Tin Mới

Giáo Dục - Thảm Kịch Xã Hội Và Chính Trị

Giáo Dục - Thảm Kịch Xã Hội Và Chính Trị
Nói Chuyện Với Bình Dân Kỳ 12
… thảm kịch bắt đầu ở giáo dục,  cây súng mang tội, và chính trị kết thúc.
Trước hết, xin bình dân ôn lại sự kiện đau lòng vừa qua (bắt đầu từ 24/9/2017 và kết thúc vào 14/2/2018)
Sau vụ nổ súng ngày thứ Tư, 14/2/2018 giết chết 17 người, gồm 14 học sinh và 3 người lớn, tại trường trung học Majority Stoneman Douglas, tại Parkland Florida, những gì đã tiếp tục xảy ra và người ta đã tìm thấy những gì:
Phần I: Sự kiện 
Kẻ bắn súng là cựu học sinh của trường trung học này, tên Nikolas Cruz, 19 tuổi, cao 5 feet 7 inch 1, cân nặng 120 pound.
Thời điểm:
Bắt đầu 2:06 pm Nikolas Cruz lên xe Uber đi đến trường trung học nói trên lúc 2:19pm
2:21pm Cruz đi vào cầu thang của toà lầu 12 ở phía đông, đi qua cả ba tầng, bắn một vài học sinh và giáo viên trong lớp học và hành lang của trường.
4:41 pm Kết thúc, Nikolas Cruz bị tống giam.
Tối 21/2/2018 CNN trên chương trình họp dân phố (townhall meeting) đã có học sinh than phiền, bỏ cuộc và từ chối đọc câu hỏi đã được đài soạn trước củ CNN, có vì mục tiêu riêng chỉa vàp nghị sĩ CH, Marco Rubio hay không thì bình dân xem video dưới đây và tự nhận định. Những người học sinh trẻ hồn nhiên này đã lên đài khác để tường trình sự thật.
20/2/2018: 3 xe bus chở học sinh về thủ đô Tallahassee (Florida) để vận động thúc đẩy đại diện dân cử lập chính sách mới.
Source: CTTRIBUNE & SNOPES
14/3/2018: (một tháng sau vụ nổ súng) Hàng ngàn học sinh xuống đường biểu tình thể hiện quyền tự do dân chủ, đòi các đại diện phải có biện pháp an toàn cho học sinh là điều không ai chống đối, nhưng nếu đi xa hơn một bước đòi tước vũ khí tất cả thì lại đụng chạm đến quyền tự vệ của đại đa số công dân ngay thẳng, tôn trọng hiến pháp và luật pháp, không dính dáng gì đến vụ nổ súng. Trong cuộc biểu tình, có hai nhân vật hoạt động nổi nhất đứng trên sân khấu. Cậu David Hogg 17 tuổi, rất hăng, đưa nắm đấm mạnh giống các nhà độc tài và đòi thay đổi thế giới, và cô Emma Gonzalez đứng trước micro mặc áo quân nhân bên phải có thêu lá cờ nước cộng sản Cuba, thay chỗ lá cờ Mỹ. Hoa Kỳ thời nay sao có nhiều chuyện lạ quá! Bình dân hiểu thế nào đây?   
Phần II: Nguyên nhân gần
1.       Không can thiệp tại hiện trường:
Trong vụ nổ súng giết người, có hai thành phần quan trọng được kể đến. Đó là người gây án - cá nhân Nikolas Cruz, và viên cảnh sát Scot Peterson đã nhận trách nhiệm bảo vệ học sinh Trường trung học Majory Stoneman Douglas từ 2009.
Sự kiện thương tâm diễn ra 6 phút, Cảnh sát Scot Peterson chờ ở ngoài 4 phút không chịu nhảy vào để can thiệp. Ông đã đánh mất 4 phút cơ hội có thể cứu 13 nhân mạng. Ông đã bị chỉ trích và phải từ chức, và nội vụ đang được điều tra.
Thời buổi này chính trị dường như trở thành món ăn tinh thần thay cho văn hoá nghệ thuật! Và có ai biết con số nhân mạng và những giọt nước mắt trẻ thơ có lọt lưới chính trị được không?
2.       Tin nhắn: Hai tin nhắn Cục điều tra liên bang (CĐTLB) đã nhận và đáp ứng như thế nào?
·         Tin nhắn lần thứ nhất ngày 24/9/2017
Ben Bennight, người chuyên bảo lãnh ở hảng AFAB thấy một tin trên youtube channel “Ben TheBondsman” trong mục phê bình ghi tên là Nikolas Cruz có nội dung rằng: “Tôi sẽ là người bắn chuyên nghiệp ở trường học”. Bennight đã báo cho CĐTLB (Cục điều tra liên bang qua email.)
CĐTLB, ngày 15/2/2018, Viên chức đặc biệt, Rob Lasky, quản nhiệm tại đơn vị Miami trả lời rằng không có tin gì thêm để cho biết thời gian, địa điểm và ai đã đăng lên lời này. CĐTLB tiến hành xem xét dữ liệu, kiểm tra nhưng không thể khẳng định được chính xác ai là người đưa ra lời này.
·         Tin nhắn lần thứ hai ngày 5 Tháng Giêng 2018
Một người nặc danh gọi Cục điều tra liên bang (CĐTLB (FBI) theo số điện thoại công cộng tại Clarksburg, West Virginia để cảnh báo, lo ngại về Cruz rằng: “Người sở hữu súng có tên là Cruz, muốn giết người, có hành vi bất thường, và gây phiền nhiễu trên báo mạng xã hội, cũng như có khả năng hắn sẽ bắn súng ở trường học”
CĐTLB , 16/2/2018, trả lời: CĐTLB cho biết họ đã không theo các nghị định thư đã được thiết lập để theo dõi. CĐTLB  nói: "Theo các quy trình đã được thiết lập, thông tin do người gọi cung cấp phải được đánh giá là mối đe dọa tiềm ẩn đối với cuộc sống. Thông tin này không được cung cấp cho Văn phòng tại Miami Field và không có cuộc điều tra nào được tiến hành vào thời điểm đó”
Ngoài ra cảnh sát cũng đã nhận được báo cáo nhiều lần về tình trạng Nikolas Cruz có khả năng gây họa.
Và sau cùng là hiện nay Bộ Tư pháp đã ra lệnh điều tra lại.
Phần III. Nguyên nhân sâu xa: Nikolas Cruz và cây súng- bình dân gốc Việt chúng ta nghĩ gì?
Về Nikolas Cruz: Đây là điều đáng chú ý bậc nhất. Theo ghi chú trong hồ sơ  điều tra từ phía nhân viên xã hội thì vào năm 2016 cảnh sát viên Scot Peterson có tương tác với Cruz khi Cruz tự làm gây thương tích nhưng mẹ của cậu ta không quan tâm tới. Theo tài liệu được ông Scott Israel cảnh sát trưởng của quận Broward công bố hôm Thứ Năm (23/2/2018), có lần các nhân viên cảnh sát và viên chức xã hội được gọi đến trường học (tháng 9/ 2016) để xem xét những báo cáo rằng Cruz đã có lần định tự tử bằng cách uống xăng và tự cắt mình.
 Tháng 11 năm ngoái, mẹ của Cruz, bà Lynda Cruz qua đời; Cruz trở nên càng hung hăng, cáu gắt. Cậu ta đã cãi cọ với Rock Deschamps 22 tuổi, con trai của nhà Roxcanne Deschamps. Gia đình này cũng đã báo cho cơ quan điều hành cảnh sát rằng Cruz đã mua cả lô chất nổ (bought tons of ammo), đã từng “dùng súng chống lại người khác” trước đây và “đã chỉa súng vào đầu người khác trong quá khứ”; “Nikolas Cruz tức giận và bắt đầu đấm vào tường và đập phá các thứ”. Cruz đánh lộn với Rock. Rock cố gắng kềm chế Cruz nhưng Cruz bỏ đi và ngồi một mình trong công viên. Cruz im lặng, lo sợ và nói xin lỗi cảnh sát vì đã mất tự chủ.     
  Bạn trai cũ của bà Roxcanne Deschamps là ông Paul Gold, có lần dẫn hai anh em Cruz đi dự lễ tang của mẹ ông ta, cùng với ông và bà Deschamps. Ông Gold nói rằng sau đó Cruz có vẻ tách biệt hơn, hay cau có, tức giận bà Rozcanne vì có cảm giác bị bỏ rơi khi thấy đã không có ai đến dự lễ tang của mẹ mình. Điều đó làm cho Nikolas Cruz tức giận hơn là cái chết của mẹ mình. 8 năm qua Nikolas thường mất tự chủ như đấm tường, ném đồ vật, và kết luận là Cruz không phải là đứa trẻ có thể giao súng. Ông kể lại, Cruz nói với ông, mẹ nó cho $5,000 tiền cash trước khi bà qua đời để sống tạm trong khi hồ sơ tài sản và quyền thừa kế của nó được thiết lập hoàn chỉnh. The tờ Miami Herald, Cruz cho biết nó có $800,000 quỹ tín thác sẽ đến tay.
  Theo Hồ sơ sở hữu tài sản của tờ Sun – Sentinel, cho thấy gia đình bà Roxcanne Deschamps và mẹ của Nikolas Cruz là hàng xóm có địa chỉ cùng trên một con đường.
  Ngày 01 tháng 11 gia đình Deschamps bảo dưỡng hai anh em Cruz sau cái chết của bà Lynda Cruz, mẹ của Nikolas Cruz, vì bệnh viêm phổi. Theo ghi chú, đến ngày 27/11/2017, một nhân viên xã hội ở trường gọi cảnh sát và tỏ ý “lo lắng rằng hồ sơ giám hộ chưa được thành lập”
Theo hồ sơ toàn án, bà Roxcanne Deschamps làm đơn để cai quản bất động sản của mẹ Nilolas Cruz ngay sau ngày xảy ra vụ bắn súng ở trường trung học do Nikolas Cruz gây ra.  
Theo lời kể của hàng xóm và bạn bè, Cruz ở gia đình này chỉ được vài tuần, sau khi Rock, con trai của gia đình Deschamps đá ra vì lý do không chịu từ bỏ súng mà Cruz đang giữ.
Câu chuyện đã kết thúc, Nikolas Cruz đã thực sự bước vào đời khi vừa qua tuổi 18 bằng tội phạm kinh hoàng. Điều này có làm cho chúng ta động lòng hơn là chuyện đảng của ta thắng hay thua không? Có làm cho qúi vị quên bớt đi chuyện của CNN về cô tài tử phim tình dục có đồng tình giao hợp không, khi ấy có dùng áo mưa không; hoặc có làm cho quí vị quên đi nỗi thất vọng giấc mơ thông đồng với Nga vân vân . . . hay không?  
Về luật pháp, rất ngắn gọn, dễ thấy Nikolas Cruz bây giờ là một tên tội phạm giết người. Và cây súng là phương tiện. Kết quả là con người bị xử phạt và cây súng bị tịch thu, cất giữ. Cách giải quyết của luật pháp dĩ nhiên là cần thiết nhưng chỉ là thu dọn tàn cuộc của một hậu quả mà thôi. Còn cái “nhân” mới là điều quan trọng bậc nhất, nhưng bình dân có bao giờ nghĩ đến không?
  Trên đời này không bao giờ và không ai có thể làm cho hết súng đạn, tức là hết phương tiện gây án. Đảng phái có thể biến thảm kịch thành cơ hội chính trị, có thể khiến trẻ em hồn nhiên trở thành lợi khí để tranh giành quyền lực, điều mà HK đã trải qua trong kỷ nguyên Việt nam, và người Nam Việt đã thưởng thức ngay ở Sài gòn trước 1975.  Bây giờ, để bắt đầu, bình dân tạm gác cây súng một bên để cho chính trị mặc tình đấu đá. Chúng ta hãy cùng xem khía cạnh nhân bản của vấn đề.
Về nhân bản và xã hội nếu đã làm động lòng trắc ẩn, có thể nào chúng ta tạm gác đảng phái, và cái mớ bầy hầy chính trị để đặt vài câu hỏi thuộc con người và xã hội hay không?  
  Trước hết, cha của Cruz và ông bà nội - ngoại hay cô, chú, bác, cậu mợ … của Nikolas Cruz ở đâu mà để cho hai anh em Cruz mồ côi, nay đây mai đó như thế? Dù với mớ tài sản đầy đủ, nhưng chẳng giúp được bao nhiêu cho một đứa vừa qua 18 đã phạm tội, một đứa thiếu niên?  Qúi vị có bao giờ nghĩ, điều này có liên hệ đến hai quan điểm chính trị, xã hội đương thời hay không? Đó là tự do thiên tả và tự do bảo thủ.
  Đối với học sinh trong trường hợp như Nikolas Cruz, gia đình, nhà trường và xã hội đã làm gì?; đã quan tâm đến mức nào?; hoặc có thiếu sót, sai lầm gì chăng? Trước khi chúng ta buông bỏ, xua đuổi, hay gắn cho bât kỳ đứa trẻ nào một cái nhãn nào đó, chúng ta có nên tự xem lại ta hiểu được bao nhiêu và ta đã làm hết sức mình để giúp đỡ nó hay chưa?
  Có được bao nhiêu người hiểu rằng đứa trẻ không tồi tệ, mà chỉ có hành vi của nó không thể chấp nhận được. Và hậu quả của hành vi bắt nạt ở trường đã dẫn đến bao nhiêu tai họa cho con người và xã hội. Từ lâu nay, chúng ta khổ công bàn tán bao nhiêu hậu quả tồi tệ của chính trị. Bây giờ, nhân thảm kịch này, bình dân hãy thử khảo sát cái nhân của vấn đề xem sao.
  Qua sự kiện trên đây, bình dân đã quá rõ Nikolas Cruz là một đứa trẻ đã có trục trặc tâm lý nhiều năm.  Ngay cả cô học trò hoạt động biểu tình Emma Gonzalez mặc áo cờ cộng sản Cuba nói trên cũng nhắc đến chuyện bắt nạt, tẩy chay, loại trừ (ostracize), và cậu học trò Cruz từ lâu đã có hành vi bất thường (erratic behavior), cũng như cảnh sát đã nhận cảnh báo nhiều lần.
Đặc điểm của trẻ bắt nạt : lạnh lùng, mất tính đồng cảm là nguy cơ đầu tiên dẫn đến hành vi bắt nạt.
   Trong trường hợp xung đột thông thường, trẻ tự kiểm và sửa đổi hành vi của mình. Chẳng hạn khi làm phiền kẻ khác, tín hiệu tâm ứng mà trẻ nhận được là “mình đã làm tổn thương kẻ khác” và tính đồng cảm đã khiến trẻ tự nhủ “mình thật sự không muốn làm hại kẻ khác và mình phải dừng!” Đó là lúc giáo dục nên chen vào và dạy trẻ biết xin lỗi để cả hai cùng được xoa dịu, giải tỏa sự xung đột. Đối với động cơ bắt nạt thì khác hẳn. Tín hiệu nhận được như nhau nhưng kết quả ảnh hưởng được phản ánh theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Đó là trẻ “đạt được khoái cảm rằng mình có thêm quyền lực!”. Ngay đó, trẻ học được kinh nghiệm và có ý sẽ tiếp tục hành vi làm tổn thương trẻ khác. Trẻ có hành vi bắt nạt thường đánh mất sự đồng cảm, chúng không cảm thông sự đau khổ của người khác! muốn dạy trẻ thì  phải trắc nghiệm xem mức độ đồng cảm của trẻ đối với nổi đau đồng loại hay cả đối với thú vật. Nếu trẻ hành hạ, gắt gỏng với thú vật, giết hại các loài sinh vật nhỏ vô hại như chim chóc hay đánh đập, trêu ghẹo trẻ em một cách khoái trá, lạnh lùng là dấu hiệu chứng tỏ vấn đề đã trở nên thật nghiêm trọng rồi!
Các loại hành vi bắt nạt
1.       Bắt nạt kiểu hành hung
Bắt nạt kiểu hành hung dễ thấy nhất bao gồm đấm đá, bứt nịt ngực, xỉa chân cho ngã, kéo tóc, xô đẩy, véo, ép vào tường, ép vào góc, đẩy vào ngõ bí, chặn đường … Kiểu bắt nạt này tuy có nguy hiểm những có điều khác biệt là có bắt đầu và có kết cuộc rõ ràng và ít để lại nút thắt tâm lý lâu dài. Quyền lực sẽ thay đổi tức thì tùy theo ai là kẻ thắng cuộc. Trẻ nạn nhân có thể bất chợt phản kháng, áp đảo được trẻ bắt nạt và lật ngược tình hình. Trẻ bắt nạt có thể tiếp tục với những mục tiêu khác và trẻ bị nạn học được chống trả là cách giành quyền lực, hay rán chịu đau sầu vì chuyện xảy ra. Đôi lúc nhờ vậy mà rốt cuộc kiểu bắt nạt này chấm dứt. Nhưng trả đũa hành vi bắt nạt là điều khá nguy hiểm, không lấy gì làm chắc chắn cho sự an toàn. Nếu trẻ nạn nhân không thắng cuộc khi đập lại trẻ bắt nạt thì ai biết được nó không bầm mắt cũng lãnh trứng gà trên trán, đó là chưa kể đến ngày nay có nhiều nguy cơ trẻ sờ đến những vũ khí nguy hiểm trong lúc trí óc còn nông cạn với những phản ứng thiếu suy nghĩ. Hoặc sự hành hung của trẻ có thể leo thang cùng kết hợp với những kiểu bắt nạt khác chắc chắn sẽ mang lại hệ quả lâu dài và đáng lo cho cha mẹ.
2. Bắt nạt bằng lời
Dùng lời mỉa mai cay độc, chế nhạo, mắng chửi, xỉ vả, dựng chuyện đồn nhãm làm cho xấu hổ là cách mà trẻ trai dùng bắt nạt nhắm vào cả trai lẫn gái; riêng trẻ gái thì dùng cho trẻ gái mà thôi. Mục tiêu sự bắt nạt thường bắt đầu từ những yếu điểm, những sơ hở, những đặc điểm về ngoại hình hay về mặt tính tình. Những đặc điểm ấy sẽ bị chuyển thành lời chế nhạo mà ý nghĩa không liên quan đến sự thật, miễn làm sao đạt kết quả là nạn nhân bị kích động, giận dữ hay buồn phiền, xấu hổ, đau buồn. Trẻ bắt nạt thường sáng chế nhiều từ ngữ lạ lùng, kỳ dị, hoặc phịa nhiều mẫu chuyện xấu xa, làm nhục trẻ nạn nhân cho bằng được, để mang lại cho chúng cảm giác thỏa mãn ý hướng vượt quyền thế. Trẻ nạn nhân thường chau mày, nhắm mắt, khoanh tay, bặm môi, cáu tiết, cúi mặt, bỏ chạy… hoặc bất kỳ tín hiệu nào khác cũng để lộ sự tổn thương hay giận dữ. Trẻ bắt nạt đạt được mục đích và lấy làm khoái khi nhận thấy những phản ứng của nạn nhân và sẽ tiếp tục hành vi ấy cho đến khi trẻ nạn nhân hoàn toàn suy sụp. 
   Đối phó với kiểu bắt nạt này, cha mẹ trẻ nạn nhân thường mắc sai lầm là không đồng cảm, không cùng thấm thía với những đắng cay, tủi nhục mà con em mình đang cố nuốt và cứ bảo con mình rằng “Lời nói không ăn nhằm gì cả; con vẫn đẹp trai (đẹp gái), hấp dẫn, ngoan giỏi, xứng đáng với sự tự hào của cha mẹ vân vân..” Nhưng ngày này sang ngày kia, trẻ vẫn không thấy gì khác lạ, hễ thò đầu ra thì bị chúng trêu là “Đồ ngu đần, xấu xí, vân vân…” Dần hồi trẻ nhận ra là lời trấn an của cha mẹ chỉ là lời rỗng tuếch. Trẻ bị nạn sẽ không tin ở cha mẹ nữa. Cha mẹ không còn có thể tiếp tục phủ nhận ảnh hưởng những lời bắt nạt kiểu như cách ngôn Anh “Gậy và đá có thể làm gãy xương ta, nhưng lời nói không bao giờ hại ta được” (Sticks and Stones may break my bones, but words will never harm me). Trong trường hợp này cha mẹ hoàn toàn sai lầm nếu chỉ vin vào đó mà bảo con em cứ phớt lờ cho xong. Chúng ta nên hiểu rằng xương gãy có thể lành, đau lòng thì khó chữa và tâm hồn bị tổn thương sẽ để lại khuyết tật tâm lý cả đời! Cha mẹ cần phải thay đổi cái nhìn và nên xem đây là vấn đề hệ trọng.
  Cụ thể cha mẹ cần xây dựng cho trẻ cảm giác tốt về bản thân của chúng, tinh thần tự trọng, lòng tự hào thật sự trong suốt quá trình phát triển của con em, và đặc biệt là phải thường khéo léo kiểm tra kết quả. Khi rủi ro đã có hiện tượng bắt nạt hay bị bắt nạt, thì nên sớm quan tâm sửa chữa bằng những hiểu biết về tâm lý trẻ em, chứ không nên làm càn theo phản ứng nhất thời nông nổi của mình. Nếu thấy cần, thì nên tham khảo ý kiến của cố vấn ở trường hay các bác sĩ, để giúp trẻ thoát khỏi những trục trặc tâm lý. Cha mẹ không nên coi thường hiện tượng bắt nạt hay bị bắt nạt trong bất kỳ hình thức nào nhất là khi trẻ bị cả đám cùng nhau bắt nạt.
2.       Cả nhóm trẻ đồng lứa cùng bắt nạt
Đây là kiểu bắt nạt làm tổn thương và để lại nhiều hệ quả tai hại lâu dài nhất. Mục tiêu chủ yếu kiểu bắt nạt này là loại trừ nạn nhân ra khỏi tập thể bằng cách ngồi lê đôi mách, đảo lộn thị phi ở những nơi như câu lạc bộ, bàn ăn ở trường ở đội thể thao vân vân. Khoảng tuổi 9 – 10 trở lên, con em bắt đầu xây dựng nhân cách và hình thành tinh thần tự trọng từ trong quan hệ với các bạn đồng lứa, hơn là ở gia đình. Lúc này cha mẹ nên tạo điều kiện cho chúng phát triển mặt này. Nếu chúng có cảm giác bị bạn bè xa lánh và cắt đứt quan hệ bạn bè thì lòng tự trọng vừa mới chớm nảy mầm của chúng cũng bị tàn úa dần, và cảm giác bất an tràn ngập tâm hồn. “Bạn bè”là nhu cầu phát triển và thử nghiệm những kỹ năng xã hội, và xác định vị trí cá nhân trong tập thể. Những lời đồn đại, thọc mạch dù có thật hay không, một khi tràn lan trong đám bạn sẽ gây tổn thương thật sâu sắc và lâu dài. Mặt khác, nỗi sợ hãi đã khiến bạn thân dù muốn bênh vực cũng không dám ra mặt, trẻ bị bắt nạt càng cảm thấy bất lực hơn, và niềm tin vào xã hội của trẻ con ở tuổi rất cần, nay lại bị phá hủy và thay vào đó bằng nỗi đau khổ của kẻ bị bỏ rơi, bị cô lập, bị xua đuổi, chèn ép và cảm giác thất vọng, cô đơn. Đây là điều thật nguy hiểm.
   Thực tế xã hội lúc nào cũng có những bậc thang và không ai muốn mình ở bậc thang dưới cùng. Trẻ em cũng vậy, chúng thường tìm cách ngoi lên. Trong trường hợp này, Trẻ có một trong hai cách. Thứ nhất bằng cách mà chúng có cảm giác an toàn hơn; đó là tự nguyện tiếp tay cho kẻ bắt nạt để được bắt nạt trẻ khác. Thứ hai, có khi trẻ cảm thấy cách ly và rút lui khỏi xã hội để mua lấy an toàn. Sự yếu kém kỹ năng xã hội, vô cùng trở ngại trong việc làm bạn… Cha mẹ, cần giúp cho trẻ nâng cao khả năng này.
   Để con em có cảm giác an toàn, cha mẹ nên tạo cơ hội cho con em xây dựng quan hệ xã hội tốt đẹp, kỹ năng xã hội lành mạnh, tính tự tin và tinh thần tự trọng trong độ tuổi có những nhu cầu này. Tình bạn là liều thuốc chữa những vết thương của sự bắt nạt và là vỏ bọc để ngăn ngừa nạn bắt nạt. Một khi đứa trẻ nhận ra là nó có thể kết bạn, nếu không ở trường thì ở những sinh hoạt khác, môi trường khác, nó có khả năng vượt qua được những tổn thương và tự tin rằng nó không phải là người thua cuộc hoàn toàn.
3.       Bắt nạt qua phương tiện kỹ thuật
   Các phương tiện khoa học truyền thông hiện đại đem lại cho đời sống xã hội những bước tiến vĩ đại về nhiều mặt và đồng thời cũng mang lại nhiều khó khăn trong quá trính giáo dục trẻ em. Thế giới trẻ em ngày nay có dẫy đầy cơ hội cho sự quấy nhiễu, bạo hành, bản năng mọc rễ, đâm chồi. Từ một kẻ nặc danh có thể từ nơi chân trời bí hiểm, hay ở một xó xỉnh nào đó trên địa cầu, hay biết đâu từ một người sát bên cạnh, trong không đầy một cái nháy mắt, trên cellular phone, trên trang email, trang mạng hay face book và lan tràn nhanh như điện, một tin nhắn hăm dọa, một lời đồn độc địa, một tấm ảnh, một câu trích từ nhật ký… có thể khiến người ta điên cuồng. Từ đó, trẻ có hai phản ứng; một là hoãng sợ; hai là trở thành kẻ bắt nạt, và sự bắt nạt leo thang trầm trọng. Kẻ bắt nạt nặc danh xua đi được nhiều nỗi lo sợ bị trả thù và có thể chai lì cả mặc cảm tội lỗi, cũng như sự đồng cảm. Kẻ bắt nạt loại này không phải chứng kiến những giọt nước mắt đau khổ của nạn nhân.
HẬU QUẢ TÀN HẠI LÂU DÀI VÀ CƠ HỘI RÈN LUYỆN.
1.       Hành vi bắt nạt để lại hậu quả tàn hại rất lâu dài
Hầu hết hệ quả của sự bắt nạt đều để lại những vết sẹo tâm lý, những ảnh hưởng tiêu cực đáng buồn kéo dài cả cuộc đời. Nghiên cứu của Shelly Hymel thuộc trường đại học University of British Columbia cho thấy 60 phần trăm trẻ em được xác nhận có thành tích bắt nạt từ lớp 6 đến lớp 9 có kỷ lục tội phạm vào khoảng năm lên 24 tuổi.
   Vào năm 2003 vì căm giận nung nấu khiến một người đàn ông Nhật 34 tuổi quyết tâm trả thù kẻ đã từng bắt nạt ông ở trường trung học gần hai mươi năm về trước. Ông tự học chế bom từ tài liệu trên mạng điện toán rồi đem bom đặt tại nhà đối phương. Chẳng may quả bom phát nổ sớm làm anh ta bị bỏng nặng, và sau đó anh ta lãnh án mười hai năm tù.
  Trẻ bị bắt nạt hầu hết mất niềm tin đối với bản thân, bạn bè và môi trường xã hội mà nó đang sinh hoạt, tinh thần sa sút ảnh hưởng đến cả thể chất và học hành thường sút kém, dang dỡ, bỏ lớp, bỏ trường. Trẻ có thể không chịu nổi sự đau khổ và tuyệt vọng hoặc nghiêm trọng hơn là trở nên bi quan, chán đời dẫn đến tự tử. Hoặc có đứa đột nhiên trở mình và thành kẻ gây hấn khi họ chớp được bài học của kẻ bắt nạt là làm như thế nhất thời đạt cảm giác có quyền lực. Trong 37 trường hợp nổ súng tấn công ở các trường học ở Hoa Kỳ mới đây người ta tìm thấy và tin rằng có đến hơn hai phần ba trong số đó đã từng bị ăn hiếp. Và cụ thể, như bình dân đã biết, bài viết này bắt đầu từ một đứa trẻ trở thành tội phạm trong hoàn cảnh này. Đó chính là Nikolas Cruz và 17 sinh mạng ở trường Trung học Marjory Stonemand Duoglas, Florida.
   Trẻ bắt nạt qua thời gian, sẽ khô cạn tình thương, sẽ lạnh lùng hơn, mất dần tính đồng cảm trước những đau khổ của trẻ khác, và xem sự yếu kém của đối phương là cơ hội để đạt được những cảm giác có quyền lực hơn về mình. Như thế, có hại cho nhân cách của trẻ bây giờ, và còn đem lại nguy cơ khó lường cho sự an bình của xã hội.
    Kinh nghiệm cho thấy, người phản bội lương tâm để a tòng với những kẻ bắt nạt, thường ray rứt cả đời với mặc cảm tội lỗi, nhất là khi biết được chính vì họ mà nạn nhân điêu đứng không ngóc đầu dậy nổi, hay đã chết vì đau khổ! Nhất là khi không có dịp trực tiếp xin lỗi nạn nhân, họ có thể mang ân hận xót xa tệ hơn thế. Điều mà nhờ đó may ra có thể giúp nạn nhân có hy vọng phục hồi vết thương lòng trong nhiều năm sau đó!
2.       Ngược lại, bị bắt nạt có khi trở thành cơ hội rèn luyện và vươn lên
Đường đời lúc nào cũng là cơ hội; một phần khá hiếm hoi, người bị bắt nạt có khi trở thành đòn bẫy cho những khả năng tiềm ẩn của cá nhân phát triển tối đa. Để trả thù, nạn nhân quyết tâm cải thiện chính mình, cố học tập, rèn luyện, bù lại những thiếu sót, phát triển lòng tự trọng kiên quyết vượt thử thách để tự vươn lên qua mặt kẻ bắt nạt và nhờ đó mà đạt những thành tựu phi thường, hoặc bằng cách tự âm thầm sửa chữa những nhược điểm của mình để vượt trội kẻ bắt nạt một cách bất ngờ. Chẳng hạn, những phụ nữ lớn lên thường cố giải phẩu thẩm mỹ sửa lại những khuyết tật mà lúc nhỏ đã từng là mục tiêu của sự bắt nạt hay những đàn ông trở thành người rèn luyện cơ bắp để bù lại sự yếu kém đã từng là mục tiêu bắt nạt. Thời thơ ấu thường khi để lại những dấu ấn lệch lạc, thiếu sót mà cả đời người ta phải cố gắng bù đắp lại.
   Trẻ thường bị bắt nạt nếu được giúp đỡ vượt qua những trở ngại tâm lý, chúng sẽ trở nên người có tinh thần tương thân tương ái, cảm nhận hoàn cảnh khốn khó của người khác và có thêm tự tin. Cũng có khi do trải qua sự bắt nạt trẻ đã trui rèn được tinh thần chịu đựng, tinh thần tự chủ và ý chí vươn lên, để rồi những thứ ấy giúp nó thành công trong cuộc đời và trở thành người lãnh đạo có tài. Nhưng để đến đó, chúng phải vượt xa những khủng hoảng tâm lý, để phát triển tình yêu và qúi trọng chính bản thân, cũng như tinh thần tự tin thật vững chắc hơn nữa.
   Cần phải nói đến sai lầm của cha mẹ. Thói thường không có cha mẹ nào muốn thấy con em mình chịu đau khổ, hễ khi nghe thấy con em bị bắt nạt thì la hoảng, gào lên, tức giận, lôi kéo con em ra khỏi trường hay hăm dọa kiện cáo nhà trường. Đây lại là một sai lầm nghiêm trọng vì cha mẹ đã đẩy con em mình vào tình thế khó xử. Đây là cách đỡ tốn thì giờ, và để thỏa mãn sự tức giận chứ không giúp được gì cho đứa trẻ; chẳng những nó không nhận được bài học nào mà còn mất đi cơ hội để vươn lên. Muốn giúp trẻ thì trước hết cha mẹ cần phải chỉnh đốn thái độ của mình. Lòng tự tin và giá trị bản thân, không chỉ là sự thắng cuộc, mà còn làm cho trẻ có niềm hãnh diện về chính mình. Đó mới chính là vỏ bọc thật sự.
    Ngoại trừ trường hợp nghiêm trọng, mục tiêu vẫn là cho đứa trẻ nắm giải pháp chế ngự tình huống. Dĩ nhiên cha mẹ hay người có trách nhiệm nên quan tâm giúp đỡ đúng mức nhưng không phải là toàn quyền quyết định và bỏ đứa trẻ ra ngoài giải pháp ấy mà phải cho trẻ có cảm giác là nó đã đóng góp tích cực giải để quyết vấn đề. Bí mật phát triển lòng tự trọng không phải là cho trẻ cả lô lời khen, mà là giúp cho nó có óc tháo vát, có khả năng tìm cách tự ngoi lên từ bậc thang dưới cùng; lúc suy sụp thì vận dụng được khả năng của nó để thoát ra; tự đứng lên cho chính mình khi bị ăn hiếp; khắc phục sự mê lầm, đủ mạnh dạn; đủ trí khôn để tự khắc phục những hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta có thể giúp cho con em học được kỹ năng cần thiết để ngăn chận những hành vi bắt nạt thì chúng sẽ gặt hái được lòng tự tin gắn liền với chúng cả đời. Chúng sẽ có cảm giác từ thua thiệt trở thành đắc thắng; chính với bản thân và cảm nhận được sức mạnh thật sự có thể đẩy chúng lên đến tột đỉnh.
   Tóm lại, đồng ý rằng bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng, nhưng đừng quên rằng bên cạnh đó còn có khía cạnh tích cực của nó. Khi con em mình trở thành nạn nhân, la ó, kêu gào chỉ mang lại thêm khó khăn. Tốt hơn hết hãy xem đó là một thử thách chứa đựng những phần thưởng không ngờ. Những ai nhân cơ hội này mà dạy cho trẻ khả năng mau chóng phục hồi, tức là đã trao cho nó chiếc chìa khóa mở cửa một kho tàng có sẵn ở bản thân nó. Thắng lợi lớn nhất sẽ thuộc về những ai chiến đấu với chính mình để vượt qua được những đau khổ và thử thách căm go. 
  Qua thảm kịch ở trường trung học Marjory Stoneman Douglas, người ta chỉ để ý đến 17 nhân mạng, đến phạm nhân Nikoloas Cruz 19 tuổi, đến cây súng, và cơ hội chính trị mà quên hẳn một nạn nhân khác đó là một thiếu niên, một đứa trẻ học sinh Nikolas Cruz mấy năm dằn vặt trong nhiều thứ đau khổ, trục trặc tâm lý trước khi trở thành tội phạm.
   Không biết từ nay có còn Cruz nào nữa, hay những thảm kịch như thế này nữa không? Nhưng điều mà ta biết chắc chắn là giáo dục đang gặp vô vàn khó khăn khách quan vì không những phải đối phó với mặt trái của kỹ thuật thông tin hiện đại và sự khai thác tình tò mò, hiếu động của trẻ em qua những trò chơi điện tử đầy hành vi máu lạnh; mà còn rất cần cấp thiết cải tiến triệt để, không phải là phương tiện, trường lớp mà hơn bao giờ hết là quan tâm đầy đủ hơn, đặc biệt hơn về mặt tâm lý của từng học sinh. 
Vĩnh Tường


https://www.realclearpolitics.com/video/2018/02/21/fl_school_shooting_ssurvivor_challenges_marco_rubio_not_to_accept_donations_from_the_nra.html

https://www.realclearpolitics.com/video/2018/02/21/fl_school_shooting_ssurvivor_challenges_marco_rubio_not_to_accept_donations_from_the_nra.html

https://www.cnn.com/2018/03/25/us/emma-gonzalez-what-you-need-to-know-trnd/index.html


No comments