn, người anh em chủ nhà bán lại chiếc xe
truck trành mà anh đã đăng bán rất lâu không có người mua. Một số anh em khác
cho là tội nghiệp, bất công cho Tùng vì giá quá cao cho một chiếc xe đáng cho từ
thiện. Nhưng không, Tùng rất mừng và cho rằng dù sao cũng là dịp may và cũng
nên có qua có lại. Bài học đầu tiên căn bản ở Mỹ là nguyên tắc hợp lẽ tự nhiên
và cân bằng (Fair and Balance), cái
mà người Á đông thường chòng chành cân
đo, đong đếm thiệt hơn bằng tình với nghĩa.
Những ngày
đầu ở quê mới người ta thường có những kỷ niệm khó quên. Trong khi đang chờ xe
bus, một bà cụ Việt nam đang nhai trầu, bà ta ngồi xuống rồi nhổ phẹt bên lề lối
đi (sidewalk). Thấy vậy, một người Mỹ hốt hoảng đưa tay muốn đỡ vai bà và hỏi “Are you OK?”. Bà lắc đầu nguầy nguậy
khiến ông ta vội gọi cấp cứu. Còn Tùng, một hôm lần đầu tiên chạy vào Home
Depot, khi đi về thay vì chạy qua cầu vượt rồi mới quẹo phải để đi Nam (South) Tùng
cũng quẹo phải nhưng lại xổ ngay vào lối vào xa lộ (Freeway entrance) hướng Bắc
(North) trước khi qua cầu. Khi ra lằng (lane) giữa mới biết là mình đi nhầm nhưng
tài xế mới không làm sao vào lane trong được vì bị xe kẹp dày đặc hai bên trong
giờ cao điểm. Cứ thế chạy mãi thật xa, chờ cho đến khi vắng xe Tùng mới tấp vô
được. Mặt trời đã lặn, đậu xe bên kia đường vào đồng trống (farm) gần một trạm
xăng vắng khách, Tùng vào trong hỏi thăm đường. Cô bán xăng không phải người bản
xứ, tiếng Anh của cô cũng lụp bụp như “cọp nhai bắp rang”; cô lắc đầu tỏ ý
không giúp được. Tùng hỏi vài người khách đến đổ xăng, họ đều không biết. Về
sau Tùng mới biết thành phố Tùng đang ở quá nhỏ, rất ít người biết đến. Tùng
đành ra xe phủi sạch ghế chuẩn bị chỗ nằm với ý định ngủ đói ở đó cho đến sáng
hôm sau. Trạm xăng có bán vài thứ ăn vặt (snack) nhưng trong túi Tùng không dính
một xu. Tùng chưa có trương mục ngân hàng cũng như thẻ tín dụng. Tùng ỷ lại hôm ấy sẽ lấy “check” ở khách rồi
đi “cash” nhưng chẳng may đã đi lạc hết nửa ngày. May thay, một anh cảnh sát xuất
hiện khi vừa ghi xong giấy phạt một chiếc xe gần đó; Tùng chạy lại trình bày
hoàn cảnh người mới đến đã đi lạc đường cùng những khó khăn của tài xế mới và
nhờ giúp đỡ. Anh ta từ tốn tự giới thiệu tên, vẽ đường và tử tế bảo Tùng đi
theo sau xe anh dẫn vào xa lộ. Tùng cảm ơn rối rít và theo anh quay đầu trở về
Nam mãi cho đến quá 10 giờ đêm mới về đến nhà trong khi người nhà đang bàn có
nên báo cảnh sát “tin trẻ lạc” hay không. Bài học thứ hai hôm ấy là cảnh sát ở
đây chắc chắn không phải là “công an nhân
dân”.
Về
việc làm, Tùng chịu khó bỏ nhiều thời gian tự tập sử dụng những dụng cụ, máy
móc thật thuần thục trước khi nhận phục vụ ở sân cỏ của khách, luôn luôn giữ nguyên tắc“Fair
and Balance” để gây uy tín và giữ làm việc lâu dài. Một lần sơ sót quên kiểm
tra, không hốt phân chó trước, chiếc máy quất cỏ đã tung phân chó đầy mặt mũi,
tóc tai quần áo. Tùng phải chạy về nhà và tắm ngoài trời bằng vòi nước trước
khi vào nhà tắm. Đến đây, chắc có bạn không khỏi cười khinh rằng cắt cỏ hay làm
vườn là công việc của người hạ cấp. Thật đáng buồn và tội nghiệp cho những bạn còn
đeo mãi khối u phong kiến, chưa phân biệt được cái nhãn và phẩm giá của con người.
Sự chấp dính với cái nhãn đã trói buộc biết bao đời người khổ sở vì tự nguyện
làm nô lệ, đánh mất tự do, tự tại. Bản thân công việc không quyết định giá trị
cao thấp về nhân phẩm của con người mà chỉ có tâm hồn lành mạnh hay không khiến
con người khác nhau ở lối nhận thức, hành xử với tha nhân, với chính mình cũng
như cảm nhận ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc của đời người. Đất nước Hoa Kỳ vững mạnh; người dân Hoa
Kỳ tiến bộ nhờ đã vượt xa tư tưởng ấy, họ đã thật sự sống với tinh thần nhân bản,
coi trọng sự minh bạch và bình đẳng. Lịch sử cũng cho thấy họ chưa từng ngủ say
trong tư tưởng phong kiến, lạc hậu. Văn bằng, học vị, khoa bảng chỉ chứng minh
thời gian học tập, khả năng lĩnh hội, tích trử kiến thức kinh nghiệm cũng như
thực hành chứ không có bằng cấp nào khẳng định nhân phẩm của con người cả. Người
giỏi lý, hoá có thể giúp đời trong nhiều ngành nhưng cũng trở thành kẻ gian
manh ác độc giết người hàng loạt. Kẻ học chính trị uyên bác có thể giúp đời và
cũng có thể trở thành kẻ lừa bịp tồi tệ và cao tay. Kẻ được vận tốt, có cơ hội
học hành đến thành tài chưa hẳn có ích cho nhân loại nếu thiếu đi lòng nhân và
căn bản đạo làm người. Ở Hoa Kỳ mà không học được trên bình diện giá trị nhân bản
và hạnh phúc, người rửa bát và ông bác sĩ không có gì khác nhau thì thật là một điều
đáng tiếc! một đời đáng tiếc! Tùng hài lòng với công việc tự chọn vừa dùng trí óc vừa
dùng chân tay. Tùng vui sống không khác gì khi đứng trên bục giảng. Với giá trị
bài học tự chủ “Tay làm hàm nhai”, cũng như
nhiều bài học khác, tinh hoa ở nền văn hoá hơn bốn nghìn năm làm vốn, gói ghém mang đến
Hoa Kỳ hay các nước Âu Tây, người Việt đã khéo mở ra và biến thành hiện thực trong
khi hội nhập cuộc sống mới. Tùng nhận thấy không quá đáng chút nào khi nói rằng
qua thử thách mưu sinh ở xứ người, kết quả của nền giáo dục tự do ở miền nam trước
năm 1975 ngày càng hiện rõ với những bằng chứng hiển nhiên, hùng hồn - nhờ đào
thải tư tưởng phong kiến, nhờ thủ đắc tinh thần nhân bản, coi trọng ngũ thường,
vận dụng óc tháo vát, và tinh thần khai phóng, tự do thích nghi với đời sống thực
dụng mà các cộng đồng người gốc Việt phát triển nhanh chóng và vững mạnh không
kém gì, nếu không nói là có phần hơn các cộng đồng thiểu số khác. Mục tiêu nhân
bản, dân tộc và khai phóng của nền giáo dục tự do trong thời Việt Nam Cộng Hòa
quả thật là một điểm son gắn liền với sự nghiệp của cộng đồng khiến người ly hương
tị nạn sau năm 1975 khó mà quên ơn người khai sáng. Lòng nhân đạo, sự cưu mang,
giúp đỡ của chính phủ và sự ủng hộ của
người
dân Hoa Kỳ cũng là một yếu tố then chốt đáng ghi nhận trong những thành tựu ấy.
Thời
gian trôi qua nhanh, mọi thứ cũng dần dần thay đổi, cuộc sống gia đình mỗi ngày
một ổn định, Tùng xin thôi trợ cấp và nhất định tự đứng trên đôi chân của mình.
Tùng bắt đầu theo học trong thời gian ngắn để lấy bằng nhà thầu (contractor). Với
quyết tâm dứt khoát, Tùng đã thành công bước thứ nhất. Từ đó bắt đầu làm việc với
danh xưng một công ty nhỏ, Tùng dần hồi nâng cấp doanh nghiệp và từng bước mở rộng phạm
vi hoạt động. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thành công, có lần vì thiếu kiến
thức về giá cả vật liệu, kinh nghiệm đo lường năng suất làm việc của công nhân
cùng một số yếu tố khác, Tùng trúng thầu với giá quá thấp. Khi thực hiện công
trình Tùng mới biết chắc chắn sẽ lỗ vốn. Đã thế, theo lẽ thường chủ nhà rất lo
sợ chất lượng kém vì giá thầu quá thấp cho nên hàng ngày ông ta dán cứ mắt vào
công việc và đưa ra đòi hỏi tỉ mỉ khó thực hiện khiến công nhân dễ bất mãn có
thể bỏ việc, công việc có thể ách tắc, đổ bể bất cứ lúc nào… Chừng như công ty
bị đẩy vào thế đường cùng tưởng chừng Tùng sẽ bực dọc, cau có, tạo sức ép đổ
lên công nhân bỡi thế thường dùi đánh đục, đục đánh săng hoặc buồn phiền lo lắng vì không sinh lợi mà còn phải đối phó với
những trở ngại khó tránh. Nhưng không, nguyên tắc sống xưa nay của Tùng là làm
việc tận tâm, chu đáo hết mình không có nghĩa là bảo đảm thắng lợi trong tầm
tay và nếu đã làm việc thật chu đáo thì khi thất bại không có gì phải hối tiếc. Hơn nữa đã mất tiền sao lại còn để mất niềm
an lạc? Cái mất thì đã mất rồi. Biết lái cho nó mất như thế nào mới là điều
quan trọng vì trong cái mất thường có cái được. Ngày nào Tùng cũng cười thoải mái,
thường kể chuyện vui và rất tử tế thân thiện với người làm khiến họ rất an tâm
như không có gì xảy ra. Lắm lúc nghĩ thấm về giá trị cuộc sống và sự truy tìm hạnh
phúc, Tùng cười một mình khiến người làm ngạc nhiên: “Có gì vui mà ông cười hoài vậy?”. Thật tình Tùng cảm thông và thấy
tội nghiệp ông chủ - con người đang loay hoay với nổi khổ tâm lo lắng ngay liền sau nổi vui mừng
vì được may mắn thắng cuộc trên cái thua đau của kẻ khác trong khi tính cân
bằng (fair and ballance) trong quan hệ hợp đồng có hệ quả trực tiếp đến chất lượng công việc mà thành
phẩm sau cùng thuộc về ông chủ. Sự mất cân
bằng quá mức chịu đựng về vật chất khiến tâm lý cũng chông chênh là gút mắc cần
tháo gỡ để hoàn thành công việc. Tùng vui vẻ, bình chân như vại và vẫn say mê với
nghệ thuật khi cùng ra tay làm việc rất chu đáo với công nhân. Một hôm Tùng bật
ra một bài học và xin gặp riêng chủ nhà để thực hiện một giải pháp lật ngữa lá bài:
sự thật, công bằng và lòng nhân ái ở đâu cũng là sức mạnh giúp con người cảm thông,
gần gũi và nhiệt tình với nhau. Tùng ngỏ ý nhờ chủ nhà – ông Curtis, bằng cách trình
bày rất chân tình rằng Tùng biết mình sẽ thua lỗ tuy vậy vẫn cảm ơn ông đã giao
cho công việc và mong ông tin tưởng vì Tùng sống với nghề này cả đời chứ không
phải chỉ một hai hợp đồng. Tùng nhấn mạnh, để công ty kinh doanh phát triển bền vững Tùng hiểu
rất rõ luôn gìn giữ tương quan hỗ tương giữa ba điều: Lợi Nhuận - Quan Hệ chủ
khách và Danh Tiếng (Profit,
Relationship and Reputation); Dù Tùng đã hợp đồng với giá rất thấp đến
mất phần thứ nhất nhưng không vì thế mà để mất hai phần còn lại quan trọng hơn:
Quan hệ chủ khách và Danh tiếng. Thất
lợi tiền bạc còn có thể kiếm lại ở cơ hội khác nhưng mất một hoặc cả hai yếu tố
ấy thì kể như công ty chắc chắn sẽ đi vào tử lộ. Đáp lại, ông tỏ sự đồng cảm, mến phục và
bắt đầu có cảm tình rất đặc biệt với công ty của Tùng. Sự thất bại này quả là một
cơ hội tốt. Chủ nhà trở thành người bạn tốt. Chủ khách thường cùng nhau kiểm
tra từng phần rất chi tiết. Công trình hoàn thành rất tốt đẹp theo yêu cầu của
hợp đồng. Khi ký giao nhận công trình hoàn tất, chủ nhà thú thật ông có cảm
giác như mắc Tùng một món nợ vì ông đã biết chắc chắn Tùng sẽ rất khó hoàn tất
công trình với giá ấy. Ông bà chủ tử tế thưởng cho $500 nhưng Tùng bày tỏ lòng cảm
ơn và xin từ chối. Thay vì vậy, theo mục tiêu, Tùng chỉ nhờ ông ra ơn giúp cho
hai điều: một là xin lấy nhà ông làm mẫu một thời gian cho khách mới tới lui xem
và hai là nhờ lời giới thiệu quảng bá của ông mong lấy lại thăng bằng ở những hợp
đồng với chủ khác. Và kết quả là Tùng đã chuyển bại thành thắng lớn. Từ ấy trên
con đường mới hàng dãy nhà đang xây, công ty của Tùng đánh bật một số công ty
khác và đã hoàn thành nhiều hợp đồng khá nổi tiếng. Công ty của Tùng đã chính
thức chen chân đấu đá cùng các công ty của người bản xứ trong khu có hàng nghìn
căn nhà mới tiếp tục mọc lên như nấm.
Hơn hai mươi năm trôi lăn, vật lộn trong nghề,
trải qua nhiều khó khăn thử thách, từng tương tác với người làm công và chủ nhà
thuộc rất nhiều chủng tộc, Tùng có được bài học thực tế về tính khác biệt đặc
thù của các dân tộc và cái đồng nhất để con người có thể sống chung chia xẻ hạnh
phúc cho nhau. Những phép xử thế, tiếp vật theo tinh thần Á đông thường chỉ ẩn
tàng trong lý thuyết nay đã có cơ hội tôi luyện, thực hành trong môi trường mới
rất nhiều khác biệt. Phong cách sống trong xã hội mới không là một trở ngại mà
trái lại tạo nên một cái đẹp thật sống động, linh hoạt trên tinh thần Đông Tây hợp nhất.
Có lẽ đây là cái mà người bản xứ không có. Người Á đông trọng tình nghĩa trong
khi người bản xứ chuộng lý luật. Điều này nhiều khi gây trở ngại trong quan hệ
thường ngày cũng như trong kinh doanh hay thương trường. Tùng thây rất đúng khi nghĩ rằng
người Việt từ một đất nước có nền văn minh tinh thần lễ trị hơn bốn nghìn năm còn hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tuy mới độc lập
hơn hai trăm năm nhưng người dân lại sống dưới chế độ dân chủ tự do tiên tiến, mẫu
mực pháp trị lâu dài hơn. Nhờ có tự
do và luật pháp rõ ràng, xã hội mới giải quyết được những vấn đề một cách dứt
khoát để nhanh chóng mang lại trật tự xã hội, bỏ lại sau lưng những phiền toái,
bất đồng. Trong khi yêu chuộng, chấp dính với luật pháp đã trở thành tập quán quá
khô khan máy móc, dĩ nhiên người ta cũng đánh mất đi phần nào cái đẹp của nghĩa
tình và lương năng khó tránh khỏi trở nên kém hữu dụng trong nhiều trường hợp. Cho
dù là người thân, khi có quan hệ trục trặc, hơn thua nhau một vài trăm dollars người
ta cũng kéo nhau ra toà, nhờ luật pháp quyết định đúng sai là chuyện rất bình
thường. Còn chúng ta, người Việt có tập quán xem luật pháp là cửa cuối cùng sau
khi đã hết tình với nhau. Khổ nỗi tình cảm không có điều khoản thì lấy đâu mà
căn cứ trong khi cuộc sống thực dụng thường có những đòi hỏi cấp bách cần sớm bỏ
đi những bất đồng để cùng đón những ngày vui ở phía trước. Sau khi va chạm thực
tế, Tùng mới vỡ lẽ trong khi mình xem thường, ngần ngại chẳng vui hay hổ thẹn,
có khi thấy như bị xúc phạm nếu phải ký
giấy tờ về những công việc có giá trị chẳng đáng bao nhiêu thì trái lại, người
Mỹ rất vui vẻ không ngượng ngùng khi ký
vào giấy tờ kê rõ trắng ra trắng, đen ra đen. Chữ “tín” bằng lời là một phần của giá trị nhân phẩm mà người Việt thường
dùng để đánh giá và làm tin. Một lời (one word) quanh cái đức của
người quân tử rất được coi trọng: “nhất
ngôn ký xuất tứ mã nam truy” - một lời nói ra bốn ngựa không theo kịp. Nhắc đến đây chắc người Việt không quên làm thế nào mà đến thời cộng sản cái đức này ở trời Đông Á đã bị đánh đổ đến mức một danh ngôn có tầm cỡ thế giới đã ra đời: " Đừng nghe những gỉ Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm" (Nguyễn Văn Thiệu). Sống và làm việc với người Mỹ, nếu ta cứ nằng nặc dùng “one word”
để bảo đảm thay vì giấy tờ hợp đồng thì chắc chắn họ sẽ thấy bất an và có
khi cảm thấy bị xúc phạm. Cho rằng họ ích kỷ, bạc tình, họ tốt hay xấu có khi
là võ đoán về một tập quán xã hội. Đừng vội đánh giá mà hãy xem họ sẵn sàng
giúp đỡ bất kỳ người lạ nào khi cần. Người Việt chúng ta thường xuyên dạy bọn
trẻ cũng như đâu đâu cũng khuyên người rằng hãy làm ơn để mai này nếu không phải mình thì con cháu sẽ được hưởng phước. “Làm ơn để hưởng phước!” hoặc “Có đức, không sức mà ăn” Như thế có
khác chăng một cách đầu tư - bỏ vốn cho vay để kiếm lời. Lâu dần lời dạy ấy trở thành
tập quán đến mức người ta quên mất đi rằng giá trị đích thực của cái “đức” ở chỗ
cái tâm vô sở cầu. “Thi ân bất cầu báo” thường vẫn nằm trong ý tưởng và ngay khi nghĩ
đến ta thi ơn bất cầu báo thì lập tức
ta lại liền rơi ngay vào sở cầu rồi. Khi người chịu ơn không chịu qui lụy hay tỏ
sự đến đáp thì kẻ ban ơn thường “ức lắm!” và không tiếc lời chê trách. Thảo
nào, cái “ơn” trong từ nguyên (恩 chữ đại gốc chữ
nhân và chữ nhất nhốt trong chữ vi, lại nằm trên chữ tâm) trong Hán học đã trói
buộc và đè nặng tâm tưởng của người chịu ơn khá lâu ở Á đông. Trong khi đó người
Hoa Kỳ thì khác, họ giúp đỡ, tử tế với cả người và thú vật một cách tự phát, thật
tình đã là thói quen; ngay cả những kinh nghiệm nghề nghiệp họ cũng sẵn sàng
bày vẽ; họ làm một cách thật vui vẻ không hề nghĩ đến sẽ được đền đáp ra sao và
cũng không cần biết người hay vật được giúp từ đâu đến, khác biệt thế nào và sau đó sẽ đi về đâu,
sẽ quen thân hay mãi mãi là người xa lạ. Một tiếng “cảm ơn!” (thank you) một cách tử tế lịch
sự là đủ. “Vô cầu” mà đặng! Xét về nhiều phương diện, quả thật người Hoa Kỳ thật
có phước đấy chứ! Nhân khi bàn giao công trình hoàn tất cho một người chủ, có lần
Tùng gặp trường hợp liên quan đến chữ hiếu trong gia đình của người Mỹ. Người Việt thật khó mà chấp nhận khi thấy cha
mẹ trả tiền sòng phẳng cho đứa con trai 18 tuổi khi nó cắt cỏ sân nhà. Đứa con chìa
tay lấy cái check của ông bà cụ một cách thản nhiên vui vẻ. Lạnh lùng! Người Việt
chúng ta đã hằn sâu quan niệm về chữ hiếu xưa nay dĩ nhiên sẽ cảm thấy
như thế. Tùng và Bích thường trao đổi về điều này: khi người lớn mang con cái đến thế gian nhiều
bất an này trong lúc không biết chúng là ai, mặt mũi ra sao, sẽ là
trai hay gái và đặc biệt là không bảo đảm được đời sống của nó sẽ được hạnh
phúc? Công sức cha mẹ nuôi dạy chúng đến trưởng thành – chưa kể đến những sai
lầm có thể đã mắc phải trong phương thức nuôi dạy của cha mẹ biết đâu đã để lại những hậu quả - không chừng những vết
sẹo tâm lý mà chúng đang phải gánh suốt đời. Phải chăng kẻ làm cha mẹ đã bù đắp hết những gì đã không thành toàn cho con người do chính mình mang đến trong lúc
chúng ta không biết một tí gì về nguồn gốc và tương lai của nó? Và như vậy người lớn chúng ta có nên đòi
hỏi, buộc con cái nhất mực phải hy sinh những gì thuộc về nó để đền đáp hết lòng, hết sức không? Hơn nữa, rồi con
người ấy cũng sẽ làm những gì mà ngươi cha mẹ phải làm cho thế hệ kế tiếp. Cuộc đời cứ là như thế! Một người khách Mỹ khá lịch lãm tâm sự với
Tùng rằng con cái là con người độc lập và cá nhân trọn vẹn như chúng ta; đối xử
công bằng với nhau không có nghĩa là làm mất đi tình thương và sự quan tâm cho
nhau. Ông bà Tùng thường khắc khe với chính mình về trách nhiệm và chỉ mong con cái cảm nhận được trọn vẹn tình yêu và hạnh phúc của đời người. Ông đắn đo muôn nhắn hỏi phải chăng đã đến lúc chúng ta nên định giá lại thế nào là sự trân trọng và biết ơn; thế nào là chữ hiếu
thật sự nhân bản trong đời sống thực dụng ở thời đại văn minh khoa học này?
Tùng thấy thú vị khi sớm nhận ra sự khác biệt căn bản về quan niệm sống giữa người ở hai phương trời Đông Tây. Trên đường mưu tìm hạnh phúc, người Việt, người
Mỹ hay các dân tộc khác cùng chen nhau một cách bình đẳng trong đất nước tự do
đầy cơ hội thượng vàng, hạ cám. Người Việt thì làm việc cần mẫn và thường có
thói quen chắt mót dành dụm để già rồi mới hưởng trong khi đời người qua đi từng
ngày và nhu cầu tâm lý cũng như thể chất theo đó mà đòi hỏi khác nhau từng giai
đoạn. Thử nghĩ xem, giàu có, oai phong, sung sướng nỗi gì hay có thú vị gì khi
chờ mãi đến tuổi già suy kiệt, uống thuốc tốt và ăn những món ngon không cảm
giác được gì; mắt mờ, tay chân run rẩy bước đi không vững, leo lên chiếc xe mới
hạng sang mà xưa nay để làm kiển, cất
cây gậy đâu đó đàng hoàng rồi lái xe đi như con rùa bò làm tắc nghẽn giao
thông! Bình thường thì có được như thế nhưng có ai biết được rủi ro vận hạnh
không thông, bị thua lỗ, đổi đời thì không sao chịu nổi vì khó mà gỡ cái nhãn
“người giàu sang phú quí, … Có khi chết đi được! Tội nghiệp chỉ vì một quan niệm
cứng nhắt, lỗi thời đã làm héo hon cằn cỗi ý nghĩa cuộc sống, và giam hãm con
người! Người Mỹ thì khác, họ không hề học giáo lý mà đã biết cuộc đời là “giả tạm”
và ngắn ngủi, hiện tại là quan trọng; họ rất quí niềm vui mỗi ngày. Họ chào
nhau từng buổi đều “tốt” (good): “Good Morning!”; “Good Afternoon!”; Good
Evening!” và “Have a good day!”,
“Have a great day!” Là câu chúc mà mọi người đều quí. Họ không tu mà sống
thật như người đã quán triệt đời là vô thường. Họ thường bảo“Nobody can tell what happen tomorrow”. Trong
lúc có kế hoạch để dành cho ngày về hưu, họ vẫn thật sự sống cho
hiện tại, họ làm đâu hưởng đó. Hưởng thụ cùng thời gian làm việc chứ không chờ
đợi mai sau. Nhà cửa, xe cộ và hầu hết phương tiện phục vụ cho đời sống hàng
ngày đều do tiền vay ngân hàng và trả góp hàng tháng. Họ không lầm; họ biết tất
cả chỉ là tiện nghi, là sự dễ dàng, là niềm vui; họ không chấp dính giá trị vật
chất với nhân phẩm; họ quen với nguyên lý xuống lên bậc thang kinh tế (economic
ladder)
tự do: kẻ lên người xuống, nay xuống mai lên hay ngược lại nay lên rồi một ngày
nào đó phải xuống đến bậc thang cuối cùng. Đây là nguyên lý bình thường trong một
xã hội mỗi ngày một đổi mới không quan hệ gì đến giá trị con người. Ngoài kia cơ
hội thênh thang rộng mở tha hồ cho những ai có tài, có sáng kiến có hoài bão muốn
tung hoành thi triển cho phỉ chí tang bồng. Gặp khi sa cơ thất bại thì trở về dưới
sự che chở bảo bọc của Chú Sam (Uncle Sam tức là chính phủ US).
Năm kia, sau cuộc khủng hoảng tài chánh bất
ngờ, ngành xây dựng xuống dốc dần hồi đến đông cứng. To thuyền thì lớn sóng, nhiều
công ty của bạn người Mỹ dần hồi bị cơn biến động tài chánh quật ngã đến trắng
tay. Chứng khoán rớt như sung và không thiếu những bi kịch đổ nát gia đình.
Riêng ngành xây dựng gần như đông cứng, rất nhiều công ty nhỏ bị phá sản. Công
ty của Tùng càng gặp khó khăn hơn vì thuộc dạng phục vụ “tiện nghi ngoài nhu cầu
ưu tiên”, gồm công việc vẽ thiết kế và hợp đồng thi công xây dựng sân vườn (Landscape Design and Outdoor living space
Construction). Hợp đồng thi công dang dỡ, khách hàng ngưng các dự án đấu thầu.
Đời sống xã hội xáo trộn và phong cách sống cũng thay đổi không ít. Việc tiêu
xài chẳng những hạn chế mà còn thay đổi cả lề lối sinh hoạt. Người dân trở nên
dè sẻn, chỉ chi tiêu rất giới hạn cho những nhu cầu thật sự cần thiết; hợp đồng
với giá cả thích hợp khó kiếm; công ty chịu sức
ép dồn dập tứ bề như chủ nhà ép giá, giá
vật liệu leo thang, giá xăng dầu tăng, thợ đòi lương cao và nhiều yêu sách, chi
phí hàng tháng bắt buộc đúng hạn như nhà cửa, kho chứa, sân bãi cùng tín dụng
phải trả cho dụng cụ, xe cộ máy móc… Công ty đứng trước trận bão không sao chống
nỗi. Tùng phải thu nhỏ công việc, bước xuống dần từng bậc thang để chờ cho sóng
yên gió lặng. Nhưng không phải như thế mà được. Cuối cùng cuộc du hành dù không
muốn cũng phải kết thúc đúng luật chơi, con thuyền phải xuôi theo dòng nước để
đến bến đợi: Chapter 7 – Công ty vỡ nợ.
Hơn hai mươi năm cố gắng không ngừng Tùng đã
đem về vẫn là hai bàn tay trắng trời cho và một số dụng cụ rỉ sét. Không đâu! Phong
ba bão táp có thể quét sạch mùa màng nhưng cái còn lại ít nhất là ngày ấy đã
qua và ắt hẳn người ta nhận ra một chữ thời
cùng với mối quan hệ không rõ ràng - ngoài tài trí còn có những gì sẽ xảy ra trong
tương lai ngoài khả năng hiểu biết của con người. Cũng thế, phải nói cái quí
báu vô vàn mà Tùng gặt hái ở đây dĩ nhiên không phải là nghề nghiệp trở nên giỏi
hơn, không phải là tiền bạc nhiều hơn, đời sống sung túc hơn, vân vân… mà là nhận
chân một thứ người ta thường nói nhiều về nó,
một thứ không cần học tập, không có tại vì, không có cho nên, không nhiều
cũng không ít, một thứ vượt lên trên mọi ràng buộc, mọi khác biệt, đúng sai,
cao thấp, ít nhiều. Đó là tình yêu
nguyên thể, trọn vẹn về thân phận “con người đồng nhất” không kể xuất xứ, cùng qui
tụ, chen vai mưu tìm hạnh phúc trên cùng mảnh đất hợp chủng. Ở chỗ ấy nghìn
trang nói không cùng vì cái đẹp vĩnh hằng không có từ ngữ nào diễn đạt và cũng không đâu cho vừa. Cả đời quẩn quanh trong lũy
tre làng, bên khóm chuối, vườn rau hay một dãy phố, một thứ tiếng với những
khuôn mặt thân quen, có lẽ cũng có người cảm nhận ra tình yêu ấy trong tĩnh lặng
nhưng chắc chắn sẽ hiếm hoi lắm. Thứ hai, tất cả con cái của ông bà Tùng Bích
đã trưởng thành; đứa nào cũng tốt nghiệp đại học và có gia đình riêng. Hai ông
bà cảm thấy mãn nguyện là đã cố gắng cho con cái một thời tuổi thơ tương xứng với
nhu cầu phát triển tâm sinh lý của chúng với những tiện nghi vật chất tương đối
đầy đủ, tinh thần phóng khoáng, óc tháo vát, độc lập, tự tin và tinh thần trách
nhiệm. Tùng đã hoàn thành bước đầu lo cho gia đình và con cái để có được ngày
thực hiện ước mơ của riêng mình. Ngày về hưu chẳng còn bao lâu nữa. Lần đầu tư
sau cùng này nhằm tạo nền tảng cho những ngày nhàn nhã quay lưng với cơm áo gạo
tiền và sẽ giúp nhiều hơn cho bà con ở quê nhà như lòng đã nguyện. Tùng nghĩ đến
ngày mang giá vẽ đi du hí khắp nơi và viết lách làm vui hoặc có thể tự do nối lại
con đường học vấn mà ông đã mơ ước hoàn thành và chờ đợi từ lâu, bất chấp tuổi
tác nhưng không ngờ nay lại phải bước vào cuộc thử thách mới. Dù sao thì gia
đình Tùng đã vừa làm vừa hưởng thụ theo nhu cầu của tuổi đời trôi qua, không có
gì đáng để hối tiếc. Tâm sự với bà Bích, có lần ông Tùng bật cười sặc sụa khiến bà cũng cười theo khi ông hóm hỉnh so sánh cái thế an nhiên buồn cười của mình và cái thế đang cố đeo bám toòng teng trên bực thang đêm ngày ăn không ngon, ngủ không yên, không biết đến ngày nào rớt của mấy ai đó. Ngày bước xuống bực thang kinh tế cuối cùng, thản nhiên
buông bỏ những mối lo âu căng thẳng để đi chân không, chắc nịch trên đất bằng, không
có gì để lo sợ nghiêng ngã, Tùng có cảm giác lâng lâng khác lạ như đang nhẹ
nhàng bước vào một khung trời mới chưa từng trải nghiệm bao giờ. Tùng có dịp nằm một
mình giữa đồi cỏ công viên bên bờ biển Malibu nghe tiếng sóng rì rào và nhìn bầu
trời trong xanh lồng lộng mà cảm thông thân
phận nhỏ nhoi của con người. Tùng chợt nhớ bài thơ “Quân Tử Cố Cùng” của
cụ Nguyễn Công Trứ:
Chưa
chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ
nần dan díu mấy năm nay
Mang
danh tài sắc cho nên nợ.
Quen
thói phong lưu hoá phải vay.
Quân
tử lúc cùng thêm thẹn mặt.
Anh
Hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Còn
trời, còn đất, còn non nước,
Có
lẽ tha đâu mãi thế này.
Dù thế nào thì cũng là một đoạn đời. Ngày ấy đã qua rồi! Cuộc đời quả như một chuỗi những giai đoạn, cứ
hết đoạn này thì đến đoạn tiếp không bao giờ dừng theo qui luật vạn vật hễ có đóng tất
có mở, vật cùng thì tất có biến. Tùng vẫn cho rằng lúc nào cũng là cơ hội và luôn
trân quí cái đẹp trong tâm hồn nên đã tự ngẫm lại:
Quân
tử rõ cùng lòng chẳng thẹn,
Bình
sinh tuy gấp chẳng khoanh tay.
Thay
vì buồn phiền, than thân trách phận,
Tùng
nghĩ đến việc mở ra một trang mới sao
cho vừa với cái đẹp của tuổi đời “lục thập
nhi nhỉ thuận”
Những
chiếc xe đẹp và đắc tiền đã trả quá nửa giá, Tùng đã vui vẻ, lần lượt bắt tay
giao lại chìa khoá và chúc anh tài xế của ngân hàng “Have good day!”. Chữ ký
"shortsale" sau cùng đã ráo mực. Lại lần nữa chìa khoá của căn nhà còn lại sau
cùng cũng trao tay cho người chủ mới. Bà Bích không quên để lại một số bình
hoa, tranh ảnh và ít đồng bạc lẻ để ‘lưu phúc’. Căn nhà đã nuốt tươi cả triệu
dollars và hành hạ ông bà Tùng vất vả xin ngân hàng làm “loan modification” mấy
năm liền không thành công. Và rồi hôm nay Ông bà Tùng lần đầu tiên nhận được
cái thẻ EBT (Electronic Benefits Transfer) trợ cấp thực phẩm của chương trình Calfresh
thuộc tiểu bang California. Tiền tem phiếu mỗi tháng thẻ cấp cho hai ông bà tới mức đủ sống. Nhớ khi phỏng vấn, ông Tùng muốn rơi nước mắt khi trần tình: “Tôi
rất lấy làm e ngại và xấu hổ khi phải điền đơn và mở miệng xin trợ cấp. Phần
phúc lợi hàng tháng thật quá nhỏ nhoi, không bằng tiền thưởng hàng tuần tôi cho
thêm người làm trước đây bây giờ trở thành thật to lớn!”. Nhân viên xã hội vỗ
vai ông “Đừng ngại, đừng buồn vì đây là lẽ đương nhiên mà. Bao nhiêu năm ông đã
cố gắng làm việc, ông đã đóng rất nhiều tiền thuế có phải không? Và bây giờ đến
lượt chính phủ vui lòng có dịp chăm sóc lại cho ông chứ!” Câu nói đồng tình đã
làm rõ thêm vốn sống và quan miệm của Tùng. Thế là an nhiên tự tại, vắt chân chữ ngũ, đánh
củ khoai lang mà “tri túc tiện túc”, làm ăn mày thứ thiệt. Dù sao thì cũng khá hơn đồng
nghiệp ăn mày trong xã hội chủ nghĩa ở quê cha. Tuy thế, đã mấy hôm rồi mà bà
Bích vẫn chưa hết ngượng khi cà thẻ mua thức ăn. Nhất là khi có khách đứng cùng
hàng, bà thường hay ké né tránh những ánh mắt vô tình hay cố ý của họ. Ông Tùng
không nói gì nhưng trong lòng luôn ray rứt nhìn người vợ hiền tội nghiệp và thường
trách mình kém tài mặc dù ông đã làm việc hết sức; mấy phen nhờ tháo vát ông đã vực dậy sự nghiệp suýt sụp đổ do đầu tư sai
lầm. Nhờ thế mà công ty của ông đứng vững hơn hai mươi năm, cùng sánh vai với các
công ty đồng nghiệp của người bản xứ được nhiều người biết đến. Ông gẫm lại, dù
không tin thì giờ như đã. Đa năng, tháo vát khác thường chẳng qua chỉ là quà của
tạo hóa cho con người thêm sức để đối phó với vận mệnh thăng trầm đã dành sẵn
cho họ. Nhớ đến cụ Nguyễn Du mà lòng ông thêm vui vẻ an phận “lão lai” của mình:
…
“Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”…
Trong khi dọn nhà và lựa vứt đi và quyên tặng
những thứ mà nơi ở mới không đủ chứa, Tùng lôi ra một bó giấy cuốn tròn trong
trong một bọc nilong trông rất cũ kỹ. Không ngờ là Tùng đã quên bẵng bó “của
riêng” kỷ niệm mà Tùng đã cố giấu như người ta giấu đồ quí trên chuyến trở lại
Mỹ trong lần đầu tiên về thăm cha mẹ ở quê nhà. Đó là một số bài viết và tranh
vẽ mà Tùng cùng làm chung với bạn Đầu Gối của mình trong những đêm tận cùng cô
đơn dưới chế độ cộng sản. Trong hoàn cảnh đang bước vào vận bĩ, lòng người đang chông
chênh bất định thì quá khứ đau thương bỗng hiện lên …. Tùng vứt mọi thứ ra đó
và vội vàng mở xem bức tranh “The Darkness Of Vietnam” vẽ trên mảnh vải nilông của
chiếc dù đèn* trong đêm dưới ánh đèn dầu “hột vịt” và lật lại từng trang những
bài viết cũ. Nhìn nét chữ năm xưa của
mình mà lòng không khỏi bồi hồi xúc động khi hồi tưởng một đoạn đời sau những
ngày thu đến sớm 1975. Ông Tùng dừng lại nhìn đâu đâu với nỗi buồn thầm kín. Bà
Bích vừa loay hoay xếp những đồ nhà bếp vào thùng vừa gọi lại:
-
“Ông Nội” bộ mệt rồi sao ngồi im đằng đó?
-
Có đâu! Bà Nội coi nè. “Anh có cái này tặng em!”.
-
Nghe sao ngọt vậy cà! “Mồng tơi cũng không có để rớt!”, Ông Nội lấy gì mà tặng
chứ? Bộ tìm ra của kín, kim cương hột xoàn hả?
Ông
Tùng bỗng dưng cảm thấy trẻ lại. Ông gỡ cặp kính lão, bước lại ôm choàng bà
Bích một giây và hôn lên cặp mắt nhung lay láy ngày nào nay đã gần nhập nhoạng
và hõm vào trong khóe đã nổi nếp nhăn của bà. Bà đẩy ra:
-
Tự nhiên sao kỳ vậy há!
-
Đọc đi để nhớ những đêm em la anh sao không chịu đi ngủ, thức cả đêm, đốt hết
tiền dầu, đốt luôn sức khỏe.
Ban đầu bà Bích có vẻ thờ ơ lật qua lại rồi sau
đó cũng tò mò ngồi đọc. Một hồi lâu bà lên lầu tìm ông Tùng, ôm ông từ phía sau và hôn lên
mái tóc bạc của ông khi ông đang chăm chú viết trên computer. Ông quay lại, thấy
mắt bà còn đỏ ướt. Ở tầng dưới, mọi thứ
còn ngỗn ngang trên sàn nhà. …
-
Để anh viết xong đoạn này rồi anh đi dọn.
-
Em chờ anh. Anh thích viết thì tiếp tục đi. Em không còn sợ hết tiền dầu nữa
đâu!
-
Cảm ơn em!
Lật đến một bài thơ "Khói Chiều" viết để tặng nhưng chưa kịp gửi, ông bà Tùng cùng nhắc đến một gia đình hàng xóm, một người mẹ hiền cùng mấy đứa con thơ nheo nhóc, bị bạc đãi, cùng xẻ chia những chuỗi ngày sống đời cơ cực, đói cơm thiếu áo năm xưa. Chiến tranh chấm dứt cũng là lúc trang sử đen của đất nước, dân tộc đã mở và liền sau đó đời sống tự do sung túc ở miền Nam mà những người lính Việt Nam Cộng Hòa một thời hy sinh bảo vệ đã không còn. Cùng chung vận nước, chồng chị đã phải đi tù gọi là “cải tạo” thật lâu, lâu lắm sau “mười ngày” thất hẹn bất đắc dĩ với vợ con. Nay anh chị ấy đang sống đời tự do với những đứa con thành đạt ở tiểu bang nào đó. Cái lẽ thường “biến tất thông” và định luật quân bình của vạn vật đã rõ, không ngạc nhiên gì, gia đình anh cùng cả triệu người gốc Việt khác đều trở thành công dân quí của Hoa Kỳ, đang sống và đóng góp công sức xây dựng đất nước - một đất nước tuy không phải là nơi chôn nhau cắt rún và người dân không cùng màu da nhưng có thể chế chính trị biết trân quí giá trị nhân bản, quyền sống và hạnh phúc của con người, lấy tự do, công bằng và dân chủ đích thực làm nền tảng. Và ở đây khó kiếm nhưng “Khói Chiều” xưa đã làm sống lại kỷ niệm xót xa với hình ảnh những gia đình cùng cảnh ngộ trong một thời mất nước, mất cả tự do:
Lật đến một bài thơ "Khói Chiều" viết để tặng nhưng chưa kịp gửi, ông bà Tùng cùng nhắc đến một gia đình hàng xóm, một người mẹ hiền cùng mấy đứa con thơ nheo nhóc, bị bạc đãi, cùng xẻ chia những chuỗi ngày sống đời cơ cực, đói cơm thiếu áo năm xưa. Chiến tranh chấm dứt cũng là lúc trang sử đen của đất nước, dân tộc đã mở và liền sau đó đời sống tự do sung túc ở miền Nam mà những người lính Việt Nam Cộng Hòa một thời hy sinh bảo vệ đã không còn. Cùng chung vận nước, chồng chị đã phải đi tù gọi là “cải tạo” thật lâu, lâu lắm sau “mười ngày” thất hẹn bất đắc dĩ với vợ con. Nay anh chị ấy đang sống đời tự do với những đứa con thành đạt ở tiểu bang nào đó. Cái lẽ thường “biến tất thông” và định luật quân bình của vạn vật đã rõ, không ngạc nhiên gì, gia đình anh cùng cả triệu người gốc Việt khác đều trở thành công dân quí của Hoa Kỳ, đang sống và đóng góp công sức xây dựng đất nước - một đất nước tuy không phải là nơi chôn nhau cắt rún và người dân không cùng màu da nhưng có thể chế chính trị biết trân quí giá trị nhân bản, quyền sống và hạnh phúc của con người, lấy tự do, công bằng và dân chủ đích thực làm nền tảng. Và ở đây khó kiếm nhưng “Khói Chiều” xưa đã làm sống lại kỷ niệm xót xa với hình ảnh những gia đình cùng cảnh ngộ trong một thời mất nước, mất cả tự do:
Khói Chiều
Lưỡi cuốc cùn
em vừa ném
Trước sân.
Em thấm mệt,
đưa nón quạt
Bên hè.
Chiếc nón bài
thơ bung vành
Tơi tả.
Em nhớ quá
Nhìn bóng chiều
Héo hắt.
Con suối bên
nương róc rách,
Mãi vô tình!
Đây
mái rạ,
Khói lam chiều
Ảm đạm.
Em hối hả,
Mặt trời buồn
Nghe kẻng gọi xé trời quê.
|
Đó tiếng bò rống,
bê kêu
Não nuột!
Ngày nữa qua rồi,
anh có biết?
Anh đi biền biệt
đến bao giờ?
Thu qua buồn lắm
cành trơ lá,
Đông về mắt đỏ,
hạt mưa sa!
Thằng cu, con bé còn đâu đó,
Thơ thẩn tìm gom túm phân bò.
Bằng khen lao động nữa cô cho
Dán phong lỗ hổng, vách nhà
đang
xiu.
Lời răn ngẫm đắng ... mẹ yêu.
Một mình! Một
mình!
Khói chiều ảm
đạm
Ngày mai mịt
mù!
(1978)
|
Phải lắm,tự do mà mất đi thì giá trị nhân bản cũng chẳng còn và cuộc sống đích thực của con người cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Cũng thế, không bay được thì đâu còn là loài chim. Nghĩ đến đây, ông Tùng cố gom những bài viết cũ làm thành một tập và chọn truyện "Những Cánh Chim Hải Âu - The Flying Petrels" làm tựa. Quả thật "Ngày Ấy Qua Rồi" nhưng đây mãi còn tình yêu con người và non nước; từ Hoa Kỳ ông Tùng mong được dâng tặng những ai yêu chuộng tự do ở khắp mọi miền trên thế giới nghìn năm một thuở đổi đời - khiến người ta đành bỏ quê mẹ yêu thương mà đi thật xa và lâu đến ngần ấy...
Vĩnh Tường
No comments