Tin Mới

Không Đành Cho Mượn (Tiếp theo)

KHÔNG ĐÀNH CHO MƯỢN
Vĩnh Tường (Trích NHỮNG CÁNH CHIM HẢI ÂU)
........

     Từ lâu, Thành đã dự định bỏ nghề dạy để đi kinh tế mới, nơi đất đai trù phú ưu đãi người dân miền Nam; dĩ nhiên nam tiến chứ không ai đi ngược ra hướng bắc. Có lẽ thời “cùng tắc biến” đã đến. Thành thăm dò nơi có nhiều người tị nạn khắp nơi tập trung. Ở đây kẻ ở, người đi, kẻ mới đến, người đến rồi lại bỏ đi, tình hình cư trú không ổn định. Đó là cơ hội thở chút không khí tự do còn sót lại. “Liều trú”; tức là ở liều, bất hợp pháp ngay trong nước của mình, không có “hộ khẩu” và làm thường dân hạng thứ. Thành quyết định sẽ liều một phen sống cùng đa số hàng trăm người chung cảnh ngộ sa cơ thất thế, gãy gánh giữa đường hay những gia đình ly tán vì trụ cột bị bứng đi giam cầm hay nhận “ơn cải tạo” ở rừng thiên nước độc không biết ngày về. Thành quyết đánh bạo xin nghỉ việc với lý do đi kinh tế mới.
   Mấy hôm sau ngày nọp đơn, Trưởng phòng Giáo dục cho gọi Thành đến. Ông gọi Thành bằng anh Thành chứ không đồng chí, đồng rận như trước và trao cho Thành một bì thư. Với giọng dửng dưng, ông lạnh nhạt:
- Ngày mai anh bắt đầu nghỉ việc.
- Dạ, cảm ơn thầy!
Thành vội mừng thầm và định cáo lui thì cô học viên “đồng chí” vừa bước ra nép bên cạnh cửa nhìn Thành. Ông ta bảo:
- Ô! Thầy trò cứ từ giã nhau đi. Rồi ông ta quay lưng vào bên trong.
- Chào cô Hà. Chúc cô ở lại học giỏi nha! Cô ta khẻ gật đầu và bước đến rất gần Thành.
- Gì nữa đây! Thành hơi lo.
- Được thầy gọi tên em, không còn cái “đồng chí” thì cũng là lúc Hà phải xa … Em buồn lắm! ... biết hôn…? Ai cũng đồng chí với đồng chí! Ở miền Nam trước giờ không có “đồng chí” người ta còn vui vẻ hơn nhiều. Em ghét chữ cái chữ “đồng chí” ấy lắm!
   Úy Trời! Không biết cô hiểu Thành đến mức nào. Nhưng lúc ấy, cũng cái giọng như gió thì thầm rót vào tai bằng đôi môi đỏ mọng mấp máy như mời gọi làm Thành cảm thấy một luồn hơi ấm chạy ngược vào tận bên trong lồng ngực. Đôi má cô ửng hồng và mí mắt như sắp đỏ lên làm Thành hơi bối rối. Thành e tình thế trở nên khó xử hơn. Thành mím môi, gật đầu tỏ hết niềm thông cảm. Thành cố nói lớn hơn rồi vội vã từ biệt:
- Thời gian sẽ giúp Hà vượt qua mọi khó khăn. Chúc cô vui khỏe, học giỏi nha!
- Em yêu…anh! Không biết đến bao giờ em quên được, mặc dù em không chắc anh có yêu em không!.. Thật mà! Em yêu anh!  Cô liếc mắt vào trong; cảnh giác, rồi nói lướt nhẹ như những sợi tơ buông theo gió nhẹ và vội vàng ôm mặt quay đi nhanh như muốn chạy trốn thời gian và dấu đi những giọt nước mắt trên bờ mi .
   Hú vía! Phen này thoát nạn. Thành chạy vội về nhà, báo tin mừng nghỉ việc cho ‘Tiên cô”. Thành mở bì thư ra. Cả hai người cùng cười. Hoá ra không phải đơn xin nghỉ được chấp thuận vì lý do như đã trình bày mà là quyết định với nội dung: Xét vì lý lịch không đủ tiêu chuẩn vào biên chế chính thức nên cho thôi việc… Thế là mừng quá, Thành được ‘mất dạy’ rồi! Nghe tin Thành thôi việc nhất là với lý do ấy, cha Thành mừng lắm.
   Mấy tháng sau, Thành cùng sống lậu với dân tha phương trên chính quê hương, đất nước của mình. Từ khu kinh tế mới Thành bất ngờ nhận được tin mẹ Thành đã nhận phần thưởng của Phòng Giáo Dục do một cô gái mang đến - có cả một cây bút máy hiệu Ba đình và đến mấy cuốn tập giấy trắng miền Nam, kèm theo một mảnh giấy nhỏ có ghi: Chúc thầy… và gia đình vui khỏe. Ký tên “H”… Đây là phần thưởng “to”dành cho bài kinh nghiệm chuyên môn mà Thành phải viết hôm trước! Thành đã quên bẵng vì không hề mong đợi gì cả. Chỉ múa may bất đắc dĩ chừng ấy mà không ngờ đạt giải thi đua cấp Sở giành cho Trường và Phòng Giáo dục. Thành mỉm cười khi nghĩ đến cái “đỉnh cao trí tuệ” mà Thành đã cố tình từ khước.
   Biết rằng ở đâu trời cũng u ám trong những ngày mây đen bao phủ và cũng không quên rằng bên trên ấy muôn thuở hẳn là ánh sáng mặt trời nên Thành luôn quyết tâm tìm cho mình cơ hội sống có ý nghĩa dù chỉ là nhỏ nhoi trong thời gian mà Thành cho là một đoạn đời thử thách. Dù biết sẽ đối đầu với nghìn chông gai cay đắng, có khi trái gió trở trời trong những tháng năm tha phương nhưng Thành cũng cam, không khuất phục.                            
*       *
*
   Hai vợ chồng Thành thu xếp quần áo chuẩn bị cho một chuyến đi không trở lại. Hành lý của cả gia đình chỉ còn vỏn vẹn một rương quần áo một người có thể rinh, một vài dụng cụ để mưu sinh ở vùng kinh tế mới và một chiếc xe đạp cũ trần trụi. Đêm ấy cả gia đình Thành cùng ngủ trên nền nhà sát ở cửa trước. Mọi thứ phải sẵn sàng để gia đình bước lên xe đò vô Nam sẽ dừng trước cửa vào lúc sáng sớm. Mấy đứa nhỏ nằm sắp lớp, say ngủ. Thành không sao ngủ được. Anh đi dạo vòng quanh trong nhà lần cuối. Bên ngoài cửa sổ mọi thứ đều yên tĩnh, buồn tênh dưới ánh trăng lờ mờ. Thành nắm song cửa sổ nhìn ra một hồi. Thành bất giác sụt sùi với những kỷ niệm trào dâng. Chỗ này Thành cùng Tiên cô sửa sang, chỗ kia là góc bếp hai người cùng hơ tay cho ấm, cùng chuyện trò với mấy đứa con trong những ngày gió mưa, lạnh lẽo. Cửa sổ kia là nơi hai người thường choàng tay nhau nhìn trời mưa rơi từng giọt lách tách từ trên máng nước … Thành đã bán lén căn nhà cho một người có thế lực để được đi êm xuôi với giá chưa bằng tiền khiên gạch để có chi phí đi đường và hà tiện lắm may ra có thể còn được vài tháng ăn cho cả gia đình. Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa sẽ phải từ biệt nơi yêu dấu đầy kỷ niệm êm đềm này, Thành không cầm được nước mắt. Đặt lưng xuống Thành mới biết Tiên cô của Thành cũng khóc. Hai người không nói gì. Đến khi trời gần sáng, đón được xe, cả hai vội vác mấy đứa nhỏ nhét lên xe trong lúc chúng còn đang ngái ngủ. Nhìn lại căn nhà lần cuối, Thành thấm thía nỗi buồn khi buông tay vĩnh viễn một nơi đầy kỷ niệm thân thương.
   Đến chiều tối hôm ấy, xe mới đến đầu đường vào khu kinh tế mới. Từ ngoài đường nhựa đến khu chợ xổm nơi tạm cư phải qua con đường bộ chừng 5 cây số, đắp bằng đất đá sơ sài. Trời oi bức bỗng đổ cơn mưa rào trong lúc nhá nhem tối. Hai người mở tấm nilong che bốn đứa nhỏ ngồi chùm hum trên rương quần áo bên lề đường. Một lát sau khi cơn mưa vừa dứt, Thành vội vàng chạy đến khu nhà của người dân gần đó. Lần đầu tiên, Thành mới biết khó khăn khi đi lại sau cơn mưa ở đây. Đôi dép trở thành đôi giày nặng chình chịch với lớp đất sét đỏ. Thành phải cỡi dép, xắn quần, chạy chân không để đuổi kịp thời gian. Tìm được người, được phương tiện, Thành mừng quýnh. Chờ một hồi lâu, chiếc xe bò của cụ Tám từ trong xóm lề mề, cọc cà, cọc cạch đến nơi trong lúc trời bắt đầu tối không còn thấy rõ đường đi. Gia đình lên xe. Con bò, chiếc xe, đúng là xe bò! Nó lăn cặp bánh gỗ bò lê la trên con đường đất gồ ghề, lởm chởm đá dăm, dẫn đến bên trong khu dân cư vừa nhà vừa trại. Chiếc xe kéo lệch kệch, lắc lư, ném qua, ném lại làm cả nhà đều phải ngồi bệt, trên mấy miếng ván còn dính đầy phân bò. Thành và Tiên cô ôm mấy đứa nhỏ và cố níu thành xe, những lan can lỏng chỏng, xục xịch. Thỉnh thoảng nghe tiếng ông Tám quật roi, quát con bò bằng những tiếng chỉ trái phải kéo dài – di dií…, tha … thaá khó hiểu cùng lúc con bò cũng thở phì phò rõ khổ khi xuống sình hay phải leo dốc. Bé chị thì thầm vào tai mẹ về những điều khó hiểu và những lo sợ của chị em chúng. Chúng mếu máo nhưng không đứa nào dám khóc.
   Kêu cửa một nhà quen Thành đã có hẹn trước.  Mở tấm phên cửa, tay giơ cao chiếc đèn dầu, nhìn thấy cả lũ lố nhố như đám mèo ướt, anh Ba Thu không khỏi kêu Trời!  Đêm ấy, anh cho mượn tấm chiếu để tất cả cùng ngủ qua đêm bên cạnh bếp nấu sau khi ăn bữa cháo trắng đầu tiên ở quê mới.  Sáng hôm sau chợ xổm bắt đầu nhóm, vợ chồng Thành dắt mấy nhỏ ra dạo chợ cho chúng được vui, mong chúng tiếp nhận cuộc sống mới hoàn toàn bất công đối với chúng. Hình ảnh cuộc sống của Tiên cô và mấy đứa nhỏ qua từng việc, từng ngày làm vết thương ẩn ức trong lòng Thành ngày càng trở nên thâm đen khó chữa.
   Hai người bắt đầu chuẩn bị chỗ ở. Bên hông nhà, một căn trại thấp lè tè, chỉ còn khung sườn bằng những đoạn cây, nhánh cây cong queo chưa đẽo gọt; trên mái và chung quanh chỉ còn lại lưa thưa những tấm lá kè mục nát toòng teng không ai buồn để ý. Anh Ba Thu đã bỏ kế hoạch làm quán tạp rồi bỏ cả ý định làm chuồng bò, từ lâu anh tính tháo gỡ sườn trại để làm củi. Nhưng nay gia đình Thành may mắn được nhượng lại. Căn trại, chuồng bò mỗi bề chừng ba thước kể cả một thước trước hiên. Chỉ có thế mà Thành chỉ đủ tiền lợp lá chung quanh và trên mái còn trên nóc đến cả năm hơn, vẫn còn bỏ trống. Chỗ nằm cho cả nhà là một sạp gỗ - Thành ghép bằng mấy tấm ván bìa mà nhà máy cưa loại bỏ, một mặt phẳng, hai bên bìa và mặt lưng vỏ cây sần sùi, cong quẹo để lại những kẻ hở không sao trám được. Trên trần mùng có sẵn tấm nilong phòng khi trời mưa. Cho đến bây giờ cứ mỗi lần chợt nhớ đến cơn mưa đầu tiên ở căn trại tỵ nạn ấy Thành lại hồi tưởng những ngày tháng đổi đời bất đắc dĩ và tình thương sống dậy ngập tràn; Thành lại muốn chạy đến thăm từng đứa con, bây giờ chúng đã có cả gia đình. Những đêm như thế chúng không ngủ thật lâu cho đến khi trời tạnh hẳn. Mưa tạt vào kẻ lá, mưa rót trên trần mùng, có khi dữ dằn hơn, tạt ướt cả chiếu gối. Chúng đi tiểu đêm lại còn khốn khó hơn. Buông chân xuống đất Tiên cô và Thành không khỏi giật mình khi chân tỏm xuống nước. Mực nước lên đến trên mắt cá chân. Lũ trẻ phải đi tiểu từ trên sạp khi đứa lớn đòi không được nhà tắm, đứa nhỏ thì đòi cái ‘bô-bô’ của nó. Cuộc đổi đời ngày càng thấy rõ và khó chấp nhận hơn.
    Không lâu sau, trước khi bắt đầu cuộc sống mới, vào một đêm mưa gió, kẻ trộm cuỗm đi cái rương quần áo - tài sản sau cùng, gửi nhờ trong nhà anh Tư, khiến cả gia đình lâm vào cảnh lúng túng thê thảm vô cùng. Thành lại nghĩ kẻ trộm đã mất của quí đáng thương hơn mình! Họ phải lặn lội nguy hiểm trong đêm vì nghèo luôn cả nhân phẩm và mất cả lương tri! Xem ra vở tuồng thời đại mới đã bắt đầu mở màn.
Thế rồi hai người cũng bắt tay ngay vào việc kiếm sống. Thành treo vài bức hình vẽ mẫu trên vách lá và đặt giá vẽ trước hiên để thăm dò ảnh hưởng của nghề tay trái. Nghề chơi tay trái này đã bị công an và Ban Văn Hoá Thông Tin đến tận nhà đòi tịch thu giấy bút khi Thành mới bắt đầu vài hôm ở quê cũ. Những ngày đầu tiên Thành không làm gì được vì người xem chen nhau kín phía trước. Hai người có niềm tin là sẽ tạm thời kiếm sống bằng nghề này. Từ ấy về sau, hàng ngày Thành nhận phóng đại và làm mới những hình kỷ niệm của khách, hay những tấm hình để thờ. Sức làm việc hàng ngày cố gắng hết giờ chỉ kiếm được cái ăn lắm bữa đói ít ngày no. Một lần nữa cũng ban Văn Hóa Thông Tin cùng công an ập đến bao vây cửa chòi và bắt phải dẹp. Thành phải dẹp và không còn đường chọn, Thành đành đi nhờ người cầu cứu và sau cùng vẽ tặng khắp nơi cùng quà cáp mới có được cái ơn “Trên” cho giấy phép! Đây là bài học ‘biết điều đầu tiên’ mà Thành phải học. Cứ Thứ Bảy, Chủ nhật thì đi đốn củi với dụng cụ Thành đã chuẩn bị sẵn từ trước. Chỉ với chiếc xe đạp trành và một người một ngựa với đôi tay chưa bao giờ thử nghề thì làm sao có nhiều củi ngay thẳng để trao đổi thêm thức ăn có chút dinh dưỡng cho bọn trẻ. Những ngày mưa thì bé chị trông em loay hoay trên sạp gỗ còn Thành cùng Tiên cô ra đồng để bắt cua. Có những ngày Thành đi mượn từng lon gạo và cũng không đếm hết những ngày đi mót từng gié lúa cho đến khi mặt trời buồn đi ngủ. Có lần nhìn bé chị cố gắng gỡ những hạt cơm ra khỏi mấy lát mì khô không kịp cho mấy đứa em ăn, Thành phải đứng dậy vì mắc nghẹn bởi nước mắt cứ chảy ngược vào trong cổ họng. Tiên cô liền hỏi:
- Sao vậy? Cái này em làm không ngon hả anh? Em thấy ăn cũng được mà!
- Anh bị sặc … ớt! Thành quay lưng chỗ khác, không trả lời được. Câu hỏi càng làm cho Thành không nuốt nổi vì Thành đã nhìn Tiên cô lặng lẽ gọt, xé nhỏ, phơi khô và làm mắm từng miếng xơ mít nhặt được ở chợ như thế nào. Thành khó mà quên được một hôm nhà không còn gì để nấu, Tiên cô và sắp nhỏ của Thành cả ngày phải chờ Thành đi kiếm gạo. Vừa đạp, vừa dắt xe qua hết đoạn đường đất mới còn ướt nhèm nhẹp sau cơn mưa dông hồi chiều thì trời cũng vừa sẩm tối. Thành đến nhà anh Tám Diêu, người anh em hàng xóm ở quê cũ. Đây cũng chỉ là một căn trại rơm tạm bợ bên bìa nương xa lắc. Chị Tám đã bỏ đi làm công ở xa rồi mất biệt tin tức, chỉ còn lại anh và ba đứa con; đứa nhỏ nhất năm nay mới lên sáu. Thành cùng anh thường quan tâm cho nhau và chia xẻ những niềm đau đổi đời. Khi đi thì vừa do dự lại vừa cố gắng xua đi cảm giác của kẻ cùng đường; bấy giờ đến nơi, đứng trước cửa nhìn thấy thực tế hoàn cảnh của anh ấy và lòng tự ái hành hạ thì Thành lại mất hết can đảm. Đến mấy lần, Thành đưa tay lên định gõ vào tấm phên cửa rồi lại dừng. Thành định quay lưng đi về nhưng hình ảnh mấy cún con ngủ đói cứ thúc Thành quay lại. Mấy đứa nhỏ con anh Tám lao nhao “Chào thầy!” làm Thành càng khó nói chuyện… Anh Tám bước ra. Thành như mắc nghẹn, một lát mới mở được lời. Vừa mở miệng chưa hết ý mượn gạo thì nước mắt Thành cứ ứa ra, không sao ngăn được. Anh Tám vỗ mạnh và bóp vai Thành thay lời cảm thông sâu xa.
- Không dấu gì, ở nhà chỉ có vỏn vẹn chừng vài ba lon gì đó thôi. Thầy cầm lấy sét lon cho mấy cháu dùng đỡ! Cái chữ “thầy” bây giờ thật mỉa mai, khốn nạn và chua chát làm sao! Dường như nó chỉ còn để ngăn mặt, cách lòng và dày vò tâm tư mà thôi. Thành muốn vứt đi cho xong nhưng nó cứ lai rai, lẽo đẽo theo Thành, thỉnh thoảng xuất hiện như còn ấm ức, muốn đòi công lý!
  - Cảm…ơn! Chỉ có tiếng ấy mà nói cũng không trọn, cứ như Thành ỷ lại đã có mấy giọt nước mắt rơi trong những hạt gạo khi anh Tám đổ vào chiếc khăn Thành đang căng ra.
   Trời tối hẳn, đến đoạn đường trơn trợt Thành quẳng cả xe lẫn người xuống mương nước bên lề. Thành chộp ngay túm gạo. May thay túm gạo chỉ bị ướt nhưng vẫn còn đeo nguyên bên đai quần. Thành về đến nơi thì mấy đứa nhỏ đã ngủ chèo queo trên sạp. Mẹ chúng vẫn còn ngồi đợi trước cửa. Hai người ôm nhau cùng rơi nước mắt rồi cùng lui hui nhóm bếp.  Sắp nhỏ được gọi dậy, chúng húp chuồm chuộp mấy chén cháo trắng với muối rang trong khi còn mắt nhắm mắt mở.
   Thời gian cứ trôi để Thành kéo lê từng bước và nếm trải quá dư đến chai lì với những ngày nợ nần lất lây cay đắng và đầy mặc cảm cho đến một ngày Thành thật sự vứt đi được chiếc áo người thầy: đã từ quan thì phải làm lính chứ! Thành bắt đầu thật sự can đảm, đứng thẳng lưng với chính mình. Thành thật sự chiến thắng chính mình khi vui vẻ làm bất kỳ nghề gì kể cả bồi bàn, làm thuê, đốn củi, bán củi…
   Hoàn cảnh thay đổi đột ngột cùng đường khiến người ta có thể chết như chiếc ly thủy tinh lạnh vỡ tức thì khi gặp nước sôi. Sau khi vô sản hoá, đó đây người ta chết cả gia đình. Vật chất dính với con người, có thể làm cho con người tàn nhẫn ngay cả với cả chính mình. Nhưng Thành lại cảm nhận ý nghĩa cuộc sống khi con người tách mình khỏi giá trị của của cải, vật chất. Lương tri, và tình yêu đã giúp hai người cố sống như thế cho đến một ngày Thành cảm nhận cuộc đời quả thật là bể khổ. Hai người không còn hy vọng hay mơ ước gì. Đó là lúc một đứa con vĩnh viễn ra đi. Và đời này, kiếp này không sao quên được những ngày mà hai người không cầm được nước mắt, khóc cho cuộc đời ăn mày, khóc cho hoàn cảnh ăn mày, khóc cho những tháng ngày ăn mày trong một xã hội tồi tàn, khóc cho một trong những đứa con yêu qúi của mình phải qua đời trong cơn đói ốm, không còn thức ăn, không bạc tiền và không có được một viên thuốc.
   Ở cái bệnh viện “cách mạng” tiếp thu ấy, y sĩ, y tá “cách mạng” cầm mấy bình thuốc, và dây thông tiểu đi lòng vòng chờ Thành chạy tiền trong lúc thằng nhỏ bí tiểu đang hấp hối, cần dùng và sau cùng phải đành trút hơi thở! Bác sĩ Phong, một bác sĩ già nổi tiếng được lưu dụng đã giận tím mặt vì họ không đồng ý cho dùng ống thông tiểu khi chưa lấy đủ tiền. Ông lắc đầu vỗ vai Thành trong lúc Thành vừa khóc ràn rụa vừa ngậm hút nước tiểu từ con “chim” của đứa bé mong có thể cứu được. Ông bảo: “Vô ích thôi em ạ!” “Thật bất lương!” Rồi ông quay lưng bỏ đi trước cái cười mỉa với vẻ mặt khinh khỉnh không áy náy tí nào của đám người trẻ ấy.
   Cuộc đổi đời này, “cách mạng” đã nướng sinh mạng hàng triệu thanh niên, đồng bào hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn để “giải phóng” mới có được. Thành phải cảm ơn sao! Thành từng thấy bao nhiêu kẻ mừng vui chiến thắng, và dần hồi say đắm bạc vàng, giẫm trên những cuộc đời khốn đốn, điêu linh không đếm hết; bao nhiêu kẻ đã cho mượn cuộc đời và Thành cũng từng nghĩ còn mấy ai tôi luyện ý chí bất khuất như sắt thép, không chịu đổi thay và không chịu đóng cửa lương tri, để giữ gìn giá trị làm người và ý nghĩa cuộc sống. Thành không bị mặc cảm tội lỗi ray rứt vì đã không chịu lòn cúi, xu thời, hợp tác để có cuộc sống đỡ khổ hơn cho riêng bản thân hay gia đình. Thành từng nói: “Cuộc đời là của ta; ta sinh ra chỉ một lần để sống!” và “không lý do gì phải cho mượn” cho dù vì thế ta phải chịu trăm nghìn đắng cay, chua xót mà một kiếp người không dễ gì quên được.
   Thành khóc gào lên như điên dại; nước mắt ràn rụa lã chã trên cái xác đứa con mềm nhũn trong tay:
- Phải mà! Cuộc sống như thế con không thèm! Con không đợi được phải không?! Trời ơi! Ba không thể theo con, và ở lại đây ba quyết không cho họ mượn cuộc đời! Con biết không?! Con biết không?! 
- Không! Đời người không thể cho mượn! Tôi không đành! Tôi nhất định không đành!..  Đám người vô cảm ấy cứ nhìn và dường như không hiểu Thành đang có ý gì trong khi Thành tiếp tục: 
-  Không đành! Con ơi, ba không đành!...
(Thu về 1978) 


No comments