Tin Mới

Phượng Vẫn Nở Hoa

Vĩnh Tường  01/20/2018 (re - posted)

   Sau bao nhiêu năm tháng nổi trôi nhiều nơi trong nước rồi ra đến hải ngoại, nay đến tuổi về hưu tôi có chút thời gian đi tìm lại và thăm một vài bạn học cũ.  Ngày xưa là những nam nữ học sinh, những thằng …, những con… mà bây giờ là ông bà nội ngoại cả rồi. Tôi mang về tâm tình của một người bạn cùng lớp ngày xa xưa ở ngôi trường Trung học công lập duy nhất miền bắc Bình định. Trải qua bao nhiêu biến đổi lịch sử chính trị, xã hội, đất nước và con người tổn thương tan tác, rã rời trong vận mệnh đảo điên. Chỉ môt vài chung rượu đế của quê nhà đã khơi dây trong chúng tôi những câu chuyện thời chung sách chung trường mà cho đến giờ này chúng tôi vẫn xem nó như những bài học quí còn lại sau cùng khi sách vở ra đi. Nếu ai có hỏi chúng tôi nhớ gì về những kỷ niệm thời còn học ở Tăng Bạt Hổ, chúng tôi sẽ ôn lại những cuộc tình đơn phương vụng dại của bọn học trò choai choai ở tuổi dậy thì đệ tứ, đệ tam hay những bài học làm người thật cô đọng có thể không do thầy cô hay sách vở mà từ những biến cố lịch sử ảnh hưởng đến tương lai của chúng tôi trong thời ấy cũng như những bài học của người cha đáng kính yêu.
   Chúng tôi còn nhớ - không - phải nói là anh bạn tôi nhớ rõ hơn về những ngày giông bảo, hiện tượng nhân tai bắt đầu khuấy đục cả bầu trời Việt nam làm cho hai chúng tôi có cái nhìn thất vọng về một viễn ảnh tương lai đen tối của đất nước và của chính mình.  Vào năm 1963, học sinh các lớp từ Đệ Lục, Ngũ, Tứ trở lên bắt đầu râm ran bàn về chính trị, càng về sau dư luận càng rộn ràng hẳn lên, dường như trường lớp đang bao trùm bỡi một bầu không khí ngột ngạt làm cho chúng tôi thật sự hoang mang. Báo chí không chính thức ở điạ phương, hầu hết là những bài in bằng roneo sơ sài nhưng có nội dung thật kích động chủ yếu cho rằng chế độ Cộng Hoà thời đó là “độc tài gia đình trị và kỳ thị tôn giáo”. Vào khoản giữa năm. Phong trào Phật giáo xuống đường bùng phát mỗi ngày một rộng lớn, cả tượng Phật cũng bị mang ra giữa đường để tranh đấu. Nhiều bạn cùng lớp chúng tôi hãnh diện ra trò như những người hùng, họ rất hăng hái đi tranh đấu cho cái gọi là “tự do và công bằng xã hội”. Sở dĩ chúng tôi gọi như thế là vì ngay trong lúc đó những người chân chất quê muà như chúng tôi cảm giác có cái gì không ổn. Sự thật trước mắt mọi người đang có tự do cơ mà. Kiến thức về giáo lý Phật giáo thì chúng tôi mù tịt nhưng chúng tôi thường tâm sự dựa trên lý lẽ thông thường từ lương tri thuần khiết và cảm nghĩ của mình. Tượng Phật phải được đặt ở nơi tôn nghiêm. Bức tượng biểu tượng của chân lý, của những gì trong sạch, cao qúi, tốt đẹp, hạnh phúc. Tượng Phật không biết nói. Chỉ có con người là rắc rối mà thôi. Dù nhân danh gì đi nữa, đem tượng Phật ra đường làm bình phong để đạt mục đích khác chứng tỏ là sự coi thường, nếu không nói là phỉ báng và do đó đàng sau chắc không phải là những nhà sư thuần đạo, hoặc nếu quí vị linh mục đem tượng Đức Mẹ ra để ngoài đường cũng vậy. Còn về phía chính phủ, chúng tôi cũng suy nghĩ rất đơn thuần căn cứ vào những bài dạy đạo đức tiểu học và công dân giáo dục ở trung học chúng tôi không thấy chỗ nào là nhồi sọ chính trị như lời tuyên truyền để phải đòi hỏi “phi chính trị ở học đường”. Về “Gia đình trị”, thật ra lúc ấy chúng tôi cũng không rõ mấy nhưng lớp cha ông chúng tôi rất hài lòng về những chính sách của chế độ mới, họ thấy tràn đầy cơ hội cho con cháu như chúng tôi vươn lên. Suy nghĩ của chúng tôi đơn giản lắm, không biết thì chớ nghe lời phiến diện mà làm càn. Chúng tôi thường chơi cờ tướng với nhau và chúng tôi biết giá trị của những con cờ thí như thế nào. Mặt khác, chúng tôi tự hỏi có bao nhiêu người kể cả một số “người đang dạy học” và học sinh biết gì về gia đình của Tổng thống, hay biết được bao nhiêu về sự kiện gọi là “gia đình trị”.  Hay họ chỉ là những người có lòng nhiệt tình và yêu công lý? Nếu hành trang chỉ có chừng ấy mà dấn thân làm cho đất nước yên bình trở nên dậy sóng, mang hâu hoạn cho dân tộc thì quả là điều đáng tiếc! Chúng tôi bị chê là bọn nhà quê học “gạo” môn công dân giáo dục, nhưng cảm ơn những hạt gạo ấy đã cho chúng tôi biết được quyền hạn và trách nhiệm công dân trong chế độ tự do.  Hơn nữa trước mắt trường lớp, thầy cô bạn bè sinh hoạt đầy chất sống hàng ngày và tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đón đẹp biết bao! Chúng tôi thấy thất vọng như sắp mất những ngày tháng hồn nhiên và có thể sẽ mất cả niềm tin vào tương lai của mình, thất vọng vì thế sự chừng như làm lung lay tiền đồ của chúng tôi - những người dân quê đang vươn lên qua cửa Khổng sân Trình. Hai chúng tôi và một số bạn khác là con nhà nông, chúng tôi không phải là người theo đạo Công giáo hay Phật giáo nhưng bà con chúng tôi có người theo đạo này hay đạo kia, Công gíao thì ít hơn và có đôi chút trở ngại với tập tục, đó là điều thường tình đối với cái mới nhưng bà con chúng tôi vẫn yêu thương nhau cũng như quí trọng các tôn giáo. Chúng tôi thấy không có lý do để tham gia các nhóm đi phát truyền đơn, tuyên truyền, hay chuẩn bị xuống đường. May mắn hơn nữa, chúng tôi học được rất nhiều ở bác Trần – cha của bạn tôi – nên nhất định không nhuộm mình vào cái thế giới ấy. Ông là thầy giáo từ thời Pháp còn ở Việt nam, bấy giờ ông là nông dân - một nông dân có học thức, có rất nhiều ruộng; ông làm việc rất lam lũ cực nhọc. Một hôm cuối tuần tôi đến nhà bác chơi. Nghe thấy chúng tôi kể chuyện nhà trường và đem tờ báo ra xem, bác Trần cũng xem. Ông không có ý kiến gì cả. Sau đó ông một mực bảo chúng tôi ra đồng đuổi chim ăn lúa và nhớ kiểm tra xem mấy con người nộm có còn làm việc tốt không, bác còn bảo khi về sẽ có món ăn ngon do bác gái làm.  Ngồi trong lều canh thật thoải mái, cái thoải mái vô tư của tuổi mười bốn, mười sáu, chúng tôi cùng giật dây thúc mấy con hình nộm đang đứng trơ trơ giữa đám ruộng khô bên vườn dừa, chúng nó vẫy cờ,  rung thùng thiếc trông hăng hái ra phết.
 “Các cháu thấy con nộm nó múa không? - Có nghe thấy chúng gõ thùng không?”
“Thấy chứ, chúng còn tốt lắm!”
“Nhưng chúng có làm được gì nếu các cháu không giật dây” Bác tiếp lời.
“Hơn thế nữa nếu bác không sai bảo thì bọn cháu đâu có làm”. Tôi nịnh, nhưng đột nhiên bác vỗ tay khen! “Cháu thông minh thật! Rất thông minh!!!”. Bác làm tôi vừa ngạc nhiên vừa lung túng không hiểu bác định nói gì. Mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa quên kỷ niệm ấy. Bác nói tiếp:
“Kẻ trí không bao giờ làm người nộm, nhiệt tình của tuổi trẻ có thể xây thành trì chống giặc cũng có thể bị lợi dụng phá thành để rước giặc vào, phá tan di sản của cha ông. Sự khác nhau chỉ là đường tơ, sợi tóc. Như cháu vừa nói, có phải ta cần phải biết đàng sau các hiện tượng xảy ra là gì không? Báo gì đọc cũng được nhưng kẻ trí thì xem mặt sau của tờ giấy. Có phải khi ai bảo các cháu lên đường, cháu phải biết người ấy là ai ? Sự thật thường rất khó nhận ra hết chân tướng.  Là người trí, các cháu còn cần phải biết con đường ấy dẫn chúng ta đi về đâu. Cuộc đời, một chuỗi thời gian cứ ngắn dần, ghi những bước chân đi một chiều. Một ngày, một giờ lầm lẫn chẳng những mất đứt mà còn trở ngại cho những bước còn lại. Mỗi phút giây trong đời chỉ có một chứ không có hai. Cái đáng sợ nhất là đem cuộc đời mình cho mượn mà không biết hay bị tráo đổi làm phương tiện cho những hứa hẹn vào ngày mai.” Bác tiếp:
“Và bây giờ chúng ta đi ăn “bánh thật” do bác gái làm chứ không phải “bánh vẽ” bác hứa. Tôi còn nhớ cả cái mùi bánh gói nóng hổi bên chén mỡ hành và chén nước mắm.
   Chúng tôi chuyện trò không ngớt. Loạn lạc buổi giao thời phong kiến, pháp thuộc như thể loạn mười hai sứ quân thời Đinh, Ngô đã được dẹp tan và ổn định mở đường cho một chế độ tự do dân chủ nẩy mầm. Tư tưởng mới, xã hội mới như đứa bé ra đời, tám năm chập chững nhưng phải đối đầu với hàng vạn khó khăn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… còn thêm cái gọi là “mặt trận giải phóng miền nam” cùng với những phong trào xuống đường. Đầu tháng 11 năm 1963, ngày vui của những người xuống đường đập phá và Mặt trận giải phóng miền Nam cũng là ngày chúng tôi hoang mang với nỗi buồn khó tả – có lẽ là do cảm giác hụt hẫng về những hoài bão mà chúng tôi đã ấp ủ. Bạn tôi tiếp tục nói về người cha, phải nói thêm là người thầy đáng kính của anh vừa bị bệnh vừa suy dinh dưỡng và thiếu thuốc men trong những năm anh gọi là những năm khoai sắn sau biến cố 1975. Ông ta đã qua đời. Di sản để lại cho anh không phải là những ruộng vườn từ mồ hôi nước mắt và trí tuệ của cha anh dựng nên nhưng là một kho tàng di huấn mà đến ngày nay các cháu – con của anh cũng được ảnh hưởng. Hầu như những người còn lương tri ai cũng nhớ, tất cả ruộng vườn kể cả đất do mồ hôi của cha ông khai phá bỗng chốc trở thành của nhà nước. Tiền bạc thì đổi mười, đổi trăm lấy một… Tức khắc tất cả đều cùng nghèo như nhau. Chữ “tín” bị đánh sụp và lần lượt “ngũ thường” cũng ra đi! Mỗi con người trở thành một ốc đảo, không ai giúp ai, không ai tin ai…Anh ta nhắc lại những điều mà chúng tôi không nói hết khi thăm nhau qua điện thoại. Một câu nói của bác Trần, chúng tôi thấy đúng mãi đến bây giờ: “Tư tưởng Marxist đi đến đâu cây úa là vàng đến đó, ngay cả dế giun cũng không còn đất sống.” Quả vậy, những ngày cơ cực phi lý ở Việt nam còn mãi trong chúng tôi, cùng hình ảnh những gò mối hàng rào đều bị cuốc ra trồng tỉa kiếm thêm thực phẩm mà cũng không đủ sống, những con dế mèn tí tẹo trốn trong hang ven bờ sông, bờ suối cũng bị đào bới, truy tìm để làm món ăn…
   Được hỏi sao các cháu đều có trình độ học vấn cả anh cũng rất thông minh lanh lợi mà không làm ăn được khá như mấy đại gia.
- Thế anh đã thay đổi từ hồi nào mà không hiểu chúng tôi? Anh hỏi lại làm tôi thấy chột dạ.
- Ố! ồ… chỉ chơi anh thôi mà!
- Mấy kẻ lèng tèng ở đây theo nhà nước nay đã là đại gia tiếng tăm lừng lẫy xóm làng. Cha con chúng tôi anh biết đấy, nhất định không cộng tác nên cam phận nghèo.
- Thảo nào ngày xưa bác Trần nhắc chúng ta câu nói của nhà Phật: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Ước gì 80 triệu đồng bào mình cứ như anh thì đất nước này có phước biết bao!
- Hay đấy anh nhỉ! Không cần chống phá gì cả, chỉ cần nửa nước không hợp tác thì đồng bào mình đỡ khổ, đất nước này đã đẹp hơn từ khi Liên Xô sụp đổ.
- Còn về cái chết của Tổng thống Ngô đình Diệm và sự sụp đổ của nền đệ nhất Cộng Hòa đã gần năm mươi năm, các tài liệu đã được bạch hoá, anh có biết gì không?
- Dĩ nhiên là biết cả rồi. Chúng ta có tư tưởng tự do, chúng ta có được nhân sinh quan nhân bản, chúng ta biết thế nào là con người đúng nghĩa của nó, thế nào là trách nhiệm với gia đình và xã hội, chúng ta biết giá trị tương giao nhân loại, chúng ta biết giá trị làm người mà nghìn năm cha ông đã hun đúc, từng chữ từng lời, từng phong cách sống, tất cả không phải là do chế độ giáo dục ở thời ấy mang lại cho ta thì còn do đâu nữa. Con cái của tôi, như anh biết đấy, chữ thì học ở trường còn nghĩa cử làm người thì tôi phải vất vả gánh vác trong hoàn cảnh phức tạp thế nào anh biết không?
- Tôi cũng một thời trải qua như anh trước khi ra đi nước ngoài. Tôi rất đau khổ khi nhìn thấy con mình học những bài thuộc lòng, bài văn bài toán mà mình phải kiếm cách tránh né không tham gia rèn luyện cho chúng. Bồi thêm thì hại con mình, bỏ bê thì chúng có ít điểm, bảo chúng điều này hay điều kia không đúng thì coi chừng cả nhà mang họa!
   Hai đứa con trai của anh vừa về. Anh giới thiệu:
- Đây là người bạn cùng lớp mà ba thường kể cho các con nghe.
Chúng tôi chào nhau. Trông chúng rất tuấn tú, chững chạc, thật thà nhưng vui tính. Tôi nói đùa:
- Nghe nhiều người trở thành đại gia, danh vang đến hải ngoại, bác xem trong danh sách không thấy tên bố con của các cháu. Bác hơi thất vọng đấy!
- Dạ bác với ba biết rồi mà còn thất vọng gì chứ! Trong thời đại này nhà nào còn dây *“ngũ thường” và ba cái *“bất năng” thì làm gì giàu được hả bác! Qua ngày là được rồi bác ạ.
- Trời! Cháu hay lắm. Cảm ơn cháu! Tôi vừa ngạc nhiên, thán phục một cách chân thành. Quả thật bạn tôi đã giữ được một gia đình trong sạch, giữ được tiêu chuẩn làm người ở các cháu trong thời đại nhiễu nhương, xã hội băng hoại này. Tôi không biết có bao nhiêu bạn được như anh nhưng chúng tôi nghĩ chắc ngoài kia không ít học sinh xuất thân từ những ngôi trường mang tên các anh hùng đã góp tay tàn phá đất nước ngàn năm văn vật này. Phải chăng đây là thời mạt pháp!
   Anh tiếp tục tò mò:
- Bên ấy chắc đồng bào ủng hộ việc phục hồi danh dự cho vị Tổng thống, người có công khai sinh và đặt nền móng cho nền Cộng hòa miền nam? Anh cho biết khi nào họ cần đóng góp, tuy nghèo nhưng tôi cũng muốn đền …Tôi cắt ngang anh khi thấy lòng mình se lại. Tôi phải trả lời sao đây?!
- Đáng quí thay một tấm lòng! Trong hoàn cảnh này, ở đây mà anh còn quan tâm đến việc ấy! Ta uống đi! Trí thức còn đó nhưng người thì đang ngủ! Nghĩa còn đó nhưng  người biết ơn khó tìm!..  Chung rượu này thay tôi trả lời cho anh tất cả… Chúng tôi hiểu nhau và cùng thở ra cho những nổi buồn dân tộc!.. Anh xem mình còn có gì để thay đổi không khí nữa chăng?
- Có chứ, kỳ này anh về có muốn tìm lại chiếc sandal còn lại không? Anh cười.
   Chúng tôi cùng cười sặc sụa. Để trả lời anh, tôi đứng dậy móc trong túi ra cái USB flat drive nhét vào computer của anh và tìm một đoạn trích trong cuốn sách tôi đang viết dở trử vào máy cho anh:
“Chiếc Sandal Còn Lại”
   … “Thầy T…, một trong những người bạn đồng nghiệp của tôi có tiếng là người có tâm hồn lãng mạn. Nhân một hôm anh đột nhiên cáo bệnh, nghỉ dạy, tôi đến nhà thăm vợ chồng anh. Khi gõ cửa bước vào, tôi bắt gặp anh có dáng vẻ bối rối khác thường. Tôi cảm thấy hình như tôi đi thăm không phải lúc nhưng ngược lại anh còn nói cảm ơn tôi đã đến thăm anh thật đúng lúc. Anh bảo tôi ngồi chơi chờ anh đun nước pha trà. Tôi nghĩ ngay chắc có chuyện bất thường chẳng vui, tôi mỉm cười đùa với anh: “Có cần người chữa lửa không?” Anh cũng cười theo với vẻ hồn nhiên như thường lệ, nhưng anh cố ý nói to hơn: “Thầy ngồi chơi nhé! Liên đang bận ở đàng sau không lên chào thầy được”. Một lác sau, chúng tôi cùng uống trà anh mới từ từ tâm sự: “Thời gian tiếp khách hy vọng có thể giúp giảm bớt căng thẳng giữa hai chúng tôi vì một chuyện có thật xảy ra từ lâu. Chuyện mà tôi thấy đơn giản thường tình nhưng Liên lại nghĩ rằng tôi thiếu chân thật nên cả tuần nay anh biết đấy, quan hệ của chúng tôi trục trặc chẳng vui.
    Lúc còn học trung học, tôi có người bạn học tên Hương phải nói cô là một nữ sinh đẹp nhất ban C. Hai chúng tôi quen nhau thật lâu. Tuy chưa tỏ tình nhưng qua thời gian và mức độ quan hệ, qua ánh mắt nụ cười, chúng tôi đã ngầm hứa hẹn một tình yêu với bao nhiêu mộng đẹp. Rồi một ngày kia trong lúc đang học, chiến cuộc bỗng đâu ập tới, cả trường phải bỏ chạy. Chúng tôi vừa chạy lánh đạn vừa tìm nhau. Khi học sinh bò chui qua rào trong mưa đạn pháo khắp nơi, chúng tôi thấy nhau. Tôi đã nhân cơ hội này mà liều lĩnh gọi đến “Anh yêu em ! Anh yêu em! Hương à!” Hương cũng đáp lại “Em cũng vậy! Em cũng vậy anh à!”. Lúc ấy tôi sung sướng quá, không còn sợ gì cả. Tôi chạy đại về phía Hương vừa mới té vì vướng kẽm gai. Khi tôi vừa đến nơi thì cô đã chen chân khuất dạng trong đám học sinh đang chạy tán loạn. Tôi không còn thấy cô đâu nữa. Súng nổ từng đợt, tôi phải nằm xuống và thấy một chiếc sandal của Hương thường mang còn vướng trên kẽm gai, tôi nhặt lên và nhét vội vào trong áo. Lúc ấy lòng tôi thấy thế nào chắc anh đã biết. Nhà trường đóng cửa. Gia đình cha mẹ, anh em tôi phải gồng gánh tản cư ngay sáng sớm hôm sau trong cảnh đạn bom đì đùng khắp nơi. Từ ấy tôi không còn gặp lại Hương mãi đến bây giờ. Tôi giữ chiếc sandal ấy trong góc cái rương gỗ nhỏ chứa những bộ đồ kỷ niệm của ba tôi và một số bài vở cũ, đi đâu tôi mang đến đó. Đã lâu rồi tôi không hề mở ra cho đến khi tôi quên bẳng đi mất. Tuần qua, chúng tôi cùng dọn dẹp đồ đạt trong nhà, vô tình Liên tìm thấy chiếc sandal kia, và đọc được những lời yêu đương tôi ghi trên đó. Kế tiếp những gì xảy ra thế nào chắc anh đoán biết rồi đó. Tuy tôi không làm ra chuyện gì có lỗi nhưng Liên có phần nào thất vọng. Mặc dù Liên rất tế nhị nhưng tôi thấy thật khó ở làm sao ấy.
    Nhân lúc chị Liên vừa ra chào, giả vờ tự nhiên, tôi bảo: “Nếu lòng anh không phải hoàng tử chờ giai nhân thử sandal thì thỉnh tội với chị rồi khai tử chiếc sandal ấy và cho vào xọt rác là xong chứ gì!...Quả thật là chuyện nhỏ, nhưng kể từ khi va chạm thực tế bạn của tôi thay đổi đi nhiều lắm”…

- Anh hỏi tôi còn nhớ cô Thu Hà dạy Anh văn không? Và tôi bảo:
- Anh phải đổi lại câu hỏi là chừng nào tôi mới quên cô Thu Hà thì mới đúng vì tôi còn nhớ đến chiếc sandal của người con gái trời sinh cái nét quyến rủ ấy là tôi còn nhớ và kính yêu cô. Có lẽ vì thích nhìn chúng tôi ngượng nghịu nên giờ thực tập nào cô giáo cũng gọi hai chúng tôi làm mẫu khiến cả lớp quỉ quái vỗ bàn, gõ thước ầm cả lên. Thật tình tôi khó mà quên được đôi mắt to, đen lay láy với hàng mi cong và đặc biệt là nốt ruồi thật duyên dáng bên má phải một khuôn mặt trái xoan đầy đặn và trắng hồng. Trong khi đối thoại, mỗi lần đôi mắt ấy mở to nhìn tôi và đôi môi đỏ mọng mấp máy chực mĩm cười là bài vở của tôi rụng đâu mất hết. Thế mà cô giáo cứ tha cho tôi khiến cho tôi tự ái và quyết tâm học tập nhiều hơn. Nhờ đó mà tiéng Anh của tôi mỗi ngày một khá hơn.

   Hy vọng những lời thăm hỏi và cảm ơn chân thành đến cô Thu Hà như những cánh phượng năm xưa nhuộm thắm tình thầy trò gửi tặng người thầy đã dành cho chúng tôi những ngày thật đẹp của tuổi thơ hồn nhiên và khó quên, khó quên cả ngôi trường cũ nhất là mỗi khi nghĩ đến cây phượng bên văn phòng nở hoa. Hoa lại nở mãi trong lòng. 

Vĩnh Tường
-2012

* Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín, năm điều căn bản trong đạo làm người đã trở thành tập tánh của người dân Việt tồn tại đến năm 1975

* Phú qúi bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất - Ba điều căn bản trong phẩm hạnh của người quân tử 

No comments