Tin Mới

GIÁO DỤC TRẺ THIẾU NHI


TRẺ THIẾU NHI (Trích trong Giáo Dục Con Cái -2014/U.S.A.)


Trẻ em ở tuổi này phát triển thật nhanh về tất cả các mặt và đặc biệt là tình bạn phát triển rất mạnh. Cha mẹ cần giúp con em đặt ra mục tiêu, học hỏi, luyện tập tinh thần trách nhiệm và óc tổ chức. Vì con em đang ở tuổi thích bắt chước và thích lặp lại những gì nó thấy, đặc biệt là lặp lại những gì phụ huynh không muốn và thường ngăn cấm cho nên chúng ta nên đóng vai trò gương mẫu để giúp nó xây dựng nhân cách.  Khi các em đến tuổi dậy thì, cha mẹ càng phải khổ công tìm hiểu và quan tâm giúp đỡ đúng mức. Bỏ lỡ cơ hội trẻ em đang trải qua nhiều thay đổi với cường độ mạnh và gấp rút này chẳng khác nào để con em theo bạn bè tự mở những cánh cửa vào cuộc đời đầy dẫy cạm bẫy quyến rũ, sai lầm.

·         Nói chuyện với con em như thế nào?
Chúng ta đã nhắc lại rất nhiều lần là trong việc giáo dục con cái điều kiện quan trọng hơn cả và trước tiên là phải có quan hệ thật ci mở với con em. Có xây dựng được nền tảng quan hệ như thế thì mới mong truyền dạy những kinh nghiệm của cuộc sống hay những điều hay lẽ phải hoặc sửa chữa những sai lầm một cách nhẹ nhàng và có hiệu quả được. Để có thể nói chuyện với con em, chúng ta cần phải nghe nó nói và cho nó biết là mình luôn sẵn sàng. Đây là điều thật quan trọng đối với việc làm cha mẹ. Người đối thoại giỏi là người nghe giỏi. Nói chuyện được với con em một cách ci mở là cha mẹ đã bắt đầu thành công bước một trong giáo dục một cách nhẹ nhàng. Khi biết rằng phụ huynh sẵn sàng nghe những gì trẻ nói, nó sẽ nghiêng về phía muốn nghe những gì phụ huynh dạy bảo. Một số kinh nghiệm nhỏ đáng để ý sau đây có thể giúp ít nhiều cho phụ huynh:

·         Đáp lại cuộc đối thoại không lời.
Gặp trẻ nhướng mày, trợn mắt tỏ vẻ bất đồng, chúng ta đừng giận mà hãy khiến nó biểu lộ tâm tình qua lời nói bằng cách nhẹ nhàng: “Cách biểu lộ của con có nghĩa là con không đồng ý. Mẹ nói có đúng không?”

·         Đúng lúc, đúng nơi thích hợp và cam đoan giữ đúng lời hứa.
Nếu trẻ đến để nói chuyện với chúng ta vào lúc không thích hợp. Hãy bảo trẻ là không đúng lúc nhưng chúng ta coi trọng việc nói chuyện. Sau khi chọn thời gian và địa điểm, chúng ta nhất định phải giữ lời.

·         Quan tâm đầy đủ với thái độ thân thiện ci mở.
Khi ngồi lại nói chuyện với trẻ phải chứng tỏ sự quan tâm của chúng ta dành cho nó là trọn vẹn. Phải tắt hết TV, điện thoại hay những gì có thể làm gián đoạn cuộc nói chuyện.

·         Đối thoại không lời cũng có tác dụng tốt.
Nhìn và truyền nhau bằng mắt, gật đầu, lắc đầu tùy trường hợp. Nói khẽ hay mỉm cười lúc thích hợp để đứa trẻ biết là mình thích nghe những gì nó nói.

I.                   BẠN BÈ

Bạn bè có thể giúp ta đứng dậy, vươn lên để rèn luyện đến thành nhân và nhờ gần gũi ta noi theo bạn để đạt thành công trong cuộc sống, có khi lên đến tột đỉnh vinh quang. Bạn bè cũng có thể làm cho ta thân bại danh liệt, tan nhà nát cửa, sự nghiệp sụp đổ gia đình tan rã, chia lìa, đau thương và cũng có thể khiến ta vong mạng!

    Trẻ lên tuổi thiếu nhi, thiếu niên và khi nào phát triển cá tính độc lập, chúng bắt đầu có khuynh hướng nghe theo ý kiến của bạn bè mạnh hơn của cha mẹ. Áp lực của bạn bè từ đó có hai mặt, tích cực và tiêu cực và sự phán đoán của con em chưa đủ để có những chọn lựa hay quyết định đúng đắn đối với những thuyết phục của bạn bè. Sự giúp đỡ của cha mẹ bao giờ cũng cần thiết hơn ta tưởng. Bằng sự tương giao ci mở và hiểu biết những gì cần quan tâm, cha mẹ có thể tạo được sự nối kết chặt chẽ - nền tảng này giúp cho con em rèn luyện óc phán đoán và tinh thần tự chủ dẫn đến thành công trong quá trình xây dựng nhân cách cho đến tuổi trưởng thành.

·         Giúp trẻ phát triển tình bạn lành mạnh

Tình bạn và tầm quan trọng của nó.
Nói đến tình bạn trong đời sống là đề cập đến một đề tài tương đối có tầm cỡ trong nhân sinh không kém gì nói đến những mặt khác như tình yêu, tình vợ chồng. Trong kho tàng danh ngôn đông tây, kim cổ đã để lại những câu đề cao tình bạn quá mức như Democrite đã bảo: “Ai không có một người bạn chân chính thì người đó không xứng đáng được sống”. Về ảnh hưởng của bạn bè, ngạn ngữ Pháp: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người như thế nào”. Nhận định về sự kết hợp bạn bè, cỗ ngữ: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Tục ngữ Việt nam cũng có: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” để nhắc nhở việc chọn bạn bè hay những người thường lui tới, gần gũi. Và còn rất nhiều danh ngôn khác nói về đề tài này; công việc của chúng ta không nhằm đi sâu phân tích đúng - sai, thiếu - đủ về ý nghĩa của những câu ấy mà là nhận chân rằng bạn bè có tầm ảnh hưởng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta và nhất là đối với con em do ta chăm sóc, ủng hộ, bảo vệ và giáo dục. Hơn thế nữa, công việc ấy không thể coi thường, nhất là trong thời đại này ảnh hưởng tiêu cực từ mọi phía mạnh hơn bao giờ hết đối với trẻ em.

Nhận thức áp lực của tình bạn cùng lứa đối với trẻ em là yêu cầu trước khi đặt vấn đề giúp đỡ chúng. Thật vậy con em có nhu cầu tình bạn rất mạnh và cũng chịu áp lực từ phía bạn bè không nhỏ. Khi bạn bè ra sức thuyết phục đứa trẻ làm điều gì tức là đứa trẻ đang trải qua áp lực đó. Ảnh hưởng của bạn bè có thể có hai mặt tích cực và tiêu cực và con em thường nghe tin theo bạn bè hơn là cha mẹ. Như vậy tại sao cha mẹ không khéo léo đóng thêm vai người bạn chân thành ,đáng tin cậy của nó nhằm giúp nó dãn xả áp lực của bạn đồng lứa và còn có thể tăng thêm quan hệ cởi mở và mở ngỏ cho sự hướng dẫn tích cực của mình. Cường độ của sức ép tùy theo nhóm bạn và tùy vào thể cách của sự việc mà chúng đang có quan hệ. Nếu là việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống hay những hoạt động giải trí tích cực thì sức ép nhẹ nhàng dễ chịu hơn như khuyến khích nhau tham gia hoạt động ngoài giờ, thể thao, văn nghệ... Ngược lại sự thuyết phục gia tăng cường độ và thúc bách căng thẳng, kín đáo hơn khi sự việc ít nhiều có liên hệ đến những hoạt động tiêu cực mà trẻ muốn che giấu người lớn chẳng hạn như thử uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy…Sự hoà đồng để giữ gìn tình bạn là điều quan trọng và rất dễ làm cho trẻ quyết định trước khi suy nghĩ thấu đáo. Trẻ cũng rất dễ rơi và những quyết định hoàn toàn bất lợi cho tương lai vì bản năng tò mò và thích khám phá. Nhưng điều quan trọng hơn là giáo dục cho trẻ biết phán đoán để nhận ra chân tướng của sự thúc giục mới là khám phá lớn. Trong đời sống thường ngày của chúng ta cũng thế; và ở đây nó phải hiểu rằng đng sau sự thuyết phục bao giờ cũng có mục đích. Mục đích ấy là gì và tại sao phải thuyết phục? Tại sao không công khai, mà phải giấu? Sợ ánh sáng hầu hết là chuyện tối tăm, phi pháp hoặc trái với lẽ thường? Nhắc nhở nó hãy suy nghĩ thật chín chắn về sự thuyết phục của bạn bè, nó có thể tán thành hay phản đối.

     Thông thường người ta quyết định làm việc gì đều do lợi hoặc thích thú mà làm và đó cũng là đầu mối của những cạm bẫy. Con em cần nhận xét điều căn bản trước tiên là có hại gì cho mình, cho gia đình và cho xã hội chứ không phải là có lợi gì.  Vấn đề không phải là làm gì, làm thế nào, làm hay không làm, mà là trước khi làm bất kỳ việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó.  Mỗi khi muốn đưa ra một quyết định nó cần phải có thời gian để cân nhắc. Thông lệ đối với nó vẫn là ci mở thông tri cho cha mẹ và tham khảo ý kiến giúp đỡ nhưng nếu quan hệ giữa nó và gia đình thường thiếu ci mở thì làm sao cha mẹ có thông tin trung thực để dựa vào đó mà giúp đỡ. Gặp khi trẻ thiếu niên tìm lời khuyên của bạn bè trước khi đến với mình thì chúng ta cũng đừng nên cảm thấy bị xúc phạm mà trách phạt chúng. Trẻ dựa vào lời khuyên của nhau là chuyện thông thường, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến xã hội. Chọn lựa, xây dựng được tình bạn lành mạnh, tích cực cũng là một trong những thành công tạo thế đứng cho con em trong xã hội và gần nhất là có đồng minh cùng nhau chia sẻ niềm vui, ni buồn và nguồn trợ lực ủng hộ cho nhau cùng tiến bộ vượt những khó khăn ở tuổi học đường song song với sự giúp đỡ của cha mẹ. Cố gắng ngăn chặn không cho thiếu niên trao đổi với bạn bè không khác nào bảo nó rằng nếu có nghe bạn bè thì nên giấu đi, và như thế là cha mẹ đã đơn phương tự phong toả quan hệ với con cái. Ở  tuổi phát triển tình bạn cũng là lúc trẻ khao khát độc lập cho nên chúng thường thích dùng mật khẩu, thích bí mật quyết định nhất là khi cha mẹ đã có lần làm cho nó sợ khi nó nói sự thật hay cha mẹ phát hiện ra sự thật mà mình không vừa ý. Nó không muốn tái diễn những lần đòn roi hay quở mắng, la lối, đe nẹt hay lo lắng làm cho bầu không khí gia đình mất đầm ấm hay quan hệ giữa cha mẹ con cái trở nên tồi tệ. Rất tiếc, nhiều cha mẹ đã sai lầm, tạo ra tiền lệ này và hệ quả của nó khó bề chấm dứt!

·         Giúp con em chọn bạn.
Đứa trẻ rất thích được đem bạn về nhà chơi. Cha mẹ nên cho phép nó mời bạn đến chơi để có dịp các phụ huynh giới thiệu và hiểu biết nhau và cha mẹ phải tỏ ra thoải mái để nó đáp lời mời đến nhà bạn của nó. Từ quan hệ qua lại cha mẹ có cơ hội nhận định về các quan hệ và nhân cách của đám bạn của nó. Sự hiếu khách, đối xử vui vẻ bình đẳng và thương yêu bạn bè của nó làm cho nó tin tưởng, tôn trọng cha mẹ và rất hãnh diện, tự hào. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc tạo chỗ đứng cho nó ngoài xã hội và xây dựng nhịp cầu cởi mở giữa cha mẹ và con cái. Một khi trung thực nhận thấy trong bạn bè của nó có vấn đề và muốn nó giữ khoảng cách để tránh bớt ảnh hưởng do một ai trong đám bạn, cha mẹ cần phải có kế hoạch - căn bản vẫn phải là sớm, bình tĩnh, tế nhị và có hiệu quả. Lời khuyên và thiện ý của cha mẹ sẽ có thể lập tức bị bài bác hay nghi ngờ, sự giúp đỡ sẽ bị từ chối nếu cha mẹ không khéo làm xúc phạm đến danh dự của bạn nó nhất là bạn thân trong khi nó chưa hiểu rõ những gì cha mẹ muốn nói. Cha mẹ nên khéo đặt những câu hỏi để tự trẻ phân tích và tìm thấy những mối nguy hại ảnh hưởng đến tương lai của nó và khuyến khích nó suy nghĩ trước khi có quyết định đúng đắn. Khi trẻ đến tuổi nhận thức cao hơn, nó có thể lĩnh hội được nghệ thuật đối nhân xử thế, có thể trao đổi thêm kinh nghiệm trong đời sống thường ngày với nó - có khi người ta phải biết thế nào là cái đức giữ không khí hoà đồng với mọi người mặc dù có khác biệt bên trong không thể đồng thuận (Hoà nhi bất đồng) và nhiều lúc phải biết tôn trọng và giữ khoảng cách (Kính nhi viễn chi) trong việc xử thế.

·         Giúp con em thoát khỏi tình huống khó khăn.
Tâm sự với con em về sự quan tâm của mình đối với tình hình xã hội ở những nơi mà mình không có mặt chẳng hạn nơi trẻ có thể dùng ma túy, thuốc lá, rượu… Nó cần biết những giới hạn và sự mong đợi của cha mẹ cũng như những hậu quả một khi đã vi phạm những quy định đã thỏa thuận. Cảnh báo cho nó những áp lực của đám bạn cùng lứa có thể sẽ xảy ra và nó phải làm thế nào. Tập thói quen và khuyến khích nó luôn luôn suy nghĩ chín chắn về những tình huống. Trẻ có thể trao nhau những quan niệm ngông cuồng của tuổi muốn vượt ra cái vỏ trứng bảo bọc của cha mẹ để ưỡn ngực chứng tỏ mình không thua gì người lớn. Đây cũng là lúc những trào lưu tư tưởng hấp dẫn, dễ thâm nhập, vượt quá nhận thức còn non nớt của trẻ và dễ được nó đón nhận ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Ngoài việc quan tâm đến những thứ cụ thể có hấp lực, cha mẹ còn phải để ý đến những sách vở mà con em đang đọc. Có những sách chứa học thuyết, tư tưởng lớn, có tầm cỡ hoặc những tiểu thuyết lãng mạn, trữ tình, hoặc kích động thú tính, hành động phi nhân… tất cả đều có thể trở thành trái độc cho thanh thiếu niên còn non trẻ. Những áp lực thường thấy và tương đối dễ giúp cho trẻ vượt qua như: Rủ nhau uống thử rượu, hút cần sa, thuốc phiện…Rèn luyện trẻ cách từ chối như không dùng và phớt lờ việc bạn nó đang dùng – khuyên bạn không nên sai lầm vì chưa đến tuổi - gọi cha mẹ đến rước – trả lời “Không, cảm ơn, tôi không muốn chút nào” hoặc “Xin lỗi, tôi không dùng được, đã có lần tôi suýt chết vì thứ đó.” hoặc “ Tôi phải gặp cha, mẹ tôi trước vì tôi đã có hứa”. Nó cần biết rằng khi uống rượu, hay dùng ma túy người ta thường hưng phấn giả tạm do chất kích thích và có những lời chế nhạo hay kích tướng làm cho con em sẽ thấy khó chịu khi từ chối. Nhưng khi qua được ải đó đến hôm sau nó sẽ cảm thấy bình thường và có thể sẽ nhận được những lời xin lỗi và cảm ơn của bạn bè và những người trong cuộc.

·         Đối thoại ci mở là nguyên tắc căn bản.
Đừng đợi đến lúc có chuyện cha mẹ mới bắt nó ngồi lại rồi “lên lớp”. Như thế là có khác nào hình phạt. Làm thế nào để trẻ hiểu rằng nó luôn luôn có thể nói chuyện với mình và mình lúc nào cũng sẵn sàng nghe trẻ nói. Quan hệ này phải được xây dựng hàng ngày từ nhỏ như một phong cách sống. Cha mẹ chứng tỏ sự tôn trọng trẻ như một con người độc lập một cách tự nhiên. Theo gương ấy, tự nhiên nó sẽ tôn trọng và nghe ý kiến của mình. Cha mẹ nên chủ động khai mở những cuộc đối thoại vì thường trẻ không cởi mở mỗi khi không có nhu cầu hay sự thúc giục. Nên hỏi cảm tưởng của nó đối với âm nhạc, chính trị, truyện mới và giáo dục như thế nào. Một đứa trẻ gắn bó với các loại sinh hoạt này nó có thể huân trưởng tinh thần tự trọng và kỹ năng xã hội. Khi cha mẹ quan ngại về hành vi hoặc sự chọn lựa của con em, tốt nhất là nói chuyện cởi mở với nó.

·         Gương mẫu là bài học nhân cách có giá trị bậc nhất.
Hình ảnh mẫu mực của cha mẹ có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong đời sống của con cái. Ngày qua ngày chứ không phải đợi đến lúc nó lớn lên mới dùng bài học, hay dùng lời giáo huấn. Việc đối nhân xử thế của chúng ta thấm dần từng ngày qua tai mắt của trẻ. Hiền lương, lịch duyệt, chân chất hay hiểm ác, thô lỗ, dối lừa - Tế nhị, điềm đạm, nhiệt tình hay xảo quyệt, lố lăng, câu nệ - Ích kỷ, bon chen, tham lận hay hào phóng, tôn nghiêm, liêm chính… mỗi mỗi đều được trẻ khắc ghi không
tiếng, không lời mà là “sống” một cách tự nhiên như thế. Tục ngữ Việt nam có: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”; người phương Tây cũng có câu “The apple never falls far from the tree”. Về phương diện giáo dục, chúng ta nghĩ đến sự ảnh hưởng rất lớn của môi trường sinh hoạt hàng ngày chứ không hẳn chỉ nói đến máu mủ di truyền. Giáo dục trẻ em không thể chờ đợi vì giáo dục không đồng nghĩa với sửa trị. Ví dụ, con em nghe thấy cha hay mẹ nói xấu về một người bạn, hay đối xử khiếm nhã với cô hàng rau nào đó, hay gian lận với một khách hàng hoặc chơi đểu với bạn bè… nó sẽ có hành động tương tự như thế trong tương giao với bạn bè hay tha nhân mà không thấy quan hệ gì đến phẩm giá; lương tri của nó đã bị lấn át, bít lấp, lu mờ vì sự ích kỷ, tư lợi. Trong lúc nhà trường và xã hội không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng lương năng cho con em thì vô tình trong tích tắc cha mẹ đã bôi xoá, lật úp những công phu đó để thoả mãn những sai lầm do tam độc, tham – sân – si của mình! Đây là điều đáng tiếc đã xảy ra không ít.

Vĩnh Tường

No comments